Nga tập trận ở Biển Đông khiến quân, tướng Trung Quốc hoang mang

09/11/2014 07:46
Đông Bình
(GDVN) - Nga có ngoại giao tự chủ, là đối thủ cạnh tranh chiến lược tiềm tàng của Trung Quốc, Trung Quốc không được lợi lộc gì khi Nga hiện diện ở Biển Đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tờ “Tầm nhìn” Trung Quốc ngày 7 tháng 11 có bài viết cho rằng, những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu cùng chống lại Mỹ, quan hệ hai nước Trung-Nga ngày càng chặt chẽ, trên lĩnh vực kinh tế và quân sự đều có rất nhiều hợp tác, nhưng Nga vẫn có thái độ “đề phòng” và “thù địch” với Trung Quốc, đây là một thực tế. Ngày 5 tháng 11, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, tàu tuần dương hạng nặng lớp 10.000 tấn Moscow của Nga sẽ tiến hành diễn tập quân sự ở Biển Đông.

Tàu tuần dương Moscow Nga có lượng giãn nước đạt tới 11.500 tấn, bắt đầu sử dụng từ năm 1983, là tàu tuần dương hạng nặng ít có trên thế giới. Hỏa lực của tàu chiến này rất “kinh người”, là một con thú khổng lồ trên biển thực sự.

Tàu chiến Nga tiến hành diễn tập ở Biển Đông là một việc rất hiếm thấy. Chuyên gia quân sự nước ngoài cho rằng, Nga cách Biển Đông quá xa, hơn nữa, Biển Đông cũng hoàn toàn không phải là khu vực hoạt động chính truyền thống của Nga, Nga bất ngờ tiến hành diễn tập quân sự ở đây là điều “khó hiểu”.

Đặc biệt là khi hai nước Trung-Mỹ đấu nhau quyết liệt ở khu vực Biển Đông, Nga bất ngờ chen chân vào rất có thể muốn mở rộng thực lực quân sự của họ ở Biển Đông.

Cũng có phân tích cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin quay trở lại Trung Quốc vào ngày 9 tháng 11 và tham dự Hội nghị APEC, tàu chiến Nga rất có thể cùng Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở Biển Đông để cảnh cáo, răn đe Mỹ và các đồng minh của họ.

Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga
Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga

Nhưng, theo bài báo "Biển Đông là vùng biển Trung Quốc “chủ trương chủ quyền” (yêu sách “đường lưỡi bò” bất hợp pháp-PV), “lợi ích chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông được coi là “lợi ích cốt lõi chiến lược” (bất hợp pháp, vô giá trị-pv)".

Vì vậy, tàu chiến quan trọng của Nga xuất hiện ở khu vực này vẫn là một việc “không bình thường”, nó bất kể như thế nào đều thể hiện sự hiện diện quan trọng của lực lượng quân sự Nga tại khu vực này.

Nga là một nước lớn, những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, mục tiêu xây dựng cường quốc toàn cầu, khôi phục vinh quang “đế quốc kiểu Liên Xô” ngày càng mạnh mẽ và rõ ràng. Chính sách ngoại giao của Nga có thể sẽ tính tới tới những nhân tố này, chẳng hạn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Trung Quốc, nhưng Nga tuyệt đối sẽ không bị chi phối bởi bất cứ nước nào, mà Nga triển khai ngoại giao “tự chủ” toàn diện, trong đó có ngoại giao quân sự.

Vì vậy, có thể thấy, cho dù Trung Quốc dành sự ủng hộ và phối hợp chiến lược cấp bách cho Nga trong rất nhiều vấn đề quốc tế, bao gồm cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine, nhưng Nga hoàn toàn không lơi lỏng triển khai chiến lược ở xung quanh Trung Quốc, trong đó có Biển Đông.

Nga cung cấp vũ khí chiến lược mang tính phòng thủ và tấn công cho các nước tồn tại tranh chấp lịch sử và lãnh thổ sâu sắc với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, đồng thời làm sâu sắc hợp tác chiến lược với họ. Điều này thể hiện Nga tiến hành “phòng bị trước”, đối phó với khả năng Trung Quốc gây thách thức với Nga sau khi trỗi dậy, tiến hành kiềm chế đối với Trung Quốc.

Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga
Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga

Trong nhiều năm qua, Biển Đông đã trở nên hết sức nhạy cảm. Trung Quốc và một số nước tồn tại “tranh chấp chủ quyền” (do hành động xâm lược, bành trướng của Trung Quốc gây ra) ở vùng biển này, trong khi đó, Mỹ tuyên bố khu vực chính để quay trở lại châu Á cũng nằm ở khu vực này. Quan hệ chiến lược ngày càng mật thiết giữa họ với các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines khiến cho Trung Quốc thực sự “không vui” và bất an.

Trong bối cảnh này, nếu Trung Quốc muốn lôi kéo Hải quân Nga vào, mượn sức mạnh của Nga, thị uy với Mỹ là điều không thể tưởng tượng nổi.

Trước hết sẽ đi ngược lại chủ trương chính sách ngoại giao “không làm tình hình trở nên phức tạp” (như hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014; ăn cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippines năm 2012…?) của Trung Quốc.

Trung Quốc nhiều lần phản đối “hành vi quốc tế hóa, phức tạp hóa tranh chấp chủ quyền Biển Đông” của Việt Nam, Philippines, “điều mà Trung Quốc ra sức phản đối thì tuyệt đối sẽ không tự phá hoại”.

Thứ hai, đây cũng là điều quan trọng nhất, Trung Quốc và Nga là “đối thủ cạnh tranh tiềm tàng về chiến lược”. Nga bất chấp cảm giác của Trung Quốc, triển khai lực lượng quân sự ở xung quanh Trung Quốc thể phô diễn sự hiện diện chiến lược, đủ để cho thấy, Nga là một đối thủ cạnh tranh địa-chính trị không thể coi thường của Trung Quốc. Trong tình hình này, tàu tuần dương chủ lực Moscow của Nga đến khu vực này “tuyệt đối không đem lại lợi ích” cho Trung Quốc.

Tháng 4 năm 2012, 3 tàu chiến Hải quân Nga thăm Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa)
Tháng 4 năm 2012, 3 tàu chiến Hải quân Nga thăm Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa)

Dựa trên những cân nhắc nêu trên, báo TQ cho rằng nếu Trung Quốc chủ động mời tàu chiến chủ lực Nga đến khu vực này, cân nhắc về chiến lược không đầy đủ, cho dù là để kiềm chế Quân đội Mỹ thì Trung Quốc cũng không cần thiết mượn sức mạnh của nước khác, hơn nữa sẽ càng kích thích Mỹ và các nước trong khu vực, làm trầm trọng hơn mâu thuẫn, gây ra nhiều tranh chấp hơn.

Còn nếu là hành động tự chủ của Nga, qua đây thể hiện chính sách ngoại giao của họ không bị hạn chế bởi bất cứ nước nào, điều động lực lượng quân sự tới mọi khu vực trên thế giới trong “mọi điều kiện thời tiết”, thì Trung Quốc càng cần giữ “cảnh giác” đối với điều này và đưa ra đối sách tương ứng – bài báo “quân sự” cho Bắc Kinh.

Nếu Nga dùng vũ lực can thiệp Biển Đông – nơi mà bài báo tự nhận là “phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc”, đây sẽ không phải là một việc tốt. Bất kể là Mỹ hay Nga, Trung Quốc đều phải cảnh giác, bởi vì họ đều có mối đe dọa đầy đủ đối với Trung Quốc.

Một bài viết khác cũng trên tờ “Tầm nhìn” Trung Quốc ngày 7 tháng 11 còn cho biết, tàu tuần dương Moscow là tàu chỉ huy của Hạm đội Biển Đen, Nga, thuộc tàu tuần dương tên lửa tua bin khí cỡ lớn lớp Slava. Tàu này dài 186 m, rộng 20,8 m, mớn nước 8,4 m, lượng giãn nước bình thường 9.800 tấn, lượng giãn nước tối đa 11.500 tấn.

Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga
Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga

Trong khi đó, tờ "International Business Times" Mỹ ngày 6 tháng 11 dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga ngày 5 tháng 11 tuyên bố, tàu tuần dương tên lửa Moscow Nga sẽ tiến hành huấn luyện diễn tập chống tàu ngầm và phòng không ở khu vực Biển Đông, cuộc diễn tập này sẽ sử dụng các vũ khí như tên lửa, pháo và ngư lôi.

Theo bài báo, tàu tuần dương tên lửa Moscow năm 1979 hạ thủy, năm 1983 biên chế, ngày 6 tháng 9 năm 2014 rời một căn cứ Hải quân Nga tại Sevastopol, Crimea, đã đến thăm đảo Corfu, Lefkada, Zakynthos và cảng Argostalion của Hy Lạp. Vào trung tuần tháng 10, tàu tuần dương tên lửa Moscow đã đi xuyên qua kênh đào Suez, vào Biển Đỏ, tiến đến cảng Colombo của Sri Lanka.

Bài báo dẫn chuyên gia quân sự Mỹ Eric Wertheim cho rằng, mặc dù khu vực Biển Đông hoàn toàn không phải là khu vực hoạt động chính của Nga, nhưng lại là một phần "bành trướng" của Nga. Eric Wertheim cho rằng, tàu tuần dương Moscow được triển khai là sự phô diễn hiếm thấp của Nga thể hiện sự hiện diện sức mạnh ở khu vực Biển Đông.

Trước khi đến Biển Đông tiến hành diễn tập, tàu tuần dương Moscow cũng từng cập cảng Singapore, tiến hành tiếp tế và nghỉ ngơi.

Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga
Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga

Trang mạng Học viện Hải quân Mỹ dẫn lời Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho rằng, trong 1 năm qua, hoạt động quân sự của Nga ngày càng nghiêng sang lực lượng hàng không và tàu ngầm, chứ không phải hạm đội mặt nước.

Ngày 5 tháng 11, một chiếc tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Phương Bắc Nga bắn thử một quả tên lửa xuyên lục địa ở biển Barents tới bãi bắn thử Kula, bán đảo Kamchatka, miền đông Nga. Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tuần Nga tiến hành bắn thử tên lửa xuyên lục địa, trước đó Nga đã bắn thử thành công 1 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới vào ngày 29 tháng 10.

Đông Bình