Trung Quốc đãng trí, hay thói giả vờ của gã hàng xóm chuyên bắt nạt

25/05/2014 06:24
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Cho dù đặt bút ký thỏa thuận nhưng Trung Quốc lại làm trái ngược với những quy định trong văn kiện chung giữa ASEAN và Trung Quốc về Biển Đông

Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt theo tiếng Anh là DOC) được ASEAN và TQ ký ngày 4/11/2002 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 ở Phnom - Penh (Campuchia).

Đây là văn kiện chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc, trực tiếp liên quan vấn đề Biển Đông. Tuyên bố DOC 2002 có ý nghĩa to lớn trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở vùng biển này nói riêng và cả khu vực nói chung.

Ngày 19/11/2012, Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua một Tuyên bố chung của Hội nghị kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 19/11/2012, Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua một Tuyên bố chung của Hội nghị kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).    Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông như thế nào? Chúng ta cùng nghiên cứu Toàn văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông( DOC).

“Chính phủ các nước thành viên ASEAN và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Khẳng định lại quyết tâm và củng cố phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân và Chính phủ các nước này nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác láng giềng tốt và tin cậy lẫn nhau hướng tới thế ký 21.

NHẬN THẤY sự cần thiết phải thúc đẩy môi trường hòa bình, hữu nghị và hợp tác tại biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc để tăng cường hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế và phồn vinh ở khu vực.

CAM KẾT phát huy những nguyên tắc và mục tiêu nêu trong tuyên bố chung 1997 của Những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các nước thành viên ASEAN và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

MONG MUỐN thúc đẩy các điều kiện thuận lợi để giải quyết hòa bình và lâu bền những bất đồng và tranh chấp giữa các quốc gia liên quan.

NAY TUYÊN BỐ như sau:

1. Các bên khẳng định lại cam kết đối với những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc; Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Hiệp ước thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Năm nguyên tắc cùng tồn tại và hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của luật pháp quốc tế, là những quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.

2. Các bên cam kết tìm ra những phương cách để tạo dựng sự tin cậy và lòng tin phù hợp với các nguyên tắc nêu trên, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

3. Các bên khẳng định lại sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay ngang qua vùng trời phía trên biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tăc phổ cập của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

4. Các bên cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, thông qua tham khảo ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

5. Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp làm ảnh hưởng tới hoà bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những kiến trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lí các bất đồng một cách xây dựng;

Trong khi chờ đợi có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, các bên liên quan cam kết tăng cường các nỗ lực trên tinh thần hợp tác và hiểu biết nhằm tìm ra các phương cách xây dựng sự tin cậy và lòng tin giữa các bên bao gồm;

a. Khi thích hợp, tiến hành đối thoại và trao đổi ý kiến giữa quan chức quân sự và quốc phòng của các bên có liên quan.

b. Bảo đảm đối xử nhân đạo và công bằng với tất cả mọi người gặp nguy hiểm hay lâm nạn.

c. Tự nguyện thông báo cho các bên liên quan khác về tập trận quân sự chung/hỗ hợp sắp diễn ra.

d. Tự nguyện trao đổi thông tin thích hợp

6. Trong khi chờ đợi có giải pháp toàn diện và lâu dài cho tranh chấp các bên liên quan có thể thăm dò hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác. Các hoạt động này có thể bao gồm:

a.  Bảo vệ môi trường biển

b. Nghiên cứu khoa học biển

c.  An toàn hang hải và liên lạc trên biển

d. Các hoạt động tìm kiếm cứu nạn…

7. Các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục các cuộc tham khảo ý kiến và đối thoại về các vấn đề liên quan thông qua những thể thức được các bên nhất trí, kể cả việc tiến hành các cuộc thảm khảo ý kiến thường xuyên vè việc tuân thủ Tuyên bố này, nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ láng giếng tốt và tính minh bạch, tạo sự hòa hợp, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác, tạo điều kiện giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các bên.

8. Các bên cam kết tôn trọng những điều khoản của tuyên bố này và tiến hành những hành động phù hợp với các điều khoản đó.

9. Các bên khuyến khích các nước tôn trọng các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố này.

10. Các bên liên quan khẳng định lại việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực và đồng ý trên cơ sở đồng thuận, phấn đấu đạt được mục tiêu trên”.

Tuyên bố này được đại diện các nước; Brunei, Campuchia, Indonexia, Lào, Malaixia, Myanmar, Philippin, Singapore, Thái Lan, Việt Nam ký kết với Trung Quốc vào ngày 4/11/2002.

VIẾT CƯỜNG