Lời xin lỗi của Bí thư Thành uỷ và căn bệnh "vô cảm, vô trách nhiệm"

23/05/2013 09:48
Phạm Nguyễn
(GDVN) - Vậy là Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đích thân “vi hành”, thị sát, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và cả nỗi ấm ức của người dân Làng cổ Đường Lâm vì “phải”… sống trong di sản.
Ông Nghị ví làng cổ Đường Lâm là viên ngọc quý. (Ảnh: vnexoress)
Ông Nghị ví làng cổ Đường Lâm là viên ngọc quý. (Ảnh: vnexoress)
Người đứng đầu Thành uỷ Thủ đô cũng đã xin lỗi bà con Làng cổ vì sự chậm trễ trong việc tháo gỡ những vướng mắc; đồng thời chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền về “những việc cần làm ngay”. 1. Đó là cái “tạm kết” đẹp về cách hành xử của người lãnh đạo; là kết quả đáng mừng cho người Đường Lâm, dẫu “cái giá” cho lời xin lỗi này là gần 8 năm, 6000 con người “sống trong sợ hãi”. Và dù mọi chuyện còn ở phía trước, chưa biết thế nào mà lần (Bởi mặc dù Bí thư đã chỉ đạo phải làm ngay, làm nhanh, làm quyết liệt nhưng rất có thể những cấp thực thi ở dưới vẫn cứ từ từ (Hà Tây đã về Hà Nội mà Hà Nội thì không “vội” được đâu?!) và cũng rất có thể, quả bóng trách nhiệm sẽ được đá từ chân này sang chân khác, thậm chí lên hẳn bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nơi sinh ra Luật Di sản); Nhưng dẫu sao, hơn 1500 hộ dân Đường Lâm cũng lên cám ơn “một bộ phận nhỏ người dân bức xúc” (như cách nói chính quyền Sơn Tây) lấy một tiếng vì họ đã dũng cảm đứng lên “kêu”, dù biết rằng từ nay, có thể họ chỉ xây cái bậc hè cũng sẽ bị Ban Quản lý phạt nặng!? 2. Thực ra, Bí thư Thành uỷ Hà Nội chẳng có lỗi gì trong vụ việc này để mà phải xin lỗi, mà ở đây chắc chắn Thành uỷ cũng không chỉ đạo chính quyền “treo” cái quy hoặc làng di sản này đến tận 8 năm trời. Vì thế, lời xin lỗi có thể được hiểu là một nghĩa cử “con dại cái mang”. Với người Việt, văn hoá làng và cái “sĩ diện làng” lớn lắm. Việc người dân đất hai vua phải làm vậy là đặng chẳng đừng. Rõ ràng, việc một số người dân đến nỗi "uất ức", phải viết đơn xin từ bỏ danh hiệu vinh dự Di sản quốc gia là một sự tắc trách, vô trách nhiệm và vô cảm rất lớn của các cấp chính quyền Thủ đô (ít nhất là của Uỷ bản Thị xã Sơn Tây và các ngành chức năng). Một sự tắc trách có hệ thống! Một Ban Quản lý di tích, tám năm trời “sâu sát cùng dân”, thu phí không sót một khách, săn vé phạt vi phạm xây dựng không sót một nhà, dẫu không bỏ tiền làm được một mét cống cho làng thì chắc chắn cũng phải hiểu được nỗi khổ của dân làng khi sống trong “quy hoạch treo” để mà thay dân đi kêu than, xúc tiến. Khi bị quy trách nhiệm lại “đổ diệt” tại cấp trên mà “đổ” rất khôn, “đổ” một nhát sang thẳng Cục Di sản của Bộ Văn hoá. Vẫn biết rằng, Luật Di sản còn có nhiều điểm cứng nhắc và những người trực tiếp giám sát, vận dụng nó còn cứng nhắc hơn nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về những người đứng đầu sở tại. Bởi theo cái nguyên lý “con khóc mẹ mới cho bú”; nếu Ban Quản lý và các cấp ngành chức năng Hà Nội thật sự có tâm (chưa cần nói tới tầm hay tiền) thì mọi sự dường như đã khác. Và ít nhất, nếu ông Phó Chủ tịch thị xã làm gương, không thản nhiên xây nhà 2 tầng trong di sản thì chắc người dân cũng đỡ bức xúc hơn. Âu cũng là điều mừng cho Đường Lâm bởi “ánh sáng đã loé cuối đường hầm”, hơn rất nhiều những di sản, những địa phương khác ở ngay chính Thủ đô và rộng ra là cả nước đang kêu gào trong vô vọng. Vậy nhưng, bình tĩnh, nghĩ kỹ một chút về lời xin lỗi và “cái kết có hậu” ở Đường Lâm, lại thấy đây rất có thể lại là một tiền lệ… không tốt. Hà Nội đang có 5.175 di tích lịch sử văn hoá, trong đó rất nhiều di tích đặc biệt quan trọng, là di sản thế giới và quốc gia; đồng thời đang có khoảng 600 di tích đang xuống cấp nghiêm trọng từ rất lâu mà chưa được trùng tu, cũng như đang tồn tại mâu thuẫn rất lớn giữa bảo tồn và phát triển mà chưa được giải quyết. Nếu tất cả đều “học theo Đường Lâm”, bằng cách này hay cách khác “làm xôn xao dư luận” thì liệu đang bận trăm công ngàn việc, Bí thư Thành uỷ có xuống thị sát và xin lỗi hết được không? Và cứ cho là có, vậy xin lỗi xong, chỉ đạo xong, các cấp chính quyền địa phương lại có cớ “xin 500 tỷ”, Bí Thư có giải quyết hết được không? 3.Đặt ra câu hỏi trên để nói rằng, dù rất ý nghĩa, rất kịp thời và hiệu quả nhưng hành động vừa qua của Người đứng đầu Thành uỷ Thủ đô chỉ là và chỉ nên dùng trong “án điểm”. Còn điều quan trọng nhất mà chúng ta nên làm là cần xây/sửa lại từ móng, từ gốc; làm tốt hoạt động của các cấp chính quyền từ cơ sở. Chúng ta đang cần lắm những liệu pháp hay với những “liều thuốc đắng” để điều trị căn bệnh vô trách nhiệm, vô cảm của một bộ phận những người ăn cơm của dân, uống nước của dân và lẽ ra phải vì dân, phục vụ dân nhưng đã không làm điều ấy. Bí Thư Thành uỷ đã có thêm một hành động đẹp, thể hiện trách nhiệm cao với nhân dân. Mong rằng, ông  đứng ra phát động ngay một chiến dịch (chứ không phải phong trào) làm sạch tận gốc căn bệnh vô cảm và vô trách nhiệm. Chiến dịch đó sẽ phải rất dài và rất quyết liệt. Dài đến nỗi, có thể ông sẽ không được "hưởng thành quả" ấy, nhưng nhân dân sẽ được hưởng và những người kế nhiệm ông sau này sẽ không phải “muối mặt” đi xin lỗi vì những chuyện không phải do mình gây ra.  
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Phạm Nguyễn