Nhà văn nói về "căn bệnh ung thư" của chủ nhà hàng Cát Vàng

09/03/2013 06:47
Hồ Tĩnh Tâm
(GDVN) - Với một nhà văn đang sinh sống và công tác tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long như nhà văn Hồ Tĩnh Tâm thì căn bệnh kì thị đồng bào chung bọc trứng Âu Cơ của ông Nghiêm Phúc, chủ nhà hàng Cát Vàng là căn bệnh trọng, căn bệnh 'ung thư', nguy cơ làm hư hại hình ảnh người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế, nhất định cần phải chữa trị.

Khi nghe tin có một nhà hàng Việt kì thị không bán hàng cho người Việt, tôi cứ ngỡ như mình nghe nhầm, hay mình đang bị xuyên tạc sự thật; thế nhưng nguồn tin được đăng tải trên báo chí trong một vài ngày đây thì không thể là sai được. Tôi đã đọc, đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Mỗi lần đọc tôi đều thấy đau vì chính tôi cũng là người Việt Nam, đang sinh sống và làm việc tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Và… tôi không còn biết nói gì nữa.

Ở cực nam Trung Bộ, tại một thành phố du lịch nổi tiếng, đang có một người Việt xỉ vả dân tộc của mình, bằng việc công khai không bán hàng cho người Việt. Phải nói ra điều này tôi thật sự xấu hổ, bởi không dưng mình lại vạch áo cho người xem lưng, bởi dân ta vốn có câu: “xấu che tốt khoe”. Có đâu mình lại dại dột phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật cái xấu xa hèn hạ của một đồng bào của mình.

Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm.
Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm.

Thế nhưng không nói được ra lời thì tức anh ách, không khéo nó lại mưng mủ, ung thư trong tâm thức của mình. Vậy thì nói. Nói như nói lời thuốc đắng dã tật. Người Việt ấy là ông Nghiêm Phúc, chủ nhà hàng Cát Vàng (Golden Sand), số 81 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận).

Sự việc từ khi vỡ lở đến nay, người ta đã bàn loạn lên, rằng cái ông kì thị chính đồng bào của mình, ông ấy rõ ra là người táng tận lương tâm, mới có hành động công khai chống lại đồng bào mình, chống lại dân tộc mình. Và ông ấy là một người rất hèn, mới đứng sau kịch bản xúi nhân viên không bán hàng lưu niệm cho người Việt, bằng cách trả lời là hàng đang kiểm kê.

Xem ra ông ấy còn hèn hơn cả cái ông cực đoan tư tưởng mở nhà hàng ở Bắc Kinh, vì bị nhồi nhét tư tưởng về biển Đông, mà treo biển thông tin không bán hàng cho người Nhật, người Philippin, người Việt. Bản chất kì thị đã là xấu, đã phải cách mạng, như cuộc cách mạng về kì thị chủng tộc. Kiểu kì thị của ông chủ một nhà hàng ở Bắc kinh, đã bị chính đồng bào của ông lên án, vì ông dám một mình kéo ngược bánh xe lịch sử về thời kì mông muội, vì ông ấy bôi nhọ hình ảnh người Trung Quốc của ông ấy. Nhưng chúng ta có thể hiểu mà thông cảm, rằng ông ấy bị nhồi nhét tư tưởng mà cực đoan dân tộc.

Còn kiểu kì thị chính đồng bào mình của ông Phúc, thì tôi đâm ra nghi ngờ, chẳng biết ông ta có phải là người Việt Nam không, hay ông ấy có vấn đề về bệnh lý, hay ông ấy ấm ức ông bà, cha mẹ, tổ tiên mình về chuyện gì đó… Thế nhưng… gì thì gì, căn bệnh kì thị đồng bào chung bọc trứng Âu Cơ của ông Phúc, là căn bệnh trọng, căn bệnh "ung thư", nguy cơ làm hư hại hình ảnh người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế, nhất định cần phải chữa trị.

Chữa trị, trước hết là để ông Phúc không bị gặt hái nhân quả về sau, sau nữa là để làm sạch đẹp cho một trung tâm du lịch lớn của cả nước, sau nữa là để người Việt chúng ta không phải đau lòng về chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Sau nữa là để khách nước ngoài du lịch đến Việt Nam, không có cái nhìn miệt thị về tính nông cạn của ông Phúc, mà rỉ tai nhau tẩy chay nhà hàng của ông Phúc. Tội nghiệp, ông Phúc cũng là người Việt mình, phải cứu lấy ông ấy.

Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm, sinh năm 1952 là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện đang sinh sống tại Vĩnh Long. Trong cuộc đời của mình, nhà văn đã đi nhiều nơi, đến với nhiều người, chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh sống trong tột cùng đau khổ. Với ông, Thiên chức lớn nhất của nhà văn là sáng tác để góp phần làm tốt hơn cho cuộc sống của con người, nên nhà văn không thể đứng ngoài nỗi khổ đau và bất hạnh của con người kể cả những chuyện “chướng tai gai mắt”, những chuyện làm ảnh hưởng tới hình ảnh dân tộc…
Hồ Tĩnh Tâm