Muôn màu đón Tết ở bệnh viện Tâm thần Hà Nội

29/01/2012 07:14
Linh Hiệp/Đang Yêu
Bệnh viện Tâm thần Hà Nội - một nơi đặc biệt, nơi đó có những bệnh nhân đặc biệt, có những sự hi sinh âm thầm và có cả những mùa Tết rưng rưng cảm động...
Họ đều là những bệnh nhân đang ở giữa lằn ranh của tỉnh và mê, của tĩnh và động, của thực tại và một cõi xa xôi nào đó… buộc phải ở lại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong những ngày Tết để “chiến đấu” với bệnh tật và mong mỏi tìm kiếm lại con người mình.

Muôn màu đón Tết ở bệnh viện Tâm thần Hà Nội ảnh 1
Muôn màu đón Tết ở bệnh viện Tâm thần Hà Nội


“Bác sĩ ơi, Tết này nhà tôi có đón tôi về không?” – đó là câu hỏi các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội nhận được nhiều nhất mỗi dịp Tết về. Câu hỏi ấy xoáy sâu vào lòng những vị lương y niềm thương cảm, xót xa và cả những lo lắng không dễ giải thích. Thương cảm, xót xa đã đành, song họ còn lo lắng cho sự trở về của những người bệnh. Bởi lẽ, xã hội cởi mở nhưng chưa đủ bao dung, tế nhị và nhìn những người khuyết tật bằng đôi mắt dung hòa, nhân ái giống như những con người bình thường khác. Chỉ cần một chút xáo trộn, một ánh mắt ánh lên sự khác biệt, một nụ cười chưa thực sự tươi tắn… có thể khiến những bệnh nhân từng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trở về vạch xuất phát điểm của thời kỳ mới ngày đầu nhập viện. Còn với số bệnh nhân ở lại ăn Tết, đồng nghĩa số lượng y, bác sĩ ở lại trực chiến những ngày Tết cũng phải tăng cường. Ở một nơi đặc biệt, có những bệnh nhân đặc biệt, có những sự hi sinh âm thầm và có cả những mùa Tết đặc biệt và rưng rưng cảm động.

Bác sĩ Lý Trần Tình – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: “Số lượng bệnh nhân ở lại ăn Tết tại bệnh viện thường dao động ở con số 200 bệnh nhân. Đa phần họ đều là những bệnh nhân mắc bệnh nặng, chứng rối loạn tâm thần nặng hoặc những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ điều kiện sức khỏe, tâm sinh lý về ăn Tết cùng gia đình. Những bệnh nhân đó sẽ được đón một cái Tết đầy đủ giống như Tết ngoài xã hội, chỉ khác một thứ duy nhất: Tuyệt đối không có chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá trong sinh hoạt”.

Trong cuộc đời gắn bó với nghề y, bác sĩ Lý Trần Tình có rất nhiều cái Tết gắn bó với bệnh viện, phần công việc yêu cầu  phân công trực Tết đã đi một lẽ, song với một người tận tâm gắn bó với nghề, ông muốn được sẻ chia, động viên với thiệt thòi của những người bệnh không có được may mắn đón Tết bên gia đình, bè bạn.
Không khí Tết len lỏi khắp các nẻo đường phố thị. Ngoài đường phố, người ta đã rộn rịp rủ nhau đi bát phố, sắm đồ Tết, chọn mua những cành đào, chậu quýt cảnh ưng ý để Tết thêm phần ấm cúng. Trong những ngày từ 24 – 29 Tết, đường vào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tấp nập và nhộn nhịp hơn ngày thường rất nhiều. Vượt con đường dài, người nhà bệnh nhân lỉnh kỉnh xách đủ thứ quà bánh mang tới bệnh viện cho người nhà của họ, mong họ có được cái Tết đầy đủ, tươm tất giống như những con người bình thường khác.

Tết khiến cho lòng người chộn rộn, tươi vui lạ, những người mang bệnh cũng thế. Họ cảm nhận rõ không khí Tết đã len qua cánh cửa bệnh viện, tràn vào từng buồng ngủ, phòng bệnh. Với những bệnh nhân ở đây, đa phần đều là những người bị rối loạn tâm thần, song họ vẫn có nhận thức rõ ràng, đồng nghĩa với việc cảm nhận không khí Tết, cảm nhận sự biến đổi trong nhịp sống ngày Tết khác xa với những ngày thường như thế nào. Chính sự thay đổi trong cảm xúc, những xáo trộn trong cảm xúc dẫn tới hành vi của họ thay đổi. Có thể vui buồn thất thường, khóc cười vô cớ.
Nhưng nhìn chung, đối với những người bệnh điều trị tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội, những ngày giáp Tết là những ngày họ sống trong phấp phỏng, hồi hộp, mong ngóng có người nhà tới thăm hoặc đón về ăn Tết đoàn viên cùng gia đình. Những trường hợp bệnh nhân được trở về ăn Tết cùng gia đình trải qua quá trình điều trị bằng những liệu pháp đặc biệt, tâm lý của họ đã đạt ở mức độ ổn định còn những bệnh nhân ở lại là những người chưa đạt được mức độ ổn định về tâm lý, chưa đủ điều kiện xuất viện. Lẽ bắt buộc là họ phải đón Tết trong bệnh viện.

 Đón Tết trong viện và hoang tưởng lấy chồng của thiếu nữ 18 tuổi


H nhập viện vào những ngày cận Tết. Nhìn H cười ngây ngô, miệng không ngừng luyên thuyên về một “người chồng” nào đó, những y, bác sĩ tại đây không tránh khỏi niềm thương cảm dành cho cô gái trẻ này. H là nữ sinh trường Đại học Thương mại, nhập viện khi chỉ còn nửa tháng nữa là Tết ùa về.

Sở hữu một gương mặt xinh xắn, làn da trắng bóc, mái tóc dài mượt mà, H từng được không ít chàng trai yêu mến. Song trái tim cô đã trao cho một cậu bạn cùng lớp đại học ngay từ những ngày đầu bước chân vào cánh cổng trường Thương mại. H yêu chân thành cậu bạn ấy, thậm chí dâng hiến “cái ngàn vàng” cho người yêu. 18 tuổi song H đã bắt đầu biết mơ về hạnh phúc với một tổ ấm nho nhỏ bên người đàn ông H yêu thương.

Chính vì trọn vẹn trao tình yêu cho gã trai ấy, H không thể ngờ một ngày phát hiện ra ngoài mình, cậu bạn trai còn tán tỉnh, yêu đương thêm nhiều người con gái khác và cũng chính cậu ta đã “bóc tem” rất nhiều cô gái non dại như H. Cậu bạn nói với H rằng, nếu chịu được áp lực, chấp nhận là một trong số những người bạn gái của cậu ta thì hai người tiếp tục, còn nếu không mọi thứ chấm dứt. Đau khổ vì bị phụ bạc và nhận những lời nói nhẫn tâm đó, H rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc. H khóc cười không kiểm soát. H luôn lảm nhảm về một đám cưới trong tưởng tượng. Gặp ai H cũng kể lể về “người chồng” của mình dù H chưa một ngày kết hôn.

Bố mẹ H đều là công nhân viên chức, thương con nhưng nghĩ tới sĩ diện gia đình và tương lai của con nên chần chừ không đưa con đi chữa bệnh. Họ sợ mang tiếng có cô con gái bị “điên tình”, trong khi rõ ràng con gái mình là một nữ sinh đại học hẳn hoi. Sống trong giấu giếm và bao che của bố mẹ, tới khi bệnh tình ngày một trầm trọng, H thường tỉnh dậy lúc nửa đêm, gào khóc về “người chồng” ảo của mình, đòi được kết hôn… bố mẹ H buộc phải đưa H tới bệnh viện tâm thần Hà Nội điều trị.

Theo các bác sĩ chẩn đoán, bệnh của H đa phần bị mọi người hiểu trầm trọng là “bệnh điên tình”, song thực chất đây chỉ là chứng rối loạn cảm xúc và hành vi, thường gặp ở độ tuổi 18-25, là lứa tuổi phát triển đầy đủ về tinh thần và thể xác. H là một trong số rất nhiều trường hợp nhập viện bởi chứng bệnh này.

Không hoàn toàn mất hết nhận thức, sự rối loạn cảm xúc của H chỉ diễn ra mang tính thời điểm, do đó, ngoài những lúc “phát bệnh”, H vẫn nhận thức được tình trạng hiện tại của bản thân và các mối quan hệ xã hội, môi trường bên ngoài. H tâm sự với các bác sĩ về hoàn cảnh gia đình, đặc biệt H dành những lời đẹp nhất, trân trọng nhất dành cho cậu người yêu bội bạc. Hễ nhắc tới tên người bạn trai này, H không kiềm chế được xúc động. Cô lại bật khóc nức nở. Bởi vậy, để tránh những cơn xúc động do kí ức mang lại, các y bác sĩ một mặt quan tâm tới tâm tư tình cảm của H, vừa sử dụng liệu pháp tâm lý, tư vấn về sức khỏe tâm lý-tinh thần đối với cô gái tội nghiệp này.

Bố mẹ H lỉnh kỉnh mang theo đủ thứ quà Tết vào viện thăm con gái. Nhìn thần sắc con tươi tỉnh, rạng rỡ, có sinh khí hơn rất nhiều những ngày đầu nhập viện, ông bà tỏ ra hết sức vui mừng và không ngừng hi vọng một ngày gần nhất con gái họ sẽ trở về đoàn tụ cùng gia đình với tâm thế của một con người hoàn toàn bình thường.

Trớ trêu thích đón Tết ở bệnh viện tâm thần

Bác sĩ Trần Phương – điều dưỡng trưởng khoa cấp tính nam kể lại một trường hợp bệnh nhân đặc biệt, có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Bệnh nhân này tên Hải, quê ở Sóc Sơn – Hà Nội, nhập viện vì chứng tâm thần. Ngoài ông Hải nhập viện còn hai người con của ông cũng nhập viện vì chứng bệnh tâm thần. Ba bố con cùng nằm viện tân thần, song khác khoa vì tình trạng bệnh lý của họ khác nhau. Bà vợ bỏ rơi, không đoái hoài tới cảnh ngộ đáng thương của ba bố con, thi thoảng lắm mới có họ hàng, anh em lên thăm nom.

Ngày lễ, ngày Tết, nhìn những bệnh nhân khác có người nhà mang quà Tết tới thăm, ba bố con chỉ viết ngơ ngác nhìn nhau đến tội nghiệp. Trong lúc hiếm hoi tỉnh táo, bệnh nhân Hải tâm sự với các bác sĩ: “Nhà tôi nghèo lắm. Tết làm có gì mà ăn. Nói thật là Tết ở bệnh viện được ăn ở đầy đủ sung sướng hơn ở nhà, nên cha con tôi chỉ thích ăn Tết ở bệnh viện thôi”. Câu nói có phần “vô tư” của ông khiến các bác sĩ ở đây vừa thương lại vừa xót. Mấy ngày Tết, ba bố con gặp nhau ở phòng sinh hoạt chung, chào hỏi nhau dăm ba câu rồi ai nấy mải mê vào “bàn tiệc” đón nhận cái Tết no căng dạ dày.

Bệnh nhân Hải tâm sự, ông không thích về nhà, phần bởi gia cảnh khó khăn, song một phần nữa là bởi ông sợ tiếp xúc với những người hàng xóm cũ. Theo tâm lý của người Á Đông, ngày Tết là dịp họ hàng, bạn bè tới thăm nom, chúc một năm mới an lành, hạnh phúc, nhưng không mấy ai hào hứng trong việc tiếp đón một người mắc chứng tâm thần tới thăm nhà. Họ sợ vì đó sẽ bị xúi quẩy, đen đủi cả năm. Chính thái độ khó chịu, phần nào kì thị ấy khiến những người bệnh như ông Hải ngại tiếp xúc, gặp gỡ hàng xóm. Trong các mối quan hệ: Gia đình thì bị cắt đứt kể từ khi vợ ông bỏ ba bố con ông để đi theo một người đàn ông khác. Họ hàng xa lánh, nhìn bằng ánh mắt khác thường, bạn bè tỏ ý thương hại… tất cả những cách hành xử ấy đều tác động nhất định đến tâm lý người bệnh. Tạo cho họ sự mặc cảm về bệnh tật của mình và phần nào đẩy họ rơi vào trạng thái bệnh lý vừa mới thuyên giảm.

Bệnh nhân Diên, ở Hàng Khay- Hà Nội có chung “sở thích” đón Tết ở bệnh viện giống như ông Hải. Ông Diên bị vợ con bỏ rơi, cả ngôi nhà ở phố cổ cũng bị em trai lấy mất, ông bị chứng tâm thần và phải nhập viện tâm thần Hà Nội. Ông thích ăn Tết ở viện vì ông sợ cái cảm giác lạnh lẽo, tàn nhẫn của con người ngoài xã hội kia. Ông bảo, ở đây được đón Tết cùng với những người cùng cảnh ngộ, ít nhiều nhận được sự cảm thông, chia sẻ của họ. Còn ngoài kia người ta bàng quan lướt qua nhau, chẳng biết đâu là hơi ấm tình người… Thế mới biết, trong cảm thức của những người chúng ta cho rằng họ “điên”, họ “thần kinh” là những tâm hồn trong sáng và biết yêu thương. Họ chung mâm cơm ngày Tết, cười nói vui vẻ và gợn một chút suy tư nhớ nhà. Tết mà! Ai chẳng muốn được đoàn tụ bên gia đình, ngậm miếng mứt gừng cay xè đầu lưỡi, hàn huyên bên tách trà ướp hương sen, thắp nén hương trầm cúng vái tổ tiên và cầu nguyện một năm mới an lành. Nhưng, không phải ai cũng có may mắn ấy. Trong chút nhận thức còn lại, họ dành tâm hồn mình hướng về gia đình cùng nỗi khao khát được đoàn viên, xum vầy.

Đón “giao thừa sớm” trong viện

Khi tôi hỏi các bác sĩ ở đây về không khí giao thừa ở bệnh viện, họ cười hiền: “Bệnh nhân của bệnh viện sẽ được đón giao thừa sớm hơn so với những người khác. Không có cảm giác hồi hộp ngóng đợi, đếm ngược từng phút đến tận 0 giờ giống như bên ngoài xã hội. Các bệnh nhân sẽ được ăn bữa cơm tất niên và đón “giao thừa sớm” vào lúc 8 giờ tối. Bởi lẽ, các bệnh nhân ở đây sau khi ăn tối xong sẽ phải uống thuốc theo như hệ thống phác đồ điều trị. Sau đó họ đi ngủ.

Đối với những bệnh nhân ở lại đón Tết trong viện, họ được các bác sĩ lo lắng, thu xếp đầy đủ để có được cái Tết vui vẻ. Cũng bánh chưng xanh, cành đào ngày Tết. Nhưng có một thứ không bao giờ xuất hiện, đó là rượu. Theo bác sĩ Lý Trần Tình, những ngày trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện vì loạn thần do rượu gia tăng. Việc sử dụng rượu trong bệnh viện là điều tối kị.

Mặt khác, ngày Tết, người nhà bệnh nhân tới thăm, mang theo quà tới cho bệnh nhân. Công tác kiểm tra thực phẩm được kiểm soát gắt gao, bởi không ít trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm do bản thân sinh lý người bệnh nhạy cảm với các loại thức ăn. Việc thay đổi khẩu phần ăn của người bệnh trong ngày Tết dẫn tới nhiều ca thót tim đối với bác sĩ. Họ đã từng phải cấp cứu một bệnh nhân bị nghẹn bánh chưng do rối loạn bản năng ăn uống.

Bên cạnh đó, ngày Tết, ngoài việc là người chữa bệnh cho bệnh nhân, các y bác sĩ  còn như những người bạn chia sẻ những nguyện vọng, ao ước của bệnh nhân. Một mặt nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ chặt chẽ chỉ định của thầy thuốc, mặt khác không làm xáo trộn nhịp sinh học của họ. Cách cư xử đối với bệnh nhân phải luôn nền nã, cương nhu hài hòa. Giai đoạn này tâm sinh lý họ thay đổi. Không ít bệnh nhân tìm cách trốn viện về nhà. Thậm chí đã có những hành động như bẻ song cửa, trèo tường… nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời, những lời khuyên chân thành, hữu ích của bác sĩ, họ nhanh chóng cân bằng được tâm lý, ngoan ngoãn ở lại ăn Tết cùng những người bệnh khác.

Mùa Tết tri ân ấm áp nghĩa tình

Bệnh viện tâm thần Hà Nội, nơi hàng trăm bệnh nhân đang điều trị và ăn Tết ở đây đều có chung nỗi niềm “Tết chỉ thực sự hiện hữu khi bệnh nhân hết bệnh”. Họ nhắn gửi lời chúc tới nhau, tới những người bác sĩ ngày đêm tận tụy chữa bệnh cho họ: “Cầu cho năm mới tất cả bệnh nhân đều khỏi bệnh, để được đón một cái Tết thật sự vui vẻ, đầm ấm và chúc các bác sĩ tràn đầy sức khỏe”.

Bác sĩ Trần Phương cười rộn ràng: “Có năm bệnh viện chúng tôi nhận được những món quà hết sức ý nghĩa. Có bệnh nhân từng điều trị ở đây sau khi trở về hòa nhập với cộng đồng, Tết đến họ và gia đình của họ kéo nhau tới thăm và cảm ơn các bác sĩ đã chữa trị khỏi bệnh cho con em họ. Đối với những người làm nghề như chúng tôi, nhìn thấy bệnh nhân của mình hồi phục, khỏe mạnh, đó đã là món quà lớn và ý nghĩa nhất rồi”.

Ví dụ như trường hợp của bệnh nhân L – một cô gái mắc chứng trầm cảm cấp độ nặng. L sinh ra trong một gia đình giàu có, bố mẹ đều là những người có vai vế, vị trí trong xã hội. Việc áp đặt nguyện vọng của cha mẹ lên đôi vai bé bỏng của cô con gái đẩy L vào trạng thái trầm cảm. Từ việc ép L đi học thêm, học tất cả các môn năng khiếu, ép L phải đi du học… khiến L rơi vào trạng thái trầm cảm. Từ một cô bé nhanh nhẹn, hoạt bát, L trở thành một cô bé ít nói, ngại giao tiếp, lảm nhảm trong đầu quá nhiều công thức, kiến thức buộc phải nhớ. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện theo liệu pháp đặc biệt: liệu pháp tư giãn luyện tập, tư vấn về sức khỏe, tâm lý – tâm thần… L đã trở lại bình thường và tái hòa nhập cộng đồng.

Hoặc như trường hợp của bệnh nhân M ở Chương Mỹ - Hà Nội, sau khi khỏi bệnh, ngày Tết cả nhà M cùng lên cảm ơn khoa, món quà là cặp bánh chưng xanh giản dị, song nhìn thấy M hạnh phúc, sum vầy bên gia đình, các bác sĩ đã cảm thấy hạnh phúc và có thêm động lực, niềm tin vào công việc bộn bề vất vả của mình.

Đối với những bác sĩ ở bệnh viện tâm thần Hà Nội, việc ở lại ăn Tết cùng bệnh nhân đã trở thành một điều quen thuộc. Thành thử, khi tôi hỏi họ về một mùa Tết đặc biệt nào đó, họ đều cười: “Đó là một phần công việc của chúng tôi, nó ăn sâu vào máu nên thành thử những thứ các bạn cho là bất thường, đặc biệt lại trở thành thường lệ, quen thuộc đối với những người làm nghề này”.

Tôi mỉm cười nhẹ nhàng nhìn những con người khoác lên mình tấm áo bờ lu trắng, họ âm thầm tỏa hương, giản dị và khiêm nhường, câu nói “lương y như từ mẫu” đôi khi bị lung lạc trong thời buổi kim tiền hiện đại, nhưng với những vị bác sĩ tận tụy này, tôi tin câu nói ấy vẫn còn nguyên tròn trịa.

Linh Hiệp/Đang Yêu