Làm gì để con cái không trở thành 'Kẹo mút chơi bời'?

10/11/2011 07:49
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh (VNE)

"Để con cái chúng ta không trở thành những 'Kẹo mút chơi bời', thì trong cách giáo dục, các bậc cha mẹ hãy làm gương cho trẻ...".

Đó là những chia sẻ của Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Minh hiện chuyên viên tư vấn tâm lý, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM. Dưới đây là nguyên văn bài viết của bà Minh.

Đọc dòng status "máu lạnh" của người có nickname "Kẹo mút chơi bời" trên trang mạng xã hội mà tôi giật mình bởi thái độ vô cảm trước nỗi đau khổ, mất mát của người khác. Kẹo mút chơi bời chỉ là một “con sâu” nhưng cũng đã làm “rầu” biết bao người. Vì sao “con sâu” ấy lại trở nên như vậy và có cách thức nào để giúp con trẻ loại bỏ thái độ vô cảm ấy không?

Dòng status của
Dòng status của "kẹo mút chơi bời" gây bức xúc cộng đồng mạng. Ảnh chụp màn hình

Thái độ vô cảm xuất phát từ nhiều nguyên nhân và với những biểu hiện khác nhau. Trước tiên, bằng những nghiên cứu và kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy cũng như tư vấn tâm lý, tôi xin chia sẻ với các phụ huynh cách nhận biết con mình có vô cảm hay không, bằng cách đặt và trả lời những câu hỏi sau đây:

- Có hay không và tại sao con như thế: Trẻ có ngại bày tỏ cảm xúc thật của mình khi ở nhà, tại sao? Trong gia đình bạn để ý xem có hiện tượng trẻ trai không khóc còn trẻ gái không nói nhiều? Thời gian qua, chúng ta có quan tâm cảm xúc của con cái không? Gần đây trẻ có nổi giận hay sa sút tinh thần không? Trẻ có nổi cáu không? Trẻ thờ ơ với sự căng thẳng của các sự kiện trong đời sống không? Có nỗi đau nào đang diễn ra trong cuộc đời của trẻ không?...

- Điều gì: Có những điều gì hay vấn đề đặc biệt nào đó khiến trẻ bày tỏ sự vô cảm thường xuyên không? Khi nói chuyện, trẻ có thường xuyên đề cập về bề ngoài, tuổi tác, giới tính, trí thông minh hoặc khả năng của người khác không?

- Ai: Trẻ có bày tỏ thái độ vô cảm như thế với mọi người không? Có cá nhân nào mà trẻ đối xử rất nhạy cảm không? Nếu có, thì người đó là ai?

- Khi nào: Có lúc đặc biệt nào trong ngày, tuần hoặc tháng mà trẻ tỏ ra vô cảm hơn không? Có lý do nào không? Ví dụ có thể trẻ đói, mệt, đau, cô đơn cần được quan tâm? Trẻ có cảm thấy bị coi thường? Trẻ có cảm thấy mình vô dụng?

-: Có những nơi nào mà trẻ bày tỏ thái độ vô cảm hơn không (ở trường hay trung tâm giữ trẻ, ở nhà, ở cửa hàng, ở nhà bà nội…)? Tại sao?

Sau khi nghiêm túc trả lời các câu hỏi đó thì bố mẹ đã có được câu trả lời rằng con mình có vô cảm hay không. Nếu thấy các câu trả lời đều được thỏa mãn dữ kiện "có" thì chắc là con bạn ít nhiều có những biểu hiện vô cảm.

Khi đó các bậc phụ huynh phải làm gì?

Điều quan trọng đầu tiên bạn có thể làm để giúp giảm thái độ vô cảm của con mình là hỏi trẻ: “Con sẽ cảm thấy thế nào nếu con ở trong trường hợp như vậy?”. Và chúng ta hãy để trẻ thực hiện ngay việc đổi vai. Ví dụ: Nếu nghe thấy con mắng một đứa trẻ khác: “Việt, mày là đứa ngu ngốc nhất trên đời” thì hãy cho con bạn đóng vai là Việt để trẻ cảm nhận thế nào khi bị gọi là ngốc.

Thứ hai: cha mẹ cũng cần xem lại mình bằng cách trả lời các câu hỏi sau: gần đây có ai phàn nàn về tính vô cảm không quan tâm của mình tại gia đình hay nơi làm việc không? Ai đã phàn nàn và người đó đã nói gì? Ví dụ vợ/chồng của bạn thường trách móc: "Anh/em bận lắm hả, đến sinh nhật của con cũng nhớ...". Nếu đúng là như thế thì chính thái độ của chính bạn đã dạy cho trẻ điều đó. Vì vậy, cha mẹ và người lớn xung quanh hãy quan tâm hơn nữa đến con cái và cũng để làm gương tốt cho trẻ. Cách làm gương của cha mẹ sẽ dạy trẻ về sự nhạy cảm, cảm thông và tế nhị.

Theo một nghiên cứu tâm lý dài hơi bắt đầu vào thập niên 1950 ghi nhận rằng trẻ có những ông bố tham gia tích cực vào việc chăm sóc chúng từ nhỏ thì 30 năm sau những đứa trẻ đó sẽ trở thành người biết cảm thông hơn và nhạy cảm hơn những em khác.

Tiếp theo, để loại bỏ thái độ vô cảm của con, tôi xin chia sẻ 5 nguyên tắc giáo dục trẻ như sau:

Thứ nhất:: Không khoan dung thái độ vô cảm.

Bất cứ khi nào con cái bộc lộ tính vô cảm, hãy chặn lại và nói cho trẻ biết về điều đó, giải thích rõ ràng tại sao chúng ta xem thái độ của trẻ là không thể chấp nhận. Phải để cho con hiểu được rằng “điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.

Thứ 2: Thường xuyên dạy con về khả năng nhận biết cảm xúc.

Trước hết cần xây dựng khả năng nhận biết cảm xúc nơi trẻ bằng ngôn ngữ biểu đạt qua những từ như: ân cần, an toàn, áy náy, bằng lòng, bi quan, bình tĩnh, bị hắt hủi, đừng sợ... Sau đó chỉ cho trẻ cách quan sát phản ứng của người khác qua những biểu lộ nét mặt, giọng nói, điệu bộ hay tác phong người này để trẻ hiểu hơn về cảm xúc họ.

Ví dụ: Con có thấy khuôn mặt của mẹ khi đi làm về không? Hình như mẹ đang rất buồn. Con thử hỏi xem chuyện gì đã xảy ra với mẹ. Cách dễ nhất để nuôi dưỡng tính nhạy cảm ở trẻ và gia tăng sự cảm thông đó là thường xuyên yêu cầu trẻ “đặt mình vào vị trí của người khác”.

Thứ ba: Khen ngợi các hành động nhạy cảm và đề cao ảnh hưởng tích cực.

Khuyến khích thái độ nhạy cảm của con cái khi nó diễn ra. Hãy cho trẻ biết điều đó làm chúng ta hài lòng như thế nào. Ví dụ: Con có thấy là cu Bin rất vui khi gặp và được chơi với con không?

Thứ tư: Liên kết giữa cảm xúc và nhu cầu:

Hãy hỏi con cái các câu hỏi để giúp trẻ khám phá ra rằng cảm xúc của con người dẫn đến các nhu cầu. Những câu hỏi như vậy mở rộng ý thức của trẻ về điều mà những người khác có thể đang trải qua. Kết quả là trẻ trở nên nhạy cảm hơn và khiến chúng cảm thấy nhu cầu cần phải giúp đỡ người đó:

Câu chuyện ví dụ:

Cha mẹ: Con hãy nhìn bé gái đang khóc bên đống sách vở đang tung tóe kia. Con nghĩ xem cô bé cảm thấy thế nào?

Trẻ: Con nghĩ bạn ấy buồn và đau ạ.

Cha mẹ: Con nghĩ xem bạn ấy cần gì để cảm thấy tốt hơn?

Trẻ: Có lẽ bạn ấy cần ai đó giúp bạn nhặt đống sách vở kia ạ.

Thứ năm: Hãy kiềm chế thái độ xấu nếu như tính vô cảm tiếp tục

Nếu con cái vẫn tiếp tục bày tỏ tính vô cảm đối với những cảm xúc của người khác, đã đến lúc chúng ta đưa ra hậu quả có ý nghĩa phù hợp với tuổi và tính tình của con bạn. Ví dụ: cấm con chơi với bạn cho đến khi cháu hiểu được rằng phải đối xử tốt với những người khác. Nguyên tắc của cha mẹ là: “nếu con không thể đối xử dịu dàng với người khác, con không thể chơi được”.

Bên cạnh đó, cần tập cho trẻ biết xin lỗi người mà trẻ làm tổn thương. Có thể biểu lộ sự hối hận bằng cách viết ra lời xin lỗi, xin lỗi trực tiếp, xin lỗi gián tiếp qua điện thoại, email, quà tặng…

Còn các bạn trẻ khi làm bất cứ điều gì hãy nhớ tới công thức 4D: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đừng vì một bốc đồng, cảm hứng mà gây nên hậu quả khó lường. Và rất mong phụ huynh có con hãy luôn để ý đến thông điệp “ngoảnh đi thì con dại, ngoảnh lại thì con khôn”. Hãy là bến bờ, là nơi nương tựa vững chắc của con cái dù khi nó thành công hay thất bại.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh (VNE)