Học giả Mỹ: Năm 2015 Trung Quốc có tiếp tục "nắn gân láng giềng trên bộ"?

04/01/2015 10:21
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông đặt câu hỏi, liệu năm 2015 Trung Quốc có tiếp tục "nắn gân láng giềng" trên bộ hay không sau một cú nắn gân năm 2013 ở Hoa Đông và Biển Đông năm 2014.
 
Lính Trung Quốc, hình minh họa.
Lính Trung Quốc, hình minh họa.

Austin Bay, một tác gia và là nhà bình luận thời sự quốc tế Mỹ thường xuyên là khách mời trên Fox News, CNN, MSNBC và ABC News ngày 2/1 bình luận trên trang Creators và ông đặt câu hỏi, liệu năm 2015 Trung Quốc có tiếp tục "nắn gân láng giềng" trên bộ hay không sau một cú nắn gân năm 2013 ở Hoa Đông và Biển Đông năm 2014.

Vì lợi ích của hòa bình thế giới, chúng ta hãy hy vọng là không. Tuy nhiên lực đẩy và các hành động nắn gân kỷ lục của Trung Quốc, đặc biệt là trong 2 năm qua dễ khiến các nhà ngoại giao lo lắng, còn các nhà bình luận thì đưa ra những cảnh báo. Trong năm 2013 Trung Quốc đã thử phản ứng chính trị và quân sự của Nhật Bản, Hàn Quốc bằng cách bất ngờ đơn phương tuyên bố áp đặt cái gọi là vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông. Căng thẳng tăng vọt sau khi Tokyo và Seoul đe dọa trả đũa.

Năm 2014 Bắc Kinh thò tay xuống Biển Đông với giàn khoan 981 và hạm đội tàu hộ tống đông đảo vào cái ông Austin Bay cho là "vùng biển tranh chấp" ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Nhưng thực tế vị trí giàn khoan 981 hạ đặt lại nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và không có bất cứ tranh chấp nào - PV. Động thái này được Austin Bay cho là Bắc Kinh muốn "khiêu khích triệt để" với Việt Nam. Nó cũng dấy lên những lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á, kể cả Philippines, Singapore và Indonesia.

Mưu đồ ADIZ của Trung Quốc ở Hoa Đông năm 2013 đã có hậu quả ngay lập tức và ý nghĩa chiến lược. Máy bay bất kỳ quốc gia nào khi đi vào khu vực này phải được Bắc Kinh cho phép, nếu không báo cáo nó có thể bị đánh chặn và tiêu diệt. Đằng sau động thái này là một hậu quả trực tiếp, trong đó Nhật Bản là mục tiêu chiến lược của ADIZ Trung Quốc, bao gồm cả không phận quần đảo Senkaku Nhật Bản đang kiểm soát.

Trong hai thập kỷ gần đây Trung Nam Hải ngày càng nhấn mạnh chủ đề chiến tranh và lịch sử, liên tục khơi dậy tâm lý chống Nhật. Sau khi Trung Quốc áp đặt ADIZ, Mỹ đã điều 2 chiếc B52 bay qua khu vực này trên đường từ Guam đến Hàn Quốc để hỗ trợ 2 đồng minh Tokyo và Seoul. Nhật Bản cũng lệnh cho các máy bay của mình bỏ qua "quy tắc" của Trung Quốc. Tuy nhiên các radar phòng không và tên lửa đánh chặn của Trung Quốc dường như không có phản ứng nào.

Sang năm 2014 Trung Quốc kéo giàn khoan 981 và hạm đội tàu hộ tống hạ đặt trái phép (xâm phạm) vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Bắc Kinh đã bất chấp mọi phản đối dữ dội của người Việt, tàu tuần tra Trung Quốc đã liều lĩnh đâm va, phụt vòi rồng vào lực lượng chức năng và tàu cá Việt Nam. Trung Quốc rút giàn khoan sau đó, tình trạng lộn xộn được hạn chế. Đó là lý do tại sao hành động của Trung Quốc được xem như nhằm mục đích nắn gân láng giềng.

Austin Bay lưu ý rằng, năm 1979 Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng rất tàn bạo xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 năm qua trên Biển Đông không chỉ là một cuộc đối đầu trên lĩnh vực dầu mỏ, mà nó còn thể hiện nguy cơ va chạm nguy hiểm về mối quan tâm và ý chí giữa Trung Quốc và Việt Nam. Mục tiêu của Bắc Kinh là bành trướng ra Biển Đông với đường lưỡi bò. Trung Quốc đã triển khai quân đội và đang xây dựng (bất hợp pháp) trên một số bãi đá ở Trường Sa và các đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) mà họ đánh chiếm những năm 1974, 1988.

Hồng Thủy