Nhật Bản muốn tăng cường giám sát đảo nhỏ, xây cơ chế liên lạc với TQ

29/12/2014 09:34
Đông Bình
(GDVN) - Nhật sửa đổi phương châm quản lý đảo nhỏ, muốn tránh tình huống bất trắc trên biển, trên không giữa Trung-Nhật; công tác tuyên truyền còn chưa đủ.

Chính phủ Nhật Bản muốn tăng cường giám sát đảo nhỏ

Buổi sáng ngày 26 tháng 12, Chính phủ Nhật Bản đã triệu tập hội nghị chính sách biển tổng hợp, có sự tham dự của Thủ tướng Shinzo Abe, hội nghị quyết định sẽ sửa đổi phương châm cơ bản an ninh và quản lý đảo nhỏ hiện hành được đưa ra từ năm 2009, đưa vào nội dung tăng cường giám sát đảo nhỏ ở khu vực xung quanh biên giới.

Xe chiến đấu đổ bộ AAV7 Nhật Bản, mua của Mỹ
Xe chiến đấu đổ bộ AAV7 Nhật Bản, mua của Mỹ

Theo Jiji Press ngày 26 tháng 12, Chính phủ Nhật Bản còn bổ sung thêm nội dung thúc đẩy hoạt động tuyên truyền liên quan cho nhân dân. Chính phủ có kế hoạch bắt đầu công việc sửa đổi vào năm 2014 và hoàn thành sửa đổi trước cuối tháng 3 năm 2015.

Tại hội nghị, ông Shinzo Abe nhấn mạnh: "Nhật Bản là quốc gia biển. Thông qua tăng cường an ninh và quản lý đối với đảo nhỏ, đồng thời bảo đảm quyền quản lý của Nhật Bản đối với lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, sẽ có lợi rất lớn cho việc duy trì và phát triển bình thường của đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế".

Ông Shinzo Abe còn cho biết: "Mục tiêu là trong năm 2014 bắt đầu công tác sửa đổi phương châm cơ bản liên quan, hy vọng cơ quan liên quan triển khai hợp tác, đưa ra đối sách liên quan".

Được biết, Nhật Bản có hơn 6.000 đảo, hình thành lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế khoảng 4.470.000 km2, tương đương gấp 12 lần diện tích lãnh thổ Nhật Bản. Trong hơn 6.000 đảo, ngoài 5 đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và Okinawa, các đảo khác đều là "đảo nhỏ".

Có đến 500 đảo nhỏ Nhật Bản xác định lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, vào năm 2009 Chính phủ Nhật Bản đã đưa "phương châm cơ bản an ninh và quản lý đảo nhỏ nhằm tăng cường quản lý biển". Trong khi đó, đảo Senkaku cũng được xếp vào phạm vi khảo sát của 400 cơ sở lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Ngoài ra, từ năm 1996 "Ngày Biển" Nhật Bản trở thành ngày kỷ niệm toàn dân đến nay, sang năm 2015 Nhật Bản sẽ chào đón "Ngày Biển" thứ 20, hội nghị lần này quyết định sẽ tổ chức hoạt động chúc mừng quy mô lớn.

Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản dùng xuồng cao su tiến hành diễn tập đổ bộ.
Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản dùng xuồng cao su tiến hành diễn tập đổ bộ.

Nhật muốn khởi động cơ chế liên lạc trên biển Trung-Nhật

Hãng Kyodo, Nhật Bản ngày 27 tháng 12 đưa tin, chính quyền Shinzo Abe năm 2015 sẽ dốc toàn lực tránh để xảy ra đối đầu Nhật-Trung xoay quanh đảo Senkaku. Đây là do một khi xảy ra tình thế bất trắc giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản triển khai ở tuyến thứ nhất và Quân đội Trung Quốc thì sẽ khiến cho quan hệ Nhật-Trung rơi vào khủng hoảng.

Nhật Bản hy vọng tổ chức tham vấn vào tháng 1 để khởi động "cơ chế liên lạc trên biển" trong các tình huống khẩn cấp, cố gắng mở ra cục diện. Nhưng Trung Quốc rất nhạy cảm đối với các động thái của Nhật Bản trong vấn đề "nhận thức lịch sử", chương trình vẫn chưa được xác định. Chính quyền Shinzo Abe chủ trương đồng thời thúc đẩy cải thiện quan hệ Nhật-Trung và phòng vệ lãnh thổ, lãnh hải sẽ đối mặt với thách thức to lớn.

Về xây dựng "cơ chế liên lạc trên biển", tham vấn cấp sự vụ tháng 6 năm 2012 đã cơ bản đạt được đồng thuận. Nội dung chủ yếu là khi xảy ra các vấn đề như máy bay và tàu chiến nước đối phương tiếp cận bất thường, sử dụng tần số vô tuyến điện được xác định trước để tiến hành liên lạc, tìm cách tiến hành trao đổi ở cấp tuyến đầu tiên. Hành động này nhằm tránh hiểu nhầm để xảy ra xung đột ngẫu nhiên.

Một khi cơ chế này được khởi động, ngoài giữa các tàu chiến và giữa các máy bay, giữa tàu chiến và máy bay cũng sẽ có thể tiến hành liên lạc khẩn cấp. Sau khi quốc hữu hóa đảo Senkaku vào năm 2012, Trung Quốc từ chối triển khai đối thoại về khởi động cơ chế, vì vậy, Nhật Bản phải chăng có thể thúc đẩy Trung Quốc có thái độ tích cực đã trở thành trung tâm chú ý.

Lực lượng Phòng vệ Mặt đất/Trên Biển/Trên không lần đầu tiên tổ chức diễn tập đổ bộ liên hợp (ảnh tư liệu)
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất/Trên Biển/Trên không lần đầu tiên tổ chức diễn tập đổ bộ liên hợp (ảnh tư liệu)

Ý kiến nội bộ Chính phủ Nhật Bản chỉ ra: "Trung Quốc cho rằng cần thiết quan sát Thủ tướng phải chăng sẽ đến thăm đền Yasukuni vào cuối năm và đầu năm". Nếu ông Abe lập tức thăm đền sau khi tổ chức tham vấn đạt được thỏa thuận, sẽ làm cho tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc mất hết thể diện, chắc chắn sẽ dẫn đến sự phê phán từ nội bộ.

Do tháng 1 năm 2013, tàu chiến Trung Quốc chiếu radar điều khiển hỏa lực vào tàu hộ vệ Lực lượng Phòng vệ, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng "luôn cảm thấy có rủi ro xảy ra xung đột". Cán bộ tuyến đầu của Lực lượng Phòng vệ cũng yêu cầu khởi động "cơ chế liên lạc trên biển".

Chính phủ Nhật Bản tuyên truyền chưa đủ về chủ quyền đảo Senkaku?

Tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản ngày 25 tháng 12 đưa tin, một cuộc khảo sát dư luận của Phủ nội các Nhật Bản về vấn đề đảo Senkaku cho biết, chỉ có 48,2% người dân biết đảo Senkaku "không tồn tại tranh chấp lãnh thổ", điều này còn khá xa so với trông đợi của Chính phủ Nhật Bản.

Cuộc khảo sát này được tiến hành từ ngày 13 đến ngày 23 tháng 11, đối tượng là 3.000 công dân Nhật Bản từ 20 tuổi trở lên, tổng cộng được 1.826 người trả lời tốt. Cuộc khảo sát tương tự từng được tiến hành vào tháng 7 năm 2013.

Cuộc khảo sát lần này cho thấy, 92,3% người được hỏi "biết đảo Senkaku", tăng 1,2% so với cuộc khảo sát trước. Trong nhiều lựa chọn của "Về đảo Senkaku, bạn biết gì", trả lời "Chính phủ Trung Quốc điều tàu đến vùng biển xung quanh đảo Senkaku" là nhiều nhất, chiếm 79,6%, tăng 4,6% so với lần trước.

Lực lượng Phòng vệ tổ chức diễn tập liên hợp đoạt lại đảo nhỏ
Lực lượng Phòng vệ tổ chức diễn tập liên hợp đoạt lại đảo nhỏ

Tiếp theo là "Đối với hành vi xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản tiến hành phản đối Trung Quốc", phương án lựa chọn chiếm 79,1%, tăng 48,2% so với lần trước. Ngoài ra, có 48,2% người được hỏi đã lựa chọn "Đảo Senkaku không tồn tại tranh chấp lãnh thổ".

Khi được hỏi phải chăng quan tâm đến vấn đề đảo Senkaku, 74,5% người được hỏi trả lời "quan tâm" hoặc "nói chung quan tâm", tăng 1,2% so với lần trước. 23,8% người được hỏi cho biết "không quan tâm" hoặc "nói chung không quan tâm". Nguyên nhân lớn nhất của "không quan tâm" là "cho rằng điều này không ảnh hưởng lớn lắm đến cuộc sống của mình".

Chính phủ Nhật Bản giữ lập trường "không tồn tại tranh chấp lãnh thổ" trong vấn đề đảo Senkaku, đối với việc chỉ có 48,2% người dân biết thông tin này, cơ quan liên quan của nội các Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền để có hiểu biết đúng đắn.

Trong vấn đề đảo Senkaku, Trung Quốc luôn tự cho hòn đảo này cùng với các đảo lân cận là "lãnh thổ cố hữu" của họ, và cho là họ có "bằng chứng lịch sử và pháp lý đầy đủ". Nhật Bản kiên quyết khẳng định có chủ quyền và đang kiểm soát thực tế hòn đảo này, không tồn tại tranh chấp lãnh thổ; đồng thời đã và đang không ngừng gia tăng triển khai hệ thống phòng thủ hướng tây nam (gồm đảo Senkaku), nhằm đối phó Trung Quốc. Mỹ-Nhật đồng ý đưa đảo Senkaku vào phạm vi áp dụng của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ.

Lực lượng Phòng vệ tổ chức diễn tập liên hợp đoạt lại đảo nhỏ
Lực lượng Phòng vệ tổ chức diễn tập liên hợp đoạt lại đảo nhỏ
Đông Bình