Vương Nghị: Giải quyết tranh chấp QT bằng luật pháp, trừ Biển Đông?!

28/09/2014 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Kêu gọi cộng đồng quốc tế tuân thủ luật pháp quốc tế, Bắc Kinh trước tiên hãy ngừng các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khi Trung Quốc vẫn ngang nhiên vi phạm nó ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khi Trung Quốc vẫn ngang nhiên vi phạm nó ở Biển Đông.

Rappler ngày 28/9 đưa tin, sau khi kéo lực lượng tàu thuyền hùng hậu ra Biển Đông và xây dựng các công trình nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), Trung Quốc đang bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông lại cao giọng tuyên bố "công bằng và đúng pháp luật" là điều cần thiết để giải quyết các tranh chấp toàn cầu ngay tại diễn đàn Liên Hợp Quốc.

Ngang nhiên phạm luật nhưng đòi người khác tôn trọng luật

Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp toàn cầu như khủng hoảng ở Gaza, Iraq, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Ông Nghị phát biểu tại cuộc thảo luận hàng năm của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày hôm qua 27/9, nơi ông nói rằng "các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng".

"Chúng ta nên bảo vệ công lý. Điều này là bắt buộc để thúc đẩy nền dân chủ lớn hơn và áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế, sử dụng các quy tắc công bằng để phân biệt đúng sai, giải quyết tranh chấp, theo đuổi mục tiêu hòa bình và phát triển trong khuôn khổ luật pháp quốc tế", Vương Nghị phát biểu.

Ông Nghị đã tuyệt nhiên không đả động gì đến những căng thẳng giữa (do) Trung Quốc (gây ra) với các nước láng giềng ở Biển Đông sau khi vạch ra cái gọi là phương pháp tiếp cận của Bắc Kinh về hợp tác quốc tế "trên khuôn khổ luật pháp". Các bên liên quan như Philippines và Việt Nam đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước những hành vi gây hấn, xâm lược ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

"Việc theo đuổi của các nước khác nhau về chiến lược phát triển kinh tế xã hội phải được tôn trọng. Quyền được lựa chọn một cách độc lập các hệ thống xã hội và con đường phát triển phải được bảo vệ", Vương Nghị nhấn mạnh.

Việt Nam quan ngại trước hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Ngược lại, đại diện cho Việt Nam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề cập đến căng thẳng lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông trong bài phát biểu của mình ngay sau bài phát biểu của Vương Nghị. Căng thẳng Việt - Trung đã gia tăng sau khi Bắc Kinh đơn phương kéo hạm đội tàu hộ tống giàn khoan khổng lồ 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Tuoitrenews.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Tuoitrenews.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng nguy cơ leo thang căng thẳng của tranh chấp lãnh hải và chủ quyền lãnh thổ là thách thức của hòa bình và an ninh quốc tế. Ông khẳng định, Việt Nam đã tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), trong đó các quốc gia ven biển được hưởng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và có quyền khai thác các tài nguyên trong lòng biển, dưới đáy biển ở khu vực này. Trong khi đó các học giả quốc tế hầu hết cho rằng tuyên bố đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với UNCLOS.

Ông Phạm Bình Minh khẳng định: "Đây là quan điểm nhất quán của chúng tôi, phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các bên liên quan, giải quyết tranh chấp quốc tế và xung đột, bao gồm cả vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình,phù hợp với luật pháp quốc tế".

Phó Thủ tướng Việt Nam cũng đề cập đến những nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông thúc đẩy Trung Quốc đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) trong khi tuân thủ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Philippines đã khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại Trung Quốc vẫn không chịu tham gia tiến trình tố tụng, ngược lại còn tuyên bố sẽ bất chấp mọi phán quyết của tòa án, trong khi kêu gọi các nước khác "tôn trọng luật pháp quốc tế".

Xung quanh các vấn đề tranh chấp quốc tế, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm Thứ Tư phát biểu: "Chúng tôi sẽ nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia cần tuân thủ các quy tắc, giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đó là cách khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển. Và đó là cách duy nhất để bảo đảm sự tiến bộ này sẽ tiếp tục tiến về phía trước".

Trong bài phát biểu của mình, Vương Nghị lại một lần nữa cảnh báo Mỹ không can thiệp vào vấn đề Biển Đông: "Khi tiến hành hòa giải, cộng đồng quốc tế nên duy trì công lý và có một quan điểm khách quan và công bằng. Các quốc gia không phải là thành viên của xung đột nên hạn chế theo đuổi chương trình nghị sự của mình qua sự tham gia của họ vào xung đột."

"Không được bóp méo lịch sử"

Sử dụng chiêu bài lịch sử để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thỏa mãn tham vọng bành trướng lãnh thổ luôn là con dao hai lưỡi. Dân Trung Quốc biểu tình, đập phá nhà xưởng, hành hung người Nhật Bản khi chính quyền nước này quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku.
Sử dụng chiêu bài lịch sử để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thỏa mãn tham vọng bành trướng lãnh thổ luôn là con dao hai lưỡi. Dân Trung Quốc biểu tình, đập phá nhà xưởng, hành hung người Nhật Bản khi chính quyền nước này quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku.

Tranh thủ bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc tranh thủ công kích Nhật Bản "xét lại lịch sử" xung quanh vấn đề nhận thức về lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ II.
Năm ngoái, Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt Thủ tướng Shinzo Abe đã viếng đền Yashukuni, nơi tôn vinh những người Nhật chết trong chiến tranh, bao gồm cả 14 tội phạm chiến tranh bị kết án. Hàn Quốc cũng phản đối chuyến thăm này, trong khi Hoa Kỳ bày tỏ sự thất vọng.

"Các sự kiện lịch sử là hoàn toàn rõ ràng. Và một phán quyết cuối cùng đã được công bố về những cái gì là đúng, cái gì sai. Lịch sử không thể bị làm giả, và sự thật không thể bị bóp méo. Hôm nay, 70 năm sau, chúng ta hãy cùng bảo vệ công lý và lương tâm để những người cố gắng phủ nhận sự xâm lược và bóp méo lịch sử sẽ không có chỗ ẩn nấp và đạt được điều gì họ muốn", ông Nghị nói.

Nhưng trong vấn đề Biển Đông, ông Nghị đã lờ tịt đi sự thật lịch sử Trung Quốc cất quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956, 1974, đồng thời đưa quân đánh chiếm 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và đá Vành Khăn năm 1995.

Cũng là câu chuyện bóp méo sự thật và ngụy tạo lịch sử, Trung Quốc vẫn liên tục thao thao bất tuyệt rằng họ xác lập chủ quyền ở Biển Đông bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thời nhà Hán, nhưng không đưa ra được bất cứ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh mà chỉ thấy tàu chiến, tàu công vụ ngụy trang, giàn khoan khổng lồ và tàu cá vỏ thép ào ạt kéo xuống Biển Đông, uy hiếp láng giềng phải chấp nhận cái gọi là "chủ quyền lịch sử" mà họ đang ngụy tạo.

Trong khi đòi hỏi Nhật Bản phải tôn trọng lịch sử, thì trước tiến chính Trung Quốc cần sòng phẳng với lịch sử. Kêu gọi cộng đồng quốc tế tuân thủ luật pháp quốc tế, Bắc Kinh trước tiên hãy ngừng các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Hồng Thủy