Kiên trì cảm hóa người nghiện ma túy

16/12/2015 11:00
Hương Lan
(GDVN) - Các ban, ngành, đoàn thể xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã thường xuyên tổ chức những buổi cảm hóa để người nghiện ma túy sớm nhận ra lầm lỗi.

Mặc dù, công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy sau cai còn nhiều gian nan, song với quyết tâm kiềm chế và giảm dần tỷ lệ người mắc nghiện trở lại, các ban, ngành, đoàn thể xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã thường xuyên tổ chức những buổi cảm hóa giáo dục bằng tình cảm, để người nghiện ma túy sớm nhận ra lầm lỗi, hướng thiện.

Kiểm điểm trước xóm giềng


Báo An ninh thủ đô thông tin, trong lá thư viết cách đây 3 năm bày tỏ sự hối lỗi của người con với bậc sinh thành ra mình, anh Phạm Hồng Nguyên (SN 1968), trú tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, hứa sẽ bằng mọi cách từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.

Mặc dù, tuổi đã xế chiều, nhưng thấy được sự quyết tâm của con trai, ông Phạm Hồng Niên (74 tuổi) vui mừng khôn xiết.

Ngày qua ngày, trong lòng ông Niên luôn mong thời gian trôi thật nhanh để được ăn bữa cơm sum vầy cùng con cháu vào mỗi buổi tối, khi người con trai cả đi làm về.

Kiên trì cảm hóa người nghiện ma túy  ảnh 1
Buổi giáo dục người nghiện tại nhà văn hóa xã Vĩnh Quỳnh

Vậy mà, niềm vui chẳng được tày gang khi mới đây, ông Niên nhận được giấy mời ra nhà văn hóa xã Vĩnh Quỳnh để tham dự buổi giáo dục những người nghiện ma túy, trong đó có anh Nguyên, người đã từng hứa “như đinh đóng cột” sẽ từ bỏ ma túy với ông và gia đình, làng xã cách đây 3 năm. 

Anh Vũ Hòa Nam, Phó trưởng Công an xã Vĩnh Quỳnh cho biết: “Nguyên nghiện ma túy cách đây hơn chục năm.

Ba năm trước, Công an huyện Thanh Trì phối hợp tổ chức giáo dục tại địa phương cho những trường hợp mắc nghiện và giao cho tôi cảm hóa Nguyên.

Thời gian đó, anh ta đã ổn định và qua nhiều lần kiểm tra đều không thấy biểu hiện sử dụng ma túy trở lại, chịu khó làm nghề phụ hồ kiếm sống. Vậy mà vừa qua, khi Nguyên đi làm công trình xa về nhà lại tái nghiện”. 

Đọc bản kiểm điểm tại nhà văn hóa, anh Nguyên hứa sẽ từ bỏ ma túy, song cũng cảm thấy xấu hổ, muốn từ bỏ ngay thứ cám dỗ chết người đó, nhưng khi lên cơn vật vã vì đói thuốc thì không thể cưỡng lại được. Đó là nguyên nhân anh Nguyên tái nghiện.

Bà Đỗ Thị Với, người đã nhiều năm tham gia cảm hóa đối tượng nghiện ở thôn Quỳnh Đôi, xã Vĩnh Quỳnh chia sẻ: “Các anh tự biết quay đầu vào bờ là tìm đường sống. Chúng tôi luôn ở bên cạnh các anh, mong được thấy các anh tỉnh ngộ cho gia đình đỡ khổ, xã hội yên bình”.

Quyết tâm kiềm chế tái nghiện

Trong buổi cảm hóa, giáo dục đối tượng nghiện ma túy tại nhà văn hóa xã Vĩnh Quỳnh, ngoài bố mẹ của 8 trường hợp phải giáo dục, còn có hàng trăm người dân và lực lượng Công an huyện Thanh Trì, Công an xã Vĩnh Quỳnh. Anh Vũ Văn Nam - Phó Trưởng Công an xã Vĩnh Quỳnh cho biết:

Huyện Thanh Trì có 66 người nghiện ma túy, vừa qua đã có nhiều đối tượng nghiện viết đơn xin tự đi cai và có trường hợp bị đưa đi cai nghiện bắt buộc”. 

Theo Trung tá Phạm Công Chức - Đội trưởng Đội Cảnh sát phụ trách xã và xây dựng phong trào, Công an huyện Thanh Trì, mặc dù, địa bàn huyện có tỷ lệ người nghiện ma túy cao, nhưng trong năm 2015 mới chỉ 4 trường hợp đi cai nghiện bắt buộc.

Trong khi thực hiện công tác này cũng phát sinh nhiều vấn đề, khiến lực lượng công an bị hạn chế khi ngăn chặn, phòng ngừa giảm thiểu tệ nạn ma túy. 

Để đưa được đối tượng nghiện đi cai bắt buộc, phải qua các biện pháp tố tụng” - Trung tá Phạm Công Chức giải thích và cho rằng muốn quản lý tốt người nghiện ma túy, giữ vững tình hình an ninh trật tự tại địa bàn, việc đầu tiên là phải cụ thể hóa những chuyên đề bằng những việc làm thiết thực.

Biện pháp “mưa dầm thấm lâu” phải được chọn làm sức mạnh cho công tác vận động, thuyết phục, cảm hóa người nghiện. Ngoài việc đến từng nhà người nghiện để cảm hóa, hàng tháng, hàng quý đều tổ chức những buổi cảm hóa, giáo dục tại nhà văn hóa xã, thôn.

Trong những buổi giáo dục người nghiện, các ban, ngành, đoàn thể đều có mặt tham gia, trao đổi cởi mở để người nghiện thấy rõ sự cần thiết phải đi cai nghiện, từ bỏ ma túy. 

Ông Nguyễn Đình Hiếu - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết: “8 trường hợp nghiện ma túy được chính quyền xã mời đến cảm hóa, giáo dục, nhiều người trong diện hộ nghèo.

Thấy được nỗi khổ tâm của người thân người nghiện, chính quyền xã đã thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ chân tình như vậy để giúp người nghiện thấy được lối về với gia đình”. 

Từ sự đồng thuận giữa các ban, ngành, đoàn thể địa phương, Công an Thanh Trì đã phối hợp cùng chính quyền thôn, xã trao đổi, trò chuyện để theo dõi diễn biến tâm lý của người nghiện và dùng tình cảm để giúp người nghiện tỉnh ngộ.

Hương Lan