Cho đến mùa đông năm 2003, lúc tôi là sinh viên năm đẩu ở ĐH Harvard, thì tôi vẫn hoàn toàn là con người của vùng nhiệt đới. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tuy có thời gian học đến 4 năm ở nước ngoài, song vì tôi đi học ở Singapore nên tôi lại càng trở nên quen thuộc với thời tiết nhiệt đới. Lần rét nhất đối với tôi là khi tôi lên Sapa một dịp cuối năm, nhưng ngay cả khi đó, tôi cũng chỉ cảm thấy se se lạnh, một cái lạnh nhẹ nhàng, lẩn khuất trong không khí, chỉ bám quanh quần áo ấm áp của tôi mà không cắt vào da thịt như người ta thường miêu tả.
Khi được thư nhận vào các trường đại học ở Mỹ, tôi thật vui mừng mà không để ý đến vị trí địa lý và thời tiết của các vùng khác nhau của quốc gia rộng lớn này. Cho đến khi đã đăng ký vào ĐH Harvard và chuẩn bị quần áo, mũ giày cho 4 năm học đại thì tôi mới nhận ra là mình sắp đến vùng New England, nổi tiếng là khí hậu khắc nghiệt đặc biệt là có những trận bão tuyết dữ dội. Tôi đành tìm mua vài bộ quần áo to sụ, một đôi ủng chống ướt nặng chịch và vừa hơi lo lo không biết mình có chịu nổi độ âm hay không, nhưng lại cũng hơi phấn chấn vì sẽ có dịp được tận mắt chứng kiến những trận bão tuyết nổi tiếng ấy.
Lúc tôi vào học là đầu mùa thu, là một trong những thời điểm lãng mạn nhất trong năm ở thành phố Cambridge. Khắp thành phố, trong khuôn viên rộng lớn của trường, đâu đâu cũng có lá đổi mầu vàng, đỏ, rực rỡ. Vì là thành phố rất yên bình, lại có phần lớn diện tích là khuôn viên trường đại học Harvard và MIT, ở đâu cũng có bãi cỏ, cây cổ thụ, ghế ngồi để cư dân, sinh viên hay khách vãng lai đều thưởng thức được vẻ đẹp của thiên nhiên và thời tiết lúc ấy. Thế nhưng mùa thu đẹp nhưng mà lại quá ngắn ngủi. Trời trở lạnh rất nhanh, đặc biệt là khoảng thời gian lễ Tạ Ơn, cuối tháng 11. Chỉ trong vài tuần, đột nhiên lá cây rụng hết, trời trở tối sầm từ lúc 4-5 giờ chiều, và ngoài được mọi người bắt đầu mặc áo dày, đội mũ, đeo găng tay kín.
Chẳng mấy chốc mà tôi bắt đầu thấy cái lạnh xâm lấn không khí, thiên nhiên và cuộc sống ở đây. Những con vật, thú nhỏ thường thấy trong sân trường không còn nữa, buổi sáng trở nên yên tĩnh lạ thường vì không còn tiếng chim hót líu lô trong tán lá cây nay đã rụng hết. Trên đường ai cũng mặc áo dày, đội mũ che mặt, che tai kín mít. Trời lúc nào cũng sầm xì, ánh mặt trời u ám, không khí lạnh lẽo mà nặng nề. Mùa đông năm ấy là một trong những mùa đông lạnh nhất trong mấy chục năm vừa rồi ở New England. Đầu giờ chiều hôm đó, tôi đi bộ từ giảng đường về ký túc xá và thấy đường phố có vẻ đông đúc hơn mọi khi. Hôm đó mới là một ngày thứ 4 cuối tháng 11, không phải là một ngày cuối tuần mà sao mọi người có vẻ vội vã thu xếp công việc để về thế. Tôi tự hỏi mình, và tiếp tục quan sát mọi người hối hả vào bến tàu điện, lấy xe trong bãi và nhanh chóng rời khỏi thành phố. Chỉ có sinh viên như tôi, đã ở sẵn trong ký túc xá thì vẫn có vẻ thản nhiên, vẫn mải mê đọc sách, viết bài, tranh luận hay chơi frisbee trong sân trường. Xong cũng có cái gì đó đặc biệt trong thời tiết ngày hôm nay – trời lại có vẻ hửng nắng, không khí có vẻ như tĩnh lặng và trong trẻo hơn mọi hôm rất nhiều. Tuy nhiên, còn hơn mọi khi, không có con thú vật nào, tiếng chim nào trong khắp sân trường rộng lớn, nhộn nhịp người đi lại. Hôm đó tôi về phòng học bài tập đến khuya. Bất chợt, tôi nghe thấy nhiều tiếng cười nói vang lên trong hành lang, và rồi nghe tiểng cửa chính mở, tiếng chân các bạn chạy thình thịch ra ngoài. Tôi tự hỏi, có chuyện gì vậy, và đứng dậy, bước vào phòng khách của ký túc xá và ngó ra ngoài để tìm họ. Tôi không thể nào quên được cảm giác của mình lúc đó. Qua tấm kính cửa sổ, tôi nhìn thấy một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới kì diệu như trong câu chuyện cổ tích về bà chúa Tuyết của Andersen, hay thế giới lạnh lẽo của Bà Phù Thủy Trắng, trong Biên Niên Kỷ Narnia của C.S. Lewis. Nếu chỉ tưởng tượng ra một hạt tuyết thì cũng không khó lắm, nếu tưởng tượng ra khung cảnh cây cối, nhà cửa bị phủ tuyết trắng thì cũng không phải là quá khó, vì phim ảnh cũng có nhiều rồi. Song ấn tượng không phai được của giây phút đó là sự mênh mông, vô vàn và lạnh lẽo của tuyết.
Tuyết phủ trắng mọi thứ, làm biến đổi hoàn toàn khuôn viên quen thuộc của trường mấy tháng nay. Tuyết cứ rơi mãi, rơi mãi, chất dần thành đống trên mặt đất, trên mái nhà, làm uốn cành cây nặng trĩu xuống, tuyết rơi trên bệ cửa sổ, phủ đầy xe ô tô đậu trên đường. Tôi ngước đầu nhìn lên trời, như vì vô thức muốn xem cội nguồn của vô vàn những hạt tuyết trắng tinh, mỏng manh, bị thổi tung khắp nơi bởi bàn tay vô hình của những cơn gió lúc giật bên này, lúc giật bên kia.
Tôi vội mặc áo ấm, đeo găng tay và chạy xuống sân ký túc xá cùng với các bạn bè. Mọi người đều có vẻ rất phấn khởi quên cả cái rét lúc nửa đêm. Những người ở miền Bắc đã quen với bão tuyết thì phấn chấn vì mùa đông đã thực sự đến. Những người như tôi chưa bao giờ thấy bão tuyết thật sự thì vui vẻ như trẻ con, hò hét và bắt đầu nghịch ngợm với những đụn tuyết đang lớn dần lên. Tôi nhìn quanh lại khung cảnh ấy một lần nữa và chợt thấy nhớ nhà vô cùng. Tôi chợt hiểu ra sự xa lạ của môi trường quanh mình, sự cách biệt về không gian và thời gian với quê hương mình và những kỉ niệm thời thơ ấu và thiếu niên của tôi. Cái lạnh của mùa đông lúc ấy chợt thấy như lấn sâu hơn, qua hết mọi lần áo ấm của tôi, và đánh thẳng vào tim tôi. Sau này tôi trở nên quá quen thuộc với những cơn bão tuyết khó lường vùng New England, nhưng không bao giờ quên được cảm giác thoáng qua ấy.
Nguyễn Tiến Anh (Theo Internet)