EMagazine

Trường ĐH Phenikaa ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động thư viện

Trường ĐH Phenikaa ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động thư viện

15/04/2025 06:26
Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường ĐH Phenikaa tích cực ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thư viện với nhiều phần mềm và ứng dụng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người học.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện, góp phần khuyến khích văn hóa đọc cho sinh viên, tại Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Phenikaa, công nghệ thông tin đã được nhà trường khai thác và ứng dụng tối đa trong công tác quản lý và phục vụ người dùng.

Cùng với đó, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa để hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) năm 2025.

Ứng dụng tối đa công nghệ số, hiện đại hóa hoạt động thông tin - thư viện

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Phenikaa cho biết, Trung tâm Thông tin - Thư viện của trường là sự tích hợp giữa thư viện với công nghệ hiện đại, nhằm mang đến những dịch vụ tối ưu, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dùng.

Hệ thống quản lý thư viện tại trung tâm được tích hợp 4 phần mềm chính: thư viện điện tử, thư viện số, cổng thông tin và hệ thống tìm kiếm tập trung. Đây đều là các phần mềm back-end, đóng vai trò cốt lõi trong vận hành và quản lý thư viện, giúp nhà trường không ngừng nâng cao trải nghiệm người dùng, đặc biệt trên nền tảng di động.

“Để mang đến sự tiện lợi và hiện đại trong việc tiếp cận tài nguyên học thuật, Trường Đại học Phenikaa đã phát triển ứng dụng di động PU-LIC. Kể từ khi ra mắt vào năm 2022 đến nay, ứng dụng này đã thu hút hơn 21.000 lượt cài đặt và sử dụng, giúp người dùng dễ dàng truy cập tài liệu, học liệu, cập nhật thông báo và tương tác nhanh chóng ngay trên thiết bị di động.

Thẻ cá nhân trong ứng dụng giúp sinh viên dễ dàng tra cứu số sách đang mượn, tiền phạt (nếu có), lịch sử tìm kiếm và thông tin cá nhân. Cùng với đó là thẻ thư viện điện tử, đóng vai trò như một phương án dự phòng khi người dùng quên hoặc làm mất thẻ sinh viên, giúp việc sử dụng thư viện trở nên thuận tiện hơn.

Có thể nói, ứng dụng PU-LIC không chỉ đơn giản hóa việc quản lý tài liệu mà còn góp phần khuyến khích sinh viên chăm chỉ học tập và thúc đẩy văn hóa đọc trong môi trường đại học”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Dung cho hay.

Company Profile Presentation.png

Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Phenikaa tăng cường phát triển các phần mềm quản lý nhằm kiểm soát, đánh giá hiệu quả hoạt động và nâng cao trải nghiệm người dùng. Một trong số đó là phần mềm quản lý phòng học nhóm, được tích hợp với thẻ smart-card của sinh viên và giảng viên, cho phép đăng ký và mở cửa thông qua hệ thống quản lý thẻ và cửa ra vào thư viện.

Đồng thời, hệ thống quản lý máy tính tại khu vực máy tính chung được thiết lập với tính năng không lưu bộ nhớ, tự động reset sau 24 giờ hoặc ngay khi tắt máy. Cơ chế này không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người dùng, mà còn ngăn chặn nguy cơ nhiễm virus, đồng thời hạn chế rủi ro rò rỉ hay đánh mất thông tin cá nhân do quên đăng xuất tài khoản.

Cô Dung thông tin thêm, để đảm bảo an toàn và quản lý hiệu quả, trung tâm đã ứng dụng công nghệ RFID trên toàn bộ tài liệu lưu thông. 100% sách và tài liệu tại thư viện đều được gắn chip RFID, tích hợp với hệ thống máy trạm thủ thư, máy mượn trả tự động, cổng an ninh RFID và hệ thống khóa tủ gửi đồ thông minh. Song song với đó, trung tâm trang bị 35 camera giám sát cùng hệ thống máy chủ quản lý riêng, giúp theo dõi và đảm bảo an ninh tại tất cả khu vực bên trong thư viện.

Ngoài ra, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Phenikaa đang phát triển phần mềm DRM (quản lý tài nguyên số) theo các tiêu chuẩn mới, đảm bảo tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ, lưu thông và bảo mật. Dự kiến đến tháng 9 năm 2025, phần mềm sẽ được hoàn thiện và chính thức đưa vào sử dụng.

Company Profile Presentation (2).png

Về mặt tương tác và hỗ trợ người dùng, bên cạnh các kênh truyền thống như chat qua fanpage, email và điện thoại, Trung tâm Thông tin - Thư viện phối hợp với Công ty Cổ phần Phenikaa-X để triển khai Chatbot tự động trên toàn bộ nền tảng website và ứng dụng di động. Hệ thống này không chỉ tối ưu hóa việc trả lời các câu hỏi thường gặp mà còn tự động thu thập, cập nhật câu hỏi mới để liên tục bổ sung và cải thiện khả năng hỗ trợ người dùng.

Thông qua thư viện số, thư viện điện tử, giảng viên, sinh viên được tiếp cận với tài liệu một cách nhanh chóng, không bị giới hạn về thời gian, không gian. Nhờ tích hợp công nghệ và đồng bộ dữ liệu qua API (giao diện lập trình ứng dụng), hệ thống thư viện điện tử được kết nối chặt chẽ với các nền tảng trong hệ sinh thái ERP (phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) của nhà trường.

Điều này giúp dữ liệu sách trong thư viện được liên kết trực tiếp với hệ thống quản lý chương trình đào tạo, cho phép giảng viên dễ dàng kiểm tra xem tài liệu cần thiết có sẵn trong thư viện hay không, số lượng bản còn lại và một số thông tin liên quan.

Hơn nữa, hệ thống trên hoạt động theo thời gian thực (real-time), đảm bảo tính chính xác trong báo cáo, thống kê, hỗ trợ công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng của nhà trường một cách hiệu quả. Các tài liệu số được gắn trên hệ thống LMS của nhà trường cũng giúp sinh viên tiếp cận trực tiếp tới tài liệu của từng học phần. Đây cũng là một trong những ưu điểm lớn khi phát triển các nội dung số dành cho giảng viên và sinh viên.

Theo thống kê, trong năm 2024, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Phenikaa đã ghi nhận được những con số ấn tượng, thể hiện sự hiệu quả trong cách vận hành mô hình thư viện hiện đại, thông minh. Cụ thể, hệ thống phòng nhóm đạt 7.967 giờ phục vụ; thư viện số DLIB đạt 1.066.094 lượt truy cập; thư viện điện tử ELIB đạt 32.077 lượt mượn/trả; lượt đến phòng đọc tầng 4,5 A10 đạt 223.546 lượt.

Chú trọng phát triển văn hóa đọc trong thời đại số

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Dung, sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều hình thức đọc mới như sách nói (audio book), sách tương tác, sách 3D ứng dụng công nghệ VR và đặc biệt là sách điện tử (ebook).

Dù yêu cầu thiết bị chuyên dụng hoặc kết nối internet để sử dụng, nhưng đổi lại, độc giả có thể tiếp cận kho tàng sách phong phú, từ những tác phẩm mới xuất bản đến các tác phẩm kinh điển qua nhiều thế kỷ.

Hơn thế nữa, việc đọc sách không còn là trải nghiệm một chiều mà trở thành quá trình tương tác, nơi độc giả có thể trao đổi thông tin với tác giả, bạn bè và cộng đồng qua mạng xã hội. Việc tận dụng nhiều tiện ích công nghệ không chỉ giúp người đọc tiếp cận tri thức dễ dàng hơn mà còn góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ.

483367153_1040507574770494_4498201295953722974_n.jpg
Sự phát triển của công nghệ làm thay đổi cách tiếp cận và phương pháp đọc sách của sinh viên hiện nay. (Ảnh: NTCC)

Với công nghệ AI, người đọc có thể trải nghiệm sách một cách linh hoạt hơn nhờ khả năng đọc văn bản với nhiều giọng đọc, ngôn ngữ và dịch thuật trực tiếp. Đặc biệt, ứng dụng sách nói và công nghệ chuyển đổi văn bản thành giọng nói đã mở ra cơ hội tiếp cận tri thức cho người khiếm thị, người khuyết tật, một sự đổi mới mang tính nhân văn sâu sắc.

AI còn có khả năng thu thập dữ liệu về thói quen đọc và sở thích của người dùng, từ đó đề xuất những tài liệu liên quan hoặc gợi ý sách phù hợp, giúp mở rộng phạm vi tiếp cận tri thức và tối ưu hóa trải nghiệm đọc cho từng cá nhân.

Trong khi đó, công nghệ thực tế ảo (VR) đang mở ra một trải nghiệm hoàn toàn mới trong văn hóa đọc, giúp người dùng không chỉ đọc sách mà còn được hòa mình vào không gian trực quan, sinh động. Dù ở bất kỳ đâu, sinh viên có thể vừa đọc sách, vừa chiêm ngưỡng hình ảnh minh họa sống động, khiến việc tiếp thu nội dung trở nên hấp dẫn hơn.

“Ví dụ, hãy tưởng tượng sinh viên đang học giải phẫu sinh lý người, thay vì chỉ xem hình minh họa 2D trên sách in, người học có thể tương tác với mô hình 3D hoặc 4D, phóng to, thu nhỏ, xoay chuyển các bộ phận để quan sát chi tiết. Không chỉ đọc, người học còn có thể nghe phần mô tả và trải nghiệm nội dung một cách chân thực nhất.

Công nghệ thực tế ảo VR không chỉ giúp việc đọc trở nên thú vị mà còn nâng cao hiệu quả học tập, giúp người dùng tiếp cận tri thức một cách trực quan và sâu sắc”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Dung nhận định.

PHENIKA-279_ 192-min.jpg
Sự kết hợp linh hoạt giữa sách in và sách điện tử sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm đọc một cách toàn diện. (Ảnh: NTCC)

Để phát triển văn hóa đọc trong thời đại số, theo Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Phenikaa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức văn hóa. Việc xây dựng thói quen đọc từ nhỏ, hướng dẫn chọn lọc tài liệu chất lượng, đồng thời kết hợp linh hoạt giữa sách in và sách điện tử sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm đọc một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, thư viện số, thư viện điện tử cùng những chương trình khuyến đọc trực tuyến và chiến dịch lan tỏa văn hóa đọc trên mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy niềm yêu thích sách.

Đồng thời, những sự kiện như hội sách online, tọa đàm về sách trên nền tảng số không chỉ giúp độc giả trẻ tiếp cận kho tàng tri thức dễ dàng hơn mà còn tạo ra môi trường tương tác, khuyến khích họ tìm hiểu và duy trì thói quen đọc lâu dài.

Nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Phenikaa đã lên kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động ý nghĩa nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng sinh viên.

Mở đầu là sự phối hợp giữa nhà trường với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Tọa đàm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ”, nhằm lan tỏa, truyền cảm hứng về sự bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá bền vững dám nghĩ, dám làm, vượt qua định kiến, tình yêu với văn hoá dân tộc đến sinh viên. Tọa đàm có sự tham gia của Đạo diễn - Cựu nhà báo Nguyễn Bông Mai, tác giả cuốn sách Du khảo “Rực rỡ sắc màu trang phục, phụ nữ các dân tộc Việt Nam”.

Tiếp đó, sinh viên sẽ được tham gia chuỗi hoạt động hấp dẫn như Triển lãm “Sách và thầy cô của chúng ta” lần thứ 4, Triển lãm sách “Văn hóa bốn phương” và Cuộc thi “Cuốn sách tôi yêu năm 2025”.

Bốn Đa bảng Đám cưới Khung Ảnh Ảnh ghép In.png
Một số hoạt động được nhà trường tổ chức hằng năm để hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. (Ảnh: NTCC)

Ngoài ra, trung tâm còn hợp tác với nhiều công ty, nhà xuất bản để triển khai gian hàng giáo trình do nhà trường xuất bản và chương trình bán sách ưu đãi dành riêng cho sinh viên Trường Đại học Phenikaa.

“Những hoạt động trên được tổ chức thường niên với mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, nâng cao nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của việc đọc sách. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ khám phá tri thức mới, tiếp cận tác giả và tác phẩm đặc sắc, từ đó hình thành thói quen đọc sách lâu dài”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Dung bày tỏ.

Phương Thảo