Trái nghịch quan điểm, trát sa thải ông Rex Tillerson đang đến gần?

16/12/2017 08:26
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Sự bất đồng quan điểm giữa Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã khiến cho việc giải quyết khủng hoảng Triều Tiên ngày càng đi vào ngõ cụt.

Hồi tháng 2, ông Rex Tillerson đã bất ngờ được bổ nhiệm giữ chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ, sau khi Thượng viện nước này chính thức phê chuẩn quyết định của Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ 56 phiếu thuận và 43 phiếu chống.

Cũng giống như Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson là một doanh nhân giàu có và chưa có kinh nghiệm chính trị, nhưng đổi lại ông có mối quan hệ rộng rãi và chặt chẽ với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới.

Khi đó, giới chuyên gia nhận định, với phong cách của một doanh nhân, ông Tillerson có thể sẽ là Ngoại trưởng quyết đoán và độc lập hơn hẳn người tiền nhiệm John Kerry.

Tuy nhiên, sau chưa đầy một năm trên cương vị Ngoại trưởng, ông Tillerson đang dần cảm thấy vai trò và tiếng nói của mình không thực sự được coi trọng trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Những quan điểm trái nghịch

Sự bất đồng về quan điểm đối ngoại của ông Rex Tillerson với Tổng thống Donald Trump có thể kể đến trên những vấn đề nổi cộm sau đây:

Bất đồng về bổ nhiệm nhân sự

Hồi mới ngồi vào ghế Ngoại trưởng, ông Tillerson được cho là đã từng tham gia vào một cuộc tranh cãi gay gắt về vấn đề bổ nhiệm nhân sự, khiến cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner và là con rể của Tổng thống Donald Trump, đã chỉ trích ông Tillerson là “thiếu chuyên nghiệp”.

Theo đó, ông Tillerson đã bất đồng với vị Tổng thống của mình, khi ông Trump phản đối nhiều đề cử nhân sự của ông Tillerson, trong đó có cả việc bổ nhiệm ông Elliott Abrams làm Thứ trưởng Ngoại giao.

Lý do mà Tổng thống Trump đưa ra để bác bỏ đề nghị này của ông Tillerson là do ông Abrams từng chỉ trích một số quan điểm, chính sách của ông Trump trong chiến dịch tranh cử.

Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson (Ảnh: AP)
Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson (Ảnh: AP)

Về cách giải quyết khủng hoảng Triều Tiên

Xung quanh cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã khiến Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson có nhiều bất đồng sâu sắc.

Hồi tháng 10, khi căng thẳng Triều Tiên lên tới đỉnh điểm sau các vụ thử hạt nhân lần 6 và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, cùng với màn đấu khẩu giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều sau tuyên bố sẽ “hủy diệt Triều Tiên hoàn toàn” của ông Trump tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Tillerson vẫn bền bỉ đi tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.

Thời điểm đó, sau chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố, ông đã giữ được một kênh liên lạc với Bình Nhưỡng và sẵn sàng thúc đẩy Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã phản bác lại ý định này của vị Ngoại trưởng, và cho rằng ông Tillerson “đang lãng phí thời gian”. [1]

Tiếp đến, hôm 13/12, sau hai tuần Triều Tiên bất ngờ phóng thử tên quả lửa Hawsong-15 gây rúng động thế giới, ông Tillerson, trong một bài phát biểu tại Viện Chính sách Hội đồng Đại Tây Dương đã bất ngờ nói rằng:

“Chúng tôi đã sẵn sàng để nói chuyện với Triều Tiên bất cứ lúc nào họ muốn đàm phán. Chúng tôi sẵn sàng để có một cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết”. [2]

Phát biểu này của ông Tillerson khiến thế giới tưởng rằng Hoa Kỳ đã thay đổi cách tiến cận đối với vấn đề khủng hoảng Triều Tiên.

Thế nhưng ngay lập tức, Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố bác bỏ lời nói của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Theo đó, phát ngôn Nhà Trắng Heather Nauert cho biết, thời điểm hiện tại “không phải là lúc thích hợp để đàm phán với Triều Tiên” và chính sách của Hoa Kỳ đối với vấn đề Triều Tiên “sẽ không thay đổi”. [3]

Chính sự bất đồng quan điểm này đã khiến cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên ngày càng đi vào ngõ cụt.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (Ảnh: AP)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (Ảnh: AP)

Vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran

Hồi tháng 8, ông Tillerson từng thừa nhận có bất đồng với Tổng thống Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran đã được nhóm P5+1 gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đức ký kết với Iran vào năm 2015 sau 12 năm đàm phán dai dẳng.

Theo đó, ông Tillerson ủng hộ cho việc giữ lại thỏa thuận này, thì trái lại Tổng thống Donald Trump quyết tâm phá vỡ thỏa thuận, bằng cách từ chối xác nhận lại sự tuân thủ của Tehran trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân.

Động thái này của ông Trump đã khiến thỏa thuận hạt nhân Iran có nguy cơ sụp đổ nếu Quốc hội Hoa Kỳ nhất trí thông qua, và như vậy ông Tillerson lại thêm một lần nữa “muốn” mà không “được”.

Ngoài ba vấn đề bất đồng nổi cộm nêu trên, ông Tillerson còn không thành công trong việc thuyết phục Tổng thống Trump ở một số vấn đề khác như:

Thực hiện chính sách trung lập đối với các vấn đề ở Trung Đông, chính sách đối với Afghanistan, vấn đề Cuba và giữ Hoa Kỳ ở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, cũng như kế hoạch cắt giảm nhân sự ông Tillerson trong Bộ Ngoại giao.

Tất cả những bất đồng này đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu ông Tillerson có thực sự có được tiếng nói chính thức và hiệu lực trong chính phủ Hoa Kỳ hay không, khi mà các ý kiến của ông đưa ra hầu như đều bị bác bỏ?

Và nghi vấn sa thải Ngoại trưởng Rex Tilleson

Hồi cuối tháng 11, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới như: Washington Post, New York Times, Sputnik, Reuters, CNN… đều đồng loạt đưa tin, Tổng thống Trump ngày càng tỏ ra không hài lòng về cách làm việc của ông Tillerson và đang cân nhắc kế hoạch sa thải vị Ngoại trưởng.

Theo đó, Tổng thống Trump đã yêu cầu Chánh Văn phòng Nhà trắng John Kelly xây dựng kế hoạch cho việc chuyển tiếp vị trí nhân sự quan trọng này.

Nếu kế hoạch thay đổi nhân sự này được thực hiện thì nhiều khả năng sẽ diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm nay hoặc đầu năm sau, và người được cho là sẽ thay thế ông Rex Tillerson là vị Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Mike Pompeo.

Tuy nhiên, sau đó, cả Nhà trắng lẫn các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều lên tiếng phủ nhận thông tin này.

Thư ký Nhà trắng Sarah Sanders khẳng định “không có tuyên bố nhân sự nào được đưa ra”, còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho rằng “những tin đồn đó là không đúng sự thật”.

Thế nhưng, Tổng thống Trump trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN, lại chỉ nói lấp lửng rằng “ông ấy [Rex Tillerson] vẫn còn ở đây. Rex đang ở đây”. [4]

Nghi vấn về việc Tổng thống Trump sa thải Ngoại trưởng Tillerson cũng còn nhiều điều uẩn khúc, song nhiều quan chức trong chính phủ Hoa Kỳ cũng đã thừa nhận là có động thái này.

Mới đây, việc ông Tillerson lại bị Nhà trắng bác bỏ ngay lập tức quan điểm của ông vừa nêu ra khi nói rằng, Hoa Kỳ sẽ “đàm phán vấn đề tên lửa và hạt nhân với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết”, chẳng khác gì thêm một chỉ dấu nữa cho việc ông Tillerson không có vai trò thật sự trong chính phủ Hoa Kỳ.

Và như vậy, nghi vấn về việc sa thải ông Tillerson không phải là không có cơ sở.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson (Ảnh: AP)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson (Ảnh: AP)

Tính cách khó đoán định của Tổng thống Donald Trump

Tổng thống Donald Trump nổi tiếng là một người quyết đoán và thường có những quyết định bất ngờ, đôi khi là khó hiểu.

Ông Doug Wead, chuyên gia phân tích chính trị Hoa Kỳ nói với tờ New York Times rằng:

“Tổng thống Trump thường có xu hướng công khai thái độ nếu không đạt được kết quả mong muốn và có thể ông ấy sẽ sa thải Ngoại trưởng Tillerson vào một thời điểm bất ngờ nào đó mà không thể đoán trước được”.

Nhận định của ông Wead là hoàn toàn có cơ sở, khi hồi đầu tháng 11, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng Reuters, Tổng thống Donald Trump đã từng tiết lộ:

Tôi “không vừa lòng” với một số nhân viên trong Bộ Ngoại giao, vì đã không ủng hộ chương trình nghị sự của Tổng thống, còn việc Ngoại trưởng Tillerson có làm việc đến hết nhiệm kỳ hay không thì “tôi không rõ, rồi chúng ta sẽ biết”. [5]

Điều này cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng sẽ có những bất ngờ xung quanh nghi vấn sa thải Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson.

Bởi trên thực tế, Tổng thống Donald Trump, với tính cách khó đoán định của mình cũng đã từng tạo ra tiền lệ với cú sốc cho cả nước Mỹ hồi tháng 5 vừa qua, khi ông bất ngờ sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) liên quan đến vụ bê bối email của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Có thể nói rằng, với những bất đồng trong nhiều quan điểm về chính sách đối ngoại giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson, cùng những đồn đoán xung quanh việc sa thải ông Tillerson;

Kết hợp với tính cách khó đoán định của vị Tổng thống Hoa Kỳ và động thái mà Nhà trắng phản bác lại quan điểm của ông Tillerson hôm 13/12 về chính sách đối với Triều Tiên đã cho thấy, việc ông Tillerson tại vị được cho đến hết nhiệm kỳ xem ra sẽ thật khó khăn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.theguardian.com/world/2017/oct/01/donald-trump-rex-tillerson-north-korea-time-wasting

[2] https://www.nytimes.com/2017/12/13/world/asia/north-korea-trump-tillerson.html?

[3] http://www.bbc.com/news/world-us-canada-42347671

[4] http://edition.cnn.com/2017/12/01/politics/john-kelly-rex-tillerson-moron-white-house/index.html

[5] https://www.nytimes.com/2017/11/30/us/politics/state-department-tillerson-pompeo-trump.html

PHẠM DOÃN TÌNH