Mỹ sẽ xây dựng căn cứ lực lượng đặc nhiệm ở 120 nước

24/02/2012 15:57
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - Lực lượng đặc nhiệm Quân đội Mỹ hiện đã triển khai ở 75 nước, con số này năm nay có triển vọng tăng lên 120 nước.

Xây dựng 4 căn cứ tại châu Phi

Ngày 22/2, Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ, Thiếu tướng Hải quân Brian Losey trả lời báo chí cho biết, các binh sĩ Mỹ - giúp đỡ các nước châu Phi tấn công lực lượng phiến quân Lord's Resistance Army (LRA) ở Uganda - đã hoàn thành triển khai, họ sẽ hợp tác lâu dài với quân đội địa phương tại các căn cứ ở Uganda, Congo, miền nam Sudan và Trung Phi. Điều này cho thấy, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã tăng cường tốc độ mở rộng.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ

Pelosi cho biết, các binh sĩ Mỹ chủ yếu được triển khai ở Uganda, ngoài ra còn triển khai ở Obo - đông nam Cộng hòa Trung Phi, Dongo – đông bắc Cộng hòa Dân chủ Congo và Nzara - tây nam của miền nam Sudan.

Được biết, những căn cứ này phần lớn đều nằm ở khu vực biên giới của 4 nước, qua đây có thể dễ dàng nắm được tình hình hoạt động của lực lượng phiến quân, cắt đứt tuyến đường hoạt động của chúng giữa các nước này.

Quân đội Mỹ hợp tác với quân đội 4 nước trên thông qua các hình thức như huấn luyện, cung cấp kinh phí quân sự, vận tải đường không, hậu cần, liên lạc và tình báo.

Pelosi cho biết, những căn cứ này của quân Mỹ đều đồn trú trong quân đội địa phương. Theo tiết lộ của Pelosi, các hoạt động phá hoại của Lord’s Resistance Army gần đây đã giảm, số quân giảm xuống còn khoảng 200, chỉ là là một bộ phận nhỏ của thời kỳ hoàng kim, có một nguyên nhân là Mỹ và các nước đối tác đã gây sức ép về quân sự.

Ông cho biết, trong vài tháng tới, các chiến dịch tấn công lực lượng phiến quân LRA sẽ tăng cường và nâng cao hiệu quả.

Lực lượng phiến quân LRA bắt đầu phát triển ở Uganda vào đầu năm 1987, quân LRA dưới sự lãnh đạo của Joseph Kony là lực lượng hoạt động ngày càng tích cực trong những năm gần đây của tổ chức này.

Phiến quân LRA
Phiến quân LRA

Trong hoạt động nổi dậy hơn 20 năm, tổ chức vũ trang này đã gây ra hàng vạn người chết. Sau khi bị truy đuổi ra khỏi phía bắc Uganda vài năm trước, phạm vi hoạt động của lực lượng phiến quân này mở rộng tới các nước Congo, miền nam Sudan và Trung Phi, đồng thời thường xuyên cướp phá làng mạc, bắt giữ trẻ em, buộc chúng trở thành “đạo quân trẻ em” hoặc nô lệ tình dục.

Tòa án Hình sự Quốc tế và Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế đều ra lệnh truy nã đối với lãnh đạo các tổ chức này, Liên minh châu Phi và Mỹ đều tuyên bố chúng là tổ chức khủng bố.

Hiện nay còn chưa rõ mục đích cuối cùng tấn công phiến quân LRA của Mỹ. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi Carl Vankov cho biết, mục tiêu của Mỹ không chỉ nhằm vào Kony, mà còn nhằm vào tất cả các thành viên chính của lực lượng LRA.

Ngày 23/2, nhà  nghiên cứu cấp cao Quản lý xung đột và Xây dựng hòa bình – Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi Sandra Aude trả lời phỏng vấn cho biết, Mỹ triển khai lực lượng đặc nhiệm ở 4 nước trên hoàn toàn không gây ngạc nhiên, bởi vì ngay từ năm 2004 đã có nhân viên tình báo Mỹ can dự vào tình hình khu vực này.

Nhưng Aude cho rằng, hiện nay kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể hợp tác giữa Mỹ và các nước trong khu vực vẫn còn tiết lộ rất ít ra bên ngoài, gây lo ngại cho dư luận. Bởi vì, kế hoạch tấn công có liên quan phải được sự đồng ý của người dân và các tổ chức dân sự địa phương.

Thậm chí, do các chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm Mỹ được giữ bí mật, hiện nay người dân địa phương có thể chưa biết về kế hoạch này.

Binh sĩ lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang tiến hành huấn luyện.
Binh sĩ lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang tiến hành huấn luyện.

Có kế hoạch triển khai tại 120 nước và được trao quyền lớn hơn

Tình hình phát triển tiếp tục làm lộ ra xu thế phát triển của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Phân đội tiền trạm của Quân đội Mỹ tiến vào Uganda vào tháng 11/2011, đến tháng 12 lần lượt xây dựng căn cứ ở Uganda, miền nam Xu-đăng và Trung Phi, để làm “cố vấn”, hỗ trợ tấn công lực lượng phiến quân LRA.

Nhưng khi đó Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều cho biết, việc đưa quân đến là hành động “ngắn hạn”, Mỹ sẽ định kỳ xem xét và đánh giá kết quả công tác của các “cố vấn Mỹ”, để quyết định các chiến dịch tiếp theo.

Nhưng Mỹ hiện không chỉ đưa lực lượng đặc nhiệm đến châu Phi lâu dài, mà sẽ còn không ngừng mở rộng quy mô trên thế giới.

Tăng cường lực lượng đặc nhiệm Mỹ là nội dung điều chỉnh quan trọng trong chiến lược quân sự mới được Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố cách đây không lâu.

"Người ếch" - lực lượng đặc nhiệm Mỹ.
"Người ếch" - lực lượng đặc nhiệm Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta nhấn mạnh, quân Mỹ sẽ rút ra bài học trong cuộc chiến 10 năm qua, tiến hành tổ chức lại Quân đội Mỹ, để nó nhanh nhạy, linh hoạt hơn, trong đó tăng cường lực lượng đặc nhiệm trở thành then chốt.

William McRaven - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc biệt – Quân đội Mỹ gần đây tiếp tục nhấn mạnh, lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ phát huy vai trò then chốt và quan trọng trong các chiến dịch quân sự tương lai.

Đối với Mỹ, tăng cường lực lượng đặc nhiệm không chỉ có giá trị quan trọng ở góc độ chiến lược, chiến thuật, mà còn có hiệu quả cao hơn từ góc độ kinh tế.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ từ 33.000 quân năm 2001 tăng lên đến 66.000 quân hiện nay, kinh phí từ 3,3 tỷ USD năm 2001 tăng lên 10,5 tỷ USD hiện nay. Lực lượng đặc nhiệm Quân đội Mỹ hiện đã triển khai ở 75 nước, con số này năm nay có triển vọng tăng lên 120 nước.

McRaven cho biết, hiệp đồng tác chiến với các binh chủng khác của quân Mỹ và lực lượng đặc nhiệm của nước khác là một đặc điểm lớn của lực lượng đặc nhiệm Mỹ.

Tại Afghanistan, trong lữ đoàn bộ binh 162 của Mỹ có 2 tiểu đoàn cùng với lực lượng đặc nhiệm cùng thực hiện chiến dịch “ổn định làng mạc”; Không quân Mỹ có một lực lượng đột kích trên không gọn nhẹ và chương trình đào tạo có liên quan; Hải quân cũng tiến hành sắp xếp đặc biệt để chi viện cho các chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm.

McRaven cho biết, trong tương lai, lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ đứng trước 3 nhiệm vụ lớn: Thứ nhất là đánh thắng cuộc chiến nhằm vào “chủ nghĩa cực đoan” trên toàn cầu.

Thứ hai là mở rộng liên minh lực lượng đặc nhiệm trên thế giới. Thứ ba là không ngừng tăng cường, mở rộng lực lượng đặc nhiệm.

Được biết, McRaven đang tìm cách để Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc biệt giành được quyền lớn hơn, khi triển khai lực lượng đặc nhiệm ở nước ngoài, sẽ không còn phải căn cứ vào trình tự xét duyệt bình thường của Lầu Năm Góc, mà do bản thân họ có đặc quyền điều lực lượng đặc nhiệm ra nước ngoài, nhằm giúp cho lực lượng nhanh chóng được gửi đến các khu vực điểm nóng.
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)