TQ có chế tàu sân bay mới cũng không thể "thắng" được Nhật, Hàn

10/11/2013 09:32
Việt Dũng
(GDVN) - Cuộc chạy đua tàu sân bay ở châu Á đã thực sự bắt đầu, trong đó Trung Quốc sẽ tụt hậu, do các đối thủ có thể nhập sản phẩm hoặc công nghệ hoàn thiện.
Trang mạng "Đài tiếng nói nước Nga" phiên bản tiếng Trung Quốc ngày 7 tháng 11 đăng bài bình luận "Hàn Quốc gia nhập cuộc chạy đua tàu sân bay" của chuyên gia Vasilii Cashin, Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga.

Bài viết cho rằng, Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên ở Thượng Hải, hơn nữa đang nghiên cứu phát triển máy bay cảnh báo sớm hải quân tương tự như E-2C của Hải quân Mỹ, đồng thời, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ thậm chí Philippines đều đang thúc đẩy kế hoạch phát triển tàu sân bay ở các mức độ khác nhau, cuộc chạy đua tàu sân bay châu Á bắt đầu.

Trong khi đó, Trung Quốc là "quốc gia châu Á duy nhất" tự chủ nghiên cứu phát triển tàu sân bay, tàu sân bay hiện có chưa lắp máy phóng, có thể sẽ đứng ở vị thế bất lợi trong cuộc chạy đua với Nhật Bản, Hàn Quốc.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Theo tiết lộ của mạng "Tin tức Quốc phòng" Mỹ, Hàn Quốc có thể sẽ chế tạo được tàu sân bay riêng trước năm 2036, trong khi đó, trước năm 2019, bắt đầu mua sắm máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thẳng đứng cho tàu tấn công đổ bộ Dokdo. Có phân tích cho rằng, kế hoạch này của Hàn Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị, quân sự của toàn bộ châu Á.

Tàu tấn công đổ bộ Dokdo, Hải quân Hàn Quốc
Tàu tấn công đổ bộ Dokdo, Hải quân Hàn Quốc

Hiện nay, Hải quân Hàn Quốc sở hữu 1 tàu tấn công đổ bộ Dokdo, lượng giãn nước đầy khoảng 19.000 tấn. Nó có thể mang theo 10 máy bay trực thăng, nhưng khi thiết kế ban đầu đã bắn vật liệu nhựa tổng hợp lên bề mặt đường băng để có thể chịu được lượng nhiệt lớn sinh ra trong quá trình máy bay cánh cố định như F-35 cất cánh. Vì vậy, tàu Dokdo được coi là một phần hữu cơ của hạm đội Hải quân Hàn Quốc trong tương lai.

Hàn Quốc hiện đang cân nhắc chế tạo trước 2 tàu đổ bộ. Theo nguồn tin từ mạng "Tin tức Quốc phòng" Mỹ, Hàn Quốc sẽ trang bị đường trượt nghiêng cho tàu tấn công đổ bộ lớp Dokdo để thực hiện cất cánh cự ly ngắn cho máy bay cánh cố định, hạ cánh thẳng đứng.

Như vậy, nó sẽ trở thành tàu sân bay hạng nhẹ thực sự. Đến năm 2036, Hàn Quốc có khả năng tiếp tục chế tạo 2 tàu sân bay hạng nhẹ lớp 30.000 tấn, tàu sân bay Cavour của Italia mang theo khoảng 30 máy bay chính là tàu nguyên mẫu của chúng.

Các nước khác trong khu vực này cũng đang thực hiện kế hoạch chế tạo tàu sân bay. Có thể nói, ở châu Á ngày nay, một cuộc chạy đua tàu sân bay, tương tự như "chạy đua tàu Udaloy" ở châu Âu trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đã bắt đầu. Trên thực tế, tất cả các cường quốc biển khi đó đều đua nhau chế tạo tàu chủ lực hoàn toàn mới (tàu khu trục Udaloy), tàu sân bay hiện nay đang đóng vai trò tương tự.

Ngày 12 tháng 8 năm 2013, Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant
Ngày 12 tháng 8 năm 2013, Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant

Nhật Bản đã sở hữu 3 "tàu khu trục trực thăng" có tất cả các tính năng của tàu sân bay hạng nhẹ trên thực tế, cho dù hiện nay nó chỉ mang theo máy bay trực thăng. Lực lượng tàu sân bay của Hải quân Ấn Độ đã được nâng cấp toàn diện dựa vào sự giúp đỡ của Nga.

Đến cả Philippines, một thời gian trước, cũng đã bàn đến khả năng mua tàu sân bay hạng nhẹ Principe de Asturias đã nghỉ hưu của Tây Ban Nha.

Hiện nay, Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên tại Thượng Hải, đồng thời tàu sân bay Varyag của Liên Xô cũ đã cải tạo thành tàu Liêu Ninh, dùng cho các hoạt động huấn luyện. Trung Quốc còn đang nghiên cứu phát triển máy bay cảnh báo sớm hải quân tương tự máy bay E-2C Hawkeye của Hải quân Mỹ cho tàu sân bay, nó được lắp hệ thống radar cảnh gới tầm xa đồng bộ.

Trong tất cả các nước châu Á, chỉ có Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch chế tạo tàu sân bay dựa vào tự chủn. Ấn Độ  hiện vẫn còn dựa vào sự trợ giúp của Nga - Nga đã cải tạo tàu sân bay INS Vikramaditya cho Hải quân Ấn Độ, đồng thời còn giúp Ấn Độ chế tạo một chiếc tàu sân bay bằng công nghiệp của họ, cung cấp máy bay hải quân MiG-29K/KUB cho Ấn Độ.

Hàn Quốc và Nhật Bản dựa vào nhập khẩu vũ khí trang bị hải quân của Mỹ, một khi quyết định muốn từ sở hữu tàu sân bay hạng nhẹ sang sở hữu tàu sân bay thực sự, họ sẽ dựa vào Mỹ.

Tàu sân bay INS Vikramaditya, Hải quân Ấn Độ
Tàu sân bay INS Vikramaditya, Hải quân Ấn Độ

Một mặt, điều này sẽ tăng cường tính độc lập về công nghệ cho Trung Quốc, mặt khác, nếu cuộc chạy đua quân bị hải quân châu Á bắt đầu tăng tốc, thì người Trung Quốc có khả năng bắt đầu tụt hậu - đối thủ của họ trong điều kiện có vốn tương ứng, có thể mua được vũ khí và phương án công nghệ sẵn có từ các nước lớn sản xuất vũ khí trên thế giới; để nghiên cứu chế tạo và hoàn thiện trang bị cùng loại, Trung Quốc phải mất rất nhiều thời gian.

Hiện nay, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc không được lắp máy phóng, điều này hạn chế rất lớn trọng lượng cất cánh của máy bay chiến đấu J-15, vì vậy không loại trừ một khi hải quân hai nước Nhật Bản, Hàn Quốc sử dụng máy bay F-35B, thì cân bằng sức mạnh hải quân Đông Á sẽ nghiêng về phía bất lợi cho Trung Quốc.

Trung Quốc có khả năng đặt hy vọng vào tàu sân bay thứ hai đang chế tạo và tàu sân bay động cơ hạt nhân cỡ lớn trong tương lai, nhưng chế tạo chúng cũng cần có thời gian, trong khi đó, đối thủ cạnh tranh có thể dựa vào mua vũ khí trang bị mới của Mỹ để ứng phó với Trung Quốc.

Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo Type 22DDH.
Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo Type 22DDH.
Mỹ vừa hạ thủy tàu sân bay động cơ hạt nhân tiên tiến nhất thế giới USS Gerald R. Ford, có thể triển khải ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ vừa hạ thủy tàu sân bay động cơ hạt nhân tiên tiến nhất thế giới USS Gerald R. Ford, có thể triển khải ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Dũng