Tình hình Biển Đông và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của người Trung Quốc

30/07/2012 15:32
T.H
(GDVN) -Thông thường một nước khi trỗi dậy thì chủ nghĩa dân tộc cũng lây lan tràn ngập khắp nơi, Trung Quốc về đại thể cũng không ngoại lệ.
"Cho rằng mình là ưu tú nhất, mù quáng bài ngoại"

Tạp chí Trung Quốc ngày nay số tháng 7/2012 đăng bài của học giả Ngô Kiến Dân, từng là Vụ trưởng Vụ báo chí và là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, với tựa đề “Gạt bỏ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”. Trong bài viết, vị học giả Trung Quốc này thẳng thắn lên tiếng: Người Trung Quốc cần “gạt bỏ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”.

Bài viết được báo Tổ quốc lược dịch, đăng tải. 

Tàu khu trục số hiệu 560 của Trung Quốc đã mắc cạn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ảnh: Getty Images
Tàu khu trục số hiệu 560 của Trung Quốc đã mắc cạn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ảnh: Getty Images


Theo ông Ngô Kiến Dân: Hiện nay Trung Quốc đang ở “thời kỳ trăm nhà đua tiếng lần thứ ba”. Trong quá trình đua tiếng nói trên, điều đáng để chúng ta cảnh giác là một thứ tình cảm dân tộc hẹp hòi đang ngóc đầu dậy. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi cho rằng mình là ưu tú nhất, mù quáng bài ngoại. Tình trạng nói trên xuất hiện là có tính tất yếu. Thông thường một nước khi trỗi dậy thì chủ nghĩa dân tộc cũng lây lan tràn ngập khắp nơi, Trung Quốc về đại thể cũng không ngoại lệ. Vậy chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi ở Trung Quốc hiện nay có những biểu hiện như thế nào?

Biểu hiện thứ nhất: Nói Trung Quốc là bên bị thiệt hại trong hợp tác quốc tế. Có người cho rằng sau khi cải cách mở cửa, Trung Quốc tiến hành hợp tác quốc tế, tiền phần lớn đều bị người nước ngoài đem đi hết, tiền người Trung Quốc kiếm được là tiền mồ hôi và máu, chúng ta đang tiếp tục bị các nước phương Tây bóc lột, chúng ta không phải là người thắng mà là người thua. 
Đương nhiên cách nhìn nhận này có căn cứ sự thực nhất định, nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận một cách toàn diện. Trung Quốc phát triển chỉ có thể đi từng bước một. Khi mở cửa, chúng ta không có kỹ thuật, vốn và phương pháp quản lý tiên tiến. Cái mà chúng ta có là sức lao động khó nhọc và thị trường. Hơn nữa thị trường của chúng ta lúc đó rất hạn chế, không được như hiện nay. Muốn hợp tác với người nước ngoài thì phải để cho đối phương có lợi, nếu không họ sẽ không đến. Kinh tế chúng ta phát triển là bắt đầu như vậy, đến năm 2010 Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cải cách mở cửa đã làm cho người dân cả nước được hưởng lợi ích. Hiện nay cung cầu trên thị trường Trung Quốc không còn giống như trước khi cải cách mở cửa. Hiện nay chúng ta mở rộng hợp tác, mọi người đều phát huy ưu thế của mình, đã thực hiện cùng thắng và cùng có lợi.
Biểu hiện thứ hai: Thách thức chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” do Đặng Tiểu Bình đề xuất, mà kêu gọi, cổ vũ sử dụng vũ lực. Một số năm gần đây xu hướng Trung Quốc trỗi dậy mạnh hơn, tâm trạng thiếu tin cậy lẫn nhau về chiến lược giữa Trung Quốc với các nước như Mỹ, Nhật Bản đang phát triển, chúng ta đang tăng cường đề phòng với chính mình. 

Ngay từ đầu những năm 1980 Đặng Tiểu Bình đã đề xuất chủ trương chủ quyền thuộc về ta, gác lại tranh chấp, cùng khai thác. Hôm nay có người lại ngang nhiên thách thức phương châm nói trên của Đặng Tiểu Bình, chủ trương giải quyết thông qua vũ lực.
Cần phải biết rằng Đặng Tiểu Bình đề xuất phương châm nói trên tuyệt đối không phải ngẫu nhiên, mà đã xem xét đến sự thay đổi của thời đại, đã từ thời đại chiến tranh và hòa bình chuyển sang thời đại hòa bình, phát triển là chủ đề chính. Xuất phát từ tư tưởng nói trên, Đặng Tiểu Bình đã đề xuất ý tưởng “một nước hai chế độ”, đã giải quyết thỏa đáng vấn đề thu hồi Hồng Công và Ma Cao, được cộng đồng quốc tế khẳng định và ca ngợi.

Biểu hiện thứ ba: Một khuynh hướng mù quáng bài xích các công ty xuyên quốc gia 
Kết thúc bài viết, tác giả Ngô Kiến Dân đúc kết: Trung Quốc muốn tiếp tục phát triển, muốn tiếp tục tiến lên thì phải kiên trì cải cách mở cửa, phải gạt bỏ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

"Được ủng hộ nhưng Việt Nam sẽ không bị Mỹ giật dây"

Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 26/7, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tề Kiến Quốc (từ năm 2000 đến 2005) và hiện là Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu châu Á ở Trung Quốc đã khẳng định, Việt Nam được Mỹ ủng hộ về Biển Đông nhưng cũng sẽ không bị Mỹ “giật dây”.

Thông tin này được nhiều tờ báo đăng tải. Trong bài phỏng vấn, ông Tề Kiến Quốc bác bỏ quan điểm mà người phỏng vấn đưa ra rằng, Mỹ đang muốn lợi dụng việc ủng hộ Việt Nam ở Biển Đông để “diễn biến hòa bình”. Ông Tề Kiến Quốc khẳng định: “Có thể Mỹ muốn điều đó, nhưng họ gần như không có khả năng làm được, bởi đây là vấn đề sinh tử tồn vong với Việt Nam. Những nỗ lực của Mỹ trong việc xúi giục bạo động, lập khu tự trị đều bị Việt Nam dập tắt. Mỹ muốn thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam là điều không thể. Ngược lại, Việt Nam rất cảnh giác với “diễn biến hòa bình”.

Chưa hết, cựu Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam còn nhấn mạnh: “Hiện tại, Việt Nam vẫn kiên trì chiến lược ngoại giao: độc lập tự chủ, hòa bình hợp tác phát triển, tích cực quốc tế hóa, đa phương hóa. Việt Nam cũng đang có quan hệ rất tốt với các nước láng giềng. Bước phát triển tiếp theo sẽ là quan hệ tốt với các quốc gia lớn như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc v.v...

Quan điểm này của ông Tề Kiến Quốc hoàn toàn trùng khớp với nhận định và phân tích của Giáo sư Carl Thayer, chuyên viên về các vấn đề Việt Nam của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Australia.

Báo Công an nhân dân đăng tải: Ngày 25/7, Giáo sư Carl Thayer cũng có bài viết đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu với tựa đề: “Việt Nam muốn đóng vai trò then chốt trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ”, trong đó có đoạn viết: “Việt Nam muốn đóng vai trò then chốt trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Nói một cách khác, Việt Nam muốn phát triển quan hệ sâu xa với mỗi nước và làm mỗi quan hệ song phương tự nó là một quan hệ quan trọng. Là một mấu chốt, Việt Nam muốn Trung Quốc và Mỹ chấp nhận Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy. Việt Nam muốn định hướng các quan hệ để họ không là đồng minh của bên này chống lại bên kia”. 
Trung-Đài cùng khai thác đảo Ba Bình của Việt Nam?

Khâu Nghị - một cựu chính khách quốc dân đảng Đài Loan kêu gọi Trung Quốc và Đài Loan “bắt tay nhau” chiếm giữ đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khai thác tài nguyên năng lượng ở khu vực này. 

Ba Bình là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khâu Nghị đến từ tập đoàn dầu khí Đài Loan CPC và cũng là một chính khách quốc dân đảng Đài Loan nói: “Đáy biển quanh Ba Bình Đảo có trữ lượng dầu và khí tự nhiên dồi dào. Sẽ rất có lợi nếu một dự án cùng khai thác giữa hai bờ eo biển được tiến hành” (Trung Quốc gọi Ba Bình là Thái Bình đảo).
 
Khâu Nghị đưa ra kêu gọi trên bên lề hội nghị “tương tác kinh tế xuyên eo biển và những cơ hội mới” do ĐH Giao thông ở Thượng Hải tổ chức.

Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký bốn thoả thuận hợp tác với tập đoàn CPC hồi tháng 12/2008. Tuy nhiên, theo ông Khâu, các thoả thuận này có ít tiến triển kể từ đó tới này.

Gọi Việt Nam là “mối đe dọa lớn nhất” với khu vực giàu năng lượng, Khâu kêu gọi hợp tác thăm dò các mỏ dầu khí và nhấn mạnh, lực lượng quân sự ở hai bờ eo biển nên bắt tay để bảo vệ Ba Bình. Bình luận của Chiu được đăng tải đầu tiên trên báo China Want Daily.

Mặc dù quan điểm chính thức của Đài Bắc là sẽ không hợp tác với Trung Quốc trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng bình luận của Khâu đã thu hút sự chú ý của các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông.

Đầu tháng này, một hội nghị đã diễn ra ở Hải Nam, Trung Quốc với nhiều đề xuất về khả năng các dự án hợp tác chung xuyên eo biển Đài Loan, bao gồm việc khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

Đài Loan tham gia vào tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Trường Sa, hiện chiếm giữ Ba Bình, một trong những đảo quan trọng của quần đảo. Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các bên đòi chủ quyền khác, Đài Loan đã cho xây đường băng trên đảo, và đang có ý định kéo dài đường băng 1.150 mét này thêm khoảng 300-500m. Báo chí địa phương cũng đưa tin, Đài Loan có kế hoạch đưa thêm pháo cao xạ và súng cối tới đảo này vào tháng tới. 

Trước những động thái của Đài Loan tại đảo Ba Bình, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi giữa tháng 7 khẳng định “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

“Mọi hoạt động của các bên tại khu vực quần đảo Trường Sa mà không có sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây căng thẳng tình hình Biển Đông”, vị đại diện nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu phía Đài Loan “chấm dứt các hoạt động và kế hoạch tương tự”.

Ngày 11/7, trong một bài viết đăng trên mạng Phượng Hoàng (Hong Kong), ủy viên Trung ương Quốc dân Đài Loan Khâu Nghị nói “vùng biển xung quanh đảo Thái Bình thuộc chủ quyền Đài Loan”. Đại diện của Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng “bác bỏ phát biểu sai trái này”.

(Theo Vietnamnet)
T.H