Vụ sạt lở đất kinh hoàng: “Nhìn thấy cha mẹ chới với mà đành bất lực"

17/04/2012 05:35
Ngọc Khánh
(GDVN) - Trên khuôn mặt một số người may mắn thoát chết trong gang tấc vẫn còn vẻ thất thần vì vụ sạt lở đất diễn ra quá nhanh, quá khủng khiếp.
Vụ sạt lở đất kinh hoàng ở bãi thải số 3, mỏ than Phấn Mễ (Công ty Gang thép Thái Nguyên) thuộc địa phận xóm Khuân 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên khiến người dân địa phương vô cùng hoang mang, lo sợ. 

Trong suốt mấy ngày qua, khắp đầu làng cuối xóm, người dân tụm năm tụm ba bàn tán không ngớt về những hậu quả nặng nề của vụ sạt lở. Nhiều người chia sẻ, trước đó đã dự đoán được những điều tồi tệ có thể xảy ra ở bãi thải số 3 này. Trên khuôn mặt một số người may mắn thoát chết trong gang tấc vẫn còn vẻ thất thần vì vụ sạt lở đất diễn ra quá nhanh, quá khủng khiếp.

Trong đám tang cụ Vũ Thị Hồng (78 tuổi), những người con của cụ gào khóc thảm thiết bởi nỗi đau tột độ. Cụ bà thì mất, cụ ông là Hà Văn Xuân bị thương phải nằm viện điều trị, đại gia đình cụ Hồng thêm phần xót xa khi nhìn 7 nóc nhà anh em ruột thịt chôn vùi trong hàng vạn khối đất đá vô tình.

Nỗi đau như nhân lên gấp bội với những nạn nhân vụ sạt lở đất ở bải thải số 3, mỏ than Phấn Mễ, tỉnh Thái Nguyên bởi không chỉ mất người thân, họ còn trắng tay trong tích tắc. Ảnh: Ngọc Khánh
Nỗi đau như nhân lên gấp bội với những nạn nhân vụ sạt lở đất ở bải thải số 3, mỏ than Phấn Mễ, tỉnh Thái Nguyên bởi không chỉ mất người thân, họ còn trắng tay trong tích tắc. Ảnh: Ngọc Khánh

Chú Hà Văn Chín (con trai cụ Hà Văn Xuân) vẫn ám ảnh buổi sáng tinh mơ ngày 15/4 định mệnh đó. Vào thời điểm 4h sáng, mọi người thường ngủ say nên khó có thể trở tay kịp khi có sự cố bất ngờ như vụ sạt lở đất này. Theo như mô tả lại của chú Chín, phía trên bãi thải có một đường dây điện cao thế 35kV chạy qua.

“Khi xảy ra sạt lở, dây điện cháy chập. Bình gas của nhà nào đó cũng như hệ thống biogas nhà tôi phát ra tiếng nổ rất to khiến tôi giật mình tỉnh dậy và gọi vợ chạy ra ngoài. Ở phía ngoài, một vài người cũng hô hoán là “sạt đất rồi, chạy mau thôi”. Sau đó, đất đá đổ xuống mù mịt, ầm ầm như sấm vang. Ai nấy chạy đến đâu thì đất đá “đuổi theo” đến đó”, chú Chín cho biết.
Những người con cháu của cụ Hồng đã không thể cứu được mẹ trong giây phút sinh tử! Ảnh: Ngọc Khánh.
Những người con cháu của cụ Hồng đã không thể cứu được mẹ trong giây phút sinh tử! Ảnh: Ngọc Khánh.

Cụ Hồng, cụ Xuân cùng con trai chú Chín ngủ ở nhà trên nên trực tiếp bị đất đá đổ xuống đầu tiên. "Con trai tôi nó to khỏe nên còn chạy được chứ hai cụ già yếu rồi nên bị đất đá đổ vào người. Con trai tôi kể lại, trong lúc hoảng loạn còn không nhìn thấy cửa ra, cứ lao theo quán tính, may mà thoát được. Nhìn thấy bố mẹ chới với, vợ chồng tôi định chạy vào kéo ra nhưng từ trên cao, một khối đất đá lớn lao xuống liên tiếp nên đành bất lực", chú Chín kể thêm.

CẬN CẢNH ĐỐNG ĐỔ NÁT VỤ SẠT LỞ KINH HOÀNG Ở THÁI NGUYÊN

Trong giây phút sinh tử ấy, những người con cụ Xuân tưởng cụ bị đất đá đổ lên người nhưng không ngờ, cụ Xuân còn ở trên giường bị đất đá đẩy ra xa khoảng hơn 100 m rồi lại trồi lên. Cụ Xuân thoát chết trong gang tấc!

Toàn bộ nhà cửa, trang trại, ruộng lúa của nhà chú Chín bị vùi lấp. Gần bốn chục triệu tiền vốn và dây chuyền vàng không kịp mang đi. Hơn 70 con lợn cùng hàng trăm con gà nuôi trong trại chưa kịp xuất chuồng cũng bị mất.

“Bây giờ mất mẹ, nhà cửa cũng tan nát, tôi chỉ còn mỗi cái quần trên người. Nhà của 6 anh chị em tôi cũng bị vùi lấp toàn bộ, cũng may còn có nhà bác cả để lo ma chay cho mẹ”, chú Chín vẫn chưa hết bàng hoàng.

6 con chó nghiệp vụ được đưa tới nhưng vẫn chưa thể xác định được vị trí của các nạn nhân bị mắc kẹt. Ảnh: Ngọc Khánh.
6 con chó nghiệp vụ được đưa tới nhưng vẫn chưa thể xác định được vị trí của các nạn nhân bị mắc kẹt. Ảnh: Ngọc Khánh.

Hầu hết hơn chục hộ dân ở đây đều là họ hàng thân thiết. Nhà của 7 người con, cháu cụ Xuân cũng bị vùi lấp toàn bộ. Họ trắng tay trong tích tắc! Nói về trường hợp của cô Nguyễn Thị Thiện (SN 1959), nhiều người dân cho biết, ngôi nhà của cô Thiện được xây dựng từ quỹ vì người nghèo. Vốn nằm ở khu đất thấp hơn so với các hộ gia đình khác, nhà cô Thiện chỉ cách chân bãi thải đúng 1 mương nước nhỏ. Gia đình cô đã nhiều lần kiến nghị bồi thường để di chuyển nhưng chưa được giải quyết. Khi sự cố xảy ra, hàng vạn khối đất đá “dội” thẳng xuống nên việc xác định vị trí của căn nhà gặp rất nhiều khó khăn.

TOÀN CẢNH HIỆN TRƯỜNG VỤ SẠT LỞ KINH HOÀNG Ở THÁI NGUYÊN

Trong số những nạn nhân bị ảnh hưởng, gia đình cô Nguyễn Thị Hoàn là chịu thiệt hại nặng hơn cả khi cô cùng 2 con trai và người em trai ruột không thoát khỏi “miệng tử thần”. Một số người dân cho biết, con trai cả của cô Hoàn là anh Nguyễn Văn Quốc (SN 1991) làm ở Hà Nội về chơi từ chiều hôm trước. Thấy cháu về thăm nhà, em trai cô Hoàn là chú Nguyễn Văn Hà (SN 1968) đến Phục Linh lấy củi đã ở lại ăn cơm. Sau đó, mọi chuyện xảy ra như...định mệnh!

Nhiều người thân của các nạn nhân biết tin qua báo chí đã đến chia buồn và mong ngóng thông tin tích cực từ đơn vị tìm kiếm. Ảnh: Ngọc Khánh.
Nhiều người thân của các nạn nhân biết tin qua báo chí đã đến chia buồn và mong ngóng thông tin tích cực từ đơn vị tìm kiếm. Ảnh: Ngọc Khánh.

Trải qua 2 ngày tìm kiếm, hàng vạn khối đất đá trên diện tích khoảng 5ha vẫn ngổn ngang. Đơn vị tìm kiếm vẫn nỗ lực không ngừng để đẩy nhanh tiến độ cứu nạn. Đến 14h chiều nay, những chiếc máy dò bằng sóng siêu âm được chuyển từ Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam được sử dụng nhằm gia tăng cơ hội tìm thấy.  Được biết, sau khi sự cố kinh hoàng này được thông tin trên báo chí, người thân của các nạn nhân đã tìm đến hiện trường để chia buồn và mong ngóng những thông tin khả quan từ những người tìm kiếm.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong vòng 3 năm trở lại đây, đây là lần thứ 3 sạt lở ở bãi thải này. Những lần trước, tuy mức độ thiệt hại ít nghiêm trọng hơn nhưng người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan liên quan để xử lý, yêu cầu bồi thường để di chuyển nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ tai nạn kinh hoàng này.


Ngọc Khánh