Trục hướng Đông của Nga bỏ qua Đông Nam Á

12/09/2016 07:13
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh cũng rất hài lòng với quyết định của ông Putin tiếp tục chuyển vũ khí lớn cho Trung Quốc, bao gồm bán tàu ngầm, máy bay chiến đấu, hệ thống...

Tiến sĩ Ian Storey, thành viên cao cấp Viện Iseas-Yusof Ishak, Singapore ngày 12/9 có bài bình luận về chính sách hướng Đông của Nga. Theo ông, Moscow chỉ tập trung vào Trung Quốc và đã bỏ qua Đông Nam Á.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Ian Storey như một tài liệu tham khảo về tác động, ảnh hưởng của quan hệ Trung - Nga đến Biển Đông. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả Ian Storey.

"Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước ông xoay sang hướng Đông trong năm 2010, chính sách của Putin đã bị chỉ trích vì tập trung quá nhiều vào Trung Quốc mà không chú ý nhiều đến Đông Nam Á. 

Tuần trước, hoạt động ngoại giao của Nga ở châu Á đã cho thấy các nhà phê bình đã đúng.

Trong khi ông Putin xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu của hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu - Trung Quốc, ông đã quyết định không đến Vientiane, Lào để tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Kể từ khi Nga trở thành thành viên của hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm 2011, ông Putin đã từ chối tham dự các sự kiện quốc tế hàng đầu của ASEAN. Ông cử Thủ tướng Dmitry Medvedev đi thay.

Tiến sĩ Ian Storey, ảnh: Internet, chưa rõ tác giả.
Tiến sĩ Ian Storey, ảnh: Internet, chưa rõ tác giả.

Trong lúc Moscow nhích lại gần Bắc Kinh hơn, thì Đông Nam Á hay ASEAN đã được chuyển vào "vùng ngoại vi" trong chính sách đối ngoại của Nga.

Tại sao có sự siết chặt quan hệ Nga - Trung trong vài năm qua?

Thứ nhất là quan hệ cá nhân giữa Putin và Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo này có mối quan hệ cá nhân gần gũi, họ gặp nhau thường xuyên. 

Ngược lại, quan hệ giữa Tổng thống Putin với Tổng thống Barack Obama hết sức lạnh lẽo, trong khi quan hệ giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình ấm hơn chút ít.

Yếu tố thứ hai là sự hội tụ của các lợi ích.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt vào Nga sau khủng hoảng Crimea năm 2014 cùng với giá dầu sụt giảm đã làm nền kinh tế Nga lâm vào khó khăn.

Điều này đẩy Moscow tìm đến châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư. Trong khi đó Trung Quốc rất muốn mua các công nghệ quốc phòng tiên tiến của Nga.

Lý do thứ ba là thế giới quan của Nga và Trung Quốc ngày càng liên kết với nhau. Cả hai xem Mỹ là kẻ thù của chính họ và bực bội với vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ.

Moscow và Bắc Kinh đều nhận thức rằng, họ là mục tiêu của chiến lược ngăn chặn do Mỹ dẫn đầu: sự mở rộng của NATO tại châu Âu nhằm mục tiêu vào Nga, trong khi trục châu Á của Mỹ là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Họ tin rằng việc Mỹ thúc đẩy các giá trị dân chủ là một trong những nỗ lực để lật đổ chế độ ở Nga và Trung Quốc.

Một cảm giác chung là "nạn nhân dưới bàn tay của phương Tây" cũng đẩy Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau. Cả hai quốc gia này cho rằng, trong lịch sử phương Tây đã lợi dụng lúc họ yếu thế để "tước đoạt lãnh thổ và ảnh hưởng" của họ.

Với Trung Quốc là khu vực Biển Đông và Hoa Đông trong thế kỷ 19, 20. Với Nga là Ukraine và các bộ phận khác của Đông Âu sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Bị châm ngòi bởi chủ nghĩa dân tộc, và khi nhận thức về sự đối lập của Hoa Kỳ, Moscow và Bắc Kinh hiện đang có ý định đòi lại những gì họ xem là của mình.

Một liên minh Trung - Nga bây giờ là chưa, nhưng rất có thể sẽ xảy ra.

Mối nghị kỵ lẫn nhau vẫn tồn tại một cách sâu xa, đặc biệt là ở Nga, với sự khó chịu trước ảnh hưởng của Trung Quốc ở Viễn Đông và Trung Á. Đó là rào cản cho một liên minh lớn.

Nhưng khi có thêm yếu tố đoàn kết Bắc Kinh với Moscow hơn là những gì chia rẽ họ, hai nước đã đồng ý về mặt chiến thuật hợp tác trong một loạt các vấn đề quốc tế chạm vào (cái gọi là) lợi ích cốt lõi của họ.

Trục hướng Đông của Nga bỏ qua Đông Nam Á ảnh 2

Khi nguyên thủ cả giận gặp chính khách lão làng

(GDVN) - Người ta càng cố dùng lời lẽ chợ búa và thủ đoạn để hạ bệ Barack Obama, dường như uy tín và ảnh hưởng của ông lại càng lên cao.

Đối với Bắc Kinh, một trong những lợi ích cốt lõi là vấn đề Biển Đông, và quan hệ Trung - Nga đã được tăng cường. Nga đã tăng mức hỗ trợ Trung Quốc.

Trước đây Nga đã chủ trương trung lập, cẩn thận không làm mất lòng 2 đối tác gần gũi nhất của mình ở châu Á, đó là Trung Quốc và Việt Nam, trong đó có yêu sách chồng lấn ở Biển Đông (do Trung Quốc đơn phương tạo ra tranh chấp - PV).

Trước khi Tòa Trọng tài Thường trực công bố phán quyết vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Bắc Kinh dựa vào Mowcow để xác nhận lập trường của mình rằng: vụ kiện, phiên tòa và phán quyết này là bất hợp pháp.

Mặc dù phản ứng của Moscow với Phán quyết Trọng tài vào ngày 12/7 là tương đối cân bằng, nhưng ở Hàng Châu, ông Putin đứng hẳn về phía Trung Quốc bằng tuyên bố: Nga ủng hộ quyết định của Bắc Kinh bác bỏ Phán quyết Trọng tài.

Lập trường của Nga ngược hẳn với Mỹ, Nhật Bản và Australia, ba nước đã kêu gọi các bên tranh chấp tuân thủ Phán quyết Trọng tài.

Trung Quốc đã và sẽ vô cùng biết ơn Nga vì sự "đoàn kết và ủng hộ" trong vấn đề Biển Đông.

Bắc Kinh cũng rất hài lòng với quyết định của ông Putin tiếp tục chuyển vũ khí lớn cho Trung Quốc, bao gồm bán tàu ngầm, máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không và các công nghệ tên lửa chống tàu ngầm.

Tất cả điều này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng khoảng cách thực lực quân sự với các nước Đông Nam Á có yêu sách.

Bắt đầu từ tuần này, tàu chiến Nga-Trung sẽ tập trận chung ở Biển Đông, một sự hỗ trợ khác của Moscow cho Bắc Kinh.

Không có tin tức nào trong số này là tốt đối với Việt Nam, quốc gia được hưởng lợi từ Phán quyết Trọng tài bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hà Nội cũng sẽ được báo động về quan hệ quốc phòng đang phát triển giữa Moscow và Bắc Kinh. Điều này sẽ thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam để mua vũ khí từ các nguồn ngoài Nga, trong đó có Hoa Kỳ.

Sự hưng thịnh của quan hệ Trung - Nga có ý nghĩa gì với Đông Nam Á?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Hàng Châu dự hội nghị thượng đỉnh G-20, ảnh:darwininvestingnetwork.com.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Hàng Châu dự hội nghị thượng đỉnh G-20, ảnh:darwininvestingnetwork.com.

Trong khi rõ ràng Nga muốn làm kinh doanh nhiều hơn trong khu vực, chính sách ngoại giao của Moscow vẫn tập trung vào phương Tây, châu Á và Trung Quốc.

Mặc dù Nga thấy họ là một sức mạnh vĩ đại và đòi hỏi một vị thế xứng đáng, họ có rất ít thời gian cho các tổ chức đa phương. Trong đó Nga thiếu ảnh hưởng đáng kể tại các diễn đàn của ASEAN, bao gồm hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nga ở Sochi tháng Năm vừa qua, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược.

Đồng thời củng cố diễn đàn hội nghị thượng đỉnh Đông Á thành nền tảng cho đối thoại giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu về các vấn đề chính trị, kinh tế, chiến lược trong khu vực.

Khả năng tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á của ông Putin được nhiều người xem như thử nghiệm quan trọng đối với cam kết chính thức của Điện Kremlin hướng đến Đông Nam Á và ổn định khu vực.

Tuy nhiên Nga đã một lần nữa tự chứng minh rằng, trục hướng Đông của ông Putin chủ yếu chỉ nhằm vào Trung Quốc."

Người viết cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng phức tạp ở Biển Đông như hiện nay, những phân tích một cách khách quan, khoa học từ các học giả nước ngoài rất đáng trân trọng và cần được nghiên cứu thấu đáo.

Bài phân tích của Tiến sĩ Ian Storey có giá trị tham khảo rất tốt đối với các bên liên quan ở Biển Đông, cho dù về nội dung có thể có người đồng ý hay không đồng ý, đồng ý hoàn toàn hay đồng ý một phần.

Thấy rõ được bản chất cục diện và xu hướng diễn biến tình hình Biển Đông để tính toán những giải pháp phù hợp, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc thiết nghĩ là điều vô cùng cần thiết.

Nguồn:

http://www.straitstimes.com/opinion/russias-pivot-east-ignores-south-east-asia

Hồng Thủy