Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ngày 12/2, tại Trung Quốc đã ghi nhận thêm một trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H7N9 tại tỉnh Quảng Đông. Tính đến ngày 14/2, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 338 ca mắc cúm A/H7N9 tại 14 tỉnh/ thành phố, trong đó có 66 ca tử vong, tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) vừa tiếp tục ghi nhận thêm 1 ca mắc mới cúm gia cầm A/H10N8 và đã tử vong.
Cũng vào ngày 12/2, Bộ Y tế Malaysia xác nhận trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên tại nước này, bệnh nhân nữ, 67 tuổi, là khách du lịch đến từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Trước diễn biến dịch bệnh cúm A/H7N9 hết sức phức tạp tại Trung Quốc, WHO khuyến cáo mọi khách du lịch khi đến các quốc gia đã có dịch bệnh nếu có biểu hiện chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc sau khi trở về từ khu vực có dịch bệnh cúm cần nghĩ ngay tới cúm A/H7N9 và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị.
Ngày 13/2, Tân Hoa Xã Trung Quốc đưa tin tại tỉnh Giang Tây ghi nhận thêm 01 trường hợp nhiễm cúm A (H10N8). Bệnh nhân tử vong ngày 8/2. Như vậy, tính đến nay đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm A (H10N8) đầu tiên trên người, tất cả đều sống tại tỉnh Giang Tây, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Lời khuyên của WHO trong chủ động phòng chống cúm A/H7N9:
- Tránh tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc chết. Tránh để trẻ em lại gần và tiếp xúc gia cầm.
- Tránh đụng chạm vào những bề mặt nghi bị nhiễm phân hoặc máu gia cầm.
- Không ăn thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín. Nấu chín thịt gia cầm cho đến khi phần thịt bên trong không còn màu hồng và không để lẫn thịt đã nấu chín với thịt sống.
- Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn đã chạm vào thịt sống trước khi sử dụng lại những dụng cụ đó.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- WHO không khuyến nghị áp dụng bất kỳ biện pháp cụ thể nào cho du khách tại thời điểm này.
- Thịt gia cầm, sản phẩm từ gia cầm (trứng) và thịt lợn là thực phẩm an toàn miễn là được nấu chín kỹ và xử lý đúng cách trong quá trình chuẩn bị thức ăn./.