Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Những thợ hồ nói gì khi biết bị miệt thị "húp canh như lợn ăn cám"?

05/11/2012 07:29
Đắc Chuyên
(GDVN) - "Chúng tôi nghèo, nhưng không hèn, không mất đi tư cách. Chỉ có người tuôn ra những lời cay độc kia mới chứng tỏ cho cả xã hội thấy nhân cách nghèo hèn của mình mà thôi".
Phát ngôn đầy tính miệt thị khi ví thợ xây "húp canh như lợn ăn cám" tiếp tục gây phẫn nộ trong cộng đồng. Nhiều chuyên gia lên tiếng phê phán lời nói vô cảm, thiếu văn hóa của nam thanh niên có biệt danh Ngơ ngác. Suy nghĩ của người ngoài cuộc là vậy, còn người trong cuộc thì sao? Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam có mặt tại một lán xây dựng được dựng tạm tạm bợ từ những tấm cốp pha trên nền đất đất nhão nhoét tại phố Hoàng Quốc Việt, khi một tốp gần 20 người thợ đang túm tụm quanh chiếc tivi 14inch cũ mèm. Một người thợ già tóc đã gần như bạc trắng gạt nước mắt sau khi đọc được phát ngôn miệt thị thợ hồ: "Tôi cầu trời con tôi sẽ không đọc được những lời này, xin đừng cho cháu biết. Cháu sẽ nghĩ gì về cha chúng, về những người như chúng tôi...". Một thợ khác, trẻ hơn thì gạt phăng: "Không sao đâu bác. Mỗi người một thân một phận, miễn sao, lao động chân chính, kiếm được tiền nuôi vợ con". Người này chỉ tay về phía người thợ già mau nước mắt, nói: "Bác Hy đây đã cả chục năm nay làm phụ hồ, vợ làm ruộng, nuôi 2 đứa học đại học rồi. Các cháu của bác Hy đều rất ngoan. Tôi tin, các cháu sẽ không khi nào hổ thẹn vì người cha của mình. Chúng tôi nghèo, nhưng không hèn, không mất đi tư cách. Chỉ có người tuôn ra những lời cay độc kia mới chứng tỏ cho cả xã hội thấy nhân cách nghèo hèn của mình mà thôi". Phóng viên tiếp tục có mặt tại "túp lều" dành cho công nhân đang thi công các khu chung cư gần cầu Mậu Lương, Hà Đông, Hà Nội để lắng nghe những cảm xúc, tâm tư của họ khi nghe phát ngôn “người thợ xây húp canh như lợn ăn cám”.  “Sao có người được cha mẹ cho ăn học tử tế, đàng hoàng mà ăn nói vô học như vậy?”, “cho tôi xin số điện thoại thằng đó, để tôi cho nó một bài học”; “thằng này phải cho đi học lại từ mẫu giáo”; “loại này có học cũng như không”... Gần 30 người trong lán nhao nhao lao về phía tôi như chực “nuốt sống” trong khi tôi chưa kịp truyền tải hết phát ngôn đang gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng kia.
Những người thợ xây muốn biết người miệt thị họ là ai?
Những người thợ xây muốn biết người miệt thị họ là ai?
Sắc mặt nhóm công nhân này biến đổi theo từng con chữ. Không khí vô cùng căng thẳng.  Một người thành niên da đen, khoảng 30 tuổi quê ở Thanh Hóa nói: “Tôi không biết anh ta có học thức như thế nào, học cao đến đâu nhưng anh ta nói năng như một người không có học. Chúng tôi chỉ là những người lao động bình thường, sống bằng sức lao động của mình chứ không phải ngửa tay ra xin ai cả. Đừng bao giờ nghĩ học cao thì có quyền nói năng bừa bãi”. Dí cái điện thoại sát vào mặt tôi, một thanh niên khoảng 20 tuổi quê ở Điện Biên nói mà như quát: “Thằng đó ở chỗ nào, chị cho tôi xin số điện thoại. Tôi mà biết nó là thằng nào thì nó không yên đâu”. Một người thanh niên ngồi khá xa nói chen vào “thằng này phải cho cái bạt tai cho nó chừa cái thói ăn nói hàm hồ”. Mặt đỏ tía tai, một thanh niên nói với tôi giọng nghẹn ngào: “Chúng tôi chỉ mong sao ngày mai ông trời đừng mưa để chúng tôi còn đi làm, kiếm tiền. Chỉ thế thôi, còn xã hội thì có nhiều loại người, người có học, người không học và cả loại người có học mà như không. Họ có biết nói như vậy là miệt thị một cách quá đắng lắm không?”. Người đàn ông chạc hơn 40 tuổi đặt giả thiết về xuất thân của người thanh niên này: “Có lẽ, người ngày được sinh ra trong một gia đình giàu có nên không biết nỗi khổ của những người lao động chân tay như chúng tôi".  Ngó qua chiếc đồng hồ lúc này cũng đã gần 22h đêm, tôi chủ động chuyển chủ đề câu chuyện sang một hướng khác để không khí bớt căng thẳng. Tôi hỏi về cuộc sống hàng ngày, gia đình và cả chuyện tình yêu của những thợ hồ đang trú trong lán. Những chia sẻ chân tình phần nào xua đi sự nặng nề, u ám của những lời miệt thị lúc trước. Gần 30 con người ngồi xúm xít quanh chiếc ti vi, thứ giải trí duy nhất mà họ có sau mỗi ngày làm việc vất vả.  Khó có thể nói hết sự vất vả, thiếu thốn của cuộc sống xa nhà nơi lán trại nhưng những người công nhân, thợ xây vẫn sống và làm việc hết mình.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
f
Đắc Chuyên