Người dân bất ngờ vì Hải Dương biến đất có giá trị lịch sử thành khu đô thị

16/09/2015 11:30
Hải Ninh
(GDVN) - Mảnh đất từng là nơi Bác Hồ về thăm và trực tiếp vẽ lên sản phẩm của Nhà máy sứ Hải Dương lại đang đứng trước nguy cơ biến thành khu đô thị...

Mới đây, tại cuộc họp của Lãnh đạo tỉnh Hải dương do ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, đã nghe báo cáo của Sở Xây dựng về đề nghị của Công ty CP Sứ Hải Dương xin di chuyển Công ty và giao cho Công ty CP Thương mại và Vận tải Thái Hà để chuyển đổi khu đất thành khu đất ở đô thị.

Nhà máy Sứ Hải Dương - nơi có nhiều giá trị lịch sử, giáo dục tại tỉnh Hải Dương. Ảnh: Hải Ninh
Nhà máy Sứ Hải Dương - nơi có nhiều giá trị lịch sử, giáo dục tại tỉnh Hải Dương. Ảnh: Hải Ninh

Kết luận cuộc họp, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương di dời Nhà máy sứ Hải Dương tại phường Phạm Ngũ Lão, TP. Hải Dương đến vị trí mới tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Nhà máy hiện tại từ cơ sở sản xuất, kinh doanh thành đất ở đô thị và đất thương mại, dịch vụ.  

Chiều 25/7/1962, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy sứ Hải Dương và vẽ lên sản phẩm. Ảnh tư liệu.
Chiều 25/7/1962, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy sứ Hải Dương và vẽ lên sản phẩm. Ảnh tư liệu.

Khi biết thông tin này, nhiều người dân xứ Đông cảm thấy nuối tiếc vì mảnh đất mang tính lịch sử, niềm tự hào của người dân Hải Dương một thời giờ bỗng chốc “vào tay” một doanh nghiệp tư nhân để hô biến khu đất “đắc địa nhất” thành khu đô thị.

Nhà máy Sứ Hải Dương được đánh giá là vị trí "đắc địa" nhất tại tỉnh Hải Dương. Ảnh Hải Ninh
Nhà máy Sứ Hải Dương được đánh giá là vị trí "đắc địa" nhất tại tỉnh Hải Dương. Ảnh Hải Ninh

Bà Nguyễn Thị T., 77 tuổi, từng là công nhân nhà máy cho biết: “Tôi vẫn còn nhớ rất rõ câu chuyện chiều ngày 25/7/1962, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy sứ Hải Dương. Sau đó, Bác còn vào phân xưởng trang trí và viết lên chiếc bình sứ lịch sử Cán bộ công nhân ai cũng vinh dự, tự hào và quyết tâm làm việc đạt năng suất cao nhất”.

Hiện nay, chiếc bình sứ lịch sử của Nhà máy Sứ Hải Dương mà Bác Hồ viết lên hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Nhiều người dân muốn lãnh đạo tỉnh Hải Dương "biến" nơi này thành công viên gắn liền với biểu tượng lịch sử để người dân tưởng niệm Bác Hồ và một thời hào hùng đã qua. Ảnh Hải Ninh
Nhiều người dân muốn lãnh đạo tỉnh Hải Dương "biến" nơi này thành công viên gắn liền với biểu tượng lịch sử để người dân tưởng niệm Bác Hồ và một thời hào hùng đã qua. Ảnh Hải Ninh

Khi biết thông tin về việc di dời Nhà máy Sứ Hải Dương để giao cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng khu đô thị, bà Nguyễn Thị T., buồn rầu cho biết: “Nhiều năm gần đây Nhà máy sứ gặp khó khăn, công nhân phải nghỉ việc nhiều, việc di chuyển nếu là theo quy hoạch thì chúng tôi cũng không phản đối. Tuy nhiên, đây vẫn là mảnh đất mang tính lịch sử, là niềm tự hào của cả thế hệ chúng tôi, vì thế cần xây dựng nơi đây thành công viên trung tâm, có tượng đài Bác Hồ để người dân tưởng niệm, đến thăm…”.

Giới thiệu về lịch sử hình thành, trên trang chủ của Nhà máy Sứ Hải Dương thông tin: “Là đứa con đầu lòng của nền công nghiệp non trẻ, cùng với 13 cơ sở công nghiệp khác ra đời trong kế hoạch 3 năm 1958 - 1960 của miền Bắc XHCN khi nửa nước còn bị chia cắt...".

Có tổng diện tích 81.771 m2 tại trung tâm thành phố Hải Dương, tính theo giá Nhà nước, mảnh đất đã có giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Ảnh: Hải Ninh
Có tổng diện tích 81.771 m2 tại trung tâm thành phố Hải Dương, tính theo giá Nhà nước, mảnh đất đã có giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Ảnh: Hải Ninh

"Ngày 2/9/1960 mẻ sứ đầu tiên ra đời, Nhà máy Sứ Hải Dương lấy ngày đó là ngày thành lập nhà máy. Từ những sản phẩm đầu tiên trở thành kỷ vật lịch sử, tiếp đến những năm tháng đối đầu quyết liệt và ngoan cường với bom đạn lũ lụt và vô vàn khó khăn trong sản xuất, những tháng ngày bền bỉ từng chặng vật lộn với thị trường đầy biến động, cạnh tranh gay gắt, thử thách khắc nghiệt, cùng với sự quan tâm, động viên tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo Nhà nước, Bộ Công nghiệp, tỉnh Hải Dương Công ty cổ phần Sứ Hải Dương  vượt lên chính mình để tồn tại và vững bước phát triển”, lịch sử hình thành của Nhà máy sứ Hải Dương.

Hiện Nhà máy Sứ Hải Dương đang sử dụng khu đất có tổng diện tích 81.771 m2 tại trung tâm thành phố Hải Dương. Theo một số chuyên gia kinh tế, giá trị tính theo bảng giá đất quy định của Nhà nước hiện nay thì khu đất vàng của Nhà máy Sứ trị giá hàng ngàn tỷ đồng (36 triệu đồng/m2); nhưng nếu tính theo giá thị trường thì có thể cao hơn nhiều. Trong khi đó, chi phí để di dời Nhà máy sứ Hải Dương, chỉ ở mức 300 – 400 tỷ đồng (nhà máy cùng công suất hiện hành là 5 triệu sản phẩm/tháng) … Như vậy, doanh nghiệp sẽ được “miếng bánh béo bở” nếu thâu tóm được khu đất vàng này.

Vì sao một mảnh đất “đắc địa” nhất Hải Dương, có giá trị lịch sử trường tồn, niềm tự hào của người dân Hải Dương, là nơi Bác Hồ về thăm và gửi gắm những lời dặn dò… lại không được lãnh đạo tỉnh Hải Dương trân trọng, biến nơi này thành công viên trung tâm gắn liền với di tích lịch sử, thành điểm nhấn của cả tỉnh Hải Dương? Phải chăng mục tiêu kinh tế lại đang được đặt nặng hơn vấn đề giáo dục, lịch sử và ý nghĩa nhân văn?

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Hải Ninh