Vụ BS thẩm mỹ ném xác phi tang: Câu chuyện y đức chỉ là lời kêu gọi?

28/10/2013 08:03
Phạm Thạch Hoàng
(GDVN) - Lời thề của các sinh viên ngành y trước lúc ra trường có thực sự thấm vào trái tim của họ - các bác sĩ sau này. Tấm gương của Hải Thượng Lãn ông, của các lương y tận tâm với nghề, sống chân chính với nghề có thực sự là niềm ngưỡng mộ để các bác sĩ noi theo hành xử. Hay tất cả chỉ như một sự thuyết giáo của nghề để rồi mạnh ai nấy làm và câu chuyện y đức chỉ là lời kêu gọi?
BS Nguyễn Mạnh Tường, người đã ném xác nạn nhân xuống sông Hồng phi tang.
BS Nguyễn Mạnh Tường, người đã ném xác nạn nhân xuống sông Hồng phi tang.

Thầy thuốc phải thực sự là chỗ dựa niềm tin của bệnh nhân
Bác sĩ sở dĩ là người chiếm được niềm tin của bệnh nhân là vì ngoài khía cạnh chuyên môn đảm đương, có quyền phán quyết về sinh mạng người bện thì họ còn mang trong mình những điều tâm đức thiện mà nhân dân gửi gắm bao đời nay. Nào là thầy thuốc như mẹ hiền! Nào là danh xưng cao quý: Người thầy!
Tất cả những điều tốt đẹp nói trên hình như đang bị không ít hình ảnh xấu xa gần đây làm hoen ố.

Từ vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm của bệnh nhân ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức còn chưa nguôi phẫn nộ của người dân thì đến vụ bác sĩ, thạc sĩ có hàng chục năm lăn lộn với nghề vứt xác bệnh nhân xuống sông phi tang chỉ vì muốn chối bỏ trách nhiệm. 

Vụ việc xẩy ra ở trung tâm thẫm mỹ Cát Tường, nếu là một người bác sĩ non về y thuật nhưng cao về y đức, có bản lĩnh nghề nghiệp thì chắc chắn anh ta sẽ xử sự khác. 

Thử nghĩ, dư luận sẽ dễ cảm thông hơn nếu khi sự việc xẩy ra, anh ta đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu, khẩn trương chớp lấy "cơ hội vàng" để cứu sống bệnh nhân. Nếu thực sự bó tay cứu chữa, thì anh ta phải liện hệ với người nhà tìm một sự cảm thông, một giải pháp hợp lý cho vấn đề, nếu cần chấp nhận phương án vào cuộc điều tra của cơ quan chức năng.

Dù có phải mang tiếng, phải chấp nhận thất thiệt, trách nhiệm trước pháp luật thì coi đó chỉ là "tai nạn nghề nghiệp", nhưng dũng cảm nhận trách nhiệm thì để rổi vẫn còn có cơ hội làm lại cuộc đời và làm nghề. Đằng này, bác sĩ Tường đã tự đóng kín cánh cửa cuộc đời mình, chặn lối đi của chính mình. Nhân dân nào, có ai cảm thông cho nỗi.
 
Những ca này, chắc các bác sĩ không hề có một tình huống nào được đặt ra lúc học để khuyến cáo làm thế nào cho phải, nhưng một khi người bác sĩ được cao dày y đức thì chắc chắn anh ta sẽ biết cách xử trí thế nào cho hợp lý, hợp đạo.

Bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm thầy thuốc, trước hết là của chính ngành y. Ngành y phải quyết liệt. Trước vụ việc bác sĩ ném xác bệnh nhân xuông sông, Bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị bày tỏ cho là gây chấn động xã hội quá lớn, quá ngưỡng suy nghĩ thông thường của mọi người. Ông cũng coi đó là trách nhiệm của nhiều ngành bày tỏ thái độ phải nghiêm túc xử lý.
 
Đúng! Nếu quy ra trách nhiệm thì phải là một tập thể liên đới. Nhưng trách nhiệm chính phải là của ngành Y. Nếu trách nhiệm của một cơ số người, thì trách nhiệm dễ coi như bằng hoà!

Theo con số báo chí, những cơ sở khám chữa bệnh tay trái, không giấy phép như Trung tâm thẫm mỹ Cát Tường không phải là ít. Chẳng nhẽ, một sự việc phơi ra đường phố lớn ở thủ đô như đường Giải Phóng, có biển treo, có quảng cáo rùm beng đồng nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước lại không ai hay. Hay biết rồi lờ đi nhận phong bao, vì miếng cơm manh áo của đôi ta.

Bộ Trưởng Y tế nhỏ lệ đau khổ xót xa cho hành vi táng tận lương tâm của một bác sĩ thuộc cấp của mình. Nhưng các nghị sĩ quốc hội đã lên tiếng, khó mà cảm thông cho nỗi nhưng lời xin lỗi của Bộ trưởng. Dẫu biết trăm dâu đổ đầu tằm, nhưng quả thật, trong thời gian ngắn gần đây, không phải một trường hợp cá biệt mà nhiều trường hợp vi phạm y đức tương tự diễn ra rồi, sao cấp độ diễn tiến của các sự việc lại gia tăng khiến xã hội lo lắng, bức xúc.

Tiền mất tật mang, ai người gánh chịu, nếu không phải người bệnh? Y đức bị băng hoại xói mòn, ai cứu vãn đây. Nhân dân gửi gắm niềm tin vào ai?

Bộ trưởng không chỉ xin lỗi, mong sự cảm thông mà cần có một sự hành động quyết liệt, chấn chỉnh kịp thời, rà xoát vấn đề y đức trên diện rộng.
 
Trong xã hội Á Đông ta, giáo viên, thầy thuốc hai hình ảnh nhiều kỳ vọng trong mắt xã hội. Ngoài các yêu cầu chắc chắn về chuyên môn, những ngành nghề này không thể chấp nhận những con người thiếu đạo đức nghề nghiệp, làm tiền một cách coi thường mạng sống, và không tôn trọng giá trị con người đứng chen chân vào những chỗ cao quý, sự nghiệp vẻ vang như thế. 

Bác sĩ phải đưa trở về đúng nghĩa là bác sĩ chăm sóc sức khoẻ con người, với một thái độ tận tâm, với một tinh thần tận tuỵ. Với cả tình yêu và nếp hành xử nhân văn. Chỉ có tạo dựng một hình ảnh người bác sĩ, nhân viên y tế có bản lĩnh nghề nghiệp mới thực hiện tốt những trách nhiệm của nghành của nghề đối với xã hội. 

Đào tạo y đức, bản lĩnh của người thầy thuốc, chắc chắn phải là của ngành y, ngành y nên xem lại nguyên nhân nào để các bác sĩ trượt chân vào lỗi lầm, trái với lương tâm đạo đức nghề nghiệp.

Sức khoẻ là vốn quý, người thầy thuốc có thể không cứu được bệnh hay mệnh người nhưng có thể cho người bệnh một niềm tin ở lẽ sống con người, tin vào trái tim người bác sĩ.

Qua những vụ việc đau lòng như trên, dân chỉ mong sao ngành y tế và các cơ quan chức năng đừng để dân héo mòn lòng tin vào nơi muôn đời nay họ đã vinh danh: Lương y như từ mẫu! Cứu người, trước hết cần phải cứu rỗi tâm hồn con người.
Phạm Thạch Hoàng