Tại tòa, bị can, bị cáo có quyền hỏi lại kiểm sát viên

14/08/2015 08:15
Ngọc Quang
(GDVN) - “Anh buộc tội tôi thì tôi phải có quyền hỏi lại về những điều ấy, như thế thì mới đảm bảo công bằng”

Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Có rất nhiều nội dung trong dự thảo luật còn có các ý kiến khác nhau, tuy nhiên vấn đề chung mà nhiều đại biểu quan tâm chính là “nguyên tắc suy đoán vô tội” cần phải được coi trọng.

Bị can, bị cáo có quyền hỏi lại kiểm sát viên?

Bà Lê Thị Thu Ba – Phó trưởng Ban cải cách tư pháp Trung ương nhận định, trong hoạt động điều tra xét xử lâu nay không chú trọng gỡ tội cho bị can, bị cáo, mà chủ yếu là tập trung vào việc chứng minh tội phạm.

“Thậm chí có những trường hợp lỡ bắt rồi nên phải xử, phải tuyên một tội gì đó cho tương xứng với việc đã làm. Cái này xảy ra rất nhiều, rất vi phạm quyền con người.

Thí dụ khi không chứng minh được tội phạm thì các cơ quan tố tụng lại căn cứ vào khoản 1 điều 25 miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo vì hành vi đó không còn nguy hiểm cho xã hội. Cái cách đó lâu nay là lạm dụng nên cần phải quy định lại cho thật chặt chẽ”, bà Ba nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Thu Ba - Phó Trưởng Ban Cải cách Tư pháp Trung ương. ảnh: Ngọc Quang.
Bà Lê Thị Thu Ba - Phó Trưởng Ban Cải cách Tư pháp Trung ương. ảnh: Ngọc Quang.

Cũng theo Phó Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương, bị can, bị cáo có quyền được hỏi lại Kiểm sát viên trong phiên toà.

“Anh buộc tội tôi thì tôi phải có quyền hỏi lại về những điều ấy, như thế thì mới đảm bảo công bằng”, bà Ba nói.

Ủng hộ quan điểm này, ông PhanTrung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói: “Phải có các biện pháp nghiêm cấm việc xác định ngay từ đầu người đó đó phạm tội, rồi sau đó cứ củng cố hồ sơ theo hướng buộc tội. Những vụ việc mà ngay từ đầu đi theo hướng ấy thường là dẫn đến oan sai. Tôi lấy thí dụ trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn oan sai là vì vậy.

Theo tôi, phải quan tâm đến hai vấn đề: Đầu tiên là những căn cứ chứng minh vô tội; Thứ hai là không được củng cố hồ sơ theo định hướng có sẵn”.

Cũng theo ông Lý, Hiến pháp nói rõ, nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm trong hoạt động xét xử. Vì vậy, tại tất cả các phiên tòa từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm cũng phải được bảo đảm tranh tụng, chứ không phải chỉ có sơ thẩm và phúc thẩm.

Ông Lý đặt vấn đề: “Tranh tụng bảo đảm sự bình đẳng giữa những người tham gia tố tụng, vậy bị can, bị cáo có được hỏi lại không? Trong dự thảo luật hiện nay hoàn toàn không có quy định này. Bản án được tuyên trên kết quả cơ sở tranh tụng, như vậy mới khách quan”.

Ghi âm, ghi hình phải áp dụng ở mọi nơi lấy cung

Vấn đề nổi cộm được rất nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm và ủng hộ tại kỳ họp vừa qua chính là quy định bắt buộc phải ghi âm ghi, ghi hình trong hoạt động điều tra.

Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp cho rằng việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.

Tranh luận 'nảy lửa' chuyện phong hàm cho quân nhân chuyên nghiệp

Tranh luận "nảy lửa" chuyện phong hàm cho quân nhân chuyên nghiệp

Trong điều kiện nước ta hiện nay việc trang bị ghi âm, ghi hình đối với hoạt động hỏi cung tại các cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra là khả thi.

Do đó dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung”.

Việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau; có bị can bị tạm giam, có bị can ở ngoài xã hội; có bị can chỉ hỏi cung một hai lần, có bị can phải hỏi cung rất nhiều lần và có trường hợp cùng một thời điểm phải hỏi cung rất nhiều người.

Liên quan đến yêu cầu này, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật yêu cầu phải có quy định thật rõ để tránh bị lợi dụng trong hoạt động điều tra.

“Theo tôi, chỉ nói ghi âm, ghi hình tại nơi giam giữ, trụ sở cơ quan cơ quan điều tra là chưa đủ. Chúng tôi đề nghị bất kể nơi nào điều tra phải ghi âm ghi hình, nơi nào lấy cung phải ghi âm ghi hình.

Trong bộ luật của chúng ta cũng phải có dự liệu, ngăn ngừa để các điều tra viên không thể lợi dụng. Tuy nhiên vẫn phải quy định bố trí ghi âm ghi hình như thế nào đó để bao quát hết được cuộc hỏi cung, chứ nếu máy chỉ ghi được một phạm vi nhỏ thì không đảm bảo”, ông Lý chỉ rõ.

Ông Phan Trung Lý yêu cầu quy định cụ thể về ghi âm, ghi hình nhằm tránh bị lợi dụng. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Phan Trung Lý yêu cầu quy định cụ thể về ghi âm, ghi hình nhằm tránh bị lợi dụng. ảnh: Ngọc Quang.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tán thành quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình, nhưng đề nghị cân nhắc quy định “phát lại nội dung này cho bị can, bị cáo nghe vì rất mất thời gian”.

Theo lý giải của ông Bình, Cơ quan điều tra đã làm việc cả một ngày mệt mỏi, bản khai đó có cả sự chứng kiến của luật sư (ký tên) nên không nhất thiết phải mở lại cho bị can, bị cáo xem (nghe), mà sẽ được lưu trữ lại (niêm phong) và mở ra khi cần thiết.

Ngọc Quang