Giáo dục đổi mới chương trình cũng cần đổi mới cách chọn lãnh đạo quản lý

10/12/2019 06:17
Phan Tuyết
(GDVN) - Ngành giáo dục phải có cuộc “thay máu” để loại bỏ kiểu lên chức nhờ con ông cháu cha, nhờ các mối quan hệ và nhờ biết tận dụng bí quyết “đầu tiên”...

Chưa bao giờ nhân dân cả nước lại kỳ vọng vào sự đổi mới chương trình của ngành giáo dục như hiện nay. Lần đầu tiên trong lịch sử của ngành một chương trình lại có nhiều bộ sách giáo khoa đến vậy.

Các ứng viên tham dự kỳ thi tuyển Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Nguyễn Huệ (Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: TT
Các ứng viên tham dự kỳ thi tuyển Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Nguyễn Huệ (Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: TT

Các trường học ở nhiều địa phương có cơ hội chọn lựa được những bộ sách tốt nhất phù hợp với học sinh của mình. Điều này sẽ tạo nên nhiều đột phá mới trong chất lượng dạy và học.

Bên cạnh những đổi mới căn bản ấy thì vẫn còn khá nhiều băn khoăn, thắc mắc khi một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý của ngành giáo dục ở nhiều địa phương hiện nay năng lực yếu, phẩm chất đạo đức hạn chế và đây chính là vật cản lớn nhất cho công cuộc đổi mới chất lượng giáo dục của ngành.

Đã đến lúc, ngành giáo dục phải có cuộc “thay máu” để loại bỏ kiểu lên chức nhờ con ông cháu cha, nhờ các mối quan hệ và nhờ biết tận dụng bí quyết “đầu tiên” thành công của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý hiện nay.

Thiếu năng lực nhưng có nhiều cái khác làm thế mạnh

Giáo dục đổi mới chương trình cũng cần đổi mới cách chọn lãnh đạo quản lý ảnh 2
Đà Nẵng chọn lãnh đạo chuyên môn, muốn làm quan phải thi tuyển

Phần lớn cán bộ quản lý ở các trường học hiện nay đều được bổ nhiệm sau khi được nhà trường đưa vào danh sách “cán bộ nguồn”.

Để lọt vào danh sách này, giáo viên phải hội tụ đủ các yếu tố như là giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên, đủ tuổi trong quy hoạch (từng địa phương có đưa ra quy định riêng như nữ tối đa 40, sau lên 45 và nam sau 50)…

Khi cấp trên bổ nhiệm sẽ chọn những ứng viên của các trường giới thiệu. Tuy thế, người đủ tố chất hơn nhưng không biết ngoại giao thì cũng mãi chỉ nằm trong dự nguồn hết lần này đến lần khác.

Thế nhưng vẫn có khá nhiều trường hợp ngoại lệ như muốn bổ nhiệm ai (chưa có tên trong danh sách nguồn) thì cấp phòng trực tiếp về tận trường đó lấy ý kiến giáo viên rồi ra quyết định bổ nhiệm.

Những cán bộ được bổ nhiệm kiểu này cũng chẳng cần đủ những tiêu chuẩn như phải đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên, được sự tín nhiệm của tập thể…điều quan trọng là họ đang được sự “tín nhiệm” của vị đại diện cao nhất.

Nói là theo quy trình bổ nhiệm và thông qua các cuộc họp liên tịch, cuộc họp chi ủy…để lấy ý kiến tập thể. Nhưng quyền hành lúc đó thực sự chỉ nằm trong tay một vị trưởng phòng.

Người này muốn đề bạt ai thì có muôn vàn lý do…muốn đánh trượt ai (dù người đó có được cả tập thể tín nhiệm về năng lực và đạo đức) cũng có muôn vàn lý do để cản lại.

Vì thế, nhiều giáo viên đã từng thốt lên đầy ngạc nhiên về những cán bộ quản lý thiếu tài, ít đức: “Không hiểu sao cái ông ấy, cái bà kia mà cũng lên làm lãnh đạo được?”.

Vì kiểu bổ nhiệm chuyên quyền này mà có hiệu phó phụ trách chuyên môn của cả một trường năng lực chưa bằng một số giáo viên.

Có hiệu trưởng năng lực vừa yếu, đạo đức nghề nghiệp cũng có vấn đề nhưng vẫn đường hoàng chỉ đạo này kia và đứng trên bục rao giảng đạo đức cho nhiều người.

Vì năng lực chuyên môn yếu, vì đạo đức có vấn đề nên những người này chẳng bao giờ dám đổi mới trong dạy học, chẳng dám đấu tranh vì sợ người khác bắt thóp của mình. Họ luôn tôn thờ kiểu sống:“Ai sao mình vậy, ai làm gì mình làm theo”.

Giáo dục đổi mới chương trình cũng cần đổi mới cách chọn lãnh đạo quản lý ảnh 3
Tự tin là dám thi tuyển Hiệu phó, Hiệu trưởng

Thế mà hóa hay, những lãnh đạo như thế lại luôn được lòng cấp trên vì biết phục tùng. Còn ngược lại một số cán bộ quản lý dám làm, dám chịu lại luôn là cái gai trong mắt cấp trên.

Giáo viên là người biết rõ nhất lãnh đạo của mình là ai? Năng lực ở mức nào? Nên dễ xảy ra chuyện bất tuân và không phục.

Giáo dục đổi mới chương trình cũng cần đổi mới cách chọn lãnh đạo quản lý?

Áp dụng chương trình mới, giáo dục cần có một diện mạo mới mà người thay đổi nó không ai khác chính là cán bộ quản lý các trường.

Nhưng gặp cán bộ yếu, năng lực không có thì dù chương trình có tốt đến đâu hiệu quả cũng có phần hạn chế.

Người lãnh đạo bây giờ phải năng động, sáng tạo, phải luôn học hỏi và dám làm không phải kiểu rụt rè làm sợ sai nên chỉ núp bóng trong vòng an toàn cho chắc.

Muốn có được đội ngũ cán bộ quản lý như thế không thể duy trì tồn tại kiểu dự nguồn, bổ nhiệm theo quy trình.

Cần tổ chức thi tuyển quản lý công khai để giáo viên tranh tài và người đỗ chính là người xứng đáng nhất.

Có thế mới thay đổi giáo dục ngày một tốt đẹp hơn như bao người đang kỳ vọng.

Phan Tuyết