Triều Tiên trước ngưỡng cửa cải cách toàn diện

23/04/2018 16:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông Kim Jong-un chủ động đẩy căng thẳng lên cao trào rồi kéo Donald Trump vào bàn đàm phán, gạt Trung Quốc qua 1 bên để "khích tướng" Tập Cận Bình.

Ngày 20/4/2018, Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức Hội nghị Trung ương 3 khóa 7 tại Bình Nhưỡng.

Mặc dù hội nghị chỉ kéo dài 1 ngày, nhưng có thể sẽ mở ra cánh cửa cải cách toàn diện tại quốc gia "bí ẩn nhất thế giới" này.

Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã quyết định 3 vấn đề quan trọng. 

Thứ nhất, từ ngày 21/4/2018 đóng cửa một cơ sở thử nghiệm hạt nhân ở miền Bắc và đình chỉ chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo;

Cam kết tuyệt đối không dùng vũ khí hạt nhân nếu không bị uy hiếp, không tiết lộ hoặc chuyển giao công nghệ này trong bất kỳ tình huống nào.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 3 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên ngày 20/4/2018, nguồn: Tân Hoa Xã / KCNA.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 3 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên ngày 20/4/2018, nguồn: Tân Hoa Xã / KCNA.

Thứ hai, tuyên bố chính sách phát triển vũ khí hạt nhân song song với phát triển kinh tế đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Triều Tiên sẽ dốc toàn lực để phát triển kinh tế.

Thứ ba, đưa ra chiến lược mới: phát triển nhanh chóng bằng khoa học công nghệ, lấy giáo dục bảo đảm cho tương lai, xây dựng Triều Tiên thành cường quốc khoa học công nghệ và đào tạo nhân tài. 

Cánh cửa cải cách toàn diện đang hé mở

Triều Tiên lâu nay vẫn bị phần còn lại của thế giới xem như một quốc gia "bí ẩn" vì rất ít thông tin chính sách đối nội của quốc gia này lọt ra ngoài.

Nếu có, những thông tin ấy cũng đã bị "khúc xạ" ít nhiều qua lăng kính của đối thủ. Rất khó để đánh giá chính sách của Bình Nhưỡng.

Từ khi lên nắm quyền sau cái chết của người cha năm 2011, ông Kim Jong-un đã dành 2 năm đầu tiên để củng cố quyền lực trước khi tiến hành những thay đổi chính sách căn bản hướng tới cải cách.

Đỉnh điểm của chiến dịch tập trung quyền lực và khẳng định vị thế lãnh đạo tuyệt đối với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên của ông Kim Jong-un là vụ bắt, cách chức Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương của người chú dượng Jang Song-thaek ngay trong phiên họp Bộ chính trị, sau đó xử tử tháng 12/2013.

Triều Tiên trước ngưỡng cửa cải cách toàn diện ảnh 2

Thời cơ lịch sử đã tới, Kim Jong-un hóa giải trận đồ bát quái của Donald Trump

Ngay từ cuối tháng Ba 2013, ông Kim Jong-un đã đưa ra chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân tiến hành song song với nhiệm vụ xây dựng kinh tế.

Nếu so với chính sách "tiên quân", tức phát triển sức mạnh quân sự là ưu tiên số 1 đã thống trị tại Triều Tiên kể từ khi lập quốc, thì quyết định của ông Kim Jong-un ngày 31/3/2013 có thể xem như một bước đột phá.

Chiến lược này của ông Kim Jong-un có thể lạ lẫm đối với dư luận nhiều quốc gia khác, nhưng là lựa chọn phù hợp với Triều Tiên trong bối cảnh bị bao vây, cấm vận bởi Hoa Kỳ.

Để cải cách toàn diện, Triều Tiên buộc phải thoát khỏi tình trạng "tứ bề thọ địch".

Do đó, dù rất khó khăn, Triều Tiên vẫn phải theo đuổi mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo để kéo Mỹ vào bàn đàm phán và tránh được kết cục bi thảm mà Iraq, Lybia đã gặp, hay thảm cảnh của Syria hiện nay.

Tuy nhiên, về đối nội ông Kim Jong-un vẫn âm thầm thúc đẩy tiến trình cải cách.

Ngày 29/6/2016, Quốc hội Triều Tiên đã quyết định sửa Hiến pháp.

Ủy ban Quốc phòng - cơ quan lãnh đạo tối cao của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên được Quốc hội nước này đổi tên thành Ủy ban Quốc vụ / Quốc vụ viện;

Ông Kim Jong-un làm Ủy viên trưởng; 3 Phó ủy viên trưởng là Hwang Pyong-so, Choe Ryong-hae và Pak Pong-ju.

Năm 2017 ông Kim Jong-un tiếp tục một đợt cải tổ đội ngũ lãnh đạo cao cấp và cắt giảm các ảnh hưởng của tướng lĩnh quân đội trong các vấn đề phi quân sự.

Tân Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Kim Jong-gak không trở thành 1 trong 3 Phó ủy viên trưởng Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên như "thông lệ".

Donald Trump tranh cử Tổng thống, Kim Jong-un chớp thời cơ

Triều Tiên đã thử hạt nhân tổng cộng 6 vụ, thì 4 vụ dưới thời ông Kim Jong-un, trong đó vụ thứ hạt nhân lần thứ 6 ngày 3/9/2017 cũng chính là lần thứ 2 thử bom nhiệt hạch.

Tên lửa liên lục địa của Triều Tiên, Hwasong-15, ảnh: CSIS.
Tên lửa liên lục địa của Triều Tiên, Hwasong-15, ảnh: CSIS.

Tổ chức Giám sát địa chấn độc lập NORSAR ước tính thiết bị được thử nghiệm có đương lượng nổ vào khoảng 120 kiloton, gấp 10 lần các quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tháng Năm 2016 khi tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump tuyên bố sẵn sàng gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un để giải quyết dứt điểm vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Có lẽ đánh giá đây là "thời cơ ngàn năm có một", nên trong năm 2017, Triều Tiên tăng tốc các vụ thử tên lửa đạn đạo và công nghệ hạt nhân.

Ông Kim Jong-un đã đẩy khủng hoảng bán đảo Triều Tiên lên cao trào năm 2017 với tuyên bố sở hữu công nghệ chế tạo bom nhiệt hạch và tên lửa đạn đạo;

Đỉnh điểm là vụ thử bom nhiệt hạch tháng Chín nói trên, và tên lửa liên lục địa Hwasong-15 ngày 29/11 với tầm cao 4.500 km, bay xa 992 km, được cho là đủ khả năng tấn công lục địa Hoa Kỳ nếu phóng theo quỹ đạo chuẩn.

Triều Tiên trước ngưỡng cửa cải cách toàn diện ảnh 4

Tập Cận Bình chào đón ông Kim Jong-un nhờ thúc đẩy của "Bát vương gia"?

Đáng chú ý, những lần thử tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên tiến hành năm 2017 thường trước ngày Trung Quốc tổ chức các sự kiện quan trọng, bao gồm cả cuộc gặp đầu tiên giữa Donald Trump với Tập Cận Bình tại Florida.

Khi bàn cờ Đông Á bị đẩy lên đỉnh điểm của căng thẳng, bất ngờ mùa xuân 2018 đến mang theo thông điệp hòa bình, hòa giải của ông Kim Jong-un với những người đồng bào miền Nam.

Những diễn biến chóng vánh trên bán đảo Triều Tiên trong 4 tháng qua sau thông điệp năm mới cho thấy, ông Kim Jong-un hoàn toàn chủ động trong việc tạo ra thế và lực để đàm phán với các siêu cường, chuẩn bị cho cải cách, mở cửa.

Gài Tập Cận Bình vào thế bí, buộc Trung Quốc phải thay đổi thái độ

Giáo sư Trương Bạc Hối, Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông ngày 23/4 được The New York Times dẫn lời nhận định:

"Mất thể diện là vấn đề lớn đối với cả Trung Quốc lẫn cá nhân ông Tập Cận Bình;

Người Trung Quốc luôn muốn thế giới nhìn nhận họ như một thành phần có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là với Đông Bắc Á." [1]

Ấy vậy mà ông Kim Jong-un trực tiếp đánh tiếng muốn đàm phán với Donald Trump thông qua Hàn Quốc, Trung Quốc như bị gạt ra ngoài lề bàn cờ khu vực.

Sau khi bố trí xong xuôi và Donald Trump chấp nhận hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Kim Jong-un bất ngờ thăm Trung Quốc từ 25 đến 28/3.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã hoàn thành xuất sắc "vai diễn học trò ngoan" trước ông Tập Cận Bình. Đổi lại, ông chủ Trung Nam Hải đã dành cho nhà lãnh đạo trẻ sự đón tiếp trọng thị chưa từng thấy.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cuộc đón tiếp trọng thị chưa từng thấy, nhưng vẫn thiếu vắng một "cái ôm đồng chí", ảnh: KCNA.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cuộc đón tiếp trọng thị chưa từng thấy, nhưng vẫn thiếu vắng một "cái ôm đồng chí", ảnh: KCNA.

Ngày 23/4, nguồn tin của báo Đa Chiều xác nhận rằng, ông Tập Cận Bình đã đồng ý thăm Triều Tiên vào tháng Sáu năm nay, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Sau chuyến đi Bắc Kinh, truyền thông nhà nước Triều Tiên lập tức thay đổi chiến lược và nội dung tuyên truyền.

Ngoài "quan hệ truyền thống hữu nghị Trung -  Triều", nội dung chủ đạo trong các chương trình truyền hình Triều Tiên hiện nay là bài học cải cách kinh tế, mở của của Trung Quốc.

Bởi vậy cá nhân người viết cho rằng, chuyến đi Trung Quốc của ông Kim Jong-un không chỉ đơn thuần là nhằm tạo đòn bẩy trước cuộc gặp Tổng thống Donald Trump.

Xa hơn, nhà lãnh đạo Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc cải cách toàn diện, vấn đề còn lại là xu hướng này này diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều, chứ khó có thể ngăn lại.

Chính vì thế, những "điều kiện tiên quyết để đàm phán Mỹ - Triều" mà Bình Nhưỡng nêu ra trước đây, đều được bãi bỏ.

Tuy nhiên, ông Kim Jong-un tuyên bố chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử theo ý nghĩa, ông đã sở hữu đòn bẩy này trong tay, chứ không phải gặp Donald Trump mà không có gì, hay giương cờ trắng.

Chủ động kéo Tổng thống Mỹ vào bàn đàm phán trong tư thế ngang hàng, tạo thế buộc Trung Quốc phải thay đổi thái độ 180 độ, hiện nay ngoài Kim Jong-un, dường như chưa có nhà lãnh đạo nào trên thế giới làm được điều này.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://cn.nytimes.com/asia-pacific/20180423/china-north-korea-nuclear-talks

Hồng Thủy