Trung Quốc triển khai 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở Biển Đông
Tờ "Hoàn Cầu" dẫn báo chí Philippines ngày 8 tháng 7 cho rằng, Trung Quốc đã triển khai 3 tàu ngầm động cơ hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo (tàu ngầm hạt nhân chiến lược) Type 094 cho Hạm đội Nam Hải, tiếp tục phô diễn thực lực và tầm ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông.
Hình ảnh này được cho là tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Trung Quốc (ảnh tư liệu) |
Theo bài báo, tàu ngầm Type 094 còn được gọi là lớp Tấn, là tàu ngầm tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc, trang bị 12 quả tên lửa đạn đạo tầm bắn 4.900 dặm Anh. Truyền thông Trung Quốc đã công bố một bức ảnh của 3 tàu ngầm Type 094 ở căn cứ hải quân Du Lâm, đảo Hải Nam, rõ ràng được chụp vào tháng 5 năm 2014.
Những tàu ngầm này xuất hiện ở đảo Hải Nam là một động thái quan trọng, bởi vì đây là lần đầu tiên Bắc Kinh triển khai tàu ngầm tên lửa đạn đạo ở căn cứ tuyến đầu.
Theo bài báo, trang mạng freebeacon.com Mỹ cho rằng, 3 tàu ngầm tên lửa của Trung Quốc triển khai ở đảo Hải Nam là sự khởi đầu cho việc tiến hành "tuần tra trên biển thông thường" ở Biển Đông và Thái Bình Dương. Ngoài ra, việc triển khai những tàu ngầm này đúng vào lúc quan hệ căng thẳng Trung-Việt rất gay gắt.
Theo bài viết, tháng 4 năm 2014, có máy bay do thám đã phát hiện một chiếc tàu ngầm tấn công lớp Kilo ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhưng không thể xác định nó là của Trung Quốc hay của Việt Nam, bởi vì hai nước đều có loại tàu ngầm này. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear cho rằng, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc có "quy mô lớn, năng lực mạnh".
Bài viết dẫn lời của tướng Samuel Locklear phát biểu tại Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ cho rằng: "Trung Quốc không ngừng sản xuất tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo". Ông còn cảnh báo, đến cuối năm 2014 Trung Quốc sẽ sở hữu "lực lượng răn đe hạt nhân trên biển thực sự có hiệu quả".
Mỹ-Philippines trong một cuộc tập trận trên Biển Đông (ảnh tư liệu) |
Theo bài báo, đồng thời, Hải quân Philippines đã dựng lên 2 cột mốc trong diễn tập quân sự "hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu" (CARAT) được tổ chức liên hợp với Hải quân Mỹ trong năm 2014.
Cột mốc thứ nhất là, hải quân Philippines sử dụng máy bay trực thăng AW109E do Công ty Agusta Westland sản xuất, bay lên từ tàu tuần tra Ramon Alcaraz và tàu tuần tra Gregorio del Pilar, đã triển khai hoạt động tác chiến máy bay trực thăng hải quân.
Cột mốc thứ hai là tàu tuần tra Ramon Alcaraz và tàu tuần tra Gregorio del Pilar lần đầu tiên đã cùng tổ chức diễn tập tác chiến ở vùng biển quốc tế và phong tỏa trên biển với Hải quân Mỹ.
Trung-Mỹ vẫn bất đồng về vấn đề Biển Đông
Tờ "Đại công báo" Hồng Kông ngày 11 tháng 7 đưa tin, Đối thoại hợp tác chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ đã bế mạc, hai bên vẫn tồn tại bất đồng rõ ràng trong các vấn đề như tranh chấp Biển Đông, an ninh mạng, nhưng đạt được đồng thuận nhất định về thị trường hóa tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ.
Mỹ bày tỏ hài lòng về thành quả của đối thoại lần này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cũng cho rằng, đối thoại giành được một loạt thành quả và đồng thuận quan trọng, "có một loại cảm giác sáng tỏ, thông suốt".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung diễn ra vào ngày 9 - 10 tháng 7 năm 2014. Mỹ đã lên tiếng chỉ trích hành động bất chấp luật pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. |
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, Trung-Mỹ đã quản lý, kiểm soát rất tốt bất đồng, hai bên đều đồng ý thực hiện chế độ quản lý nhiên liệu chặt chẽ hơn, xây dựng một nhóm công tác chung để ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và công nghệ liên quan.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho rằng, Trung Quốc cam kết giảm can thiệp thị trường, tăng độ minh bạch về ngoại hối, đẩy nhanh cơ chế tỷ giá hối đoái do thị trường làm chủ đạo, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng.
Bài báo cho rằng, trong cuộc đối thoại lần này, sau khi bị Mỹ nhiều lần gây sức ép, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã cam kết sẽ tăng tính linh hoạt tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ, giảm phiền phức của thị trường ngoại hối. Trung Quốc còn tuyên bố, hai bên Trung-Mỹ đều đồng ý, sẽ tránh để “làm mất giá đồng tiền có tính liên tục, không có trật tự, có tính cạnh tranh”.
Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ, trong đối thoại lần này, Trung Quốc lần đầu tiên có quan chức chống tiêu cực tham dự, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội kiến hiếm có với đại diện Mỹ John Kerry và Jacob Lew.
Ngày 8 tháng 7, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho biết, ông sẽ tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và thăm Trung Quốc vào tháng 11 năm 2014, tận dụng cơ hội “35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao” thúc đẩy quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, trong vấn đề Biển Đông, an ninh mạng và chống khủng bố, Trung Quốc và Mỹ vẫn có bất đồng rõ rệt. Tuy có tin cho rằng, nhân viên an ninh mạng của hai bên đã có tiếp xúc, nhưng quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Trung Quốc đã không chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc tái khởi động Tiểu ban hợp tác an ninh mạng Trung-Mỹ.
Những phát biểu gần đây của các lãnh đạo Quân đội Trung Quốc như Thường Vạn Toàn, Phòng Phong Huy... đều phản ánh rõ Trung Quốc coi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" - chủ trương bất hợp pháp này là không thể chấp nhận được. Hình ảnh trên là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc được báo chí cho là trận "khẩu chiến" ở Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2014. |
Trong hội đàm, phía Trung Quốc đã nhắc lại vụ Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố 5 quân nhân Trung Quốc ăn cắp thông tin doanh nghiệp Mỹ qua mạng, đồng thời tuyên bố lập trường của họ. Mỹ phản hồi cho rằng, Bộ Tư pháp Mỹ hành động dựa vào chứng cứ, Chính phủ Mỹ không cho rằng sự việc thuộc vấn đề chính trị, cũng sẽ không can thiệp tư pháp.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, thiệt hại về bản quyền sở hữu trí tuệ trên mạng đã tạo ra hiệu ứng “ve sầu” đối với đầu tư và sáng tạo, ăn cắp mạng đã gây thiệt hại cho thương mại Mỹ và đe dọa sức cạnh tranh của Mỹ.
Đại diện Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, Trung Quốc muốn hợp tác mạng được tiến hành trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, “Trung Quốc tin tưởng, không gian mạng không nên trở thành công cụ gây thiệt hại lợi ích của nước khác”.
Trong vấn đề Biển Đông, Mỹ thúc giục Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài quốc tế và luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn kiên trì thông qua phương thức đàm phán song phương để giải quyết vấn đề.
Trong vấn đề chống khủng bố, tuy hai bên đồng ý tăng cường hợp tác, nhưng Mỹ nhấn mạnh phải phân biệt chủ nghĩa khủng bố và bất đồng chính kiến (đối lập chính trị), đồng thời tuyên bố phải hiểu rõ nguyên nhân đằng sau hành vi cực đoan.
Khi cấp cao Trung-Mỹ hội đàm ở Bắc Kinh, ABS-CBN News của Philippines cho biết, Trung Quốc đang tăng cường sức uy hiếp hạt nhân đối với Mỹ, làm cho Mỹ ngại viện trợ cho Philippines. Điều này được báo trí TQ tuyên truyền một cách hân hoan mặc dù chỉ là nhận định tự đoán.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: Đâm chìm tàu cá của Việt Nam, ngăn chặn không cho cứu ngư dân trên tàu cá này. |
Trung Quốc hy vọng tập trung tiến hành kiểm soát thực tế đối với Biển Đông, sau đó làm cho người Mỹ hiểu rõ "ai mới là ông chủ".
Theo tờ "Thời báo Tài chính" Anh, Mỹ đang phát triển chiến thuật quân sự mới, chẳng hạn điều động máy bay do thám triển khai hành động hải quân ở Biển Đông. Thách thức Mỹ phải đối mặt là, phải tìm được chiến thuật để ngăn chặn các hành động kiểu "trẻ vị thành niên" của Trung Quốc, đồng thời lại không cho tranh chấp cá biệt leo thanh thành xung đột quân sự toàn diện.
Bài viết dẫn lời quan chức Lầu Năm Góc cho rằng, vào tháng 3 năm 2014, tàu Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn Philippines tiến hành tiếp tế cho binh sĩ trên bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), máy bay do thám Mỹ đã bay lướt qua ở tầm thấp, bảo đảm để cho Trung Quốc nhìn thấy được. "Đây là động thái mới, thông điệp là, chúng tôi biết các anh đang làm gì, tất cả mọi hành vi của các anh sẽ có hậu quả".
Ngày 10 tháng 7, học giả Trung Quốc Đạt Nguy đã có bài viết cho rằng, Mỹ không phải tiến hành ngăn chặn kiểu “bức thành đồng” đối với Trung Quốc, mà là khoác vào Trung Quốc một chiếc "quần bó sát người" của chế độ, quy tắc quốc tế. Đây không phải là một bức tường, mà là một "túi lưới", có rất nhiều "mắt lỗ" để Trung Quốc có thể kết nối với thế giới bên ngoài, đồng thời lại có rất nhiều "trói buộc mềm". Loại "chế độ" này mới là phần khó ứng phó nhất trong chiến lược đối với Trung Quốc của Mỹ.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: Đâm dã mãn tàu kiểm ngư KN 951, theo đánh giá về hướng đâm, tốc độ đâm... thì Trung Quốc có ý đồ đâm chìm tàu kiểm ngư này. Hành động này là khủng bố, cướp biển, không khác gì cướp biển ở vùng biển Somalia và vịnh Aden, đe dọa an ninh hàng hải khu vực, các nước cần hợp tác cần trấn áp, tấn công. |
Ngoài ra, theo dõi các động thái liên quan đến Biển Đông hiện nay, có thể thấy, Mỹ đã chuyển sang giai đoạn gia tăng can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm đối phó (các hành động cướp biển, khủng bố, bành trướng, thực dân, bá quyền trên Biển Đông và trong khu vực) của Trung Quốc, tức là Mỹ đã “đứng về một bên” trong tranh chấp Biển Đông. Đây rõ ràng là một chính sách mới tích cực can dự của Mỹ trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay.
Mỹ cũng đang tăng cường các quan hệ đồng minh và đối tác trong khu vực, đáng chú ý là tăng cường quan hệ với đồng minh Nhật Bản, Philippines, Australia… Những đồng minh này đều đã bày tỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, gia tăng áp lực và gây khó khăn hơn cho yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.