Phỏng vấn một nghệ sỹ người Hà Nội gốc về 'văn hóa' bún mắng cháo chửi

05/07/2012 07:35
Văn Trinh
(GDVN) -  Là một người dân Hà Nội chính gốc, lại lớn trên ở phố cổ nên ngay từ bé, NTK Đức Hùng đã quen thuộc, am hiểu nhiều nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Nói về câu chuyện “bún mắng cháo chửi” mà nhiều người cho rằng chỉ có ở Hà Nội, Đức Hùng bày tỏ quan điểm: “Có lẽ họ coi khách hàng là con cháu trong nhà nên mới đối xử như vậy”?
- PV: Theo anh đâu là những điểm nổi bật dễ nhận thấy nhất trong nét văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực của người Hà Nội?
NTK Đức Hùng:
Về tính cách, người Hà Nội rất khéo léo. Đây là điều cực kỳ tiêu biểu. Riêng với ẩm thực, người Hà Nội luôn thích trình bày một món ăn giống như một tác phẩm nghệ thuật.
-PV: Là cư dân phố cổ Hà Nội, anh được cha mẹ dạy bảo gì trong lời ăn, tiếng nói, giao tiếp trong gia đình, xã hội?
NTK Đức Hùng:
Nói nhỏ, đủ nghe.
NTK Đức Hùng và Hoa hậu Thùy Dung tại một sự kiện.
NTK Đức Hùng và Hoa hậu Thùy Dung tại một sự kiện.
- PV: Anh đã bao giờ đi thưởng thức món “bún mắng, cháo chửi” - mà theo nhiều người nói chỉ ở Hà Nội mới có?

NTK Đức Hùng:
Tôi đã từng một vài lần đi ăn những nơi thế này. Thực tế mà nói, hôm nào thâm trạng thoải mái thì thấy những lời nói đó rất bình thường, còn mệt mỏi sẽ vô cùng khó chịu.
Theo quan điểm của tôi, có lẽ các chủ quán “bún mắng cháo chửi” thường là người lớn tuổi, nên khi bán hàng, họ coi khách như người con, người cháu trong gia đình. Vậy nên mới sử dụng lối ngôn ngữ dân dã hơn là người kinh doanh chuyên nghiệp. Họ không được học cách kinh doanh bài bản nên không ý thức được văn hóa kinh doanh. Thêm nữa, việc các chủ quán hồn nhiên nặng lời mắng chửi khách xuất phát từ bản năng, coi như con cháu trong nhà nên vậy thôi. Do đó, khách hàng đến ăn quán của họ có cảm giác như ăn uống ở nhà, chính điều này tạo ra được không khí lạ và khác biệt so với nhiều nhà hàng muốn dùng kỹ năng, kỹ sảo để phục vụ khách. Đây cũng có khi lại là một điểm mạnh trong kinh doanh thì sao?
- PV: Thường xuyên đi công tác Nam - Bắc, anh cảm thấy phong cách phục vụ giữa Hà Nội và Sài Gòn ở đâu tốt hơn?

NTK Đức Hùng:
Tôi thích miền Nam hơn. Này xưa, năm 12 tuổi lần đầu được vào Sài Gòn, tôi đã hoàn toàn ngạc nhiên với cách mà bản thân được người ta phục vụ. Tôi vô cùng bất ngờ và cho tận đến bây giờ, cung cách phục vụ ở TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn tận tình chu đáo. Họ xác định được đâu là khách hàng và cần gì ở khách hàng từ đó tạo nên chất lượng phục vụ tốt.
Còn miền Bắc, có thể do thời tiết 4 mùa “xuân hạ thu đông” làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý kinh doanh của người dân. 4 mùa - mỗi mùa diễn ra trong vài tháng ngắn ngủi nên kinh doanh bất cứ thứ gì cũng cần bán nhanh, gấp rút bán đẩy sản phẩm đi. Chính sự gấp rút đó tạo ra việc chủ kinh doanh buôn bán không tận tình. Còn ở Hồ Chí Minh, thời tiết không thay đổi nhiều nên việc kinh doanh cứ túc tắc diễn ra mà không cần phải gấp rút như miền Bắc. 
Đức Hùng cho biết, anh thích cung cách phục vụ phía Nam hơn.
Đức Hùng cho biết, anh thích cung cách phục vụ phía Nam hơn.
Tôi lấy ví dụ, ở Hà Nội, trong mùa hè người ta không thể bán bánh trưng rán được hoặc mùa đông không thể bán trà đá được. Từ hệ lụy “mùa nào thức đấy” làm cho người buôn bán luôn vội vã, lo lắng hàng họ tồn kho, bị lỗ…từ đó mà dẫn đến dịch vụ ở phía Bắc không mang tính tận tình, dài hơn bằng miền Nam. Thậm chí, còn làm cho con người miền Bắc hơi khó tính nữa.
- PV: Đáng ra, với trình độ hiểu biết của người dân ngày càng cao thì việc thể hiện sự tôn khách hàng trong văn hóa kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, ở Hà Nội vẫn có rất nhiều nơi tồn tại – thậm chí thành công với lối kinh doanh “bún mắng, cháo chửi”. Anh nghĩ sao về điều đó?  

NTK Đức Hùng:
Họ kinh doanh vẫn có khách, đơn giản vì mặt hàng mà họ bán có một sự đặc biệt nào đó, hoặc đây là thứ hàng hóa mang tính thủ công, đặc truyền ít người  khác có được. Chính bởi sự độc đáo, gần như độc quyền nên họ không cần kỹ năng lắm trong giao tiếp về bán hàng.

- PV: Ra nước ngoài, anh có bao giờ gặp phải tình trạng bị hét giá khi mua sắm, không mua thì bị mắng chửi mắng như ở Việt Nam?

NTK Đức Hùng:
Không bao giờ có việc đó ở nước mà tôi đã đến. Bởi vì sao, mọi thứ dịch vụ ở nước ngoài đều đã quá tiên tiến và được công nghiệp hóa hết rồi. Tuy nhiên, tôi được biết hình như ở Thái Lan và Trung Quốc cũng có chuyện mua bán trả giá, nhưng tôi chưa đến 2 nước này nên chưa rõ thế nào.
- PV: Đến Hà Nội du lịch, nghỉ ngơi nhiều du khách gần xa thường khó bỏ qua việc đi dạo phố cổ mua sắm, ngồi ăn phở vỉa hè, bún, cafe...Tuy nhiên, có không ít người than vãn rằng, họ cảm thấy khó chịu vì cách đối xử vô văn hóa không ít chủ cửa hàng từ cách hét giá tiền, cách ăn nói, phục vụ của nhân viên bỗ bã. Theo anh điều này bắt nguồn từ đâu?
NTK Đức Hùng:
Có lẽ, khách du lịch – nhất là người nước ngoài đến với Hà Nội cũng nên thông cảm cho các chủ quán cóc vỉa hè. Bởi, đến Hà Nội, ai cũng muốn tham quan, ăn uống ở phố cổ. Mà khách quá đông thì dễ gây lúng túng, mệt mỏi cho chủ cửa hàng. Lại thêm chuyện giao tiếp không hiểu nhau với du khách nước ngoài, nên từ đó nẩy sinh sự cãi vã, khó chịu.

- PV: Lấy ví dụ một số nơi như Chợ Hôm, Chợ Ngã Tư Sở, chợ Đồng Xuân hoặc một số tuyến phố bán hàng cho du khách nước ngoài và trong nước, du khách thường xuyên phàn nàn về cách bán hàng trèo kéo, chặt chém, lời nói thiếu văn hóa của chủ cửa hàng. Anh có thấy chướng tai, gai mắt về những tình huống này?

NTK Đức Hùng:
Tôi chỉ thấy việc này khoảng khoảng 5 năm trước, còn thời gian gần đây không nhìn thấy điều đó. Càng hiện đại, người kinh doanh cũng dần nhìn rõ việc họ đang phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ khác, nếu không “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” thì sẽ rất khó bán hàng. Ngay như Chợ Đồng Xuân thì chủ yếu là bị mang tiếng xấu từ ngày xưa để lại về chuyện hét giá thôi, chứ giờ tôi thấy họ mềm dẻo và vui vẻ lắm.

- PV: Cũng là một người buôn bán thì theo anh, văn hóa kinh doanh chiếm bao nhiêu % sự thành công. Anh có thể chia sẻ 2 quan điểm tâm đắc về văn hóa kinh doanh của mình?

NTK Đức Hùng:
80% sự thành công. Còn 2 quan điểm tâm đắc của tôi về văn hóa kinh doanh, thì đầu tiên muốn nhắc tới là văn hóa trong sử dụng ngôn từ. Đây là yếu tố quan trọng, bởi khi một người khách đến với mình, giao tiếp tạo ra sự gần gũi, thân mật.
Thứ 2, chính là không gian văn hóa kinh doanh. Tức là khi bước vào một nhà hàng, một trung tâm thời trang mà khiến khách hàng cảm thấy tự tin, thoải mái chắc chắn, họ sẽ lấy nhiều sản phẩm hơn bình thường. Người làm kinh doanh nhất thiết phải tạo ra được không gian phù hợp với khách hàng, từ đó tạo ra sự kết nối giữa người mua - người bán.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này...
Văn Trinh