Tin thế giới đọc nhanh cuối ngày 05/11/2011

05/11/2011 21:10
Đình Phương (Tổng hợp)
Đánh bom hàng loạt tại Nigeria; Đụng độ tiếp diễn ở Syria; Colombia tiêu diệt thủ lĩnh cấp cao của FARC; Họ hàng Gaddafi nổi giận, cảnh báo Libya sẽ nhuốm máu…
Đánh bom hàng loạt tại Nigeria; Đụng độ tiếp diễn ở Syria; Colombia tiêu diệt thủ lĩnh cấp cao của FARC; Họ hàng Gaddafi nổi giận, cảnh báo Libya sẽ nhuốm máu…
1. Nhiều vụ nổ đã xảy ra liên tiếp tại thành phố Maiduguri, nơi có đông người Hồi giáo sinh sống ở khu vực Đông Bắc Nigeria, trong đó 1 vụ đánh bom liều chết tại 1 cơ quan quân sự và 1 vụ đánh bom bên ngoài Cơ quan Tình báo Quốc gia. 2 kẻ đánh bom đã chết ngay bên ngoài trụ sở Lực lượng Đặc nhiệm chung (JTF), đơn vị quân đội có nhiệm vụ trấn áp bạo lực tại Maiduguri. Thời gian qua, tại Maiduguri đã xảy ra hàng loạt vụ đánh bom, được cho là do các tay súng Hồi giáo Boko Haram tiến hành. Tổ chức này thừa nhận đã tiến hành vụ đánh bom liều chết hồi tháng 8 vừa qua tại trụ sở của LHQ ở Abuja, làm ít nhất 24 người thiệt mạng. Hàng nghìn người dân thành phố đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do bạo lực leo thang.(TTX)
2. Đụng độ lại xảy ra giữa quân đội Syria và những người biểu tình, làm ít nhất 23 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Ngày 4/11(giờ địa phương), đụng độ lại xảy ra giữa quân đội Syria và những người biểu tình, làm ít nhất 23 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Tại thành phố Hom, quân đội triển khai xe tăng và sử dụng súng máy để giải tán người biểu tình làm 9 người thiệt mạng. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Rasmussen đã bác bỏ thông tin nói rằng, NATO sẽ can thiệp để ngăn chặn cuộc xung đột tại Syria. (TTX)
3. Thứ trưởng Ngoại giao Gruzia Sergi Kapanadze cho biết vào ngày 9/11 tới, nước này và Nga sẽ chính thức ký một thỏa thuận mở đường cho Mátxcơva gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau 18 năm đàm phán. Thỏa thuận với Gruzia là rào cản quan trọng cuối cùng để Nga gia nhập WTO, qua đó sẽ giúp mở rộng nền kinh tế có GDP 1.900 tỷ USD này, đồng thời đưa Nga hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu. Nếu thỏa thuận song phương này được hoàn tất trước phiên họp cấp chuyên viên của WTO vào ngày 10-11/11, việc gia nhập WTO của Nga có thể sẽ được thông qua tại hội nghị bộ trưởng thương mại WTO vào ngày 15/12.( Reuters)
4. Hai tuần sau khi Muammar Gaddafi bị giết tại quê nhà Sirte, dòng tộc của ông này ở đây đang nổi cơn thịnh nộ, cảnh báo rằng máu sẽ nhuộm đỏ Libya trong những năm tới. Nhiều cư dân ở Sirte rất trung thành với Gaddafi. Một số vẫn cất giữ các bức ảnh của Gaddafi, coi ông như một "Lãnh đạo Tử vì nghĩa". Nhiều người Libya lo sợ nội chiến có thể bùng phát giữa các bộ tộc và các khu vực nếu Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC) không giải hòa sự thù địch do chiến tranh gây ra và giải quyết di sản vũ khí trên khắp cả nước. (Reuters)
5. Với việc giành được 153 phiếu ủng hộ trong quốc hội gồm 300 ghế, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào sáng sớm nay 5/11. Với tỷ lệ đa số mong manh như vậy, ông Papandreou đã “thoát hiểm trong gang tấc” sau khi cam kết sẽ tổ chức các cuộc đàm phán nhằm chia sẻ quyền lực. Ông Papandreou cho biết ông không quan tâm đến vị trí của mình và sự lãnh đạo của bất kỳ chính phủ thống nhất mới nào cũng đều có thể thương lượng được. Ông Papandreou trước đó đã gây sốc cho các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) và khiến các thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về gói trợ giúp của EU dành cho Hy Lạp. ( TN/AP)
6. Tổng thư ký NATO hôm 3/11 kêu gọi Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) đảm bảo an toàn cho các kho vũ khí, không để rơi vào tay những tổ chức khủng bố như al- Qaeda, Maghreb. Trong cuộc họp mới đây với Chủ tịch NTC Mustafa Abdel-Jalil, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi Libya đẩy mạnh biện pháp bảo đảm an toàn vũ khí. Ông Jalil nói rằng, Liên Hợp Quốc nên giải ngân thêm từ số tiền hàng tỷ USD của ông Moammar Gadhafi bị phong tỏa ở các ngân hàng nước ngoài, để giúp Libya đẩy nhanh tiến độ khôi phục. (TP/ Spiegel)
7. Ngày 4/11, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch hỗ trợ tài chính, trị giá 900 tỷ yen (11,5 tỷ USD) cho Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thông qua một quỹ công-tư kết hợp nhằm giúp công ty này trả các khoản tiền đền bù khổng lồ cho các thiệt hại do cuộc khủng hoảng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 gây ra. Việc bơm 900 tỷ yên cho TEPCO sẽ giúp hạn chế tình trạng thiếu hụt tiền mặt và vốn của công ty này, đồng thời tạo cơ sở cho TEPCO xúc tiến tái cơ cấu theo hướng giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, chuyển dần sang những lĩnh vực kinh doanh mới như lưới điện thông minh và năng lượng tái sinh.
8. Bắt đầu từ 5/11, 7 đảng chính trị có thành viên ứng cử vào Quốc hội Nga (Duma Quốc gia) bắt đầu chiến dịch tranh cử trên các phương tiện truyền thông. Theo luật pháp, mỗi đảng chính trị sẽ có 1 tiếng miễn phí để tuyên truyền trên 4 kênh truyền hình liên bang và 4 đài phát thanh. Bên cạnh việc tuyên truyền tranh cử không mất phí, các đảng phái chính trị cũng có thể tuyên truyền tranh cử có mất phí. Bà Maia Grisina, thành viên Uỷ ban Bầu cử Trung ương Nga cho biết, hiện có 31 kênh truyền hình, 137 tờ báo và tạp chí, 26 trang thông tin điện tử tuyên bố sẵn sàng giành cho các ứng viên thời gian phát sóng và chỗ in tài liệu tuyên truyền tranh cử.



Đình Phương (Tổng hợp)