Trung Quốc và ASEAN nên kiềm chế và bắt đầu đàm phán về Biển Đông

17/07/2016 06:12
Hồng Thủy
(GDVN) - Các nước ASEAN lựa chọn trở thành "người chơi độc lập" chứ không phải những con tốt trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ.

Nghị sĩ Quốc hội Malaysia Chin Tong Liew và Giáo sư Wing Thye Woo từ Đại học California - Đại học Phúc Đán, Thượng Hải và Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 16/7 bình luận trên Nikkei Asian Review, cả ASEAN và Trung Quốc bây giờ phải kiềm chế và nên bắt đầu đàm phán trong sự tin cậy nhau để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Hai ông cho rằng, phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 về vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc là một bước ngoặt đối với luật pháp quốc tế. Đồng thời phán quyết của Tòa cũng là một cảnh báo không thể nhầm lẫn về sự hung hăng chiến lược tại khu vực Đông Nam Á.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn tuyên truyền "3 Không" sau phán quyết trọng tài. Ảnh: The Japan Times.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn tuyên truyền "3 Không" sau phán quyết trọng tài. Ảnh: The Japan Times.

Trung Quốc vẫn khăng khăng nói rằng họ không thừa nhận phán quyết trọng tài, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không bị xáo trộn bởi phán quyết này. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào, có thay đổi hành vi sau phán quyết hay lại vẫn tiếp tục coi Biển Đông là nơi cạnh tranh ảnh hưởng Trung - Mỹ?

Nếu Trung Quốc giả định rằng, một cuộc chiến mệt mỏi và sợ rủi ro sẽ làm Mỹ tránh xung đột, Bắc Kinh có thể khẳng định yêu sách của họ trên Biển Đông bằng vũ lực. Nhưng hiếu chiến sẽ phản tác dụng.

Đầu tiên, nó sẽ buộc các thành viên ASEAN phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, một quyết định mà tất cả 10 nước đều muốn tránh. Trong khi đó các thành viên ASEAN có quan hệ quân sự sâu sắc với Mỹ như Philippines, Singapore, Thái Lan và Indonesia cũng có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc.

Thực tế các nước ASEAN lựa chọn trở thành "người chơi độc lập" chứ không phải những con tốt trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ. Đó là lợi ích của Trung Quốc khi duy trì được "sự mơ hồ" trong quan hệ giữa Mỹ với ASEAN.

Thứ hai, bằng việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc đang vô tình củng cố chủ nghĩa dân tộc ở các nước ASEAN. Điều này sẽ buộc lãnh đạo các nước ASEAN phải tỏ lập trường cứng rắn hơn với (hành vi leo thang, bành trướng của) Trung Quốc.

Một trường hợp điển hình về điều này là chuyến thăm gần đây của Tổng thống Indonesia, Joko Widodo ra ngoài khơi quần đảo Natuna bằng chiến hạm, một hoạt động biểu dương lực lượng để phản ứng với sự xâm nhập của ngư dân Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của hải cảnh Trung Quốc.

Bắc Kinh nên hiểu rằng, những lợi thế từ quan hệ kinh tế gần gũi giữa ASEAN với Trung Quốc không đủ để đảm bảo một mối quan hệ ngoại giao trơn tru. Hầu hết các thành viên ASEAN là các nước có thu nhập trung bình với giới tinh hoa có nhiều quan điểm khác nhau.

Thậm chí là rất nghèo và mới chuyển đổi chính trị như Myanmar cũng đã tìm cách làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc để đáp ứng với việc thu hút các hoạt động của Hoa Kỳ.

Trung Quốc cần phải xem lại việc mình khăng khăng đòi đàm phán song phương với 4 nước ASEAN mà không phải với cả khối ASEAN. Lập trường này tạo ra ấn tượng rằng Bắc Kinh đang gây chia rẽ và dẫn đến sự tan vỡ của khối.

Nhưng Trung Quốc không nên làm điều này, khuyến khích sự sụp đổ của ASEAN, vì nó sẽ đẩy một số thành viên của khối về hẳn phía Hoa Kỳ. Hơn nữa, vì ASEAN có "nguyên tắc đồng thuận" nên Trung Quốc có ít lý do để lo sợ rằng đàm phán với cả khối ASEAN là hoàn toàn không thể chấp nhận.

Ví dụ về thất bại của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 tại Campuchia hay hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh, Vân Nam vừa qua cho thấy, trong việc đối phó với các nước ASEAN, Trung Quốc được đàm phán 2 lần.

Lần đầu tiên là thông qua "tay trong" của mình trong ASEAN để ảnh hưởng đến quan điểm của cả ASEAN với tư cách cả khối, sau đó đàm phán với một số nước ASEAN. Một số nước thành viên coi trọng quan hệ của họ với Trung Quốc hơn các nước láng giềng trong khối ASEAN.

Như vậy trừ khi Trung Quốc thực sự không muốn đàm phán về Biển Đông, còn lại họ không nên loại trừ việc đàm phán với cả khối ASEAN. 

Sự trớ trêu trong tuyên bố yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là đảng Cộng sản Trung Quốc đã rơi vào một cái bẫy vô ý của Quốc Dân đảng mà bị họ đánh bại năm 1949. Đó là trong đống đổ nát Quốc Dân đảng để lại có bản đồ in hình "đường lưỡi bò" 11 đoạn.

Sau đó Mao Trạch Đông bỏ 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ. Trung Quốc nỗ lực tập hợp lực lượng, dân số để thực hiện tham vọng đế quốc với bản đồ này. Trong khi kẻ chiến thắng trong cuộc nội chiến tại Trung Quốc không nên và không cần đi theo con đường của kẻ thua cuộc.

Còn trong trường hợp Trung Quốc muốn dùng "đường lưỡi bò" để xoa dịu các yếu tố dân tộc thì cũng chỉ nên sử dụng các nhà ngoại giao, chứ không phải sử dụng quân sự.

Tất nhiên một kết quả cùng thắng từ phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông còn phụ thuộc cả vào hành động của ASEAN và Mỹ, hai chủ thể đang rất hoài nghi về cam kết của Trung Quốc chống chế độ bá quyền quốc tế.

Tuy nhiên ASEAN và Mỹ cũng cần lưu ý đến quan tâm hợp pháp của Trung Quốc về an ninh mà Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ. ASEAN và Trung Quốc bây giờ nên bắt đầu đàm phán giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở tin cậy lẫn nhau.

Hồng Thủy