Thỏa thuận Mỹ-Philippines giúp tăng cường khả năng ứng phó thảm họa

30/07/2014 07:47
Đông Bình
(GDVN) - Tướng Catapang: "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường" sẽ có lợi cho nâng cao khả năng viện trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa cho quân đội Philippines.
Binh sĩ Mỹ-Philippines trong một cuộc tập trân chung
Binh sĩ Mỹ-Philippines trong một cuộc tập trân chung

Tờ "Philippines Star" ngày 28 tháng 7 đưa tin, quân đội Philippines cho rằng, "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường" (EDCA) được ký kết giữa Philippines và Mỹ sẽ có lợi cho đất nước, cho dù Tổng thống Aquino đang vì nó mà đối mặt với khiếu nại luận tội.

Người phụ trách lực lượng vũ trang Philippines, tướng Catapang cho rằng, "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường" sẽ có lợi cho nâng cao khả năng viện trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa cho quân đội.

Trong một cuộc họp báo vào thứ Ba tuần trước tại trụ sở hải quân ở Manila, tướng Catapang nói: "Nếu 'Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường' bị trì hoãn, khi có cơn bão mạnh đến, chúng tôi có thể không đưa ra được phản ứng nhanh chóng. Chúng tôi cần chuẩn bị trước và tốt các thiết bị, máy bay và tàu. Nếu chúng tôi không thực hiện sẽ có ảnh hưởng rất lớn".

Tướng Catapang tin tưởng, việc trì hoãn thỏa thuận này sẽ gây trở ngại cho các nỗ lực bảo vệ nhân dân và đất nước.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines Gregorio Pio Catapang và Tổng thống Philippiines Benigno Aquino
Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines Gregorio Pio Catapang và Tổng thống Philippiines Benigno Aquino

Vào thứ Năm tuần trước, tướng Catapang bị tổ chức cấp tiến yêu cầu đưa ra phản ứng về hành động vạch tội Tổng thống liên quan đến "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường", thỏa thuận này sẽ giúp Mỹ có thể sử dụng nhiều hơn các căn cứ của Philippines.

Tổ chức cấp tiến cho rằng, việc ký kết "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường" đã vi phạm Hiến pháp và đi ngược lại sự tin tưởng của người dân. Ba bản kiến nghị nghi ngờ "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường" cũng được trình lên Tòa án tối cao.

Một bản kiến nghị cho rằng, "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường" không có căn cứ pháp lý, bởi vì, Hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ đã bị Hiến pháp năm 1987 thay thế, bản hiến pháp này lấy từ bỏ chiến tranh làm chính sách quốc gia.

Bản kiến nghị thứ hai cho rằng, "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường" sẽ chỉ có lợi cho Mỹ, đồng thời có thể khiến cho sự tôn nghiêm quốc gia của Philippines bị suy giảm và chủ quyền của Philippines bị bán rẻ bất hợp lý.

Tháng 4 năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Philippines
Tháng 4 năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Philippines

Theo tờ “Đa chiều” Trung Quốc, gần đây, “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” giữa Philippines-Mỹ bị dư luận trong nước Philippines lên án là vi phạm Hiến pháp. Theo trang mạng Rappler Philippines ngày 25 tháng 7, vấn đề “vi phạm Hiến pháp” này hiện đang đợi Tòa án tối cao phán quyết.

Đại sứ Philippines tại Mỹ ngày 25 tháng 7 cho biết: “Chúng tôi không thể thực hiện toàn diện EDCA, bởi vì nó bị nghi ngờ”. Tòa án tối cao Philippines đã nhận được 3 đơn kiện của nhiều tổ chức, chỉ trích EDCA xâm phạm chủ quyền quốc gia, quyền tư pháp, làm tổn hại toàn vẹn lãnh thổ của Philippines. Đơn kiện còn cho rằng Tổng thống Benigno Aquino vi phạm Hiến pháp và bị yêu cầu từ chức.

“Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” được Philippines và Mỹ ký vào ngày 28 tháng 4 năm 2014, thời hạn là 10 năm, cho phép Quân đội Mỹ có thể lâm thời sử dụng một phần căn cứ quân sự của Philippines và có thể triển khai trước vật tư quân sự ở Philippines.

Được biết, bắt đầu từ tháng 8 năm 2013, hai bên đã triển khai nhiều vòng đàm phán về việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, nhưng hai bên từng rơi vào bế tắc về các vấn đề như quyền quản lý.

Mỹ-Philippines tập trận đột kích đổ bộ trên Biển Đông ngày 9 tháng 5 năm 2014
Mỹ-Philippines tập trận đột kích đổ bộ trên Biển Đông ngày 9 tháng 5 năm 2014

Philippines không muốn Quân đội Mỹ giành được quyền kiểm soát duy nhất đối với bất cứ cơ sở quân sự nào của Philippines, trong khi đó Hiến pháp Philippines cũng cấm nước ngoài đóng quân mang tính vĩnh viễn dưới bất cứ hình thức nào. Nhưng, trong vài vòng đàm phán cuối cùng, hai bên đã đạt được tiến triển nhất định.

Philippines từng là thuộc địa của Mỹ, Mỹ từng sở hữu nhiều căn cứ quân sự và đóng nhiều quân ở Philippines. Năm 1991, Thượng viện Mỹ đã hủy bỏ Hiệp định căn cứ quân sự Philippines-Mỹ, kết thúc lịch sử đóng quân lâu dài của Mỹ tại Philippines.

Năm 1998, hai nước Mỹ-Philippines ký kết hiệp định thăm viếng, giao lưu quân đội, cho phép quân đội hai nước tổ chức diễn tập quân sự liên hợp, cho phép tàu chiến Mỹ cập cảng Philippines và quân nhân Mỹ lên bờ thăm.

Đông Bình