Thương cảm cô bé lọ lem tàn tật nuôi mẹ là cô giáo bị thần kinh

07/07/2019 07:15
Kim Sơn
(GDVN) - "Chỉ mong bây giờ có một chiến xe điện ba bánh để đi lại, chợ búa. Rồi tìm một công việc vừa với khả năng của mình. Chứ cứ thế chắc này chắc không sống nổi.”

Chúng tôi đến thôn Sốc Bai, xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình vào buổi xế trưa nắng như đổ lửa. Trong căn nhà cấp 4 rộng chỉ chừng 15m2, thoang thoảng mùi khai của nước tiểu, chị Đặng Thị Yến đang cặm cụi rửa vài cái bát ăn cơm của hai mẹ con.

Bà Đặng Thị Niến, lúc này cũng vừa thức giấc. Ngáp ngáp vài tiếng, nói lảm nhảm như tên say rượu rồi bà nhìn ra xa xăm. Tất cả là toát lên vẻ trống rỗng và vô hồn.

Bà Đặng Thị Nến trước đây là cô giáo nhưng rồi không may bị tâm thần (ảnh Kim Sơn).
Bà Đặng Thị Nến trước đây là cô giáo nhưng rồi không may bị tâm thần (ảnh Kim Sơn).

Nhiều năm nay, hai mẹ con chị Yến bấu ví nuôi nhau trong căn nhà nhỏ này. Chị Yến kể, lúc 3 tháng tuổi, chị lên cơn sốt, thế rồi đôi chân của chị cứ thế quăn queo lại, đến nỗi không đứng thẳng được nữa.

Muốn đi, chị phải lê bằng đầu gối và nhờ đến cái gậy tre để chống. Vậy mà, bằng nghị lực của mình, chi đã làm được những công việc từ giặt giũ, cơm nước rồi tắm giặt hàng ngày.

Đôi chân tàn tật, dạo này nhiều nốt đỏ mọc lên đau nhói nhưng chị Đặng Thị Yến hàng ngày vẫn làm lụng chăm sóc, nuôi mẹ bệnh tật. Chị ước có một chiếc xe điện ba bánh để đi lại dễ dàng hơn (ảnh Kim Sơn).
Đôi chân tàn tật, dạo này nhiều nốt đỏ mọc lên đau nhói nhưng chị Đặng Thị Yến hàng ngày vẫn làm lụng chăm sóc, nuôi mẹ bệnh tật. Chị ước có một chiếc xe điện ba bánh để đi lại dễ dàng hơn (ảnh Kim Sơn).

“Hai mẹ con em thường phải nhịn ăn sáng để dành tiền mua thuốc cho mẹ. Mẹ vừa rồi lại bị tai biến nữa, chân phù lên, thi thoảng kêu đau tim, tức ngực.

Khi ngủ, em phải cho mẹ uống thuốc ngủ. Vừa rồi, bảo nhau ăn tết xong lại đưa ra viện khám lại nhưng em không còn tiền nữa’, chị Yến nói trong nước mắt nghẹn ngào.

Được biết, bà Niến vốn trước đây là một giáo viên dạy học tại trường tiểu học Lạc Sơn, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình). Khoảng những năm 80, bà có quen một người đàn ông và dần nảy sinh tình cảm. Nhưng thật trớ trêu, từ khi chị Yến được sinh ra, người đàn ông ấy đã bỏ đi.

Từ chuyện ấy, bà Nến mới thành ra buồn rầu, rồi đổ bệnh. Cái nghề “gõ đầu trẻ” cũng chấm dứt từ đó.

Gia cảnh nghèo khó, bà Nến ốm đau bệnh tật nên gánh nặng càng thêm chồng chất lên vai "cô bé lọ lem tàn tật" - Đặng Thị Yến) - ảnh Kim Sơn.
Gia cảnh nghèo khó, bà Nến ốm đau bệnh tật nên gánh nặng càng thêm chồng chất lên vai "cô bé lọ lem tàn tật" - Đặng Thị Yến) - ảnh Kim Sơn. 

Để sống qua ngày, hai mẹ con cô giáo Nến phải về bấu víu người thân nhưng gia cảnh lại khó khăn nên từ tấm bé, chị Yến đã không được đi học. Tâm sự với phóng viên, chị tự nhận mình là cô bé lọ lem…tàn tật.

Đôi chân không thể đi lại bình thường đã đành chị Yến phải sống trong cảnh bị dị nghị là con hoang, là trẻ tàn phế. Tuy nhiên, chị Yến sớm ý thức được tự lập nuôi mẹ.

Chị Yến kể, ngôi nhà chỉ ở là nhà tranh với vách đất, nấu nướng bằng rơm rạ. Năm 2006, gom góp được ít tiền, cộng thêm phòng giáo dục huyện cho được năm triệu đồng, chị nhờ bà con hàng xóm đập bỏ, rồi xây thành cái nhà cấp 4 như bây giờ.

Bà Niến giờ đây gần như chẳng làm được gì ngoài việc ngủ, kêu đau rồi nói lảm nhảm như người say rượu.

Ngôi nhà của hai mẹ con đang đứng trước nguy cơ bị bán vì nằm trên đất của người khác (ảnh Kim Sơn).
Ngôi nhà của hai mẹ con đang đứng trước nguy cơ bị bán vì nằm trên đất của người khác (ảnh Kim Sơn).

Còn chị Yến, dạo gần đây hai cái đầu gối xuất hiện những cái nhọt nước, khiến chị đau không đi lại được nhiều. Tất cả sinh hoạt, ăn uống nhờ vào số tiền 1 triệu 2 trăm ngàn trợ cấp xã hội.

“Em chỉ mong bây giờ có một chiến xe điện ba bánh để đi lại, chợ búa. Rồi tìm một công việc vừa với khả năng của mình. Chứ cứ thế chắc này chắc không sống nổi.” - chị Yến bật khóc.

Kim Sơn