Vụ CSGT vụt lái xe: "Cũng cần xem lại hành vi của tài xế lái xe tải"

13/06/2012 13:00
Độc giả Phạm Văn Thanh (Thái Nguyên)
(GDVN) - "Hành động đánh người của vị cảnh sát giao thông ở Ninh Bình là sai nhưng theo tôi chúng ta cũng cần phải xem lại hành vi của tài xế lái xe tải ở đây. Rất có thể do bị ức chế quá, không kiềm chế được nên người cảnh sát giao thông mới có hành động như vậy...", độc giả Phạm Văn Thanh bày tỏ.
Xung quanh đoạn clip ghi lại hình ảnh một lái xe tải BKS 18N-6376 bị một CSGT đeo lon Thiếu tá được xác định đang công tác tại công an TP Ninh Bình tóm cổ áo lôi sềnh sệch và liên tiếp dùng tay tát, đấm vào mặt lái xe. Không những vậy, người mặc sắc phục này còn dùng gậy điều khiển giao thông vụt thẳng vào đầu lái xe... tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của độc giả gửi về.

Một trong đó, là ý kiến của độc giả Phạm Văn Thanh (Thái Nguyên) bày tỏ quan điểm cần phải nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn. Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải ý kiến này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Những ngày qua, tôi đã theo dõi rất kỹ đoạn clip cũng như những thông tin xung quanh vụ việc lái xe tải mang BKS 18N - 6376 bị một cảnh sát giao thông đeo lon Thiếu tá được xác định đang công tác tại công an TP Ninh Bình đánh ngay trên đường Trần Hưng Đạo (Ninh Bình) vào trưa ngày 11/6.
Người mặc sắc phục CSGT liên tiếp ra đòn về lái xe. (ảnh cắt từ video)
Người mặc sắc phục CSGT liên tiếp ra đòn về lái xe. (ảnh cắt từ video)

Như nhiều người dân bình thường khác, khi xem xong đoạn clip này, tôi đã rất bức xúc trước hành động đánh người của viên cảnh sát giao thông này. Hành động đó là sai, không thể chấp nhận được, nó đã vi phạm nghiêm trọng vào điều lệnh công an nhân dân cũng như văn hóa ứng xử bình thường giữa con người với nhau trong xã hội.
Và xung quanh vụ việc này, tôi cũng thấy đã có rất nhiều các ý kiến của độc giả được các báo đăng tải với nội dung chủ yếu bày tỏ sự lên án đối với hành vi đánh người của người cảnh sát giao thông này. Như đã nói, tôi ủng hộ những ý kiến đó. Tuy nhiên, ở đây, tôi cũng cho rằng, chúng ta hãy nên nhìn sự việc này một cách khách quan hơn, sâu hơn. Và nên đặt câu hỏi tại sao, người cảnh sát giao thông đeo lon Thiếu tá kia lại có những hành động như vậy đối với lái xe tải? Trong cuộc sống, chúng ta thấy rằng, sẽ khó có thể xảy ra việc một người đánh một người khác, trừ khi một trong hai bên có những hành động, hành vi làm cho bên kia bị ức chế, không kiềm chế được bản thân nên mới có hành động bột phát. Hay nói như dân gian ta thì thường ví von "không có lửa thì làm sao có khói". Thực tế, theo dõi nhiều vụ việc xảy ra mà báo chí đăng tải, gần đây nhất là vụ việc một thanh niên dùng hung khí đe dọa 2 chiến sĩ cảnh sát giao thông ở Lạng Sơn, tôi nhận thấy rằng, những người cảnh sát giao thông thường có sự kiềm chế rất tốt. Họ sẽ không bao giờ có những hành động đánh người vi phạm ngay ở giữa đường như anh cảnh sát giao thông này nếu không phải vì bị người vi phạm gây cho những ức chế, không kiềm chế được bản thân nên mới có hành động thiếu suy nghĩ. Nhiều người khi xem xong clip nhận xét rằng, chỉ vì anh tài xế xe tải va quyệt nhỏ vào phần đuôi xe máy của anh cảnh sát giao thông nên bị đánh. Tôi cho rằng, nhận định đó chưa chắc đã đúng hoàn toàn, bởi lẽ đây có thể chỉ là một phần nguyên nhân gây ra vụ việc. Như ý kiến trả lời trên báo Giáo dục Việt Nam của ông Giám đốc công an tỉnh Ninh Bình trả lời, cá nhân tôi thấy, nguyên nhân của vụ việc có thể bắt nguồn do, tài xế này là chủ xe hàng, khi xe bị yêu cầu dừng lại kiểm tra, lái xe đang xuống xe xuất trình giấy tờ, thì anh này leo lên xe và lái xe bỏ chạy.   
Ảnh cắt từ clip
Ảnh cắt từ clip

Chính hành động bỏ chạy, coi thường kỷ cương, pháp luật của chủ hàng kiêm tài xế, buộc cảnh sát giao thông phải đuổi theo, chặn đầu xe lại đã gây ra ức chế, bực tức ban đầu và việc xe tải này va quyệt vào phần đuôi xe của người cảnh sát giao thông như trong đoạn clip đã tiếp tục gây ra ức chế cho anh này. Từ sự ức chế bị dồn nén đó, khi không kiềm chế được đã dẫn đến những hành động bột phát, thiếu suy nghĩ. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi bênh hay dung túng cho những hành động này của cảnh sát giao thông. Như đã nói ở trên, tôi khẳng định, hành động của người cảnh sát giao thông ở Ninh Bình là sai, không thể chấp nhận được. Nhưng cũng như tôi đã nói, chúng ta cũng cần xem lại một cách khách quan hơn với thái độ, hành vi của người tài xế này. Bởi, rất có thể, chính cách ứng xử thiếu tôn trọng pháp luật, kỷ cương của lái xe này đã gây ức chế cho cảnh sát giao thông, khiến anh ta gây ra những hành động như vậy.Mọi ý kiến mời bạn đọc gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Phạm Văn Thanh (Thái Nguyên)