Xe tăng kiểu mới Trung Quốc vẫn đầy hạn chế, khó tác chiến đô thị

25/07/2012 07:24
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông)
(GDVN) - Xu thế phát triển xe tăng hiện nay là dùng để tác chiến đô thị, nhưng xe tăng Trung Quốc vẫn mang tính truyền thống, có nhiều hạn chế nghiêm trọng.
Xe tăng chiến đấu Type 99 kiểu mới của Quân đội Trung Quốc.
Xe tăng chiến đấu Type 99 kiểu mới của Quân đội Trung Quốc.

Trang mạng quân sự Hàn Quốc “Quân sự Quốc phòng Hàn Quốc” ngày 22/7/2012 có bài viết phân tích về ảnh hưởng của xe tăng chiến đấu Leopard 2A7 do Đức chế tạo và triển vọng tác chiến đô thị trong tương lai của xe tăng hiện có Trung Quốc.

Bài báo cho rằng, là loại mới nhất của xe tăng chiến đấu dòng Leopard 2, xe tăng Leopard 2A7 chủ yếu dùng cho tác chiến đô thị được Ả-rập Xê-út mua số lượng lớn báo hiệu, tác chiến đô thị có thể sẽ trở thành phương hướng chủ yếu trong phát triển xe tăng chiến đấu sau này.

Trong khi đó, xe tăng mới nhất hiện nay của Trung Quốc vẫn là sản phẩm của tư tưởng xe tăng truyền thống, đều có hạn chế nghiêm trọng về hỏa lực, không gian nâng cấp. Với mô hình hiện có, xe tăng Trung Quốc có lẽ khó mà thích ứng với nhu cầu tác chiến đô thị sau này.

Ả-rập Xê-út mua Leopard 2A7, báo hiệu tương lai

Gần đây, tình hình Syria ngày càng hỗn loạn, quân chính phủ và phe đối lập từng bước bước vào triển khai cuộc chiến ở các đô thị lớn.

Hầu như đồng thời, Ả-rập Xê-út cuối cùng đã xác định hợp đồng mua 600-800 xe tăng chiến đấu Leopard 2A7, trị giá 12,6 tỷ USD.

Tình hình Syria báo hiệu, trong tương lai gần, tác chiến đô thị sẽ từng bước trở thành mô hình tác chiến chủ yếu sau này của Lục quân, trong khi trước đây nó được coi là hình thức tác chiến thứ yếu.

Hơn nữa, xe tăng đặc chủng chủ yếu dùng cho tác chiến đô thị Leopard 2A7 không chỉ sẽ trở thành con cưng trên thị trường vũ khí, mà còn sẽ trở thành phương hướng phát triển của xe tăng chiến đấu tương lai.

Xe tăng chiến đấu Leopard 2A7 là xe tăng chiến đấu tác chiến đô thị tiên tiến nhất hiện có trên thế giới, đặc điểm công nghệ của nó đã phản ánh nhu cầu thực tế của tác chiến đô thị hiện nay.

Là một loại xe tăng chiến đấu chủ yếu tác chiến ở đô thị, xe tăng Leopard 2A7 sử dụng pháo rãnh trơn đường kính 120 mm L44. Điều này chủ yếu là do ống thân pháo tương đối ngắn có thể làm giảm hiệu quả kích cỡ tổng thể của xe tăng, tiện cho nó tiến hành cơ động có hiệu quả ở các đường phố hạn chế trong đô thị.

Xe tăng chiến đấu Leopard 2A7 do Đức chế tạo.
Xe tăng chiến đấu Leopard 2A7 do Đức chế tạo.

Trong khi đó, xe tăng Leopard 2A6 sử dụng pháo L55, ống pháo dài hơn xe L44 1,3 m, hạn chế tính linh hoạt của xe tăng. Ngoài ra, điều đáng chú ý là, chỉ riêng về pháo, Leopard 2A7 vẫn là một loại xe tăng chú ý tới tác chiến thông thường, cùng với việc tầm quan trọng của tác chiến đô thị ngày càng tăng lên, xe tăng chiến đấu tác chiến đô thị trong tương lai có thể sẽ được trang bị pháo tác chiến đô thị chuyên dụng, chứ không phải là pháo đã có.

Phương án có thể liên tưởng là xe tăng chiến đấu M60A2 và xe tăng Sherdian (dùng cho lực lượng nhảy dù) của Mỹ sử dụng pháo lưỡng dụng tên lửa-đạn 155 mm.

Ngoài pháo, một đặc điểm công nghệ lớn khác của Leopard 2A7 ở chỗ lần đầu tiên dùng trạm điều khiển vũ khí (trang bị súng ngắn, lựu đạn, tên lửa) làm trang bị ban đầu cho xe tăng.

Trước Leopard 2A7, trong nâng cấp chiến đấu đô thị bước đầu của xe tăng chiến đấu, các nước chỉ thông qua tăng dày bọc thép ở đỉnh ụ pháo (một cách bị động) để chống đỡ tên lửa/hỏa tiễn chống tăng (phóng ra từ cửa sổ các tòa nhà), trong khi đó chiến đấu thực tế chứng minh, đây là một cách làm vừa không trị được phần ngọn, vừa không trị được phần gốc; cách làm tích cực hơn là để xe tăng có được khả năng toàn diện, nhất là tiến hành tấn công hỏa lực trong phạm vi bán cầu phía trên.

Còn khi đối mặt với tổ chống tăng của địch cơ động giữa các tòa nhà, thiếu phòng hộ bọc thép cơ bản, hiện nay, súng máy hạng nặng, loại hỏa lực chính của trạm điều khiển vũ khí, đã đầy đủ.

Thách thức lớn nhất ở chỗ, cần để trạm vũ khí có được độ nhạy cảm cao hơn, từ đó có thể bắt kịp các bước vận động của tổ chống tăng cơ động cao, trong giai đoạn hiện nay, các loại trạm vũ khí có độ nhạy cảm cao do Đức phát triển, và hệ thống kiểm soát hỏa lực cao cấp vốn có của xe tăng chiến đấu dòng Leopard 2 chắc chắn có thể đáp ứng có hiệu quả nhu cầu về độ nhạy cảm.

Xe tăng chiến đấu cũ M60A2 của Mỹ.
Xe tăng chiến đấu cũ M60A2 của Mỹ.

Xe tăng hiện có của Trung Quốc khó thích ứng khi tác chiến đô thị

So với thành quả công nghệ to lớn về phương diện xe tăng chiến đấu tác chiến đô thị của Đức, trên lĩnh vực này, Trung Quốc đứng trước rất nhiều hạn chế về công nghệ.

Trong các xe tăng chiến đấu hiện có của Trung Quốc, xe tăng chiến đấu Type 96 và 99 đã hình thành hai hệ thống trang bị có liên hệ với nhau, nhưng lại tương đối độc lập, quan hệ giữa chúng có chút giống như xe tăng chiến đấu T-72 và T-80 của Quân đội Nga.

Mặc dù xe tăng chiến đấu do Trung Quốc sản xuất giống với tất cả xe tăng chiến đấu của các nước trên thế giới, thiết kế ban đầu hoàn toàn không xem xét quá nhiều đến nhu cầu tác chiến đô thị, nhưng tương tự như xe tăng Nga, công nghệ xe tăng hiện có của Trung Quốc tồn tại hạn chế nhất định, làm cho nó khó mà tiến hành nâng cấp có hiệu quả, tiến tới thích ứng với môi trường tác chiến ở đô thị.

Ban đầu xe tăng chiến đấu Type 99 ra đời, Trung Quốc luôn tuyên bố loại xe tăng này đã sử dụng ụ pháo hàn (hay tháp pháo) hoàn toàn mới, ụ pháo rõ ràng, góc cạnh của loại xe tăng này hầu như cũng đã chứng thực lời nói của Trung Quốc.

Nhưng, một lô ảnh sửa chữa ụ pháo xe tăng chiến đấu Type 99 được công bố trên trang mạng quân sự của Trung Quốc cho thấy, ụ pháo của loại xe tăng này có sự khác nhau về bản chất so với ụ pháo hàn của phương Tây theo ý nghĩa truyền thống, kết cấu cơ bản là gắn rất nhiều tấm thép (bọc thép) mô-đun hóa ở xung quanh ụ pháo hàn hoặc đúc tương đối nhỏ.

Loại kết cấu này có thể làm cho xe tăng tham chiếu các mức đe dọa khác nhau, thông qua cải tiến đơn giản để có được khả năng phòng thủ khác nhau.

Xe tăng chiến đấu T-80 do Nga chế tạo.
Xe tăng chiến đấu T-80 do Nga chế tạo.
Xe tăng T-80 được trang bị cho Lục quân Hàn Quốc.
Xe tăng T-80 được trang bị cho Lục quân Hàn Quốc.

Nhưng, vấn đề ở chỗ, không gian bên trong ụ pháo của kết cấu này tương đối có hạn, trong khi đó, hiện nay, trạm điều khiển vũ khí (trang bị chuẩn của xe tăng chiến đấu tác chiến đô thị) vẫn khó mà tích hợp vào hệ thống kiểm soát hỏa lực tổng thể của xe tăng, điều này có nghĩa là sẽ lắp thêm một hệ thống thao tác chuyên dụng của trạm vũ khí trong ụ pháo, trong khi không gian bên trong có hạn của ụ pháo hàn kiểu Trung Quốc chắc chắn khó mà đáp ứng được nhu cầu này.

Một hạn chế công nghệ về nâng cấp tác chiến đô thị khác của xe tăng chiến đấu Trung Quốc là thân xe. Nhìn vào thể tích thân xe, xe tăng Type 96 cơ bản tương tự T-72 của Nga, còn Type 99 tương tự T-80 của Nga.

Mặc dù nhìn vào quá trình phát triển của xe tăng chiến đấu Type 99, kết cấu thân xe đã trải qua một quá trình gia tăng tích hợp, nhưng nó đều tập trung vào nâng cấp động cơ, còn buồng chiến đấu quan trọng nhất trong nâng cấp tác chiến đô thị hoàn toàn không được tiến hành gia tăng hiệu quả khi nâng cấp.

Điều này có nghĩa là, cho dù kiểu loại mới nhất của xe tăng chiến đấu Type 99, lượng tải đạn của nó cũng rất khó có được đột phá trên nền tảng 40 viên đạn vốn có.

Trong khi đó, khi đối mặt với mục tiêu phức tạp, đa dạng trong tác chiến đô thị, lượng tải đạn to hay nhỏ đã trực tiếp quyết định sự mạnh/yếu về khả năng tác chiến liên tục trong môi trường tác chiến đô thị.

Do đó có thể thấy, xe tăng chiến đấu do Trung Quốc sản xuất cho dù đã tiến hành nâng cấp tác chiến đô thị, nhưng khả năng tác chiến liên tục của nó vẫn bị hạn chế, nguyên nhân là ở kết cấu chỉnh thể khó cải tiến nhất của xe tăng.

Xe tăng chiến đấu T-72 của Nga.
Xe tăng chiến đấu T-72 của Nga.

Trong chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, xe tăng chiến đấu T-80 có tính năng tiến tiến của Nga đã bị tổn thất nặng nề trong môi trường tác chiến đô thị ở Grozny, tình hình tương tự cũng đã xảy ra trong tác chiến đô thị giữa Israel và Hezbollah, xe tăng Merkava-4 (được cho là có khả năng phòng thủ tiên mạnh) đã tổn thất nghiêm trọng.

Nguyên nhân quan trọng là do, trong môi trường tác chiến đô thị, xe tăng chiến đấu không tiến hành hiệp đồng có hiệu quả với bộ binh, hơn nữa xe tăng tự nó thiếu hỏa lực tác chiến đô thị cần thiết, do đó hầu như không có khả năng đáp trả khi bị tổ chống tăng của đối phương tấn công linh hoạt.

Muốn giải quyết được vấn đề quan trọng này, ngoài việc áp dụng các biện pháp nâng cấp ban đầu về tác chiến đô thị, tiến hành kết hợp tác chiến đô thị giữa xe tăng chiến đấu và bộ binh mới là biện pháp căn bản nhất. Nhưng, hiện nay, mô hình sử dụng xe tăng của Trung Quốc có thể làm cho Trung Quốc đối mặt với rất nhiều hạn chế khi tiến hành kết hợp kiểu này.

Trong môi trường tác chiến đô thị, xe tăng chiến đấu tác chiến đô thị là điểm tựa của hệ thống hỏa lực. Trong môi trường tác chiến này, “quân ta” cần phải có hỏa lực toàn diện, nhỏ có súng ngắn, lựu đạn, lớn có đạn pháo, tên lửa chống tăng.

Trong hệ thống này, vai trò của xe tăng là phát huy hỏa lực “cấp cao”, còn hỏa lực “cấp thấp” tiến hành chi viện cần thiết. Điều này sẽ làm cho tác chiến đô thị đặt ra yêu cầu cao hơn đối với việc tiến hành kết nối và hiệp đồng hỏa lực có hiệu quả giữa xe tăng chiến đấu và các trang bị khác.

Xe tăng chiến đấu Type 96 của Quân đội Trung Quốc.
Xe tăng chiến đấu Type 96 của Quân đội Trung Quốc.

Trong giai đoạn hiện nay, lực lượng thiết giáp Trung Quốc vẫn thuộc giai đoạn tiến hành kết hợp ban đầu giữa xe tăng chiến đấu và chiến xa bộ binh (xe quân sự), tức là chiến xa bộ binh vận chuyển binh sĩ đến môi trường tác chiến nguy hiểm cao để chi viện cho xe tăng tiến hành tác chiến, nhưng giữa xe tăng, chiến xa bộ binh và cá nhân binh sĩ hoàn toàn không xây dựng được sự liên hệ trực tiếp, điều này chắc chắn sẽ làm cho mức độ kết hợp của khung tác chiến mà trung tâm là xe tăng giảm rất lớn, điều này khó có thể chấp nhận trong tác chiến đô thị đòi hỏi có tính linh hoạt cao.

Ngoài ra, điều cần chỉ ra là, nhiệm vụ tác chiến đô thị của xe tăng thể hiện ở trong quá trình phát triển tích hợp của xe tăng, có thể coi là một sự “phát triển đảo ngược”.

Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, thời kỳ phát triển hoàng kim của xe tăng, từng tồn tại lâu dài sự tranh chấp giữa xe tăng bộ binh và xe tăng chiến đấu. Đại diện là Pháp luôn giữ quan điểm “xe tăng bộ binh”, khi đối mặt với các nước có xe tăng chiến đấu như Đức sẽ chắc chắn thất bại.

Vấn đề ở chỗ, khi xe tăng tham gia các cuộc chiến đấu đô thị như cuộc chiến tranh tấn công-phòng thủ pháo đài Brest và cuộc chiến tranh bảo vệ Stalingrad, mô hình tác chiến viện trợ lẫn nhau giữa xe tăng và bộ binh hoàn toàn khác về bản chất so với tư tưởng xe tăng bộ binh lúc ban đầu.

Hiện tượng “phát triển đảo ngược” không được coi trọng đầy đủ trong Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Lạnh này đã trở thành xu hướng chính hiện nay. Trung Quốc, nước đến nay vẫn khó thoát khỏi sự rập khuôn của một đội quân “lục địa”, có phát hiện ra xu thế phát triển thực tế này hay không, từ đó tiến hành điều chỉnh có hiệu quả đối với xe tăng hiện có về mô hình phát triển và sử dụng, sẽ trở thành điều kiện quan trọng để Lục quân Trung Quốc có sử dụng được xe tăng tác chiến sau này hay không.

Xe tăng chiến đấu Leopard 2A7+ của Đức.
Xe tăng chiến đấu Leopard 2A7+ của Đức.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông)