Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Từ vụ Đoàn Văn Vươn, ngẫm lời Bác dạy” (kỳ 3)

07/02/2012 07:14
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Ta hiểu vì sao Bác luôn quan tâm đến những người nghèo, người lao động. Bác luôn hướng đến người lao động".

Cuộc trò chuyện giữa tôi và Nhà thơ Trần Đăng Khoa về vấn đề nông dân - nông thôn kỳ thực chưa thể kết thúc ngay ở bữa cơm trưa ngày 27 Tết Nhâm Thìn. Cả tuần lễ sau đó, mỗi khi nảy ra một ý nào đó thú vị về đời sống của người nông dân, anh lại gọi cho tôi, và tôi cũng vậy. 12h đêm hôm qua, Nhà thơ Trần Đăng Khoa còn nhắn tin cho tôi khi đang công tác ở tỉnh Cao Bằng: “Tớ cứ cảm thấy hình như mình cũng có lỗi với người nông dân”.

“Một phản ứng tuyệt vọng dại dột”

Xung quanh vụ việc của Đoàn Văn Vươn thì hiện nay đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đại đa số đều cho rằng, cách hành xử của chính quyền huyện Tiên Lãng có nhiều điểm không rõ ràng. Tôi không đặt vấn đề với ông về chuyện đúng sai thế nào, vì rằng cái ấy đã có những người thực thi pháp luật và như ông nói rất may là Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc. Chỉ có điều, tôi vẫn không hiểu, nếu chính quyền khăng khăng họ làm đúng, thì tại sao một người nông dân (có học đàng hoàng như anh Vươn) lại phải phản kháng?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ông Vươn sai thế nào thì rồi sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng ông Vươn không phải là một nông dân thuần túy, cũng không phải là người u mê, không hiểu pháp luật. Ông Vươn là trí thức. Là kỹ sư cơ mà. Ông ta cũng không phải kẻ càn quấy, dám cả gan đánh đu với luật pháp đâu. Tôi nghĩ rằng, đó là việc cực chẳng đã. Và ông ta rất hiểu cái giá mình sẽ phải trả. Biết vậy mà vẫn làm vậy. Một phản ứng tuyệt vọng và dại dột. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là cách ứng xử quẫn bách của một anh nông dân ở bước đường cùng. Người tỉnh táo và khôn ngoan không ai làm thế.

Hai anh em Đoàn Văn Vươn (trái) và Đoàn Văn Quý
Hai anh em Đoàn Văn Vươn (trái) và Đoàn Văn Quý

Vậy ông Vươn tỉnh hay mê? Tỉnh. Tỉnh nhưng lại chọn phương án xấu nhất. Phương án của kẻ mê muội, là nổ súng vào chính quyền địa phương. Nói gì thì nói, đây cũng vẫn là phương án tồi tệ nhất mà ông Vươn phải trả cái giá đắt nhất. Bản thân ông ta sẽ phải tù tội, tiếp theo nữa là tan nát cả một gia đình và phá sản cả một cơ nghiệp. Nhưng hình như ông Vươn đã chọn phương án tồi tệ nhất này để gióng lên một tiếng chuông báo động, không phải báo động vụ việc Đoàn Văn Vươn mà là vấn đề Đoàn Văn Vươn. Đó là vấn đề đất đai. Chính tiếng mìn tồi tệ của Đoàn Văn Vươn, đã làm ta nhận ra rằng, sự việc không đơn giản như chúng ta nghĩ.

Hãy xem cách ông Vươn chọn luật sư bào chữa cho mình. Trong khi các cơ quan chức năng giới thiệu luật sư, rồi chính vợ ông Vươn cũng đã chọn luật sư. Nhưng ông đều từ chối hết, dù những người đó đều ủng hộ ông, muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp tới cùng cho ông. Nhưng ông Vươn chỉ chọn duy nhất một luật sư thôi, và đó là người rất hiểu ông ta, hiểu được lý do vì sao ông ta phạm tội.

Ông Vươn đã trả lời phóng viên: “Tôi có đủ trình độ hiểu biết nhận thức rõ về sai phạm của bản thân song tôi muốn bào chữa rõ cho tôi về nguyên nhân tôi sai phạm. Tôi đề nghị cho phép tôi được mời đích danh luật sư Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Công ty luật Kinh Đô, Hà Nội là người bào chữa cho tôi trong quá trình tôi chấp hành điều tra xét xử”. Vấn đề là như vậy. Đây thực sự là một bài học đau xót. Thật tiếc cho ông Vươn và cũng thật tiếc cho những nhà quản lý ở sở tại.

Chỉ tội một nỗi, nhà của anh Vươn cũng bị phá rồi còn đâu, mà căn nhà ấy lại không nằm trong phần đất bị cưỡng chế. Thế rồi, vợ con anh ta phải đón Tết trong nỗi buồn vô hạn. Ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng đã trả lời là phá, vì đó là nơi ẩn trú của kẻ phạm tội. Nhưng rồi sau đó ít ngày vị Phó Chủ tịch thành phố “sửa” lại, là do dân phá. Người dân quanh đó phản ứng dữ dội lắm, vì họ vốn là hàng xóm tốt của anh Vươn, có lý nào mà họ lại phá nhà của anh ấy? Nếu "chẳng may", có bàn tay của cán bộ nhà nước dính vào việc phạm pháp, thì ông nghĩ sao về cách hành xử này?

Nhà Thơ Trần Đăng Khoa: Đây là một việc rất không nên, cho dù Đoàn Văn Vươn có vi phạm pháp luật, và nếu ông Vươn có tội thì thiếu gì cách bắt giữ, chứ đâu phải đến mức phá nhà người ta, mà lại phá cả nhà không nằm trong khu giải tỏa, đến nỗi vợ con người ta phải dựng lều ở trong ngày Tết là rất không ổn. Trong khi chúng ta vẫn nói chính quyền là của dân, do dân và vì dân. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của ông Phạm Thế Duyệt - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam: “Mọi vấn đề đều có cách giải quyết, cách này chưa đúng thì vẫn còn cách khác, phải giải quyết mọi việc trên cơ sở lấy dân làm gốc”.

Căn nhà của gia đình ông Vươn bị san phẳng
Căn nhà của gia đình ông Vươn bị san phẳng

Đại tướng Lê Đức Anh - Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, mặc dù tuổi đã cao, nhưng trước vụ việc này, ông cũng rất quan tâm và đã nhấn mạnh rằng: “Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân”.

Tôi tin rằng, nếu có hỏi bất kỳ một vị lãnh đạo nào của Đảng và Nhà nước thì các đồng chí ấy cũng sẽ đều có quan điểm như vậy. Rất may các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc. Tôi tin mọi trắng đen sẽ rõ trong một ngày rất gần đây.

Ngẫm lời Bác dạy…

Nhân chuyện ông nói tới cách hành xử của những người có chức quyền tại huyện Tiên Lãng, tôi còn nhớ đã đọc được khá nhiều chuyện kể rất cảm động về Bác Hồ. Bác sống rất đạm bạc, giản dị. Bữa ăn của Người chỉ như là bữa ăn của một nông dân nghèo. Khi tiếp khách nước ngoài, Bác vẫn luôn giản dị như vậy, bộ quần áo nâu và đi đôi dép cao su. Ấy thế nên có một đồng chí cán bộ tỉnh tỏ ra ái ngại: “Thưa Bác, Bác thay mặt cho Đảng, cho Dân, Bác vất vả thế này, có khi bạn bè quốc tế lại trách Đảng, trách Dân không chu toàn với Bác…”. Bác cười hiền lành: “Bác sống thế này mà ở dưới, có chú còn nhũng nhiễu làm khổ dân. Bác mà sống xa hoa thì ở dưới các chú đục khoét hết của dân à?”…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Bác Hồ là một tấm gương sáng. Ở thời Bác, có chuyện đau lòng nào như thế xảy ra đâu. Trong một bài viết về Bác cách đây chưa lâu, tôi có nói rằng, thi thoảng, trong đời sống công chức, chúng ta vẫn thường làm một việc không lấy gì làm mới mẻ: Kê khai tài sản. Nhìn bản Kê khai, ta lại mủi lòng: Sao mãi mình vẫn chưa giàu được nhỉ? Và rồi, ta lại được an ủi. Hóa ra ta vẫn chưa phải là người nghèo nhất. Ngay cả một người nông dân chân lấm, tay bùn, ở dưới đáy xã hội, nhưng vẫn có mảnh vườn, cái ao, hay chí ít cũng có con lợn, con gà. Nghĩa là vẫn có tài sản. Chỉ duy nhất một người dường như không có gì cả, một người nghèo nhất nước. Người đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lục lọi trong tiểu sử Bác, đến cả nhà riêng của Người, ta thấy Người có gì? Một tấm áo kaki, đôi dép cao su, chiếc quạt bằng lá cọ… Vật chất là thế đấy. Còn tinh thần ư? Bác cũng là người duy nhất không có bất kỳ các loại Huân, Huy chương gì, đến cả sơ đẳng nhất là Bằng khen, Giấy khen, Người cũng không có. Bác còn là người nghèo nhất cả trong cõi riêng tư. Một người nghèo nhất nước như Bác, nhưng lại để cho chúng ta một di sản đồ sộ. Đó là một đất nước độc lập, toàn vẹn, một sự nghiệp Cách mạng chói ngời, một tấm gương trong sáng và lối sống cao đẹp đến tinh khiết. Ta hiểu vì sao Bác luôn quan tâm đến những người nghèo, người lao động. Bác luôn hướng đến người lao động. Bác đặt tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam. Nghĩa là Đảng của tất cả mọi người, vì ai mà chẳng là người lao động.

Bác còn dành lương mua quà cho người nghèo. Vào những dịp tết đến, xuân về, Bác thường chọn những gia đình nghèo nhất để đến thăm và chúc Tết. Chuyến thăm rất bí mật, không báo trước để địa phương nghênh đón, rồi tuyên truyền, đưa tin. Thường chỉ có Bác và đồng chí Vũ Kỳ. Một chị lao công, ở trong khu hẻm nhỏ, đêm 30 Tết còn đi gánh nước thuê. Bàn thờ trống hoang, không có cả nải chuối, tấm bánh. Tết đến với mọi nhà, nhưng Tết lại quên căn nhà chị. Bởi thế, chị bàng hoàng đến sửng sốt, buông rơi cả hai thùng nước, khi thấy Bác đột ngột xuất hiện trong căn nhà tồi tàn của mình: “Trời ơi, Bác…Gia đình cháu khổ lắm…Cháu không ngờ Bác lại đến với cháu..”. “Thế Bác không đến với cháu thì Bác còn đến với ai?...”. Chị bật khóc. Và Bác cũng khóc.

Cuộc đời của Bác, nếp sống của Bác là một bài học lớn cho các cán bộ cấp dưới. Ta hiểu vì sao trong những năm chiến tranh, đất nước loạn lạc, mà xã hội lại rất thanh bình, lòng dân không ly tán. Ra đường không lo trấn lột. Về nhà không sợ trộm cắp. Cũng không có tham nhũng, đĩ điếm. Một đời sống lành mạnh giữa một bầu khí quyển trong veo. Một người suốt đời sống vì dân, lo cho dân, ngay trong những giây phút cuối cùng giã từ cõi đời, phần nói về mình, Về việc riêng, Người cũng chỉ dành cho mình đúng 79 chữ. 79 chữ tổng kết cả một đời người 79 năm, trong một ít chữ phong phanh ấy, Người cũng lại chỉ canh cánh lo cho dân, không muốn tổ chức tang lễ điếu phúng linh đình để đỡ tốn thời giờ và tiền bạc của dân.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vợ con ông Vươn phải dựng tạm cái lều nhỏ trong mùa Đông giá rét thế này thì thật đáng thương
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vợ con ông Vươn phải dựng tạm cái lều nhỏ trong mùa Đông giá rét
thế này thì thật đáng thương

Trọn đời, Bác Hồ mong muốn “người cày có ruộng” và điều đó đã thành sự thật. Bám đồng, bám ruộng là cuộc sống của người nông dân, cho dù một nắng hai sương, đổ mồ hôi nước mắt để đổi lấy hạt gạo. Tôi cũng sinh ra ở một làng quê nên tôi rất nhớ khúc đồng dao này: Lạy giời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy bát cơm đầy/ Lấy khúc cá to... Rõ khổ, người nông dân bao đời mà chỉ có một điều ước đơn giản như vậy. Thế mới thấy rằng, từ bao đời trước, người nông dân mơ ước chỉ một bát cơm trắng thôi, một khúc cá cũng đã là xa xỉ với họ, chứ nói chi tới món nọ, món kia nữa… Và tôi vẫn thường nghe bà nội kể chuyện, trước đây nhà tôi cũng không phải diện quá nghèo, ấy thế mà vẫn phải khoai sắn, bo bo ăn độn quanh năm, mà cũng chẳng được no. Làm quần quật từ sáng tới khuya mà vẫn thiếu ăn, thế mới lạ chứ. Hồi tôi học cấp một, cách đây hơn hai mươi năm rồi, có một lần mẹ tôi nấu thử nồi cơm độn khoai lang. Ăn thử thì thấy nó cũng là lạ, nhưng phải thú thực, tôi chẳng nuốt nổi vài miếng… đấy là có cơm, có khoai, còn theo lời các cụ thì ăn hạt bo bo mới khiếp vía, khô như ngói.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nông dân thời xưa, nếu có cơm độn khoai lang mà ăn thì đã là tốt lắm đấy, chứ nào dám ước gì hơn. Người nông dân làm ra hạt gạo mà quanh năm đói. “Đói ngày giỗ cha, no ba hôm Tết”, các cụ xưa đã nói vậy. Chỉ ngày Tết mới có bát cơm trắng, còn thì quanh năm ăn độn. Một hạt cơm cõng đến mấy hạt ngô. Nhiều nhà còn lấy gốc rau muống già băm nhỏ, rồi phơi khô, nấu trộn với cơm. Xới bát cơm trông cứ đen như bát... phân trâu. Nhai miếng cơm như nhai chão rách.

Bây giờ thì chẳng cần phải lạy ông giời cũng có bát cơm đầy và khúc cá to rồi. Nhưng nông dân thời nào cũng vẫn khổ. Tôi chợt nhớ lần về quê, sang thăm bà cô, thấy trên tường ngổn ngang những vệt vôi quệt. Cái dấu cộng (+). Cái dấu trừ (-). Tôi ngạc nhiên: “Hợp tác xã tan rồi, sao cô vẫn còn ghi công điểm gì thế này?”. “Công điểm gì đâu cháu. Đây là những món nợ đấy!” Thấy tôi ớ ra, bà cụ mới giải thích cặn kẽ. Đây là bát riêu cá nhà Độ. Đây là khúc cá rán nhà Toán. Còn đây là bát canh rau ngót nhà Thiều. Thì ra có món gì ngon, bà con hàng xóm thương cụ, cho bà cụ miếng gì, bà cụ lại quệt một vệt vôi lên vách. Để nhớ đấy là một món nợ. Thế rồi nhà có món gì ngon, cụ cũng lại sai con cháu mang sang biếu lại, rồi quệt lên vách dấu cộng. Coi như ơn nghĩa đã được trả xong.

Nông dân mình là thế đấy. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Đảng, chính phủ chia cho họ một cái nồi đồng, một cái chảo gang, một cái cối đá trong cải cách ruộng đất, cũng đủ để họ nhớ suốt đời, biết ơn suốt đời. Rồi họ mang xương máu của chồng, của con, của chính họ ra để trả nghĩa. Hàng triệu người chết trong mấy cuộc chiến tranh. Hàng vạn người cho đến tận hôm nay vẫn không tìm thấy được hài cốt. Họ chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, dĩ nhiên là như vậy rồi, nhưng không hẳn chỉ có như vậy. Sự đền ơn trả nghĩa ấy mới thiêng liêng và dữ dội biết bao. Nông dân mình thế đấy. Họ tốt vô cùng. Vì thế bây giờ, không còn chiến tranh, không còn bom đạn, đất nước đã yên hàn mà người dân lại thấy bất an, khổ hạnh là chúng ta có lỗi. Trong tòa án lương tâm này, chẳng ai vô can cả. Cả tôi và chú, ở một góc nào đó, chúng ta cũng là kẻ tội đồ. Có phải thế không?

Nói rồi nhà thơ im lặng. Chưa bao giờ tôi thấy ông buồn như thế. Vậy mà có người bảo, Trần Đăng Khoa là một gã tếu táo, bông phèng, và luôn chọc cười. Ông cũng hay cù cho thiên hạ cười. Có người bảo: Người hay cười là người không thể khóc được. Có lẽ như vậy chăng?

Ngọc Quang (Thực hiện)