Máy bay, tên lửa TQ áp sát Myanmar, liệu có can thiệp để "bảo vệ người Hoa"?

22/03/2015 06:48
Việt Dũng (Nguồn mạng sina TQ)
(GDVN) - Xung đột Kokang chỉ có con đường quân sự, Tổng thống Myanmar tuyên bố cứng rắn rằng, Trung Quốc không thể can thiệp, đây là công việc nội bộ của Myanmar.
Khu vực Kokang - miền bắc Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Khu vực Kokang - miền bắc Myanmar (nguồn mạng sina TQ)

“Myanmar không thể trốn tránh trách nhiệm”

Trang mạng sina Trung Quốc trong những ngày qua tập trung đưa tin về chiến sự Kokang ở miền bắc Myanmar cũng như các hoạt động triển khai quân sự của Trung Quốc để đối phó với tình hình này.

Mặc dù Trung Quốc điều lực lượng quân sự, cảnh sát áp sát biên giới Myanmar, nhưng theo tờ “Thời báo Hoàn Cầu” ngày 18 tháng 3 đưa tin, Bộ Ngoại giao hai nước Myanmar và Trung Quốc đã tiến hành hợp tác chặt chẽ qua kênh ngoại giao, Quân đội Myanmar và Quân đội Trung Quốc cũng tiến hành hợp tác chặt chẽ, căn cứ vào 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, cùng bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực biên giới.

Theo hãng AFP Pháp ngày 16 tháng 3, sau khi sự kiện khiến dân thường Trung Quốc bị thương vong, Myanmar đã bày tỏ “đau buồn”, tuyên bố tiến hành điều tra, nhưng hoàn toàn không cho biết sẽ gánh lấy trách nhiệm. Vụ việc này bị Bắc Kinh lên án mạnh mẽ, Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu tuần tra biên giới, “cảnh cáo và xua đuổi” máy bay chiến đấu Myanmar.

Trước đó, quan chức Myanmar đã phủ nhận vụ việc do Quân đội Myanmar gây ra. Phó chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Myanmar ngày 14 tháng 3 nói: “Sự kiện này không phải là hành động của quân chính phủ, máy bay của chúng tôi có ghi chép, chúng tôi có chứng cứ chứng minh sự kiện này không liên quan đến chúng tôi. Chúng ta chỉ có hợp tác điều tra manh mối, mới có thể biết sự kiện này do ai làm”. Ông còn cho hay: “Khả năng là kẻ thù cố ý tiến hành tập kích, có ý đồ gây ra hiểu nhầm giữa chúng tôi với phía Trung Quốc”.

Phiến quân Kokang (nguồn mạng sina TQ)
Phiến quân Kokang (nguồn mạng sina TQ)

Đáp lại, Trung Quốc nói rằng, sự kiện này rõ ràng do Myanmar làm. Sau đó Myanmar điều tổ điều tra đến khu vực biên giới Trung Quốc-Myanmar, cam kết điều tra nghiêm túc. Lực lượng phiến quân Kokang cũng lên tiếng sẵn sàng “đợi kết quả điều tra”, nếu cần cũng sẵn sàng “tham gia điều tra làm rõ chân tướng”, cho rằng, sẵn sàng “đàm phán hòa bình” với Chính phủ Myanmar, “giải quyết chính trị là con đường duy nhất”. Tuy nhiên, gần đây, Myanmar đã tuyên bố thẳng thừng, đàm phán hòa bình không dành cho phiến quân Kokang.

Bài báo dẫn nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình, Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, bất kể thế nào, Myanmar đều “không thể trốn tránh trách nhiệm”, vì sự kiện do xung đột giữa Quân đội Myanmar và lực lượng vũ trang địa phương gây ra.

Nhà nghiên cứu Tôn Tiểu Nghênh, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, cho đến nay, Trung Quốc "đã giữ kiềm chế". Để khi điều tra rõ sự việc, phải nói rõ cho người Trung Quốc bị thương vong và gia đình họ, tiến hành xin lỗi và bồi thường, trừng trị kẻ gây họa.

Phóng viên mạng sina Trung Quốc lấy tin từ Văn phòng thông tin thành phố Lâm Thương cho biết, từ sau khi "bom của máy bay quân sự Myanmar rơi ở Lâm Thương, Trung Quốc, gây ra thương vong cho người dân biên giới", điều tra của Trung Quốc và Myanmar đối với sự kiện vẫn chưa kết thúc, cách nói "Myanmar đề nghị bồi thường mỗi người gặp nạn Trung Quốc 70.000 nhân dân tệ" là không đúng.

Phiến quân Kokang có cả trẻ em (nguồn mạng sina TQ)
Phiến quân Kokang có cả trẻ em (nguồn mạng sina TQ)

Theo bài báo, sau khi sự kiện xảy ra, thành phố Lâm Thương nhanh chóng điều hơn 300 cán bộ đến các hộ dân, làm công tác tư tưởng, để duy trì sản xuất, sinh hoạt bình thường. Trong khi đó, lực lượng quân đội, cảnh sát tiến hành tuần tra vũ trang ở những thời điểm và địa điểm có hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân biên giới tương đối tập trung, tăng cường cảm giác an toàn cho người dân tuyến đầu biên giới.

Trước đó, theo tuyên truyền của báo chí Trung Quốc, máy bay quân sự Myanmar đã xâm nhập không phận Trung Quốc, tấn công lực lượng phiến quân Kokang, nhưng đã gây thương vong cho người dân biên giới Trung Quốc, trong đó có 5 chết, 8 người bị thương.

60 nghìn lượt người dân Myanmar đã vượt biên sang Trung Quốc?

Liên quan đến tình hình Myanmar, trang mạng Cri Online Trung Quốc ngày 20 tháng 3 dẫn lời phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc có tên là Hồng Lỗi cho rằng: Từ trung tuần tháng 2 đến nay, do xung đột vũ trang ở một số khu vực ở Myanmar kéo dài, rất nhiều người dân biên giới Myanmar do vấn đề an toàn đã tràn sang lãnh thổ Trung Quốc, đến ngày 7 tháng 3, có tổng cộng 60.000 lượt người dân biên giới Myanmar tràn sang lãnh thổ Trung Quốc.

Hồng Lỗi nói rằng: Trên "tinh thần nhân đạo", Trung Quốc đã tiến hành "hỗ trợ cần thiết và bố trí ổn thỏa". Trung Quốc muốn các bên ở Myanmar có thể "giữ kiềm chế", làm cho trật tự bình thường của biên giới nhanh chóng khôi phục, những "người dân biên giới" này có thể sớm trở về nhà.

Quân đội Trung Quốc tập kết ở biên giới Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Quân đội Trung Quốc tập kết ở biên giới Myanmar (nguồn mạng sina TQ)

Trung Quốc tăng cường tập kết lực lượng ở biên giới với Myanmar

Theo mạng quân sự sina Trung Quốc, ngày 14 tháng 3, người phát ngôn Không quân Trung Quốc tuyên bố, Không quân Trung Quốc đã tổ chức nhiều tốp máy bay chiến đấu cất cánh, tiến hành theo dõi, giám sát, cảnh cáo, xua đuổi đối với Myanmar bay đến gần biên giới Trung Quốc. Trên báo chí điện tử Trung Quốc xuất hiện không ít hình ảnh triển khai của máy bay, tên lửa phòng không Trung Quốc.

Theo bài báo, thị trấn Nam Tản của thành phố Lâm Thương - khu vực biên giới Trung Quốc-Myanmar cách thị trấn Mạnh Định (cả hai thị trấn này đều thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) khoảng 80 km. Mỗi khi Kokang nổ ra chiến sự, Nam Tản thường là khu vực người tị nạn đổ vào nhiều nhất. Ở khu vực này, phía Trung Quốc đã cho "cắm cờ đỏ" (ý là để máy bay Myanmar nhìn thấy), tăng cường quản lý an ninh khu vực lân cận biên giới, điều xe bọc thép vũ trang tuần tra ban đêm, điều máy bay trực thăng tuần tra biên giới Trung Quốc-Myanmar...

Theo bài báo, Quân đội Trung Quốc đã tiếp quản sân bay Lâm Thương, đường băng sân bay đậu vài máy bay chiến đấu J-7 của Không quân Trung Quốc, đều ở trạng thái lắp đạn thật, sẵn sàng chiến đấu.

Trong khi đó, chiến sự ở Kokang vẫn quyết liệt. Theo bài báo thì điều đó cho thấy "tầm quan trọng của việc Trung Quốc triển khai quân đội".

Quân đội Trung Quốc tập kết ở biên giới Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Quân đội Trung Quốc tập kết ở biên giới Myanmar (nguồn mạng sina TQ)

Trong một bài báo khác, mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 18 tháng 3 cho biết, để ngăn chặn tái diễn hoạt động xâm nhập không phận Trung Quốc của máy bay quân sự Myanmar, Trung Quốc đã khẩn cấp điều động rất nhiều lực lượng như pháo cao xạ (chủ yếu là pháo cao xạ 37 mm 2 nòng), tên lửa phòng không (HQ-12 và HQ-6), máy bay chiến đấu J-7H, máy bay chiến đấu J-11 đến tập kết ở biên giới Trung Quốc-Myanmar.

Trong đó, máy bay chiến đấu J-11 (sao chép từ Su-27 Nga) hầu như hàng ngày đều cất cánh tiến hành tuần tra cảnh giới trên không; cụm máy bay chiến đấu J-7H cũng lắp tên lửa không đối không PL-8, đợi lệnh sẵn sàng chiến đấu ở sân bay Lâm Thương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Theo bài báo, ngày 16 tháng 3, ở một thao trường còn cất hạ cánh 2 máy bay trực thăng, chúng tiến hành tuần tra ở đường biên giới Trung Quốc-Myanmar. Đường băng sân bay Lâm Thương đậu vài chiếc máy bay chiến đấu J-7H của Không quân Trung Quốc, đều được lắp đạn sẵn. Lực lượng phòng không Trung Quốc cùng triển khai ở khu vực cột mốc 125, triển khai radar và hỏa pháo phòng không, ngày 17 tháng 3 tiến hành diễn tập.

Tổng thống Myanmar: Xung đột Kokang là công việc nội bộ

Trước các hành động triển khai quân sự của Trung Quốc, Quân đội Myanmar vẫn kiên quyết tấn công phiến quân Kokang ở khu vực biên giới với Trung Quốc. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Myanmar cũng đã ra tuyên bố cứng rắn.

Quân đội Trung Quốc tập kết ở biên giới Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Quân đội Trung Quốc tập kết ở biên giới Myanmar (nguồn mạng sina TQ)

Xung đột Kokang là công việc nội bộ - đó là tuyên bố rõ ràng của Tổng thống Myanmar U Thein Sein trước khả năng Trung Quốc can thiệp vào cuộc xung đột ở miền bắc Myanmar với nhiều động thái quân sự đáng quan ngại. Khu vực Kokang là nơi đồn trú của phiên quân mang dòng máu người Hoa, nhiều tiếng nói từ nội bộ Trung Quốc yêu cầu Chính phủ và Quân đội Trung Quốc can thiệp để bảo vệ phiến quân này, trên thực địa đã triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không… sẵn sàng bắn hạ máy bay Myanmar khi chúng xâm phạm không phận Trung Quốc.

Tuyên bố trên của Tổng thống Myanmar U Thein Sein đã đưa ra khi ông trả lời phỏng vấn báo chí tại Thủ đô Naypyidaw, được BBC Anh ngày 20 tháng 3 đưa tin và được các báo Trung Quốc đăng lại trong ngày 21 tháng 3.

Theo BBC Anh, trong chiến sự xảy ra ở khu vực biên giới Kokang, Myanmar trong 6 tuần vừa qua, hơn 200 binh lính tham chiến bị chết, rất nhiều dân thường thiệt mạng.

Ngày 20 tháng 3, Tổng thống U Thein Sein cho biết, đây là công việc nội bộ của Myanmar, cần được giải quyết trong nội bộ.

Cụm pháo cao xạ và cụm máy bay chiến đấu Trung Quốc tập kết ở biên giới với Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Cụm pháo cao xạ và cụm máy bay chiến đấu Trung Quốc tập kết ở biên giới với Myanmar (nguồn mạng sina TQ)

Theo ông U Thein Sein: "Trung Quốc không thể giải quyết, chúng tôi chắc chắn phải tự giải quyết, Trung Quốc có chính sách không can thiệp, hơn nữa đã cho biết họ không cho phép bất cứ tổ chức nào tấn công Myanmar từ trong nước Trung Quốc".

Theo bài báo, hiện nay, đối với Myanmar, xung đột Kokang chỉ có con đường giải quyết quân sự, bởi vì đề nghị đàm phán của phiến quân Kokang đã bị từ chối.

Tổng thống U Thein Sein tuyên bố, Quân đội Myanmar sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trong trong thực hiện nhiều dân chủ hơn ở nước này.

Tại Thủ đô Naypyidaw, ông cho biết, quân đội đã khởi động cải cách, nhưng ông chưa đưa ra thời gian biểu cho việc quân đội giảm thống trị đời sống chính trị của Myanmar.

Bài báo cho biết, trong thời gian nhậm chức 4 năm của ông U Thein Sein, Myanmar đã có sự thay đổi to lớn, nhưng vai trò của quân đội hoàn toàn không thay đổi to lớn. Quân đội Myanmar vẫn chiếm 1/4 số ghế trong Quốc hội.

Trung Quốc điều lực lượng tên lửa phòng không HQ-12 tới tập kết ở biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Trung Quốc điều lực lượng tên lửa phòng không HQ-12 tới tập kết ở biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Lực lượng pháo cao xạ Quân đội Trung Quốc tập kết ở biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Lực lượng pháo cao xạ Quân đội Trung Quốc tập kết ở biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Radar phòng không của lực lượng tên lửa phòng không Trung Quốc tập kết ở biên giới với Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Radar phòng không của lực lượng tên lửa phòng không Trung Quốc tập kết ở biên giới với Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Xe quân sự Trung Quốc tập kết ở biên giới với Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Xe quân sự Trung Quốc tập kết ở biên giới với Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay chiến đấu J-7H Không quân Trung Quốc lắp sẵn đạn tại biên giới với Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay chiến đấu J-7H Không quân Trung Quốc lắp sẵn đạn tại biên giới với Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay chiến đấu J-11 Không quân Trung Quốc tuần tra sẵn sàng chiến đấu ở biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay chiến đấu J-11 Không quân Trung Quốc tuần tra sẵn sàng chiến đấu ở biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay trực thăng của lực lượng hàng không Lục quân Trung Quốc tập kết ở biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay trực thăng của lực lượng hàng không Lục quân Trung Quốc tập kết ở biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Việt Dũng (Nguồn mạng sina TQ)