Vờ ôm nhau dưới gốc cây để cưa trộm sưa

25/05/2012 07:23
Theo ông Cao Xuân Lâm - Phó Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất (Hà Nội), nhiều khi, "sưa tặc" đóng giả cặp tình nhân, ngồi ôm nhau dưới gốc cây, chờ thời cơ để cưa trộm.

Nhiều chiêu trộm sưa

Vài năm lại đây, vì giá cao, gỗ sưa được săn lùng, "sưa tặc" lộng hành ở Thủ đô. Nhiều cây sưa vài chục năm tuổi, sau một đêm không cánh mà bay. Có vụ, "sưa tặc" còn cưa trộm ngay giữa ban ngày.

Ông Cao Xuân Lâm - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất cho biết, công viên cũng xảy ra một số vụ trộm gỗ quý. Trong đó, ba, bốn vụ bắt được thủ phạm, giao cho công an xử lý, còn lại, nhiều vụ chỉ thu được tang vật hoặc chỉ dừng lại ở mức “xâm phạm” (cưa trộm nhưng chưa đổ).

Theo ông Lâm, hiện nay, nhân viên bảo vệ công viên có khoảng 70 người làm nhiệm vụ trên địa bàn rộng khoảng 50 hecta. Dù điều kiện thuận lợi là có hàng rào bao quanh, nhưng lúc nào cũng phải đề phòng vì luôn trong tình trạng “người ngay ở với kẻ gian”.

“Kẻ trộm nhiều trò lắm. Nhiều khi, chúng đóng giả thành đôi tình nhân ngồi ôm nhau dưới gốc cây. Tuy nhiên, trong túi thủ sẵn lưỡi cưa. Không thấy lực lượng bảo vệ là chúng cưa ngay. Chúng chỉ cưa cho gần đổ, lợi dụng bảo vệ không để ý, trèo lên cắt ngọn trước, sau đó đạp đổ cây, vác lên vai chạy mất” – Ông Lâm nói.

Vờ ôm nhau dưới gốc cây để cưa trộm sưa, Tin tức trong ngày, trom sua, sua tac, go sua, cay sua, trong sua, sua co thu, go quy, sua do, go hue, cay thuoc, bao ve sua, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

Tháng 7/2011, những cây sưa ở Hà Nội được quây bằng "váy sắt", tuy nhiên, ngay sau đó đã được gỡ bỏ vì mất mỹ quan đô thị

Cũng theo ông Lâm, hầu hết các vụ đều xảy ra vào buổi tối, đặc biệt những đêm trời mưa gió.

“Ban ngày chúng chỉ dám cưa cho gần đổ, sau đó đánh dấu, chờ đêm tối xuống rồi quay lại lấy gỗ mang đi”.

Bảo vệ nghiêm ngặt

Hiện tại, theo ông Lâm, lực lượng bảo vệ công viên phối hợp với lực lượng công an phường, quận, ban quản lý duy tu các công trình hạ tầng đô thị của Sở Xây dựng để bảo vệ những cây sưa còn lại trong công viên.

“Chúng tôi đã thiết lập sơ đồ, vị trí, kích cỡ, đánh dấu các vị trí có cây sưa trên bản đồ và phân chia lực lượng thành các chốt trực để bảo vệ” – Ông Lâm nói.

Theo đó, những điểm tập trung nhiều cây sưa đều được bố trí trực thay ca 24/24 suốt cả tuần.

Vờ ôm nhau dưới gốc cây để cưa trộm sưa, Tin tức trong ngày, trom sua, sua tac, go sua, cay sua, trong sua, sua co thu, go quy, sua do, go hue, cay thuoc, bao ve sua, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

Những gốc cây sưa cổ thụ như thế này ở Hà Nội đang được bảo vệ gắt gao trước ánh mắt nhòm ngó của sưa tặc

“Vài năm trước, chúng tôi cũng đã lắp vòng, hàn các thanh sắt quanh gốc cây sưa để chống trộm, nhưng thấy mất vẻ đẹp cảnh quan, cũng như chẳng khác nào chỉ điểm cho tội phạm nên lại dỡ bỏ ngay sau đó” – Ông Lâm cho hay.

Cũng vì thế, theo ông Lâm, hiện nay, việc bảo vệ cây sưa vẫn dựa vào sức người là chính, tuy nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn.

“Cứ phân công mỗi nhân viên bảo vệ một cây sưa. Làm thế, chẳng cây nào mất được. Nhưng, kinh phí ở đâu ra, trong khi, cây sưa cũng chỉ là một trong số rất nhiều cây được trồng để làm đẹp cảnh quan, môi trường, đa dạng sinh học…”.

Bảo vệ các cây sưa trong công viên đã khó, việc bảo vệ ở ngoài đường, nơi công cộng còn khó hơn.

Theo một chiến sỹ công an phường Quang Trung (Đống Đa – Hà Nội) – nơi còn nhiều cây sưa cổ thụ, các anh phải theo dõi, bảo vệ thường xuyên.

“Nhiều hôm mưa gió, chúng tôi cũng phải đi tuần, kiểm soát tình hình, đề phòng việc ăn trộm sưa” – “Đến xung quanh gốc sưa có bao nhiêu lỗ dế mèn chúng tôi còn biết” – Một người chia sẻ.

Nói về nhiệm vụ bảo vệ cây sưa, Trung tá Nguyễn Hữu Quyền, Phó trưởng công an phường Quang Trung cho biết, lực lượng công an kết hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ, nhân viên công ty cây xanh, đề phòng tối đa nguy cơ xảy ra việc trộm sưa trên địa bàn.

“Ngoài ra chúng tôi cũng thông báo cho người dân xung quanh vị trí có cây sưa biết để nâng cao cảnh giác, phát hiện tội phạm trong quần chúng, phối hợp với lực lượng công an” – Ông Quyền nói.

Cũng theo ông Quyền, trên địa bàn chưa xảy ra vụ trộm sưa nào. “Có một cây sưa ở ngoài đường đã được chúng tôi đổ bê tông xung quanh gốc, buộc sắt để đề phòng kẻ trộm”.

Ông Cao Xuân Lâm nói: Theo tôi được biết, ngày xưa, các cụ chỉ lấy lõi cây sưa để làm bắp cày, vì loại gỗ này không bị nứt, cong, gãy… Đến nay, vì có thông tin loài gỗ này chữa bệnh được, quý giá, nên được thần thánh hóa, được mua với giá cao, từ đó, nảy sinh sưa tặc.

Cũng không thể biết được thông tin đó thật hay giả và cũng không loại trừ đó là một âm mưu làm tuyệt chủng loài sưa để thực hiện một ý đồ nào đó.

Vấn đề ở đây là các nhà khoa học phải chứng minh loài gỗ này không có gì quý, đồng thời, tăng cường nhận thức của người dân không sử dụng những sản phẩm làm từ gỗ sưa, nâng cao đề phòng, phát hiện, tố giác sưa tặc.

Theo Trường Phong (Tiền Phong)