Giả thuyết về nguyên nhân gây nổ xe Honda ở Bắc Ninh

08/12/2011 14:30
Theo T.Đ.L/VNE
Nguyên nhân gây nổ xe có thể bắt nguồn từ một sự cố bó kẹt nào đó trong motor khởi động hay động cơ, cộng với các điều kiện thích hợp khác.

Vụ nổ xe Honda ở Bắc Ninh ngày 1/12 vừa qua, làm thiệt mạng một phụ nữ đang mang thai và gây thương tích nghiêm trọng cho một bé gái bốn tuổi, đã và đang gây hoang mang mọi tầng lớp về nguy cơ cháy nổ đối với các phương tiện giao thông nói chung và xe Honda nói riêng. Đã có nhiều ý kiến và giả thuyết về nguyên nhân gây ra vụ nổ, tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn chưa được xác định.

Hình ảnh chiếc xe máy phát nổ bị và bị cháy ở Bắc Ninh được độc giả ghi lại.
Hình ảnh chiếc xe máy phát nổ bị và bị cháy ở Bắc Ninh được độc giả ghi lại.

Dựa trên những thông tin đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện đại chúng, tôi lạm bàn về một giả thuyết là nguyên nhân vụ nổ xe Honda này như sau:

Bắt nguồn từ hệ thống khởi động của xe bị sự cố hoặc động cơ bị bó kẹt không thể quay khởi động được, khiến cho rotor của motor khởi động (máy đề) bị kẹt và không quay được, hoặc quay rất chậm. Tuy nhiên, việc khởi động liên tục đã làm ắc-qui bị làm việc trong điều kiện ngắn mạch trong thời gian dài. Cường độ dòng điện ngắn mạch khiến nhiệt độ bên trong ắc-qui tăng cao, làm nước của dung dịch điện phân bốc hơi. Quá trình này diễn ra mãnh liệt khiến áp suất bên trong ắc-qui tăng vọt và gây hiện tượng phát nổ ắc-qui, nhưng vụ nổ này chưa phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại chính.

Quá trình ắc-qui phát nhiệt làm nóng khu vực xung quanh và cả bình xăng bên trên, làm xăng trong bình bay hơi và hình thành một lượng hơi xăng đáng kể trong bình chứa. Sức công phá của vụ nổ ắc-qui làm vỡ bình xăng, giải phóng hơi xăng bay ra hòa trộn với không khí xung quanh tạo thành một vùng không gian hỗn hợp cháy nổ được xung quanh xe. Ngọn lửa từ dây đề bị cháy bên trong (do hiện tượng ngắn mạch) là mồi lửa khiến cho khối hỗn hợp xăng - không khí này bùng cháy. Với tỉ lệ xăng - không khí thích hợp, tốc độ cháy của hỗn hợp đủ nhanh để gây ra hiện tượng nổ phá hủy mọi thứ, hất tung hai mẹ con ra xa, xé nát quần áo, gây chấn thương nghiêm trọng, làm hư hỏng tường rào xung quanh. Lượng xăng còn dư trong bình gây cháy phần còn lại của xe.

Hiện tượng nổ bởi hỗn hợp xăng - không khí trong điều kiện áp suất môi trường và không gian mở này tương tự như nguyên lý làm việc của loại bom nhiên liệu - không khí (fuel-air bomb) sử dụng trong quân đội.

Giả thuyết này chỉ đúng nếu đồng thời xảy ra các điều kiện sau:

Ø Rotor máy đề hay động cơ bị bó kẹt.

Ø Quá trình khởi động xe diễn ra liên tục trong thời gian dài (vì chưa khởi động được nên cố gắng khởi động lặp lại).

Ø Lượng xăng trong bình ít, tạo không gian đủ để chứa một lượng lớn hơi xăng khi nhiệt độ bình xăng tăng cao.

Ø Tỉ lệ xăng - không khí thích hợp làm tốc độ cháy diễn ra đủ nhanh, gây ra hiện tượng nổ.

Việc kiểm tra tình trạng hệ thống khởi động và động cơ của xe bị tai nạn, hoặc tiến hành thực nghiệm sẽ chứng minh được giả thuyết này đúng hay sai.

Lý giải:

A. Thông tin căn cứ:

1. Vụ nổ không do nguyên nhân thuốc nổ.

2. Vụ nổ bắt nguồn từ vị trí bình ắc-qui tiếp giáp với bình xăng.

3. Vụ nổ xảy ra khi người mẹ khởi động xe (nhưng chưa xác định được thời gian khởi động, đây là nguyên nhân mà lý giải này vẫn chỉ là một giả thuyết).

4. Sức công phá của vụ nổ và tiếng nổ rất lớn.

5. Ắc-qui và bình xăng bị phá hủy hoàn toàn.

6. Bốc cháy sau vụ nổ, cả hai mẹ con đều cháy như hai bó đuốc sống.

B. Những luận giải nguyên nhân:

Theo cơ quan điều tra, thuốc nổ không phải là nguyên nhân gây ra vụ nổ xe Honda. Do đó, chỉ có xăng trên xe là nguồn năng lượng có thể gây nổ với thiệt hại lớn như vậy.

Xăng chỉ có thể gây cháy nổ nếu hình thành được hỗn hợp xăng - không khí có tỉ lệ thích hợp. Việc hỗn hợp này phát nổ trực tiếp trong bình xăng là không thể xảy ra, vì không có mồi lửa và thể tích bình xăng không thể tạo ra lượng hỗn hợp có sức công phát lớn như vậy. Như vậy, chỉ có thể một lượng hơi xăng đáng kể đã hòa trộn với không khí xung quanh xe tạo thành hỗn hợp nổ (xăng - không khí). Nhưng để có được lượng lớn hơi xăng trong thời gian ngắn, nhiệt độ xăng trong bình phải tăng cao hay áp suất bình xăng phải giảm nhanh. Nguyên nhân thứ hai không thể xảy ra trong điều kiện tự nhiên, vì vậy, xăng bay hơi đột ngột sẽ bắt nguồn từ một nguồn nhiệt bên ngoài. Ngoài ra, phải có nguồn lửa để gây cháy hỗn hợp xăng - không khí. Khi động cơ chưa làm việc, trên xe chỉ có một nguồn năng lượng duy nhất để có thể sinh nhiệt và tạo ra ngọn lửa chính là ắc-qui. Vậy, ắc-qui là đầu mối của vụ nổ.

Ắc-qui gây nổ có 2 trường hợp:

(1) nổ do nồng độ khí hi-đrô sinh ra trong quá trình sạc đủ lớn để kết hợp với ôxi trong không khí và gây nổ;

(2) nổ do cường độ dòng điện phóng lớn gây phát nhiệt (theo định luật Ohm) làm sôi nước của dung dịch điện phân, áp suất hơi nước gây nổ ắc-qui. Rõ ràng, động cơ chưa làm việc thì ắc-qui chưa được sạc điện.

Vậy, ắc-qui chỉ có thể nổ bởi nguyên nhân thứ hai. Ngoài ra, nhiệt tỏa ra khi ắc-qui bị ngắn mạch sẽ là nguồn nhiệt làm xăng bay hơi dữ dội trong bình chứa, và dây điện bị cháy do dòng điện ngắn mạch sẽ là mồi lửa đốt hỗn hợp xăng - không khí. Xe bị nổ sau khi mở công tắc và nhấn khởi động, vậy ắc-qui bị ngắn mạch bởi quá trình sử dụng hệ thống điện trên xe.

Các hệ thống khác (sạc, đèn, còi) bị ngắn mạch (chập điện) thì đã có cầu chì bảo vệ. Hơn nữa, dây điện sử dụng cho các hệ thống này tương đối nhỏ, cường độ dòng điện lớn (nhưng chưa đủ để đứt cầu chì) chỉ có thể gây bốc khói và cháy dây (mức độ nhẹ), không đủ lớn để gây nổ ắc-qui, chỉ có thể gây cháy xe chứ không thể gây nổ. Trong khi đó, dây điện từ ắc-qui đến máy đề không có cầu chì bảo vệ (vì dòng điện khởi động rất lớn, vài chục đến cả trăm ampe). Do vậy, nguyên nhân ắc-qui nổ chỉ có thể đến từ sự cố ngắn mạch ắc-qui trong quá trình khởi động do trục trặc ở hệ thống khởi động hay động cơ bị bó kẹt.

Motor khởi động (máy đề) là phần tử tiêu thụ điện chính hệ thống khởi động. Nguyên tắc chung của tất cả các motor là nếu rotor càng quay chậm thì cường độ dòng điện chạy trong mạch điện sẽ càng tăng, cường độ dòng điện này lớn nhất khi rotor đứng yên (lý do vì sao các motor luôn bị cháy khi rotor bị bó kẹt). Do motor khởi động được thiết kế đặc biệt phù hợp với điều kiện khởi động của xe, cho phép chịu dòng ngắn mạch lặp lại trong thời gian dài, vì vậy, có thể xảy ra hiện tượng dòng ngắn mạch gây nổ ắc-qui nhưng chưa làm cháy motor này.

Hỗn hợp xăng - không khí trong thùng khi bị nổ sẽ gây ra áp suất lớn và phá nát thùng xăng (thùng xăng xòe như bông hoa, nắp xăng bay mất).

Từ những luận giải trên, vụ nổ xe Honda có thể bắt nguồn từ một sự cố bó kẹt nào đó trong motor khởi động hay động cơ, cộng với các điều kiện thích hợp như đã giả thiết ở phần trước.

Giả thuyết về nguyên nhân vụ nổ xe Honda này chỉ giúp mọi người hiểu rõ và phòng tránh các sự cố tương tự. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình chị Quỳnh, cầu chúc hai mẹ con chị an nghỉ, chúc cho bé Vân mau chóng bình phục và lớn khôn.

Theo T.Đ.L/VNE