Thu phí giao thông: Mức phí nặng thế, dân sống làm sao?

29/03/2012 06:00
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Thu phí nặng thế, dân sống ra sao? Hiến kế "bắt đi bộ sẽ hết tắc đường", chưa nên thu phí... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
Thu phí nặng thế, dân sống làm sao?

Tờ Tiền phong đưa tin, sau khi báo đăng tải nhiều bài viết về việc Bộ GTVT đề xuất thu các loại phí lưu hành phương tiện cá nhân, phí bảo trì đường bộ, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi về tòa soạn. 

Hầu hết ý kiến của bạn đọc chưa đồng tình với việc Bộ GTVT đề xuất thu phí và mức phí mà Bộ GTVT đề xuất quả thực quá cao so với thu nhập của người dân.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Bạn đọc Khai Pham bày tỏ “Nhiều gia đình tằn tiện, vay mượn để có chiếc xe máy, ô tô nhằm cải thiện đời sống. Bây giờ, thu phí nặng như thế, họ sống làm sao?”

Cũng nằm trong vấn đề Bộ GTVT đề xuất thu phí, nhiều bạn đọc cũng gửi ý kiến phản hồi về việc Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông so sánh phí bảo trì đường bộ với việc mua một thỏi son.

Hầu hết ý kiến cho rằng, việc so sánh đó là khập khiễng. Nhiều bạn đọc còn thẳng thắn nêu quan điểm, thứ trưởng phải đặt địa vị vào người dân mới hiểu vấn đề.
"Bắt đi bộ sẽ hết tắc đường"

Báo điện tử Kiến thức đưa tin, bịt nút giao thông, phân luồng, hạn chế phương tiện cá nhân, thu phí bảo trì đường… đều chỉ là những giải pháp tình thế. Đường vẫn tắc, ông thủ phạm thì vẫn cứ “nhởn nhơ”. Đó là quan điểm của ông Phạm Tuân, tác giả đề án “Nâng cao năng lực thoát xe, chống tắc và hạn chế tai nạn giao thông đô thị.

Theo ông Phạm Tuân, việc phát triển ồ ạt các khu chung cư ở ngoại thành và vùng ven, trong khi đó trụ sở các cơ quan ban ngành lại đặt ở nội đô thì đường không thể không tắc được. “Khi đó, người ta buộc phải lao vào nội thành để đi làm, để kiếm tiền, để mưu sinh thì đường tắc là tất nhiên. Tắc quá rồi mới nghĩ ra các biện pháp đối phó, đúng kiểu nước đến chân mới nhảy”.

Chưa nên thu phí lưu thông

VnExpress đăng tải ý kiến, việc cải tổ hệ thống giao thông là một vấn đề tuy cấp bách nhưng không thể thực hiện nhanh hơn tốc độ gia tăng đời sống kinh tế của người dân và nhất là khi chưa có sự đồng tâm hợp lực của đại đa số của người dân.

“Phí hạn chế phương tiện giao thông” mang tính ép buộc nhiều hơn là tính kêu gọi hợp tác của người dân. Bởi vì hệ thống giao thông công cộng hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu về chất lượng cũng như số lượng. Một phần cũng do tập quán chưa mang tính công nghiệp của người dân Việt Nam mình.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Người dân không có sự lựa chọn nào hơn là đành chấp nhận đóng thuế, chứ không phải là một thái độ hợp tác. Khi mà hệ thống giao thông công cộng còn yếu kém thì xe gắn máy vẫn phải là phương tiện rất cần thiết đối với đại đa số người dân có thu nhập trung bình.

Do đó, trước mắt nhà nước chỉ nên thu phí bảo trì đường sá đối với các loại ô tô và xe tải mà thôi. Trong một lúc mà thu cả phí lưu thông lẫn phí trùng tu đường sá trên đầu xe gắn máy sẽ làm tăng lên sự không đồng tình của người dân.
Thu phí giao thông: Phải tính tới khả năng chi trả của người dân

Thông tin trên báo Đại đoàn kết, sau khi Bộ Giao thông - Vận tải có đề xuất áp dụng các loại phí lưu hành ôtô, mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) có văn bản gửi UBTVQH, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan kiến nghị hoãn, ngừng áp dụng các loại phí này.

VAMA cho rằng, trước khi áp dụng các biện pháp điều tiết bằng phí, Nhà nước cần có chính sách phát triển và đa dạng hóa hệ thống giao thông công cộng nhằm đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Các quốc gia trên thế giới thường chỉ áp dụng các chính sách hạn chế lưu thông ôtô đối với những thành phố lớn, khu đông dân cư, chứ không hạn chế lưu thông và tiêu dùng ôtô một cách đại trà. Mức phí thu phải đảm bảo tính công bằng, không đánh đại trà tất cả các xe như nhau dù sử dụng nhiều hay ít, dù ở thành phố hay nông thôn. Đặc biệt, mức phí phải tính tới khả năng chi trả, thu nhập của người dân trong từng giai đoạn phát triển.
Về đề xuất nói trên của Bộ Giao thông - Vận tải, có ý kiến cho rằng, nó không khác gì đánh phí “hạn chế ốm đau” với người dân để giảm tải cho bệnh viện, bởi nhu cầu đi lại của người dân là thiết yếu và không thể hạn chế được.
Ông Đặng Văn Thanh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Chưa bao giờ thấy phí dồn dập như hiện nay

Báo Tuổi trẻ đưa tin, từng giữ vị trí Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, ông Đặng Văn Thanh đánh giá các đề xuất phí hiện nay là dồn dập, có thể gây sốc, đồng thời băn khoăn nhiều loại phí chưa sử dụng đúng mục đích.

Sau khi thu phí bảo trì đường bộ, Bộ GTVT có bảo đảm sẽ không còn những ổ voi như thế này? Trong ảnh: một xe tải bị lật do tránh ổ voi ở quốc lộ 14, đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Tiến Thành
Sau khi thu phí bảo trì đường bộ, Bộ GTVT có bảo đảm sẽ không còn những ổ voi như thế này? Trong ảnh: một xe tải bị lật do tránh ổ voi ở quốc lộ 14, đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Tiến Thành

“Theo ông Thanh, phí đưa ra cần tham khảo ý kiến người dân, tránh cửa quyền, áp đặt. Ông nói: không phải tự nhiên người dân, khắp nơi bàn chuyện phí. Thực chất, cùng với thuế, phí cũng là công cụ điều tiết thu nhập của người dân. Với các mức phí mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, gần như mọi gia đình, mọi nhà sẽ bị ảnh hưởng. 

TS. Phạm Công Hà: Nên thu phí qua xăng dầu hoặc lốp xe

Cũng thông tin trên báo Tuổi trẻ, TS Phạm Công Hà, Chủ tịch danh dự Hội kinh tế và vận tải đường sắt, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ “Việc nghiên cứu cách thu nên tập trung vào thu phí qua xăng dầu hoặc lốp xe. Thu phí qua xăng dầu là hình thức hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và bản thân bộ GTVT trước đó đã đề xuất. Có điều Bộ GTVT chưa có một nghiên cứu đầy đủ, chắc chắn, chặt chẽ để thuyết phục các bộ ngành khác.

TS. Phạm Công Hà. Ảnh: T.Phùng
TS. Phạm Công Hà. Ảnh: T.Phùng

Phương án này cũng rất thuận tiện khi không cần phải thêm bộ máy, nhân lực, hạn chế tới mức tối đa thất thoát. Đương nhiên có chỗ không hợp lý khi nhiều người sử dụng xăng dầu không tham gia đường bộ nên cần tính toán cẩn thận để có sức thuyết phục. Phương án thứ 2 một số nước cũng áp dụng thành công là thu phí qua lốp xe. Một số bang ở Úc đang sử dụng phương án này được đánh giá là có hiệu quả tốt, tiên tiến, mức độ công bằng cao: ai chạy nhiều mòn lốp nhiều, mua lốp nhiều”.
Hải Phong (Tổng hợp)