"Tiết kiệm chi tiêu có thể xây được 35.000 căn nhà cho người nghèo"

18/06/2013 15:33
Mai Nguyễn
(GDVN) - “Nhiều hội nghị Chính phủ triệu tập mỗi tỉnh khoảng trên, dưới 5 chức danh chỉ để họp 1 ngày, thậm chí họp có một buổi, trong khi mạng lưới trực tuyến đã có sẵn. Tiết kiệm được điều này có thể xây được bao nhiêu nhà tình nghĩa cho người nghèo, cho đối tượng chính sách”.
ĐB Lê Văn Tân - Hà Nam
ĐB Lê Văn Tân - Hà Nam

Thảo luận tại hội trường sáng 18/6, đồng tình với việc tập trung điều chỉnh vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, ĐB Lê Văn Tân - Hà Nam cho rằng, nếu làm không tốt, không đồng bộ sẽ gây ra lãng phí rất lớn cho nguồn lực xã hội mà trách nhiệm không thuộc về ai.

“Các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều về sự lãng phí. Việc quy hoạch đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư như hiện nay gần như không có sự kiểm soát trong phạm vi quốc gia gây ra lãng phí rất lớn về đất đai, tiền vốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, gây hậu quả kép cho xã hội”.

 ĐB đề nghị trong dự thảo luật cần bổ sung thêm những quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc lập quy hoạch, kế hoạch về kinh tế-xã hội và ngành, lĩnh vực.

Để công tác giám sát chống lãng phí đạt hiệu quả, ĐB Đỗ Mạnh Hùng - Thái Nguyên đề nghị “tăng cường vai trò của báo chí trong phát hiện và đấu tranh chống lãng phí thực hành tiết kiệm”.

“Trong kỳ họp này tôi có gửi một chất vấn tới đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội về tình trạng áp đặt mất dân chủ trong công tác giảm nghèo ở một số địa phương mà báo chí nói khá nhiều. Bộ đã có văn bản trả lời không nhận được phản ánh, kiến nghị nào về tình trạng áp đặt này”.

“Cho nên nếu quy định không rõ ràng, chặt chẽ thì dù khi có báo chí phản ánh, một cơ quan, tổ chức vẫn có thể trả lời theo kiểu chúng tôi không nhận được kiến nghị, phản ánh nào. Vì vậy tôi đề nghị nên quy định rõ trách nhiệm thông tin của cơ quan báo chí đối với cơ quan, tổ chức mà báo có tin bài về sự vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hoặc người nào sử dụng tin, bài trên báo chí để phản ánh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải có thông tin thích hợp đối với cơ quan, tổ chức mà báo chí phản ánh”.

ĐB Trương Thái Hiền - Kiên Giang thì cho rằng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn diễn ra rộng hơn, trầm trọng hơn. Tình trạng lãng phí đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là sử dụng lao động và thời gian lao động. Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chồng chéo, đặc biệt là trong tiêu dùng, trong ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, mừng thọ…

ĐB phân tích việc chi tiêu công từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2003 là 978.000 tỷ. Vốn quản lý của 3.254 doanh nghiệp Nhà nước bằng 5 triệu tỷ đồng. Nếu cộng lại có thể tiết kiệm 5% trên giá trị nguồn việc này thì sẽ tiết kiệm được khoảng 350.000 tỷ đồng. Số tiền này đem giải quyết cho an sinh xã hội như người có công với cách mạng, người lao động nghèo, cơ nhỡ, nếu tính mỗi 100 triệu/1 căn nhà thì ta có khoảng 35.000 căn nhà.

Trước thực trạng trên bà Hiền “đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt hơn, những giải pháp hữu hiện hơn, cương quyết xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, không tiết kiệm trong tiêu dùng, sử dụng xe ô tô công, các công trình đầu tư công trong sử dụng lao động…”.

Nhiều ĐBQH cùng có chung nhận định và so sánh lãng phí cũng giống như tham nhũng và cần phải loại bỏ. Cho rằng “lãng phí ghê gớm lắm”, ĐB Huỳnh Thế Kỳ - Ninh so sánh, tham nhũng có thể bỏ tù được, còn lãng phí thì vô cùng, không định lượng được.

 “Nhiều hội nghị Chính phủ triệu tập mỗi tỉnh khoảng trên, dưới 5 chức danh chỉ để họp 1 ngày, thậm chí họp có một buổi, trong khi mạng lưới trực tuyến đã có sẵn. Tiết kiệm được điều này có thể xây được bao nhiêu nhà tình nghĩa cho người nghèo, cho đối tượng chính sách”.

Ngoài ra hiện nay tình trạng lãng phí phổ biến đang diễn ra mà “không quy ra tiền được”, đó là loại lãng phí thời gian làm việc. “Nhiều bộ, nhiều ban, ngành, nhiều hội làm không hết việc. Ngược lại cũng có những ban, những hội không thể viết được báo cáo công tác ngày. Bây giờ bộ máy phình ra quá mà thậm chí ở trung ương còn phình hơn ở dưới, giống như cái nón để ngược. Tôi đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Nghiên cứu bố trí lại hệ thống bộ máy và tổ chức, thậm chí nhiều ban, nhiều hội có thể nhập lại làm một ban”.


Mai Nguyễn