Từ nền tảng truyền thống đến một nền công nghiệp văn hóa

07/05/2020 08:51
Theo HUY ĐĂNG/Qdnd.vn
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Phát huy nền tảng văn hóa truyền thống để xây dựng ngành công nghiệp văn hóa thích ứng với bước phát triển mới của thời đại mang ý nghĩa đặc biệt.

Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa vừa góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, vừa mang lại sức đề kháng cho mỗi con người, mỗi dân tộc trước sự xâm hại của các luồng văn hóa ngoại lai.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Năm 1943, từ khi cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước, Đảng ta đã có Đề cương Văn hóa với những nguyên tắc có sức sống trường tồn.

Đề cương Văn hóa năm 1943 lúc đó tập trung vào nhiệm vụ cách mạng trước mắt là đưa văn hóa Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng nô dịch của văn hóa thực dân và phát xít, biến văn hóa Việt Nam từ chỗ bị động và tiêu cực trở thành một nhân tố tinh thần lớn mạnh trong sự nghiệp giải phóng đất nước.

Đề cương đã gắn liền nhiệm vụ giải phóng kinh tế, chính trị cho xã hội với nhiệm vụ giải phóng cho con người.

Tháng 11/1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với 3 tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa, nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Luận điểm này trở thành nguyên tắc chi phối, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ nhận thức sâu sắc về một trong những đặc điểm ưu việt của chủ nghĩa xã hội là tính nhân văn, trong sự nghiệp của mình, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vấn đề xây dựng văn hóa, xây dựng con người.

Và đó cũng là cơ sở lý luận-thực tiễn quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Trong giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng, Đảng ta tiếp tục tiếp thu quan điểm về văn hóa, con người của Hồ Chí Minh, đồng thời sáng tạo, bổ sung một số tiêu chí mới phù hợp yêu cầu phát triển.

Đó là “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, “Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước”.

Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã khẳng định, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Trong hơn hai thập kỷ đổi mới chúng ta đã đi qua, văn hóa ngày càng có được sự gắn kết chặt chẽ hơn với các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và tạo nên những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… của đất nước.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: So với yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những thành tựu và tiến bộ mà chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực phát triển văn hóa chưa thực sự vững chắc; văn hóa chưa khẳng định được sức mạnh tạo dựng một nền tảng tinh thần xã hội có khả năng miễn nhiễm trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, trước sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai.

Những sản phẩm văn hóa “made in Vietnam” còn thiếu sức cạnh tranh, thậm chí bị lấn át ngay tại thị trường nội địa.

Những luồng văn hóa-tư tưởng ngoại lai vẫn tác động tiêu cực đến lối sống của một số lượng không nhỏ người dân Việt, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên.

Từ đó, phát sinh ra nhiều hành vi phản văn hóa, ảnh hưởng đáng kể tới công cuộc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội.

Vì thế, một hướng phát triển mới đang được mở ra. Đó là xây dựng ngành công nghiệp văn hóa.

Một ngành công nghiệp không chỉ mang giá trị kinh tế

Một ngành công nghiệp thường tạo ra các sản phẩm mang giá trị thuần túy về mặt kinh tế. Nhưng công nghiệp văn hóa mang tới hai giá trị: Kinh tế và tinh thần. Hai giá trị này có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Văn hóa là điều kiện, cơ sở để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, kinh tế tạo ra tiềm lực vật chất để phát triển văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong ngành công nghiệp văn hóa, giá trị kinh tế có thể đong đếm bằng con số, còn giá trị tinh thần là không có giới hạn.

Một sản phẩm văn hóa có khả năng tác động mạnh mẽ tới nền tảng tinh thần xã hội. Một biểu tượng văn hóa có thể làm thay đổi cả lối sống, tư duy, tình cảm của cả một thế hệ.

Vì thế, xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa với mục tiêu kép (phát triển kinh tế và bảo vệ nền tảng xã hội lành mạnh) là xu hướng tất yếu trong thời kỳ Việt Nam tăng tốc phát triển bền vững.

Đi sau về xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa nhưng Việt Nam vẫn có thể trở thành một trung tâm công nghiệp sáng tạo văn hóa tầm cỡ khu vực.

Bài học lớn từ quá khứ
Bài học lớn từ quá khứ

Nhiều chuyên gia cho rằng, tiềm năng và cơ hội phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam được ví như “mỏ vàng” cần sớm được khai thác.

Hiện nay, với quy mô dân số hơn 96 triệu người, trong đó, lực lượng lao động khoảng hơn 50 triệu người; hằng năm, trung bình có khoảng 1,5-1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động, đây là nguồn lực chính trong quá trình lao động sáng tạo, tạo ra lượng sản phẩm văn hóa dồi dào ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhất là thủ công mỹ nghệ, ngành nghề truyền thống (gốm, lụa, tranh, gỗ), các loại hình nghệ thuật dân gian, văn hóa ẩm thực… ở nước ta.

Dân số đông, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm văn hóa lớn tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, phong phú, kích thích thị trường phát triển sôi động.

Cùng đó, dù chưa thực sự mạnh mẽ nhưng hoạt động xuất khẩu văn hóa của Việt Nam cũng có những bước phát triển khá nhanh chóng.

Trong đó, đặc biệt là sản phẩm thời trang Việt đã gây được tiếng vang tại những “kinh đô thời trang” thế giới. Hay văn hóa ẩm thực Việt đang tạo ra những “cơn sốt” tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, điều kiện đầu tiên, mang ý nghĩa quyết định là khả năng đầu tư.

Hiện nay, ở nước ta, mức chi cho hoạt động văn hóa chiếm khoảng 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm.

Nhà nước hỗ trợ tài chính cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật bằng cách đầu tư từ nguồn ngân sách và xây dựng những thiết chế văn hóa gián tiếp hỗ trợ cho các hoạt động nghệ thuật thông qua chính sách về thuế.

Theo đó, những tổ chức xã hội, nghề nghiệp hay những cá nhân đóng góp tài chính cho các hoạt động văn hóa đều được khấu trừ thuế, được hưởng miễn thuế tài sản và miễn thuế thu nhập khi đóng góp cho Nhà nước.

Tuy nhiên, để ngành công nghiệp văn hóa phát triển thì đầu tư xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, kịch bản có chất lượng là cần thiết, nhưng cũng cần quan tâm đến việc tạo nên lực lượng công chúng có nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật đông đảo. Khi sức “cầu” tăng mạnh, tất yếu nguồn “cung” cũng tăng tương xứng.

Một vài năm gần đây, các chính sách về phát triển văn hóa ở ta đã chú ý hơn tới việc đào tạo công chúng nghệ thuật. Tuy nhiên, thực tế hoạt động này còn thiếu tính bài bản và tương đối nhỏ lẻ.

Những luận điệu nguy hại hơn dịch bệnh
Những luận điệu nguy hại hơn dịch bệnh

Vì thế, trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa rất cần xem trọng hơn hoạt động giáo dục-đào tạo nhằm tạo sự phát triển từ cả hai phía cung-cầu.

Cũng ở lĩnh vực đầu tư, cùng hoạt động đầu tư bằng ngân sách nhà nước, chúng ta cần có thêm những chính sách khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Thực tế, tại khu vực tư nhân đang xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp văn hóa, tập trung vào các ngành: Điện ảnh, xuất bản, nghệ thuật biểu diễn...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp văn hóa tư nhân chủ yếu mang quy mô nhỏ, chưa có khả năng tập hợp để tạo thành một trào lưu văn hóa, nghệ thuật nào đó.

Bởi vậy, để bảo đảm và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia ngành công nghiệp văn hóa, ngoài các chính sách ưu đãi trong đầu tư, điều đặc biệt cần thiết là hoàn thiện hệ thống luật bảo hộ bản quyền.

Sự yếu kém trong hệ thống luật bảo hộ hiện tại khiến các sản phẩm văn hóa Việt Nam không được bảo đảm các quyền cơ bản để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, cản trở việc phát huy khả năng sáng tạo văn hóa.

Ở góc độ giao lưu, hợp tác quốc tế, trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng như hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam không thể “một mình một chợ”.

Nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cần đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Việt Nam tại các hội chợ quốc tế, liên hoan quốc tế; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao.

Từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài.

Để gìn giữ, phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, sự gắn kết chặt chẽ chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược phát triển văn hóa phải được đặt lên vị trí hàng đầu.

Bởi lẽ, văn hóa không đứng ngoài kinh tế, phát triển kinh tế bền vững không thể thiếu nền tảng văn hóa ổn định. Mặt khác, văn hóa không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn là "hệ điều tiết" cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Điểm lại những thành tựu văn hóa có được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành của Nhà nước Việt Nam; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật để từng tổ chức, cá nhân thấy được trách nhiệm trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thúc đẩy văn hóa dân tộc phát triển và hòa nhập.

Xây dựng được một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là tạo ra nền tảng vững chắc để thúc đẩy đất nước phát triển; để đất nước hòa nhập mà không hòa tan. Văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa dân tộc là cái bất biến, là cái riêng có của mỗi quốc gia.

Theo HUY ĐĂNG/Qdnd.vn