Khó tin chuyện chữa bệnh bằng... phép

04/01/2012 07:11

Dù đã có trạm y tế nhưng một số người Mày, người Khùa ở Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn tin vào những cách chữa bệnh bằng... bùa chú.

Giấc mơ kỳ diệu

Sau những cánh rừng lúp xúp nơi người Mày và người Khùa sinh sống, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu như bản nào cũng có một “thần y” chữa bệnh bằng bùa chú. Họ dùng “phép thuật trời cho” để chữa bệnh cho dân làng. Và, không giống như ở dưới xuôi, nơi luôn… khủng hoảng thừa những “thần y”, những người luôn vỗ ngực là được ăn “lộc thánh”, “lộc trời” rồi có khả năng chữa khỏi tất tần tật những loại bệnh, kể cả tứ chứng nan y.

Bà Hồ Thị Mung, ở bản Kai, kể chuyện mình bị “đẩy” lên núi và học được cách chữa bệnh kỳ lạ.
Bà Hồ Thị Mung, ở bản Kai, kể chuyện mình bị “đẩy” lên núi và học được cách chữa bệnh kỳ lạ.

Ở tất thảy những bản làng vùng biên giới nơi chúng tôi qua này, mỗi nơi chỉ có một người biết chữa bệnh theo phương pháp lạ kỳ này chứ không có người thứ hai. Người ở đó bảo, nghề ấy trời cho ai người đó hưởng, có muốn cũng không làm được và có làm cũng chẳng ai tin.

Chúng tôi vào bản Dộ (xã Trọng Hóa) nơi có đông đảo người Mày và người Khùa sinh sống. Cùng đoàn với chúng tôi có thiếu tá Đinh Xuân Long - cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai. Theo giới thiệu của thiếu tá Long thì trưởng bản Dộ, ông Hồ Phoong cũng biết cách chữa bệnh khó tin này.

Nhà ông Hồ Phoong ở đầu bản, ngay con suối gầm gào. Con suối này là cản vật khiến đồng bào triền miên khốn khó. Cứ hễ trời mưa là nước lại cuồn cuộn, không thể nào qua được. Ông Phoong tuổi chừng ngoài 50, dáng chắc nịch, da đen bóng. Nói chuyện về “nghề y” của mình, ông bảo, nghề này không ai dạy. Ông biết chữa bệnh là do một… giấc mơ đem lại. Giấc mơ thần kỳ đó đến với ông khi nào ông cũng không nhớ đích xác nữa, chắc cũng ngót 20 năm rồi.

Người Mày và người Khùa thường sống gần nhau, vào đây lập bản từ khi đất nước thống nhất. Những ngày xa xưa đó, theo ông Phoong, dân bản ông hoàn toàn xa lạ với thế giới bên ngoài. Chuyện xuống trung tâm huyện, thậm chí ra xã thôi với đồng bào ở đây khó chẳng khác gì bắc thang lên trời.

Ngày ấy, bốn bề là rừng núi u tịch, hễ rời bản là phải đi theo tốp bởi sợ thú rừng thình lình ăn thịt. Cuộc sống của người Mày, người Khùa bị phong tỏa các hướng nên phải tự túc mọi thứ. Bởi một mình chống chọi với thiên nhiên hà khắc nên theo ông Phoong, người dân đã phải tự thích nghi, tự tìm các bài thuốc hay những phương pháp chữa bệnh riêng biệt của mình. Thổi thần chú, cũng là một trong những phương pháp chữa bệnh đó.

Ngày trước, hễ vướng vào bất cứ chứng bệnh nào thì người dân đều đi tìm thầy để thổi. Nhưng giờ, ông Phoong bảo, phép thổi chỉ màu nhiệm với những vết thương do bị tác động từ bên ngoài, chứ còn nội thương thì phải dùng đến thuốc Tây. “Cái nào tốt thì mình dùng thôi, ngày xưa đi lại khó mới thế, giờ thì có bộ đội, có bác sĩ rồi, không phải thổi nhiều nữa!” - ông Phoong thật thà cho biết.

Không biết sự linh nghiệm của thuật thổi trên thế nào nhưng quả thực, người dân nơi đây và ngay cả những người ở xuôi lên công tác đều tin lắm. Bất cứ ai bị tai nạn, gẫy chân gẫy tay hay sưng tấy do bị va đập đều đến nhờ ông làm phép thổi để chữa trị vết thương. Ông Phoong bảo, ông không thể nhớ hết những người đã nhờ ông mà thoát khỏi tai ương. Bây giờ, thỉnh thoảng, ngày tết, ngày hội, họ vẫn đến nhà uống cùng ông chén rượu để thay lời ơn huệ.

Phép màu bí hiểm

Theo ông Phoong, mỗi vết thương có một bài chú để thổi khác nhau, tùy độ nặng nhẹ và tùy vị trí trên cơ thể. Khi người trị thương mang lễ là 2 vò rượu tới, ông sẽ phải chẩn đoán xem vết thương đó nặng nhẹ thế nào. Sau đó, bày 2 vò rượu đó ra mâm, ông lấy những cây nến được nặn từ sáp ong cắm xung quanh.

Không biết sự linh nghiệm của thuật thổi trên thế nào nhưng quả thực, người dân nơi đây và ngay cả những người ở xuôi lên công tác đều tin lắm.

Nếu là những vết thương bình thường thì chỉ cần 2 đôi, nhưng nếu vết thương ảnh hưởng đến cả xương thì phải cần đến 5 đôi nến. Khi những ngọn nến đã cháy đều, tỏa hương ngan ngát, ông mới nhắm mắt niệm chú để mời “ma mút” về, sau đó hít thở thật sâu và thổi vào vết thương của bệnh nhân.

Mỗi lần thổi phép như vậy thường kéo dài chừng nửa tiếng và một điều kiêng kỵ là trong khoảng thời gian đó, cả hai đều không được nói bất cứ một câu nào. Ông Phoong bảo, nếu ai đó không thể “giữ mồm giữ miệng” thì không nên trị thương bằng cách này. Bởi chỉ cần một tiếng nói nhỏ, ngay lập tức “ma mút” sẽ tức giận mà bỏ đi, bao nhiêu công sức cũng thành dã tràng xe cát. Không những thế, chọc giận “ma mút” là một điều vô cùng nguy hiểm bởi có thể “ma mút” sẽ không bao giờ quay lại nữa, ông mất khả năng đặc biệt..

(Còn nữa)

Đào Thanh Tuy/Nông thôn ngày nay