Năm "lỗ hổng quân sự" trong chính sách của NATO nhằm đối phó với Nga

06/11/2017 13:00
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Nếu NATO đạt đến sự thống nhất về năm yêu cầu mà chuyên gia đưa ra, sẽ giúp nâng cao đáng kể sức mạnh cơ động và tác chiến cho các lực lượng NATO.

Vào tuần tới, các Bộ trưởng Quốc phòng của NATO sẽ gặp nhau ở Brussels (Bỉ) để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của NATO vào năm 2018.

Các vấn đề chính sẽ được thảo luận, bao gồm việc chia sẻ trách nhiệm quốc phòng và vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như quản lý người tị nạn ở phía Nam.

Tuy nhiên, việc tăng cường khả năng phòng thủ để ngăn chặn nguy cơ từ phía Đông vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của NATO trong cuộc họp này.

Điều này, xuất phát từ cuộc tập trận Zapad-2017 giữa Nga và Belarus hồi tháng 9 cho thấy, Nga có khả năng triển khai nhanh chóng khoảng 100.000 binh sĩ tới gần các quốc gia vùng Baltic (Latvia, Litva và Estonia) và Ba Lan.

Pháo tự hành PZH-2000 của NATO (Ảnh: Reuters)
Pháo tự hành PZH-2000 của NATO (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, nhiều nhà quan sát thuộc khối NATO tỏ ra quan ngại vào việc Nga có thể tấn công bất ngờ vào một quốc gia thuộc khối NATO.

Bởi Điện Kremlin cũng đã từng có tiền lệ như vậy, khi đã bất ngờ tấn công Grudia hồi năm 2013.

NATO đã cải thiện sức mạnh quân sự trong ba năm trở lại đây, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea và bắt đầu cuộc xung đột ở Donbas của Ukraine.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Walia năm 2014, NATO đã thành lập Lực lượng phản ứng nhanh (VJTF) nhằm đảm bảo khả năng triển khai khoảng 5.000 binh sĩ tới Ba Lan và các nước vùng Baltic trong vòng 48 giờ.

Đến Hội nghị thượng đỉnh Warsaw 2016, NATO đã thực hiện một bước tiến quan trọng, bằng cách gửi bốn tiểu đoàn binh lính của NATO đến ba quốc gia Baltic và Ba Lan, trong khi Hoa Kỳ triển khai một lữ đoàn bọc thép.

Binh sĩ NATO đang tiến hành huấn luyện (Ảnh: Reuters)
Binh sĩ NATO đang tiến hành huấn luyện (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, mới đây các quan chức NATO đã nhấn mạnh rằng, các bước thực hiện tại Walia và Warsaw là chưa đầy đủ.

Bởi hiện tại, các binh sĩ NATO không có lệnh phải chiến đấu, trừ khi các nhà lãnh đạo của NATO ra quyết định tiếp theo, khiến quân đội dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, lực lượng NATO triển khai ở Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic là không đủ mạnh để có thể đối mặt với một cuộc tấn công của Nga.

Trước thực trạng này, nhiều tướng lĩnh NATO thừa nhận rằng, lực lượng của NATO triển khai ở biên giới đang trở nên “quá mong manh” trước sức mạnh của Nga.

“Nga có các tên lửa chống tăng và diệt hạm ở cả trên đất liền và trên biển, chưa kể tới các máy bay chiến đấu đặt tại vùng Kaliningrad và nhiều nơi khác trên lãnh thổ, cho phép Moscow kiểm soát cả một khu vực rộng lớn”, một tướng lĩnh giấu tên của NATO cho biết. [1]

Ông Hans Binnendijk chuyên gia cao cấp của Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế Rand cho rằng:

Các đơn vị tiền tuyến của NATO nếu không được tăng cường sức mạnh, sẽ chỉ kháng cự được vài ngày nếu Nga tấn công theo kiểu tập trận Zapad-2017, trong khi quân tiếp viện dưới dạng bộ binh cơ giới sẽ không thể đến kịp để hỗ trợ ngăn chặn.

Các chuyên gia tính toán rằng, lực lượng NATO được dự tính triển khai trong bảy ngày đến các vị trí dọc biên giới NATO, nhưng thực tế có thể phải mất đến một tháng.

“Khoảng cách thời gian có thể xảy ra này, tạo ra cái mà chúng ta có thể gọi là ‘vấn đề tạm dừng’, mà NATO cần phải khắc phục tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào năm tới”, ông Binnendijk nhấn mạnh. [2]

Theo đó, ông Binnendijk còn đưa ra năm yêu cầu cơ bản để Hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Brussels vào năm tới có thể thảo luận nhằm khắc phục “vấn đề tạm dừng” trong triển khai các lực lượng chiến đấu của NATO.

Thứ nhất, việc ra quyết định triển khai cơ động lực lượng tác chiến phải được sắp xếp một cách hợp lý để tránh sự chậm trễ và chia rẽ.

Theo đó, các chỉ số và các cơ chế cảnh báo cần phải được tăng cường bằng cách cải thiện việc chia sẻ thông tin tình báo và thông tin quốc gia một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Tư lệnh tối cao của NATO cần phải được trao quyền lực lớn hơn để triển khai quân đội trong giai đoạn khẩn cấp đảm bảo thời gian nhanh nhất.

Các lực lượng bộ binh cơ giới của NATO cần phải có quy tắc rõ ràng về cam kết thực hiện các cách thức giải quyết một loạt các kịch bản tác chiến tiềm năng.

Cơ cấu chỉ huy cũng phải được cải cách để kiểm soát lực lượng tiếp viện cũng như thời hạn để ra các quyết định điều động, tác chiến, tránh sự chậm trễ.

Thứ hai, các lực lượng NATO ở tuyến đầu đòi hỏi phải có đầy đủ các lực lượng tăng - thiết giáp, pháo binh, phòng không và các kế hoạch hiệp đồng tác chiến.

Hiện tại, NATO cũng đã điều động thêm khoảng 4.000 binh sĩ đến các nước vùng Baltic, và một lữ đoàn tăng - thiết giáp đến Ba Lan, bao gồm:

87 xe tăng M1A1 Abrams, 144 xe chiến đấu bộ binh Bradley, cùng hàng chục khẩu pháo hạng nặng Paladin M109 và nhiều phương tiện chiến đấu khác. [3]

Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa thỏa mãn được đòi hỏi của các nước ở khu vực này, và một yêu cầu về sự phối hợp hiệp đồng tác chiến cũng đang được đặt ra.

Lực lượng tăng - thiết giáp của NATO triển khai ở Ba Lan (Ảnh: Reuters)
Lực lượng tăng - thiết giáp của NATO triển khai ở Ba Lan (Ảnh: Reuters)

Thứ ba, lực lượng tiếp viện cần phải có khả năng cơ động và tác chiến nhanh hơn.

Theo đó, cả VJTF và lực lượng bộ binh cơ giới của tất cả các thành viên NATO đều cần phải được cải thiện sự sẵn sàng cơ động của họ.

Do đó, các vấn đề về công tác hậu cần phải được đảm bảo thường xuyên, và các trở ngại pháp lý đều phải được loại bỏ để tiến hành triển khai lực lượng được nhanh nhất.

Thứ tư, NATO phải được chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, vũ khí trang bị, huấn luyện và hậu cần để đối phó với các mối đe dọa của Nga, bao gồm cả tên lửa phòng không và tên lửa đối đất hiện đại có thể tấn công bất ngờ vào khu vực tiền tuyến của NATO.

Thứ năm, NATO cần phải thể hiện rõ quan điểm rằng, sẽ không cho phép Nga duy trì các khu bảo tồn quân sự như ở Kaliningrad.

Đồng thời, phải có kế hoạch ngăn chặn hạt nhân một cách đầy đủ và hiệu quả nhằm chống lại các cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên của Nga.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo NATO cần phải có đủ thẩm quyền để thảo luận về các kế hoạch phòng vệ, các cuộc tập trận quân sự, cũng như đánh giá các mối đe dọa và quản lý sự cố đến từ thách thức Nga.

Chuyên gia Hans Binnendijk cho rằng, năm yêu cầu nêu trên nếu được đặt trên bàn hội thảo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels vào năm 2018 và đi đến sự thống nhất giữa các thành viên sẽ giúp nâng cao đáng kể sức mạnh cơ động và tác chiến cho lực lượng NATO nhằm đối phó có hiệu quả với các mối đe dọa từ Nga.

Trong thời gian gần đây, quan hệ giữa Nga và NATO diễn ra khá căng thẳng, khi hai bên liên tục có những cáo buộc nhau về các động thái quân sự.

Khi Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận Zapat-2017, mặc dù đã mời các quan sát viên quốc tế và NATO đến theo dõi để đảm bảo tính khách quan, minh bạch của cuộc tập trận, nhưng phía NATO vẫn liên tục chỉ trích Nga đã thể hiện thái độ “hung hăng”.

NATO đưa ra lời cáo buộc Nga lợi dụng cuộc tập trận để “chuẩn bị căn cứ” tấn công phương Tây, bằng việc sẽ để lại vũ khí và binh sĩ tại Belarus sau cuộc tập trận.

Trong khi đó, Nga lại cáo buộc NATO đưa tin sai lệch về bản chất của cuộc tập trận Zapat-2017, khi đưa ra cái gọi là “sự hung hăng” của Nga, và động thái triển khai thêm binh sĩ và một lữ đoàn tăng - thiết giáp tới ba nước vùng Baltic và Ba Lan chỉ làm căng thẳng thêm tình hình.

Tài liệu tham khảo:

[1] Dân trí/ Tướng NATO thừa nhận lực lượng mũi nhọn NATO “quá mong manh” trước Nga.

[2] Defense News/ Deterring the unthinkable: NATO’s role along the Eastern flank.

[3] TASS/ TASS Russian News Agency/ Moscow cautious about NATO’s growing presence in Baltic.

PHẠM DOÃN TÌNH