Độc giả bàn luận xung quanh câu chuyện thu phí và vấn nạn ùn tắc giao thông:

"Thay vị trí của CSGT bắt người vi phạm sẽ giảm ùn tắc giao thông"

16/04/2012 07:07
Độc giả Lê Văn Hiếu
(GDVN) - "Ở nhiều điểm CSGT chỉ chủ yếu đứng đó nhằm mục đích để bắt người vi phạm chứ chưa chú ý lắm, hoặc chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là phải hướng dẫn cho người tham gia giao thông đi đúng luật, vì thế thay đổi vị trí của CSGT thì sẽ giảm được ùn tắc giao thông..."
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và phương án đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên. 

Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Lê Văn Hiếu với nội dung hiến kế cho Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc chống lại vấn nạn ùn tắc cho Hà Nội và TP HCM. Mời bạn đọc cùng theo dõi:


Tôi đồng ý với phương án phạt thật nặng các chủ phương tiện vi phạm

Đề án thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố mà Bộ GTVT đề xuất thực hiện đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sẽ chưa thực hiện trong năm nay nhưng đây vẫn là một vấn đề được nhiều người dân trên cả nước bàn luận, trong đó có tôi quan tâm lớn. Vì nó ảnh hưởng đến nhiều quyền lợi, cuộc sống, trong đó quan trọng nhất là túi tiền của chúng tôi.  Tuy nhiên cũng phải nói rằng, tôi ủng hộ những mặt tích cực của đề án hướng tới là giảm ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn nhưng chưa đồng tình với cách làm, giá phí mà Bộ trưởng đưa ra. Nó không phù hợp với cuộc sống, mức thu nhập của người dân trong điều kiện kinh tế còn vô vàn khó khăn hiện nay.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Cũng từ thực tế thường xuyên tham gia giao thông, hôm nay tôi xin có một vài ý kiến mong muốn được đóng góp với Bộ trưởng để cùng tìm ra hướng giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn hiện nay.
Trước hết, tôi rất đồng tình với quan điểm của nhiều độc giả khác khi cho rằng cần phải nâng thật cao mức xử phạt đối với người vi phạm luật giao thông, đặc biệt ở các đô thị. Thực tế đã cho thấy rõ, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chúng ta còn kém dẫn đến ùn tắc giao thông, một phần là do nguyên nhân từ việc các qui định, mức phạt tiền hiện nay chưa thực sự mạnh tay. Có thể ai đó cho rằng, phạt cao là không nên nhưng theo tôi nếu không muốn bị phạt cao thì mọi người hãy tự ý thức được việc thực hiện tốt các qui định tham gia giao thông. Khi mọi nhà, mọi người thực hiện tốt rồi thì mức phạt có cao gấp cả trăm, ngàn lần so với hiện tại thì cũng không có vấn đề gì đáng phải lo cả.  Cùng với đó, khi tham gia giao thông nếu xảy ra tai nạn thì chúng ta cần phải xác định rõ, ai sai thì người đó phải chịu. Nếu xe máy đi vào làn ôtô để xảy ra tai nạn, dù người điều khiển, phương tiện xe máy có hư hỏng nặng thì vẫn phải đền bù vì làm hư hại cho phương tiện xe ôtô... Khi pháp luật nghiêm minh, ý thức chấp hành luật được nâng lên tốt hơn, lúc đó câu chuyện về ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ giảm... Tuy nhiên, việc phạt cao cũng sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực hơn. Đây là điều không chỉ tôi mà chắc chắn nhiều người dân khác cũng đã nghĩ tới. Quả thực, nếu cứ giữ cách quản lý đối với các lực lượng chức năng tham gia hướng dẫn, xử phạt vi phạm giao thông như hiện nay thì tiêu cực chắc chắn là sẽ hoành hành. Tỷ lệ người dân dùng tiền để hối lộ CSGT sẽ càng cao. Nhiều người cũng đặt ra, nếu lỗi nhẹ nhất phạt 2 triệu đồng thì sẵn sàng xin "chi ra" để "lót tay" cho các chú cảnh sát 500.000 đồng để tha cho vì các chú đi làm bụi bặm vất vả, trong khi lương công chức thì cũng được bao nhiêu, khi đó CSGT, thanh tra giao thông, công an phường... sẽ càng có nhiều người trong số đó được lợi có điều trong khi nhà nước chẳng thu về được là bao. Vì thế, theo tôi, nếu người dân cần chấn chỉnh một thì lực lượng thừa hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực giao thông cần phải chấn chỉnh gấp 10 lần.  Chấn chỉnh bằng cách nào, đó là việc phải xử lý thật nghiêm những trường hợp làm luật, nhận hối lộ. Chỉ cần đòi 1.000 đồng thôi cũng phải ngay lập tức điều chuyển công tác, cho ra khỏi ngành và nếu khởi tố ngay nếu thực hiện hành vi nhận hối lộ ở mức cao hơn.
Xã hội hóa lực lượng CSGT tham gia hướng dẫn người dân?
Để làm tốt hơn việc này, tôi cũng xin đề xuất là thay vì chỉ có cố định lực lượng cảnh sát giao thông như hiện nay, chúng ta hãy xã hội hóa lực lượng này. Tức là, mọi cá nhân, tổ chức nếu muốn đều có thể làm cảnh sát giao thông. Tôi cũng nói luôn và xin tình nguyện được làm cảnh sát giao thông không lương. Tôi chỉ xin 1% số tiền thu được của những người nộp phạt. Như thế, nhất cử, lưỡng tiện. Vừa ngăn chặn được tình trạng vi phạm giao thông, ùn tắc giao thông, lại vừa giúp cho nhà nước không phải bỏ quá nhiều tiền của "nuôi" bộ máy cảnh sát giao thông hiện nay. 
Độc giả cho rằng nên thay đổi vị trí đứng của cảnh sát giao thông. (Ảnh: Internet).
Độc giả cho rằng nên thay đổi vị trí đứng của cảnh sát giao thông. (Ảnh: Internet).

Trước khi thực hiện điều đó, tôi thấy rằng, một việc cần làm ngay đó là, chúng ta cần phải ngay lập tức thay đổi ngay vị trí đứng của lực lượng cảnh sát giao thông hiện nay trên các tuyến đường. Bởi một lẽ, đa số CSGT đã phân luồng và hướng dẫn cho người dân đi ở các ngã tư, các nút giao cắt giao thông. Nhưng hình như ở rất nhiều điểm CSGT vẫn chỉ chủ yếu đứng đó nhằm mục đích "lừa" để bắt người vi phạm chứ chưa chú ý lắm đến việc hướng dẫn cho người dân đi đúng phần đường, làn đường của mình. Đặc biệt, trong thời gian qua, khi tham gia giao thông, tôi thấy một hiện tượng nổi cộm lên đó là việc dân phòng và công an phường, xã, có những chỗ tập trung đến cả chục người nhưng toàn đứng nấp để bắt người vi phạm chứ chưa đứng ra hướng dẫn, phân luồng.  Những điều này đã vô hình chung tiếp tay cho vấn nạn ùn tắc giao thông tiếp tục diễn ra. Vì vậy, tôi cho rằng, ngay từ cấp quản lý hành chính cấp phường ở các thành phố, các đội cảnh sát giao thông, nếu có được kế hoạch hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng làn đường, thực hiện nghiêm luật thay vi bắt người vi phạm giao thông thì chắc chắc sẽ giảm dần được ùn tắc giao thông…. Cùng với đó thì việc chấn chỉnh, quản lý nghiêm ngặt công tác đầu tư, thi công các công trình giao thông cũng là một điều rất cần được Bộ GTVT và các cơ quan chức năng khác thực hiện. Thực tế khi tham gia giao thông, tôi thấy, tắc đường cũng là do một phần đường sá của chúng ta quá xấu mà nguyên nhân do bớt xén, thi công sai so với thiết kế, qui hoạch ban đầu. Không chỉ xử phạt bình thường, rút giấy phép với các đơn vị sai phạm mà theo tôi sẽ phải bắt họ thực hiện đền bù bằng cách phải bỏ tiền túi ra để thi công lại toàn bộ tuyến đường, công trình làm sai chứ không phải chỉ ở chỗ hư hỏng, sai phạm. Đồng thời, phải xử lý, kể cả ở mức cao nhất là khởi tố ngay những người có liên quan đến sai phạm dù sai phạm đó là nhỏ nhất để không ai còn dám làm sai. Khi công tác đầu tư, thi công được đảm bảo thì chắc chắn những tuyến đường của chúng ta sẽ đạt chất lượng cao, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Khi mọi công tác từ đầu tư, xây dựng các công trình giao thông, quản lý, xử lý nghiêm đối với các lực lượng chức năng thừa hành, mức xử phạt nghiêm minh... được thực hiện tốt thì chắc chắn sẽ là một đòn bẩy giúp cho công cuộc phòng, chống ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn đạt hiệu quả hơn và khi đó việc thu phí cũng chưa cần phải gấp gáp thực hiện ngay. Để bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến hiến kế cho ngành giao thông, mời bạn đọc gửi bài viết theo địa chỉ:toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Lê Văn Hiếu