Học giả Trung Quốc nói vũ khí Việt Nam "năm cha ba mẹ" khó kết hợp?!

03/02/2015 13:29
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngô Hồng Phác bình luận, lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy trong quan hệ giữa các quốc gia, không có kể thù vĩnh viễn, cũng không có bạn bè mãi mãi.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng tiếp Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ Martin Dempsey thăm chính thức Việt Nam, chuyến thăm đã tốn không ít giấy mực của truyền thông nhà nước Trung Quốc. Ảnh: Tuoitrenews.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng tiếp Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ Martin Dempsey thăm chính thức Việt Nam, chuyến thăm đã tốn không ít giấy mực của truyền thông nhà nước Trung Quốc. Ảnh: Tuoitrenews.

Tờ Nhật báo Công nghệ, China News, Thời báo Hoàn Cầu ngày 3/1 đăng bài phân tích của Ngô Hồng Phác từ học viện Trang bị quân đội Trung Quốc bình luận rằng, Việt Nam mua sắm vũ khí Nga - Mỹ để đối phó Trung Quốc, nhưng rất khó có thể kết hợp 2 hệ thống vũ khí này.

Ngô Hồng Phác nhắc lại chuyện khi đến chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tân Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius cho biết, Mỹ ủng hộ quan điểm và lập trường của Việt Nam trong vấn đề an ninh hàng hải. Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực thúc đẩy bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Cũng theo ông Phác, trong thời gian gần đây liên tục xuất hiện thông tin Quân đội Việt Nam mua sắm vũ khí trang bị mới: 12 chiếc chiến đấu cơ Su-30MK2 của Nga, chiếc tàu ngầm Kilo 636MV thứ 3 Nga đóng cho Việt Nam đã hạ thủy, chuẩn bị mua máy bay không người lái Heron của Israel...

Tài khoản Facebook của Quân đội Việt Nam (?!) gần đây cũng công bố hình ảnh các chiến sĩ đang thử nghiệm loại súng tự động CZ805 do Cộng hòa Séc chế tạo. Truyền thông nước ngoài thì cho biết trong 3 năm qua Việt Nam đã nhiều lần bí mật mua sắm vũ khí trang bị từ 2 nhà cung cấp hàng đầu là Nga và Mỹ.

Ngô Hồng Phác: Vũ khí "năm cha ba mẹ" khó kết hợp chống Bắc Kinh

Ngô Hồng Phác cho rằng, kể từ năm 2007 trở lại đây Việt Nam đã ký nhiều hiệp định hợp tác quốc phòng với các nước như Nga, Úc, Brazil, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009 cho biết, thông qua mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước phát triển để thúc đẩy tăng trưởng năng lực công nghiệp quốc phòng của mình, tiến tới mục tiêu tự sản xuất các vũ khí trang bị cần thiết cho quân đội.

Tháng 12/2009, Việt Nam và Nga ký hợp đồng mua sắm tàu ngầm Kilo trị giá 2,1 tỉ USD. Theo hợp đồng này, Nga bán cho Việt Nam 6 chiếc 636MV, đến năm 2016 hoàn thành việc bàn giao.

Tuần san Quốc phòng Jane của Anh ngày 18/9/2010 từng đưa tin, Việt Nam đã ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng với Đức, Indonesia, Ba Lan và Anh chỉ trong tháng 9/2010 để thúc đẩy năng lực quốc phòng trong nước phát triển nhanh chóng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh

Hiện tại Việt Nam đã mua của Nga 2 tổ hợp tên lửa đất đối hạm K300P, 2 tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-1, 20 chiếc chiến đấu cơ Su-30MK2, 2 tàu hộ vệ lớp Gepard, 6 tàu tuần tra lớp Firefly cùng tên lửa chống hạm các loại của Nga. Đáng chú ý theo ông Phác, Nga còn có 3 chiếc Su-30MK2 Nga đã bàn giao cho Việt Nam. Những chiến đấu cơ này có thể giúp người Việt chiếm thế thượng phong trên không và có khả năng sử dụng các loại vũ khí chính xác tấn công muc tiêu.

Trong khi đó Hoa Kỳ đã sửa đổi điều lệ giao dịch vũ khí quốc tế, quan sát tình hình thấy cần phải bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, do đó Washington từng bước thực hiện việc nới lỏng lệnh cấm vận. Tuy nhiên thái độ của người Mỹ chỉ thực sự thay đổi vào tháng 6/2012 lúc Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đề nghị Mỹ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Nếu lệnh cấm này được bãi bỏ hoàn toàn, Việt Nam hoàn toàn có thể mua tên lửa phòng không, ra đa ven biển và máy bay tuần tra trên biển do Mỹ chế tạo.

Việt Nam đã từng chọn cách dựa vào sức mình, tự lực cánh sinh để hiện đại hóa quân đội, nhưng do nền công nghiệp quốc phòng còn yếu nên vũ khí trang bị buộc phải lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Năm 2012 chiếc chiến hạm do Việt Nam chế tạo lần đầu tiên được đưa vào biên chế. Chiếc tàu này dài 54 m, bán kính hoạt động 2500 hải lý, chạy động cơ diesel, tốc độ 32 hải lý/giờ, được trang bị pháo 76,2 ly và súng máy 30 ly. Chiếc tàu này được chuyên gia Nga hỗ trợ chế tạo và hoàn thành sau 2 năm.

Tuy nhiên vũ khí trang bị lệ thuộc vào nhập khẩu khiến Quân đội Việt Nam rất khó có thể xây dựng được hệ thống tác chiến. Mặc dù Việt Nam nhập khẩu vũ khí khá tiên tiến của Nga, Séc, Ba Lan nhưng vì trình độ công nghệ không đồng đều nhau nên năng lực đối kháng tổng thể còn thấp, hệ thống phòng ngự có nhiều sơ hở, học giả Trung Quốc bình luận.

Ngoài ra việc duy tu bảo dưỡng hệ thống vũ khí này cũng là bài toàn khó, chưa kể các thiết bị đi kèm, đào tạo nhân viên, vũ khí phối hợp cũng ngốn một khoản tiền không nhỏ. Ngô Hồng Phác cho rằng để có thể sử dụng thành thục tàu ngầm Kilo 636MV, người Việt cần ít nhất 10 năm nữa.

Bố trí phòng thủ của Việt Nam "trọng hải khinh lục", hợp tác quân sự Mỹ - Việt gia tăng nhanh chóng

Ông Phác cho rằng kể từ Sách trắng Quốc phòng năm 2007, Việt Nam xác định: "Bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" là nhiệm vụ chiến lược cơ bản lâu dài, tích cực thực hiện chiến lược hải quân, tăng cường xây dựng phòng thủ chiến lược trên hướng Biển Đông.

Quân đội Nhân dân Việt Nam chắc tay súng bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc. Ảnh: VOA.
Quân đội Nhân dân Việt Nam chắc tay súng bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc. Ảnh: VOA.

Trên thực tế, từ điều chỉnh biên chế cho đến mua sắm vũ khí, từ kế hoạch tác chiến cho đến diễn tập và hợp tác quân sự với nước ngoài, Quân đội Việt Nam đều đặc biệt xem trọng vai trò của lực lượng Hải quân. Trong quá trình hiện đại hóa vũ khí trang bị của Quân đội Việt Nam, Ngô Hồng Phác cho rằng "trọng hải khinh lục", tức coi trọng Hải - Không quân hơn Lục quân là một xu thế đặc biệt rõ nét.

Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai hợp tác quân sự với Nga, Israel, Ấn Độ. Ngoài việc thường xuyên diễn tập, huấn luyện cho lực lượng tàu ngầm Kilo và tàu hộ vệ..., Việt Nam còn rất chú trọng việc nhập khẩu và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực tự chủ trong nghiên cứu chế tạo vũ khí khí tài. Ngày 3/7/2013, lữ đoàn 954 Không quân được biên chế sang quân chủng Hải quân, binh chủng Không quân trong Hải quân Việt Nam chính thức thành lập, Ngô Hồng Phác lưu ý.

Trong năm qua Mỹ nhiều lần phái các quan chức cấp cao "bí mật" thăm Việt Nam, bao gồm Phó Quốc vụ khanh, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân cùng quan chức cấp cao các tập đoàn sản xuất vũ khí trang bị...tổng cộng 20 lượt. Ông Phác cho rằng quân đội Mỹ còn hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam cả về tài chính lẫn quân sự. 

Ngày 18/7/2014 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, hai bên đã thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phía Việt Nam đề nghị Mỹ sớm bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Tháng 8 năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trương Quang Khánh tiếp Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Corker, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Thượng nghị sĩ John McCain và Sheldon Whitehouse. Các quan chức Hoa Kỳ đều cam kết xúc tiến bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Điều này lại được Washington nhắc lại sau đó trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ tướng Martin Dempsey ngày 14/8. Ngày 10/11 năm ngoái, chính phủ Mỹ công bố sửa đổi điều lệ xuất khẩu vũ khí, tiến tới sẽ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ngô Hồng Phác cho rằng, hợp tác quân sự Mỹ - Việt đang trong thời kỳ "trăng mật".

Học giả Trung Quốc chụp mũ, reo rắc hoài nghi: Việt Nam hiện đại hóa quốc phòng làm tăng tính bất ổn trong khu vực?!

Ông Phác cho rằng một số quan điểm của "truyền thông nước ngoài" tin rằng Việt Nam nâng cấp vũ khí trang bị chủ yếu là để đối phó Trung Quốc. Ngô Hồng Phác bình luận, lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy trong quan hệ giữa các quốc gia, không có kể thù vĩnh viễn, cũng không có bạn bè mãi mãi, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu.

Tàu ngầm Thành phố Hồ Chí Minh.
Tàu ngầm Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều này đã trở thành "nhận thức chung trong quan hệ quốc tế hiện đại. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey từng nói, Việt Nam và Mỹ hiện nay có nhiều lợi ích chung trong lĩnh vực hàng hải, nhưng vì lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã làm hạn chế không nhỏ đến hoạt động hợp tác quân sự song phương. Ông cho rằng tăng cường hợp tác quân sự Việt - Mỹ có thể bắt đầu từ việc bãi bỏ lệnh cấm này.

Martin Dempsey còn được dẫn lời cho rằng, ông hoàn toàn không đòi hỏi Việt Nam phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, và Washington cũng không đứng về bên nào trong số các bên yêu sách ở Biển Đông. Tuy nhiên Mỹ đặc biệt quan tâm tới việc vấn đề tranh chấp này sẽ được giải quyết như thế nào.

Ngô Hồng Phác cho rằng Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vũ khí cho Việt Nam mà không đòi hỏi người Việt phải lựa chọn Washington hay Bắc Kinh là "dối mình, dối người". Việc Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam chắc chắn sẽ giúp Hải quân Việt Nam phát triển nhanh chóng, nhưng Ngô Hồng Phác cho rằng nó cũng khiến các nước trong khu vực "cảnh giác" với Việt Nam?!

Rõ ràng trong khu vực Đông Nam Á và đặc biệt là Biển Đông, Trung Quốc nhảy vào tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải, xâm phạm quyền lợi của láng giềng và liên tục bành trướng sức mạnh quân sự. Trước những mối đe dọa đến an ninh quốc gia, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, việc tăng cường năng lực phòng thủ là điều bất cứ quốc gia nào cũng phải làm, đề phòng dã tâm bành trướng của láng giềng to xác - PV.

Mặt khác, hoạt động hiện đại hóa năng lực phòng thủ của Việt Nam nếu so với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông thì chưa thấm vào đâu, Ngô Hồng Phác đang đánh tráo vị trí, chụp mũ cho Việt Nam trong khi chính Trung Quốc mới thực sự là nước tạo ra lo ngại cho khu vực, đe dọa hòa bình và ổn định trên Biển Đông - PV.

Hồng Thủy