Con đường phát triển của quân đội TQ:

Lãnh đạo quân sự TQ từng chấn động khi Chiến tranh vùng Vịnh xảy ra

04/03/2013 07:00
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết chỉ ra những nguyên nhân Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa quân đội và quá trình lãnh đạo, tư tưởng chỉ đạo của các nhà lãnh đạo nước này.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba J-10 của Quân đội Trung Quốc
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba J-10 của Quân đội Trung Quốc

Tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông dẫn các nguồn tin cho rằng, từ khi bắt đầu tiến hành thí điểm vào đầu thập niên 1980, việc xây dựng binh chủng hợp thành với nền tảng là tập đoàn quân đã trở thành trọng điểm xây dựng Lục quân.

Trung Quốc thử nghiệp thành lập tập đoàn quân không xuất phát từ nhu cầu hiện đại hóa, mà còn nhằm vượt qua những thách thức do cắt giảm quân đội.

Ngày 4/6/1985, tại hội nghị mở rộng Quân ủy, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh: “‘Tứ hóa’ thế nào cũng phải có trước có sau. Trang bị quân đội được hiện đại hóa thực sự, chỉ có thể thực hiện được khi nền kinh tế quốc dân có nền tảng tương đối tốt. Vì vậy, chúng ta phải nhẫn nại vài năm”. Đây chính là câu “quân đội cần nhẫn nại” hay được người ta nhắc đến sau này.

Đây cũng là một giai đoạn phát triển đầy mâu thuẫn và xung đột. Rất nhanh, khi việc xây dựng tập đoàn quân của Trung Quốc có thành tựu ban đầu, chiến tranh vùng Vịnh đã bùng phát, kích thích mạnh thần kinh của quân  đội Trung Quốc, gia tăng đầu tư, thúc đẩy hiện đại hóa quân đội, là lối thoát duy nhất được công nhận.

Đồng thời, quân số và quy mô chi tiêu quân sự vẫn phải tiếp tục giảm đi, rất nhiều nguồn vốn đã được Trung Quốc sử dụng để xây dựng kinh tế. Đến năm 1996, chi phí quân sự của Trung Quốc chiếm 1,01% GDP, hầu như thấp nhất trong lịch sử.

Từ năm 1999 trở đi, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng lên hàng năm, đến năm 2005 luôn duy trì biên độ tăng nhất định.

Khi yêu cầu quân đội lấy đại cục làm trọng, Đặng Tiểu Bình từng nói, đợi đến “đại cục tốt rồi, sức mạnh quốc gia tăng lớn rồi, lại có bom nguyên tử, tên lửa, đổi mới một số trang bị, trên không cũng tốt, trên biển cũng tốt, trên đất liền cũng tốt, đến khi đó sẽ dễ dàng”.

“Quân đội TQ tự nuôi mình”

Đến năm 1989, quy mô và tỷ lệ chi tiêu của Quân đội Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất. Do giải trừ quân bị lớn mang tính lịch sử, quân số giảm xuống 3,23 triệu người, đứng sau 2,37 triệu quân sau khi cắt giảm lớn năm 1958. Nếu tính theo chỉ số chi tiêu quân sự năm 1978 là 100 thì năm 1988 chỉ là 75,2.

Để bảo đảm cung ứng vật tư, quân đội TQ đã tiến hành hoạt động trồng rau nuôi lợn rộng khắp. Do thiếu đơn đặt hàng quân sự, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự liên tiếp chuyển sang sản xuất hàng hóa dân dụng.

Ngày 12/11/1989, Quân ủy triệu tập hội nghị mở rộng, Giang Trạch Dân nói rằng, nhờ có chỉnh đốn, kinh tế Trung Quốc sẽ  đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, liên tục. “Kinh tế làm được rồi, rất nhiều việc của quân đội cũng sẽ làm khá tốt. Nhưng, hiện nay tài chính nhà nước còn rất khó khăn, tình hình kinh tế rất nghiêm trọng, rất nhiều vấn đề của quân đội tạm thời còn khó giải quyết”.Khi đó, Giang Trạch Dân đã nói về mối quan hệ chặt chẽ giữa xây dựng kinh tế và xây dựng quốc phòng

Giang Trạch Dân nhấn mạnh, ông luôn không tán thành quân đội thực hiện “tự mình phát triển”, “tự mình hoàn thiện”, “đương nhiên, để bù đắp thiếu thốn kinh phí, kết hợp với việc sản xuất một phần của quân đội là hoàn toàn cần thiết, nhưng quân đội không thể đi con đường tự nuôi mình. Nếu đem tinh lực làm kinh tế thương mại để kiếm tiền thì rất nguy hiểm. Giải quyết khó khăn của quân đội, Trung ương cần bỏ ra tài lực nhất định, đồng thời còn phải kêu gọi toàn Đảng và chính quyền các cấp đều cần tăng cường ý thức về quốc phòng, tích cực quan tâm và ủng hộ xây dựng quân đội”.

Ngày 6/10/1998, tại Bắc Kinh, Trung ương Đảng Cộng sản, Quốc vụ viện, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã tổ chức hội nghị công tác các cơ quan chính pháp lực lượng cảnh sát vũ trang quân đội không tiếp tục làm kinh tế.

Ông Hồ Cẩm Đào phát biểu cho rằng, Trung ương Đảng rất coi trọng đối với công tác này, đã nhiều lần nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược quan trọng của quyết sách này, chủ trương quân đội, lực lượng cảnh sát vũ trang và cơ quan chính pháp cần phải ngừng tất cả các hoạt động kinh tế thương mại, lập tức hoàn toàn không liên hệ với tất cả các công ty mang tính chất kinh doanh thuộc các đơn vị. Quân đội, lực lượng cảnh sát vũ trang phải “ăn lương nhà nước” hoàn toàn, cơ quan chính pháp cũng “ăn lương nhà nước” hoàn toàn.

Việc xây dựng nền tảng quy mô lớn (từ đầu thập niên 1980) lên tới cao trào. Do các nguyên nhân như các hạng mục đầu tư tài sản cố định quá nhiều, quy mô quá lớn, tài chính quốc gia “chi lớn hơn thu”, quy mô tín dụng quá lớn…, nên năm 1987, 1988, ở Trung Quốc cũng đã xảy ra hiện tượng lạm phát nổi cộm.

Khi đó, trong báo cáo công tác chính phủ tại Hội nghị lần 2 Quốc hội khóa 7 vào năm 1989, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã yêu cầu chi tiêu tài chính năm 1990, 1991 duy trì ở mức năm 1989.

Trong tình hình đó, bất kể tăng cường xây dựng trang bị hay tăng cường chi tiêu cho đời sống đều sẽ đi ngược lại với xu thế lớn của toàn bộ nền kinh tế. Trên thực tế, trải qua xây dựng nền tảng có quy mô siêu lớn trong 10 năm qua, nguồn tài chính từ Trung ương TQ giật gấu vá vai. Điều này làm cho kế hoạch “5 năm lần thứ 8” (bắt đầu từ năm 1991) khi bắt đầu đã phải đối mặt với tình hình vay tiền để hoạt động.

Quân đội quẫn bách

Căn cứ vào “Niên giám thống kê Trung Quốc”, từ năm 1990-1996, GDP của Trung Quốc tăng từ 1.769,5 tỷ tăng lên 6.755,9 tỷ nhân dân tệ, còn chi tiêu quân sự chỉ từ 2,9 tỷ tăng lên 7,2 tỷ nhân dân tệ.

Năm 1997, báo cáo Đại hội 5 khóa 15 Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố, trong 3 năm tiếp tục cắt giảm 500.000 quân. Sau khi hoàn thành cắt giảm vào tháng 3/2000, tổng quân số của Quân đội Trung Quốc giảm xuống 2,5 triệu quân. Tỷ lệ kinh phí quốc phòng trong chi tiêu tài chính quốc gia giảm đến 7,6%, là mức thấp nhất từ khi nước Trung Quốc mới thành lập.

Căn cứ vào “Kiểm soát và cắt giảm quân bị của Trung Quốc-1995”, trong 16 năm từ năm 1979-1994, nếu duy trì sức mua thực tế kinh phí quốc phòng năm 1979, cần 581,2 tỷ nhân dân tệ, trong khi ngân sách thực tế là 416,4 tỷ nhân dân tệ, số còn thiếu hơn 28%. Cho dù đạt tới mức này cũng khác gì không có bất cứ sự tăng trưởng nào trong 16 năm.

Nếu tính theo tốc độ tăng thực tế 5% trở lên, trong 16 năm, quân đội Trung Quốc còn cần tăng 300 tỷ nhân dân tệ trở lên. Tức là, trong 16 năm, quân đội ít nhất giảm chi tiêu gần 500 tỷ nhân dân tệ. Toàn bộ số tiền này dùng để xây dựng kinh tế và chi tiêu công.

Ngoài ra, căn cứ vào “Sách trắng quốc phòng” năm 1998, cải cách mở cửa đến lúc đó, quân đội mở ra 101 sân bay, 29 bến cảng, hơn 300 đường sắt, hơn 1.000 kho hàng và hơn 3 triệu m2 đất. Số tiền dùng để làm những việc này hầu hết chuyển cho địa phương không hoàn lại.

Những nhà kinh tế học Trung Quốc như Hồ An Cương cho rằng, tỷ lệ tổng vốn quốc phòng trong tổng lượng vốn toàn quốc từ 21% năm 1953, từng tăng lên 25,4% năm 1955, sau đó cơ bản duy trì mức 10% trở lên. Năm 1989 giảm xuống 5,6 %, đến năm 2001 giảm xuống 2,3%. Như vậy, của cải xã hội dành cho quân đội chỉ 2,3%.

Cán bộ cấp trung đoàn trở lên của Quân đội Trung Quốc đã trải qua một thập niên “một bộ quân trang”. Trong quân trang, có thường phục, quần áo huấn luyện, lễ phục. “Thường phục” chính là quân trang bình thường; còn trang phục huấn luyện thì ngụy trang. Trong thập niên 90 cho đến thế kỷ mới, phần lớn quân nhân Trung Quốc gồm cả sĩ quan chỉ có 1 bộ thường phục. Trong các mùa, trừ mùa hè, họ không có quần áo thay đổi khác.

Họ chỉ cuối tuần mới giặt bộ quần áo này. Nếu giặt chậm, thứ hai còn chưa khô, thì chỉ có thể mặc quần áo ướt để đi tập trung.

Khi đó, một bộ thường phục không đến 100 nhân dân tệ, 2,5 triệu quân cần khoảng 200 triệu nhân dân tệ. Chế độ này đã duy trì 20 năm.

Sự yếu kém về kinh tế, làm cho địa vị xã hội của quân nhân TQ đã thay đổi. Đem ra so sánh, vào lúc kinh tế thập niên 60, 70 căng thẳng nhất, quân đội vẫn được bảo đảm nhất. Khi đó, kinh phí quốc phòng chiếm khoảng 20% trong chi tiêu tài chính quốc gia.

Như vậy, vào giữa thập niên 1990, tuy về nguyên tắc, quân đội TQ không còn tuyển quân có trình độ văn hóa tiểu học, nhưng vẫn phải tiếp nhận những thanh niên đến từ những khu vực còn nghèo đói và xa xôi, nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân đội chuyển nghề cũng đã trở thành phổ biến.

Tại “lưỡng hội” toàn quốc năm 1998, khi tham gia hội nghị toàn thể đoàn đại biểu Quân đội Trung Quốc, Giang Trạch Dân tiếp tục nhấn mạnh: Toàn quân cần tăng cường ý thức đại cục, ứng xử đúng đắn với sự điều chỉnh về lợi ích, tự giác phục tùng và phục vụ cho đại cục quốc gia.

So với việc xây dựng một đội quân công nghệ cao, thì Quân đội Trung Quốc đã thành lập trước “lực lượng tác chiến cơ động ứng phó khẩn cấp”. Đây cũng là hành động chính để nâng cao sức chiến đấu của binh sỹ TQ trong khi phải giảm quy mô quân số.

Năm 1991, chiến tranh vùng Vịnh nổ ra, đã làm chấn động giới quân sự Trung Quốc. Tháng 6 cùng năm, tại cuộc tọa đàm lần thứ ba về chiến tranh vùng Vịnh của cấp cao Quân đội Trung Quốc, cục diện cải cách Quân đội Trung Quốc thời kỳ mới đã mở ra. Chỉ có điều các bước cải cách rất khó khăn bởi nằm trong bối cảnh lớn là tập trung sức mạnh cho xây dựng kinh tế.

Tại buổi tọa đàm này, ông Giang Trạch Dân phát biểu cho rằng: “Hôm nay, chúng ta bàn đến vấn đề công nghệ điện tử, một lĩnh vực đi đầu cho dù về hàng không hay các vũ khí khác như tên lửa. Chúng đều có quan hệ tới công nghệ điện tử. Về lĩnh vực này, khoảng cách giữa Trung Quốc với trình độ tiên tiến của thế giới không phải là ngày càng nhỏ, mà là ngày càng lớn”.

Một số bài phát biểu của ông Giang Trạch Dân đã bao quát một số phương diện như cải cách thể chế, khoa học công nghệ quốc phòng, tăng chi tiêu quân sự, tự lực cánh sinh…

Ông ta nói: “Trung Quốc thực sự đã lạc hậu một mảng lớn về vũ khí trang bị, có những khoảng cách vốn có tiếp tục bị nới rộng”, “chúng ta không thể ếch ngồi đáy  giếng, tự mãn mù quáng, phải có thái độ thực sự cầu thị, thiết thực đi phát triển khoa học công nghệ quốc phòng, làm cho chúng ta có thể đối phó với tình hình có thể xảy ra trong tương lai”.

Nhưng, về kinh phí quốc phòng, Giang Trạch Dân nói: “Phải xử lý thỏa đáng vấn đề kinh phí quốc phòng. Tăng đầu tư thích hợp cho xây dựng quốc phòng, nhưng cũng không thể lập tức đầu tư rất nhiều. Tăng kinh phí quốc phòng phải phù hợp với tăng trưởng kinh tế quốc dân. Cùng với sự phát triển của kinh tế quốc dân, đầu tư cho kinh phí quốc phòng cũng sẽ tăng lên từng năm”.

Đây là sự lựa chọn duy nhất của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó.

Đầu năm 1993, Trung Quốc đã đưa ra phương châm chiến lược quân sự thời kỳ mới, xác định mục tiêu đánh thắng một cuộc chiến tranh cục bộ công nghệ hiện đại, nhất là trong điều kiện công nghệ cao, đây là cơ sở cho sẵn sàng “đấu tranh quân sự” trong tương lai.

Năm 1996, trên nền tảng nghiên cứu toàn quân, hội nghị mở rộng của Quân ủy Trung ương TQ đã tiến hành phân tích tương đối toàn diện về những thay đổi quân sự mới trên thế giới, yêu cầu toàn quân đón nhận những thách thức quân sự mới trên thế giới với tinh thần cải cách mở cửa.

Tình hình của quân đội và toàn đất nước khi đó của Trung Quốc đã khác nhiều so với 13 năm trước. Bắt đầu từ năm 1998, xu thế giảm kinh phí quốc phòng trong tỷ trọng GDP đã xoay chuyển căn bản. Năm 2001, kinh phí quốc phòng tăng 17,7% so với năm trước, cao nhất trong gần 30 năm. Năm thứ hai cũng duy trì mức tăng 17,6%.

Một điều mang tính đại diện là, máy bay chiến đấu J-10, loại máy bay được phê duyệt từ thời Đặng Tiểu Bình, trải qua 20 năm, cuối cùng đã bắt đầu trang bị hàng loạt cho quân đội.

Tháng 5/2011, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, Thượng tướng Trần Bỉnh Đức đã thăm Mỹ và nói với các phóng viên tại Washington rằng,sức mạnh quân sự giữa hai nước Trung-Mỹ có khoảng cách 20 năm.
Đông Bình