Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Ông Vũ Mão: Vì sao 10 năm vẫn chưa thực hiện được lấy phiếu tín nhiệm?

17/12/2012 07:24
Hồng Chính Quang
(GDVN) -  Theo ông Vũ Mão, việc không thực hiện được có nguyên nhân là điều kiện đưa ra ngặt nghèo quá và không thực tế. Với điều kiện 20% đại biểu Quốc hội có đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một vị A nào đó thì khó quá!...
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 vị trí chủ chốt của Nhà nước sẽ được diễn ra vào tháng 5/2013 tới đây, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ một số điều về vấn đề này.

11 năm, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn nằm trên giấy

Ông Vũ Mão nói: “Nhớ lại năm 2001, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 trong đó có một điểm được nhấn mạnh và cũng có thể coi đó là một dấu son trong tiến trình đổi mới đó là việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội đối với những người có chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Sau đó luật tổ chức Quốc hội cũng đã cụ thể hóa bằng những cách thức cụ thể, đưa ra những điều kiện để lấy phiếu tín nhiệm: Có ít nhất 20% đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một vị quan chức hoặc có ít nhất một Ủy ban hoặc Hội  đồng dân tộc của Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và trình ra Quốc hội để đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên đã 11 năm qua đi mà việc này vẫn chưa thực hiện được”.

Theo ông Mão, việc không thực hiện được có nguyên nhân là điều kiện đưa ra ngặt nghèo quá và không thực tế. “Với điều kiện 20% đại biểu Quốc hội có đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một vị A nào đó thì khó quá! Ai là người đứng ra tập hợp những đề nghị đó? Không cẩn thận thì lại mang vạ vào thân! Vì thế chẳng ai muốn làm chuyện đó. Đồng thời mọi người cũng coi chuyện đi vận động là không tốt, kéo bè, kéo cánh, quy chụp cho đồng chí của mình… Như vậy, đây là một điều kiện rất khó khả thi.

Còn điều kiện có một Ủy ban hoặc Hội  đồng dân tộc đề nghị... thì vấn đề này cũng khó thực hiện. Như hồi tôi làm Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, với Bộ Ngoại giao, chúng tôi giám sát. Nếu có vấn đề gì đó mà không ổn, thì tôi trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi đó là anh Nguyễn Dy Niên – người cùng là đồng chí trong Trung ương Đảng, hàng ngày gặp gỡ trao đổi công việc với nhau thường xuyên rất là vui vẻ. Nếu tự nhiên đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm thì cũng khó lắm, vì có vấn đề gì thì chúng tôi đã trao đổi trực tiếp rồi.

Mà vị bộ trưởng phải quá đáng như thế nào đó thì một Ủy ban của Quốc hội mới đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, mức độ quá đáng như thế nào thì cũng khó xác định. Chính vì các lẽ này mà 11 năm vừa qua, việc bỏ phiếu tín nhiệm không thực hiện được”, ông Mão cho biết.

“Việc đánh giá một cán bộ phải rất thận trọng”

Ông Vũ Mão nói tiếp: “Trước việc không thực hiện được như vậy thì chúng ta tỏ ra rất quyết tâm tìm giải pháp mới. Và với tinh thần tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, bây giờ việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đã được Quốc hội đưa ra thành Nghị quyết để thực hiện đối với 49 vị lãnh đạo cao nhất sẽ được lấy phiếu tín nhiệm vào tháng 5/2013 tới đây. Cụ thể là chia thành 2 giai đoạn: lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Mục đích của những việc làm này là giám sát để  đánh giá và có quyền xử lý đối với các cán bộ không đạt yêu cầu.

Về cách làm hiện nay, tôi cho là một cách làm mới, dù công đoạn nhiều hơn và có thể có một số điểm phức tạp hơn. Thời gian tới, 49 chức danh chủ chốt của Nhà nước sẽ được lấy phiếu tín nhiệm. Nếu mở rộng quá thì cũng không thực hiện được. Nhưng với 49 chức danh này thì quy trình và thủ tục lấy phiếu tín nhiệm như thế nào để đánh giá được chính xác?” 

(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)
(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)

Theo ông Mão, “nếu theo đúng quy trình công tác cán bộ thì, việc lấy phiếu tín nhiệm và kể cả bỏ phiếu tín nhiệm thì phải hiểu biết sâu sắc về đương sự để đánh giá họ. Muốn vậy, người đó phải làm bản báo cáo và được trình bày trước Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội thảo luận. Người được lấy và bỏ phiếu tín nhiệm được trình bày lại những ý kiến trái chiều. Rồi từ đó, công việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm mới được thực hiện. Mà làm như vậy thì rất mất thời gian. 

Do đó, bây giờ có cải tiến là không cần đưa ra thảo luận và mỗi đồng chí đưa ra một bản báo cáo việc thực hiện công tác trong thời gian vừa qua để mọi người biết. Việc đánh giá chỉ cần qua bản báo cáo ấy, qua việc trả lời chất vấn (không phải là tất cả đều trả lời chất vấn!), qua thảo luận tại Hội trường (không phải là liên quan đến tất cả 49 vị!), qua dư luận trong nhân dân. Chỉ từng ấy thì chưa có thể nói là đủ! 

Đấy là một cách làm nhưng theo tôi, việc đánh giá một cán bộ phải rất thận trọng. Tuy nhiên, Quốc hội đã có Nghị quyết rồi thì ta vẫn phải làm rồi rút kinh nghiệm”. 

Ông Mão nói thêm: “Có một vấn đề rất quan trọng là mối quan hệ của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội với thẩm quyền về công tác cán bộ của Đảng. Tôi đề nghị cần có văn bản quy định  về mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội (và Chính phủ nữa) trong công tác cán bộ. Nói một cách khác, việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội thì cần làm rõ vai trò của Đảng trong quá trình triển khai”...

(còn nữa)
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang