Nghị lực phi thường của cô giáo khuyết tật

03/05/2013 06:59
Văn Thành - Nguyễn Mùi
(GDVN) -Bỏ qua những mặc cảm vì thân hình nhỏ bé cũng như những khuyết tật do chất độc da cam mang lại. Chị Vũ thị Nga đã không ngừng cố gắng, nỗ lực hết mình để có thể trở thành một cô giáo dạy nghề giỏi như ngày hôm nay. Câu chuyện về cuộc đời chị chính là một tấm gương sống về ý chí, nghị lực cho biết bao nhiêu người noi theo.
Vượt lên số phận
Về thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương hỏi thăm cô giáo khuyết tật Vũ Thị Nga thì ai cũng biết. Năm nay dù đã 36 tuổi nhưng chị chỉ cao 1,1m và nặng 29 cân. Ngay từ khi sinh ra chị đã không được may mắn như những đứa trẻ khác do chịu ảnh của chất độc màu da cam : Cột sống bị vẹo, lưng gù, chân tay co quắt khiến cho việc di chuyển của chị hết sức rất khó khăn.
Chị Nga tham gia chương trình “Phụ nữ sáng tạo việt nam 2013”
Chị Nga tham gia chương trình “Phụ nữ sáng tạo việt nam 2013”
Không cam chịu nhìn đứa con như vậy, gia đình đã đưa chị khắp nơi tìm thầy chữa bệnh. Nhưng rồi bệnh tình vẫn thế, còn kinh tế gia đình chị thì ngày càng kiệt quê vì lo thuốc thang chạy chữa. Năm lên 10 tuổi chị mới lẫm chẫm biết đi, nói chuyện cũng chưa rõ ràng.
Từ bé, bố mẹ đã dạy chị phải sống tự lập, không ỷ lại vào sự khuyết tật của mình để khiến người khác phải quan tâm lo lắng, cho nên việc gì trong khả năng mình có thể làm được là chị gắng sức để bố mẹ không phải bận tâm về mình và cũng là để rèn luyện bản thân.
Ý thức được sự thiệt thòi cũng như hoàn cảnh gia đình chị đã xác định là cần phải học, phải học thật giỏi mới ước mong vươn lên thay đổi số phận của mình và không phụ lòng cha mẹ.
Vậy là bỏ qua những mặc cảm khiếm khuyết của bản thân,và bao nhiêu lời chê cười của người đời chị đã xin bố mẹ cho đi học. Chị Luôn tự nhủ mình không được tự ti, phải chứng tỏ cho mọi người thấy mình không phải là một thứ vô dụng. Và chị đã làm được điều đó, chị liên tục đạt học sinh giỏi trong nhiều năm liền khiến cho tất cả thầy cô, bạn bè đều phải thán phục.  

Đừng bao giờ từ bỏ hi vọng

Mặc dù rất ham học, nhưng học hết cấp hai chị đành xin nghỉ để chuyển sang học nghề. Bởi chị biết rất rõ hoàn cảnh gia đình mình: cha thì đau ốm liên miên, mình thì thế này mọi gánh nặng đổ lên trên đôi vai của mẹ. Chị Muốn học nghề. Muốn kiếm tiền, muốn phụ mẹ lo cho gia đình.
Sau đó ít lâu, chị nhận được giấy mời học nghề dành cho người khuyết tật của tỉnh Hải Dương. Sau nhiều lần đắn đo, chị quyết định theo học nghề thêu móc tại trung tâm  8/3 của tỉnh.Một lần nữa, chị lại nỗ lực hết sức mình.
Tại đây, chị đã tự học và hoàn thành chứng chỉ tin học văn phòng trong con mắt ngỡ ngàng, thán phục của mọi người. Đôi tay nhỏ bé, yếu ớt chính chị không ngờ nó lại có năng khiếu thêu móc đến vậy. Sau 3 tháng cần mẫm, quyết tâm chị đã hoàn thành xuất sắc khóa học thêu móc này và được trung tâm giữ lại làm việc.
Chị ở lại với công việc là dạy nghề cho người khuyết tật và phụ nữ nông thôn khác. Cái chị dạy không chỉ là những bài học về kỹ năng mà còn là bài học về cuộc sống : “hãy vượt lên chính mình”.

Chị nga trong một buổi giao lưu với học viên mới
Chị nga trong một buổi giao lưu với học viên mới
Không chỉ dạy ở trung tâm, chị cũng thường xuyên xuống các xã dạy trực tiếp cho phụ nữ nghèo, người khuyết tật ở xa. Thấy cô giáo như vậy, mọi người đều nhìn với ánh mắt đầy ái ngại, nghi ngờ “cô giáo như thế liệu có dạy được không?". Chị chỉ cười,đáp lại: “các cô nhìn cháu làm rồi biết.. ".

Nhìn cô giáo với đôi tay thoăn thoát đâm từng đường kim, mũi chỉ cùng với những tác phẩm của chị mọi người không khỏi thán phục. Có học viên học mãi không được định bỏ học nhưng khi nhìn chị giảng và thực hành trên sản phẩm, họ đã bảo: “cô giáo bị khuyết tật còn làm đẹp thế, vậy vì sao mình lại không cố gắng học được.”
Thời gian rảnh, chị cùng những người bạn của mình tham gia các hoạt động xã hội. Thăm hỏi, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn khác. Chia sẻ, động viên họ vượt lên trong cuộc sống. 
10 năm dạy học và tham gia công tác từ thiện cũng là khoảng thời gian chị cảm thấy mình sống có ý nghĩa nhất. Chị tâm sự “Phía trước, cuộc sống của tôi vẫn còn có nhiều thử thách mà tôi cần phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa. Nhưng tôi đã không phải là người thừa, tôi đã tìm được niềm vui trong công việc và nhận ra giá trị của cuộc sống để lao động và cống hiến.”
Văn Thành - Nguyễn Mùi