Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của truyền thống Phật giáo Tây Tạng, ngài Ogyen Trinley Dorje. Ảnh: SCMP. |
Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/9 đưa tin, Norbu Dunzhub, một thành viên Ban Công tác Mặt trận thống nhất khu tự trị Tây Tạng hôm qua tham dự họp báo của chính phủ giới thiệu về tình hình Tây Tạng. Xung quanh những phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma gần đây rằng đảng Cộng sản Trung Quốc không hiểu gì về khái niệm "luân hồi" của Phật giáo Tây Tạng, quan chức này tuyên bố: "Bất kể Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nói gì và làm gì đều không thể phủ định được quyền nhận định của chính phủ trung ương về Phật sống tái sinh".
Norbu Dunzhub tuyên bố, Ban Thiền Lạt Ma mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập là bất chấp định chế lịch sử, phá hoại nghi quỹ tôn giáo là "phi pháp, vô hiệu". Về thông tin Linh đồng do Đức Đạt Lai Lạt Ma lựa chọn 20 năm trước để trở thành Ban Thiền Lạt Ma bị mất tích, quan chức này khẳng định Linh đồng này vẫn đang được đào tạo và không muốn bị bên ngoài quấy rầy.
Theo South China Morning Post ngày 6/9, trong cuộc họp báo phóng viên Reuters đã hỏi về số phận cậu bé Gendun Choekyi Nyima 20 năm trước khi mới 6 tuổi được Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ định làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 (người sẽ tìm kiếm, đào tạo và bảo vệ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viên tịch, theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng) mất tích, đại diện chính quyền Tây Tạng nói rằng: "Đứa bé đầu thai làm Ban Thiền Lạt Ma mà bạn đề cập đang được giáo dục, sống cuộc sống bình thường, lớn lên khỏe mạnh và không muốn bị quấy rầy."
Cũng theo quan chức này thì việc Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chỉ định Gendun Choekyi Nyima làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 được thực hiện "mà không có sự cho phép" của Bắc Kinh là bất hợp pháp, không hợp lệ. Tờ báo Hồng Kông lưu ý, mặc dù chính thức khẳng định vô thần, nhưng Bắc Kinh vẫn cho rằng Geundun Choekyi Nyima không phải Ban Thiền Lạt Ma thật sự.
Năm 1995 để chiếm cảm tình của người Tây Tạng, Bắc Kinh đã chỉ định Gyaltsen Norbu làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, người sẽ chọn, đào tạo và bảo vệ Đạt Lai Lạt Ma thứ 15. Tuy nhiên nhiều người dân Tây Tạng không chấp nhận và gọi Gyaltsen Norbu là "Lạt Ma giả".
Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 do Bắc Kinh chỉ định năm 1995, Gyaltsen Norbu. Ảnh: SCMP. |
Theo Reuters, ngày 16/4 năm nay Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã tuyên bố sẽ chấm dứt truyền thống tái sinh của Phật sống Tây Tạng bởi chỉ có ngài mới tự quyết định được sự tái sinh của mình trong tương lai. Chính phủ Trung Quốc mặc dù thừa nhận ngài Ogyen Trinley Dorje là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nhưng không "cho phép" ngài từ chối tái sinh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng người kế vị ông do họ chọn thông qua Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 do họ dựng lên để chia rẽ Phật giáo Tây Tạng, bởi một khi ngài qua đời sẽ có hai Đạt Lai Lạt Ma thứ 15, một là của những người Tây Tạng, hai là của chính phủ Trung Quốc.
Trong tài liệu tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc về Tây Tạng đã cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 "âm mưu đòi độc lập cho Tây Tạng", tuy nhiên ngài phủ nhận đòi hỏi độc lập. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng ngài chỉ muốn người dân Tây Tạng được tự trị theo đúng nghĩa, đúng tinh thần trung đạo.
Quân đội Trung Quốc đã tiến vào Tây Tạng năm 1950 và kết thúc hoạt động của bộ máy chính quyền tôn giáo ở Tây Tạng, thành lập bộ máy chính quyền mới của người Hán, buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và chính phủ của ngài phải sống lưu vong tại Ấn Độ.