Năm 2010, một nghiên cứu tại trường Đại học của Trường Y khoa Rochester cho thấy, những người bị căng thẳng công việc nhiều thường có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn so với nhân viên ở các vị trí ít căng thẳng.
Nghiên cứu khác từ Đại học Tel Aviv ở Israel cho thấy người làm việc có mức độ căng thẳng cao có nhiều khả năng phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Một nghiên cứu từ Đại học California tại San Francisco cũng cho thấy, các yếu tố gây ra sự căng thẳng có thể làm tăng hoặc thậm chí gây ra các rối loạn về da như bệnh vẩy nến, bệnh chàm.
Dưới đây là 11 lời khuyên giúp bạn bớt căng thẳng hơn:
1. Tham gia một lớp yoga
Yoga không chỉ giữ cho cơ thể thon gọn mà còn cải thiện tính linh động, dẻo dai. Ngoài ra nó cũng giúp bạn đối phó với sự căng thẳng và các chứng viêm.
Một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Ohio cho thấy, những người tập yoga thường xuyên sẽ có mức độ viêm nhiễm ít hơn và có khả năng kiểm soát, chịu được các yếu tố gây stress cao hơn.
2. Ngủ đủ giấc
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), ngủ đủ giấc có thể giúp cải thiện sức khỏe và giúp bạn ít căng thẳng hơn.
Ngủ không đủ giấc và căng thẳng có thể là một vòng luẩn quẩn. Việc căng thẳng, mệt mỏi suốt cả ngày dễ khiến bạn mất ngủ. Và việc thiếu ngủ có thể làm bạn mệt mỏi, căng thẳng vào ngày hôm sau.
Một nghiên cứu năm 2010 tại Học viện giấc ngủ Calyton cho thấy, những người bị stress mãn tính có thời gian ngủ ngắn hơn và chất lượng ngủ cũng rất thấp.
3. Liệu pháp trò chuyện
Các liệu pháp tâm lý thường được sử dụng như một công cụ quản lý stress, nhằm giảm bớt các triệu chứng căng thẳng và lo âu.
Trò chuyện có thể là một liệu pháp hữu ích, trong đó, bệnh nhân và nhà tâm lý trị liệu thảo luận về các vấn đề của bệnh nhân và cùng nhau sửa chữa các vấn đề đang bị suy nghĩ tiêu cực hoặc bị bóp méo.
Trong liệu pháp trò chuyện, có nhiều phương pháp khác nhau, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) và liệu pháp nhóm.
Tất cả đều có điểm chung là nhằm mục đích giúp bệnh nhân đối phó với những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực và giúp họ thay đổi tích cực để đối phó tốt hơn với sự căng thẳng hàng ngày.
4. Tăng cường vận động
Tập thể dục có thể giảm căng thẳng vì làm giảm mức cortisol. Cortisol là một hoóc môn được sản sinh từ tuyến thượng thận trong thời gian căng thẳng, khi bạn cảm thấy lo lắng, giận dữ hoặc sợ hãi.
Cortisol có thể làm tăng huyết áp, tăng mức đường huyết và giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, có thể gây tổn thương nhiều cơ quan.
Theo Debbie Mandel, tác giả của "Turn On Your Inner Light: Fitness for Body, Mind and Soul', tập thể dục giúp đốt cháy cortisol, do đó làm cho chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Tập thể dục cũng kích thích tuyến yên của não bộ giải phóng endorphins, chất dẫn truyền thần kinh có hiệu quả cao, giúp cơ thể hạn chế được các tác động tiêu cực của stress.
CDC khuyến cáo thực hiện các hoạt động tăng cường cơ bắp, nên để các nhóm cơ chính như chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai và cánh tay vận động bằng các bài tập phù hợp.
Nên đảm bảo tập thể dục ít nhất 2,5 giờ đồng hồ mỗi tuần. Điều đó có vẻ là nhiều nhưng tính ra, chỉ cần đi bộ nhanh 10 phút, 3 lần một ngày trong 5 ngày mỗi tuần là đã có 150 phút hoạt động với cường độ vừa phải, hiệu quả.
5. Tập thiền
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những lợi ích tích cực của thiền định, giúp giảm căng thẳng, giảm huyết áp, giảm bớt cảm giác đau đớn và thậm chí ngăn ngừa tái phát ở những bệnh nhân bị trầm cảm.
Một nghiên cứu tại Đại học Emory ở Atlanta cho thấy rằng thiền giúp ta nâng cao những nhận thức về tinh thần và kiểm soát suy nghĩ của bản thân trong khi tập trung vào hơi thở, có thể điều trị các rối loạn như rối loạn thiếu tập trung và hiếu động thái quá.
Có nhiều phương pháp thiền khác nhau. Thiền không dừng lại ở việc bạn phải ngồi bắt chéo chân và đọc thần chú để xả stress.
Một số phong cách thiền định tập trung vào việc làm thanh lọc tâm hồn, khuyến khích việc tăng cường những hình ảnh và suy nghĩ tích cực, đối xử tốt với bản thân và mọi người xung quanh.
Những người có vận động hạn chế cũng có thể thiền trong khi ngồi trên ghế hoặc thậm chí khi nằm.
6. Cười nhiều và thường xuyên
"Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", tiếng cười là loại thuốc hiệu quả để trị bệnh căng thẳng.
Một nghiên cứu tiến hành tại Đại học Loma Linda, Mỹ, phát hiện ra rằng những người tham gia xem một đoạn video hài hước sẽ giảm "hoóc môn stress" cortisol và giảm epinephrine.
Những người này cũng có sự gia tăng đáng kể endorphins, tăng cường các cảm xúc hưng phấn, tăng miễn dịch và giảm trầm cảm.
Tiếng cười không chỉ giúp chúng ta đối phó với sự căng thẳng hay nỗi đau tinh thần mà nó còn giúp hạn chế các cơn đau thể xác.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford ở Anh phát hiện ra rằng tiếng cười có thể kích thích giải phóng các endorphin, có tác dụng giảm đau rất hiệu quả.
7. Dành thời gian liệt kê những lo lắng
Sẽ rất tốt nếu những người hay lo lắng quá nhiều dành ra một khoảng của thời gian để suy nghĩ về những điều đáng lo ngại, những điều đang làm phiền họ.
Mỗi ngày nên dành ra một khoảng thời gian để liệt kê ra những vấn đề khiến bạn lo lắng, nêu ra những vấn đề giải quyết được và không giải quyết được.
Tuy nó không thể giúp con người ngừng lo lắng hoàn toàn nhưng có thể giúp họ trì hoãn và hạn chế các lo lắng. Điều này cho phép con người kiểm soát tốt hơn thói quen bực bội, cáu kỉnh của họ và tập trung vào những công việc lý tưởng, tích cực hơn.
8. Đừng phàn nàn
Phàn nàn về những gì bạn căng thẳng có thể có vẻ giống như một ý tưởng tốt, nhưng một nghiên cứu trước đây cho thấy việc giải tỏa về các vấn đề của bạn cho bạn bè không phải luôn luôn là hữu ích.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Kent ở Anh. Những người tham gia nghiên cứu cảm thấy ít hài lòng với hoàn cảnh của họ hơn so với trước khi họ nói chuyện với một người bạn về những thất bại, rắc rối của họ.
"Phàn nàn không phải là một chiến lược hiệu quả cho bất cứ ai cố gắng để đối phó với căng thẳng mỗi ngày, cho dù họ có phải là người cầu toàn, có xu hướng muốn mọi thứ phải hoàn hảo hay không", nhà tâm lý học xã hội Brad J. Bushman, giảng dạy tại Đại học bang Ohio cho biết.
Thay vào đó, hãy thử một hoặc tất cả ba chiến lược giúp mọi người đối phó với những thất bại, đó là chấp nhận, hài hước và tích cực tái định hình, có nghĩa là tìm kiếm một cái gì đó tốt đẹp trong một tình huống khác căng thẳng.
9. Massage
Massage không chỉ giúp bạn thư giãn và giảm căng thẳng cơ bắp, nó cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến nồng độ hoóc môn trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles cho thấy rằng sau khi được massage 45 phút, những người tham gia đã giảm mức độ "hoóc môn stress" cortisol và giảm vasopressin, một loại hoóc môn đóng một vai trò quan trọng trong các hành vi hung hăng, xung đột.
10. Viết nhật ký
Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), viết nhật ký cũng có thể làm giảm căng thẳng. Khi bạn đang cảm thấy mệt mỏi, kiệt quệ, việc ghi lại cảm xúc của bạn có thể giúp bạn kiểm soát được mọi thứ và phân tích tình hình tốt hơn.
Thậm chí, nó có thể cung cấp cho bạn một hướng mới, sắc sảo hơn để giải quyết các vấn đề.
Việc đọc lại nhật ký giúp bạn nhận ra những điều bản thân cần phải thay đổi để ngăn chặn kịp thời những điều không tốt, nhưng căng thẳng gây ảnh hưởng đến bạn trong tương lai.
11. Các hoạt động cảm xúc
Oxytocin, được biết đến với tên gọi "hoóc môn âu yếm" hay "hoóc môn tình yêu", có thể giúp giảm mức độ căng thẳng.
Một số nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng oxytocin làm giảm căng thẳng và lo lắng trong môi trường xã hội.
Trong một nghiên cứu năm 2007, các nghiên cứu đã tiến hành cách ly một loại chuột đồng ra khỏi bố mẹ, anh chị em của chúng.
Những con chuột bị cô lập bắt đầu có dấu hiệu của sự căng thẳng, lo lắng và những triệu chứng này giảm bớt sau khi chúng đã được tiêm oxytocin.
Cơ thể tự nhiên sản xuất oxytocin trong các hoạt động liên quan đến tình dục, tình cảm, khi phụ nữ sinh sản và cho con bú.
Đồng thời, "hoóc môn tình yêu" này cũng có thể tiết ra trong những tiếp xúc vật lý đơn giản, chẳng hạn như một cái ôm thân thiện hoặc những va chạm, âu yếm.
Thậm chi, việc chơi với một chú chó cưng cũng có thể tăng mức độ oxytocin, theo một nghiên cứu công bố trong tạp chí, theo một nghiên cứu được công bố trong các tạp chí Hormones and Behavior.