Sẽ có một Iraq thứ 2 ở Bắc Phi?

15/09/2011 08:52
Chấn Hưng (tổng hợp)
(GDVN) - Đại tá Gadhafi có thể đã rời Libya, nhưng những gì ông để lại sẽ biến quốc gia này thành một Iraq thứ 2 trong cuộc chiến của NATO?

Hiện nay Đại tá Gadhafi được cho là có hàng ngàn tay súng vũ trang đang ở lại trong nước. Lực lượng này tập trung tại Sirte và Qasr bu Hadi. Tại một vài thành phố phía tây Libya vẫn đang có hàng chục hoặc hàng trăm binh lính ủng hộ ông Gadhafi ẩn náu. Những người dân ủng hộ ông vẫn đang che giấu cho các lực lượng này, vì thế họ vẫn chưa bị lộ diện.

Trong một diễn biến khác, Hội đồng chuyển tiếp quốc gia NTC đang tìm cách thâm nhập các khu vực này và tìm giải pháp đàm phán chung sống hòa bình lâu dài với những người dân địa phương nơi đây.

Khỏi lửa tại Libya bao giờ mới chấm dứt?
Khỏi lửa tại Libya bao giờ mới chấm dứt?

Hiện nay ở Libya đang tồn tại hai xu hướng hình thành xã hội thời kỳ hậu Gadhafi: Lực lượng nổi dậy thuộc Hội đồng chuyển tiếp mong muốn nhanh chóng tiến hành một cuộc bầu cử để tạo nên một xã hội tự do, trong khi phe Hồi giáo bảo thủ, tuy chiếm thiểu số nhưng lại muốn tiếp tục duy trì một chế độ độc tài tôn giáo và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nó.

Điều này tất yếu dẫn đến những tồi tệ mà thế giới vẫn đang chứng kiến sau khi Mỹ đưa quân vào thiết lập nền dân chủ ở Iraq và Afganishtan. Hiện nay lực lượng ủng hộ ông Gadhafi vẫn đang lẩn khuất đâu đó trên khắp đất nước Libya và họ sẵn sàng đứng lên cầm vũ khí chống lại lực lượng nổi dậy bất cứ khi nào có yêu cầu. Đạt được một trật tự pháp trị lâu dài không bao giờ là điều dễ dàng.

Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng đàm phán trên của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia NTC, lực lượng quân nổi dậy hy vọng sẽ chấn áp được hoàn toàn Sirte và Qasr bu Hadi - hai địa điểm được cho là nơi đồn trú của đông người ủng hộ ông Gadhafi nhất trong vòng một tuần.

Tuy nhiên, bom đạn chỉ có thể khuất phục thể xác của một con người, chứ không thể khuất phục được ý chí của họ. Bom đạn không những không giải quyết được triệt để vấn đề, mà còn mang lại tác dụng ngược, khi cả một vùng rộng lớn quyết đứng lên chống lại chính quyền để trả thù cho người thân của họ.

Libya sẽ là một Iraq thứ hai?
Libya sẽ là một Iraq thứ hai?

Đại tá Gadhafi hiện vẫn còn một kênh truyền hình vệ tinh ở Syria (kênh truyền hình Arrai) để truyền đi những thông điệp của mình. Thông qua Arrai, ông sẽ phát đi lời kêu gọi những người ủng hộ mình tiếp tục đứng lên chiến đấu.

Những thông điệp gần đây không được phát đi bằng tín hiệu hình ảnh hay tín hiệu âm thanh của chính Gadhafi nhưng lại là những bản viết tay do lực lượng chính trị ủng hộ ông phát đi từ Syria. Dấu hiệu này khiến người ta nhớ đến những video hoặc băng ghi âm lời Osama Bin Laden phát đi trên các kênh truyền hình để đe dọa Mỹ và kêu gọi đánh bom liều chết.

Có thể chỉ một thời gian ngắn nữa, chính quyền chuyển tiếp Libya sẽ đi vào hoạt động và nhận được sự công nhận của phần lớn các quốc gia trên thế giới, nhưng lòng người Libya, những người còn có sự ủng hộ với nhà cựu lãnh đạo của mình, thì cuộc chiến chưa thể kết thúc.

Những mâu thuẫn quyền lực và tôn giáo sắc tộc ở Libya sẽ chưa thể dễ dàng giải quyết trong ngày một ngày hai. Tệ hại hơn nữa, thế giới lại chứng kiến cảnh người dân Libya ôm bom nhảy vào đám đông tự sát.

Chấn Hưng (tổng hợp)